“Cò nhà đất” là cụm từ để chỉ những người làm việc như một người trung gian trong thị trường bất động sản. Họ giúp nối kết người mua và người bán.

Quảng cáo bán nhà đất với giá thấp hơn giá thị trường
Ðối với người mua, họ cung cấp thông tin chi tiết về các bất động sản có sẵn. Ngược lại, đối với người bán, họ có cơ hội nhanh chóng tìm được người mua mà không cần tìm kiếm khách hàng bằng cách riêng. Tuy vậy nhiều người đã bị lừa đảo vì nghe theo thông tin sai lệch về những bất động sản của “Cò nhà đất”. Vì thế, ở Việt Nam khi nghe cụm từ “Cò nhà đất” nhiều người thường thiếu tin tưởng, tránh xa, thậm chí coi là người lừa đảo.
Với những ai quan tâm thị trường bất động sản ở Việt Nam, sẽ không lạ những cơn sốt đất xuất hiện ở nhiều khu vực trên khắp cả nước. Trong khi đó những lời đồn thổi về mức lời cao đến hàng trăm triệu VNĐ của những người đầu tư bất động sản đã khiến nhiều người lao vào lĩnh vực này, kẻ có vốn thì trở thành nhà đầu tư, người không vốn thì làm “Cò nhà đất”.
Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều người nhanh chóng “đổi đời” từ công việc này, nhất là những người có tài ăn nói. Thậm chí không ít người có nghề nghiệp chuyên môn cao, lương bổng ổn định vẫn sẵn sàng bỏ luôn nghề chính để đi làm “Cò nhà đất”.

Các “Cò nhà đất” chờ đợi “con mồi”
Thắng (46 tuổi, Thủ Đức), kỹ sư, từng làm việc cho một công ty của Nhật Bản hơn 10 năm. Cuối năm 2019 anh xin nghỉ, đi làm “Cò nhà đất”. Anh ta nói: “Cứ mỗi giao dịch thành công tôi được trả phí 2-3% giá trị nhà đất,tương đương cả năm thu nhập ngày trước. Đấy là chưa tính việc nếu ôm được đất, nhiều khi chỉ vài tuần lễ sang tay đã lời cả tỷ bạc. Trong khi lương công chức làm cả đời cũng không dư được vậy!”.
Tuy nhiên có không ít “Cò nhà đất” dùng nhiều cách để lừa gạt, đặc biệt là với những người không mấy am tường pháp lý về mua bán nhà đất. Dưới đây là một số mánh lới thường dùng của họ:
– Lừa đảo mua bán qua vi bằng: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người về hình thức vi bằng, “Cò nhà đất lừa gạt” tìm cách bán cho họ những mảnh đất thiếu pháp lý, phân lô trái phép. Hợp đồng mua bán thường là giấy viết tay với lời cam kết “đất đã có vi bằng”.

Đưa khách đi xem đất thực địa
Thực ra vi bằng không phải là một loại hợp đồng pháp lý chính thức trong mua bán nhà đất mà chỉ là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định.
– Chiếm dụng tiền cọc: “Cò nhà đất lừa gạt” dùng nhiều phương cách tiếp cận (điện thoại trực tiếp hoặc qua mạng xã hội) mời mọc, đưa đón khách đi xem đất tận nơi, nhưng thực ra đây chỉ là đất quy hoạch cho công trình công cộng hoặc chưa có giấy phép mua bán. Các dự án kiểu này thường được lên bản vẽ phân lô, quy hoạch bài bản, nhiều tiện ích, vị trí đắc địa và có mức giá thấp hơn hẳn giá thị trường. Nhiều khi họ đứng ra tổ chức các sự kiện đưa khách đi xem thực tế, rồi tạo cảnh người chen lấn mua bán, khiến các khách hàng (thật) không vững lòng dễ dàng sập bẫy.
– Bán cùng lúc cho nhiều người: Đầu tiên, để tạo sự thu hút và niềm tin của khách, họ sẽ đăng tin rao bán nhà đất với mức giá thấp hơn so với thị trường, cho xem giấy tờ hợp pháp… Sau khi tiếp cận khách, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra nhiều lý do để dụ dỗ khách đặt cọc hoặc giao tiền trước một phần mà chỉ viết giấy tay cam kết. Cũng hình thức này, chúng tiếp tục dùng bất động sản này để lừa tiếp nhiều người khác, và sau đó sẽ nhanh chân ôm tiền cao chạy xa bay.

Ký hợp đồng mua bán bất động sản
– Dùng giấy tờ giả, sổ giả: Hình thức này nhằm vào người mua lẫn bán. Với người bán, kẻ lừa đảo, họ sẽ đóng vai người mua nhà đất và cần xem sổ, từ đó chúng thu thập các thông tin từ sổ thật. Tiếp theo, chúng lợi dụng các thông tin này để làm ra sổ giả. Những lần gặp tiếp theo, chúng sẽ tìm cách tráo đổi giữa sổ giả và sổ thật. Với người mua, kẻ lừa đảo có thể đóng vai là chủ đất hoặc là người được ủy quyền. Chúng sẽ chủ động làm nhiều bộ hồ sơ, giấy tờ giả để bán bất động sản này cùng lúc cho nhiều người.
– Lừa đảo mua đất vườn, đất ruộng… hứa nhanh chóng lên thổ cư: Là trường hợp người mua đất để xây nhà nhưng bị kẻ gian manh lừa mua đất vườn, đất ruộng với cam kết đất sẽ chuyển đổi thành thổ cư trong vài tháng sau khi ký hợp đồng. Tuy nhiên sau khi được thanh toán từ hơn 80% giá trị lô đất nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng sổ thổ cư đâu, không được cấp phép xây dựng, chủ đất bỏ trốn khiến người mua đành “ôm” mãi miếng đất ấy mà không bán lại được cho ai.
– Thả con săn sắt bắt con cá rô: “Cò nhà đất lừa gạt” cam kết người mua chỉ cần đặt cọc và chưa cần phải ghi tên trong hợp đồng nhưng chỉ vài tuần sau nhất định có lãi. Khi khách hàng đặt tiền cọc, khoảng một tháng, kẻ lừa đảo sẽ thông báo với người mua rằng đang có người muốn mua lại bất động sản ấy với giá chênh lệch vài chục triệu VNĐ (thực chất là khoản tiền do cò tự bỏ ra). Sau khi khách hàng đồng ý bán, thu lời và tạm tin tưởng, cò lại dụ dỗ họ mua thêm những bất động sản khác với giá cao hơn. Khi đó, cò sẽ vào hợp đồng và yêu cầu người mua thanh toán tiền. Tuy nhiên, sau khi khách hàng thanh toán đủ tiền, cò sẽ “phủi tay”, nói rằng lời lỗ do khách hàng tự chịu!

Nhà đất có vi bằng vẫn chưa đủ pháp lý sở hữu
NS