Theo quy định của Luật pháp VN thì hiến,cấy, ghép mô các bộ phận cơ thể người hay hiến xác, chỉ ở những công dân 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự. Nhưng, danh sách những người có nhu cầu cấy, ghép mô tạng hiện nay cao gấp nhiều lần, so với số người tình nguyện hiến xác. Vì vậy, dịch vụ cung – cầu ra đời…

Các tay “cò” thường xuyên lượn lờ quanh các bệnh viện lớn tìm người mua – bán thận. Ảnh: tác giả cung cấp 

Số liệu thống kê của ngành y tế Việt Nam cho biết, hiện trong nước có khoảng 8,000 người cần ghép thận; khoảng 2,000 người cần ghép gan; 7,000 người cần ghép giác mạc và hàng ngàn người khác cần cấy ghép tế bào gốc… Song như đã nói, số người được cấy ghép hiện rất ít, do nguồn cung cấp luôn thiếu trầm trọng vì số người tự nguyện hiến mô, tạng hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ra, pháp luật quy định người hiến tặng phải cùng huyết thống hoặc có bà con họ hàng, sức khỏe tốt… mới được thực hiện càng khiến tỷ lệ hiến – ghép thành công chỉ chiếm con số nhỏ.

Vì thế, nhằm đáp ứng nhu cầu cấy, ghép tạng của bệnh nhân, một số người bất chấp các quy định pháp luật đã đứng ra tổ chức, môi giới, kết nối cung – cầu, từ đó hình thành ra những đường dây mua bán nội tạng người mà chủ yếu là mua bán thận nhằm trục lợi.

Một ngày cuối tháng 4/2022, Ðức, một bạn trẻ cộng sự của chúng tôi, vào vai người cần bán thận, đã đăng lời rao trên Zalo của một nhóm kín với nội dung: “Nam thanh niên 31 tuổi, chưa vợ, nhóm máu B, khó khăn về kinh tế cần bán thận. Không hút chích, rượu bia, đã tiêm 3 mũi Covid. Liên lạc số điện thoại 09084082…”. Chỉ sau 1 ngày đã có hàng chục tay “cò mồi” vào nhắn tin hỏi thăm: “Bạn ra Hà Nội làm được chứ?”; hoặc “Làm được Ðà Nẵng inbox!”; “Bạn ở Sài Gòn thì liên lạc ngay chúng tôi”; “Nếu qua K. bán thận giá sẽ cao hơn. Di chuyển và ăn ở chúng tôi lo giúp toàn bộ!”…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 5 năm 2023

Nhiều người nghèo dễ dàng đánh đổi thận của mình để có vài trăm triệu VNĐ. Ảnh: tác giả cung cấp

Chọn lọc những lời mời, Ðức đồng ý gặp Thanh Tân, cũng là “trưởng nhóm” Zalo này, nghe anh ta giới thiệu đang ngụ quận 4 và từng kết nối nhiều trường hợp “hoàn toàn thành công”. Sáng 6/5/2022, Tân hẹn gặp Ðức tại một quán nước vỉa hè gần bến xe Chợ Lớn. Tại đây, Tân bảo Ðức nếu chịu qua K. (tức Campuchia) bán thận, anh ta sẽ bao trọn chi phí ăn ở, đi lại. Tân còn kể cho Ðức nghe chuyện anh ta đã giúp một người trạc tuổi Ðức bán thành công một quả thận ở bệnh viện bên K. cách đây hơn năm, sau khi đi xét nghiệm sàng lọc ở Bệnh viện 115 (Sài Gòn) với mức giá 270 triệu đồng. Tân nói thêm: “Bạn ấy tên Hùng, có số điện thoại đây. Nếu không tin cứ gọi và hỏi chuyện bạn ấy sẽ biết. Nhà bạn ấy ở Tân Bình, hiện vẫn khỏe mạnh bình thường. Nếu em chịu qua K. bán, sẽ bỏ túi được số tiền ấy!”. Ðức giả bộ hỏi Tân làm cách nào dẫn dắt thành công nhiều phi vụ bán thận vậy? Tân trả lời: “Có mấy ông bác sĩ bên K. chung tay với bọn anh. Em yên tâm, làm cái này không nên nói nhiều, bởi nếu lộ ra sẽ ảnh hưởng đến đường dây làm ăn nên mọi người luôn giữ bí mật, ai làm nấy biết!”.

Xem thêm:   "Xe mù" đâu có ngán!

Vài năm qua, cảnh sát Việt Nam đã phát giác, truy xét, bắt giữ, phá vỡ khá nhiều đường dây mua bán tạng người, tập trung nhất vẫn là mua bán thận. Không chỉ Sài Gòn mà những đường dây này hệt “vòi bạch tuộc” xuất hiện khắp nước. Chẳng hạn như đường dây của Nguyễn Ðức Thắng; đường dây Trần Xuân Hiệp và Nguyễn Duy Phương; đường dây Nguyễn Việt Dũng và Ðỗ Duy Khánh; đường dây Nguyễn Quang Ðồng và Lê Hồng Hùng (tất cả đều ở Hà Nội) cầm đầu. Bắc Giang có đường dây Trần Văn Phương; Bắc Ninh có đường dây Ðào Ðức Việt và nhiều đường dây khác.

Bác sĩ lấy và ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: tác giả cung cấp

Vào đầu tháng 5/2022, tòa án Sài Gòn đưa ra xét xử công khai vụ mua bán thận “xuyên quốc gia” do Tôn Nữ Thị Huyền (47 tuổi, ngụ Ðồng Nai) cầm đầu. Cáo trạng cho biết Huyền và nhóm đồng bọn đã cấu kết, phân công tìm người muốn bán thận ở bên ngoài hoặc mạng xã hội, đưa họ đi xét nghiệm, nuôi dưỡng, đưa người sang Campuchia và đưa trở về Việt Nam, thanh toán tiền nong… Trước tòa, nhiều nhân chứng nói rằng khi đồng ý bán một quả thận, họ nhận được từ 220-250 triệu đồng. Riêng từ 2017 đến khi bị bắt, Huyền cùng các đồng phạm đã tìm được hơn 100 người đồng ý bán thận và đưa đi xét nghiệm tại nhiều bệnh viện ở Sài Gòn, Ðồng Nai, Hà Nội. Ðường dây này cũng từng đưa 20 người sang Campuchia bán thận thành công, thu lợi hàng tỷ VNÐ…

Xem thêm:   Mua bán data

Qua các phiên tòa này, một việc đáng chú ý là giới buôn bán thận hiện có một vòng tròn luẩn quẩn. Ðó là nhiều trường hợp sau khi bán thận xong, một thời gian ngắn lại trở thành “cò” mua bán thận, thậm chí trở thành “tay trùm”. Theo lời khai của họ, sau khi trực tiếp tham gia, thông thuộc phương cách thì họ nhận thấy chuyện mua bán thận cũng đơn giản mà dễ kiếm tiền. Ví dụ trường hợp Nguyễn Ðức Thắng (33 tuổi, Hà Nội). Vào tháng 1/2018, do cần tiền, anh ta đồng ý bán một quả thận của mình cho nhóm môi giới giá 250 triệu VNÐ. Nằm nhà dưỡng bệnh ít lâu, Thắng quyết định gia nhập đội ngũ mua bán thận và dần trở thành “tay trùm” thực thụ. Công việc của Thắng là tìm người có nhu cầu bán thận ở mọi nơi, sau đó đưa về một chỗ tạm tá túc trong khi chờ kết nối với những người có nhu cầu qua thăm dò từ các bệnh viện có thực hiện cấy ghép thận để cung cấp và ăn chênh lệch. Mỗi quả thận môi giới thành công, Thắng hưởng phần tiền chênh lệch từ 25-30%.

Với những người nghèo, quả thật con số 200-300 triệu VNÐ là số tiền khá lớn và thực sự ở Việt Nam đã và đang tồn tại một thị trường chợ đen mua bán nội tạng người với nhiều mánh khóe, ngày càng tinh vi không dễ dàng dẹp bỏ được!

Một vài đường dây môi giới mua bán thận đã “xộ khám”. Ảnh: tác giả cung cấp

NS