Trông chờ cho đến tuổi bảy mươi lăm, họ chỉ trông đến bảy lăm để được hưởng 5 trăm ngàn đồng mỗi tháng, dầu món tiền từ chính sách mới chẳng thấm béo vào đâu…

Làm ruộng, nghề của những người già hiện tại bởi giới trẻ chẳng ai chọn xuống ruộng
Nỗi lòng không hưu
Gần đây, người ta hay nói đến AI và những vấn đề có tính “đuổi bắt” giữa con người với trí tuệ nhân tạo để tránh nguy cơ thất nghiệp. Nhưng với những người không có tuổi hưu, hình như câu chuyện ấy đã xảy ra từ vài mươi năm trước, vì phần đông họ chỉ biết đọc, biết viết, biết ký tên và biết đếm tiền, cộng trừ số tiền chi tiêu hằng ngày là mừng rồi.
Tôi nhớ cách đây chừng 10 năm, gần nhà tôi có một người tên Lương, ông này đúng với cái tên của mình, hiền hậu, chân chất… nhưng vì không biết chữ nên đời ông khổ. Ông nuôi một con heo làm vốn, tính khi heo đủ lớn sẽ bán con heo, mua bò. Thế rồi con heo lớn, người ta đến hỏi mua với giá khá là cao, vậy là ông Lương gật đầu.
Bán heo xong thì hỡi ôi, cả gia đình ông mất ăn mất ngủ, vì 2 triệu đồng mà người ta đưa cho ông là một đống tiền lẻ, con gái ông đếm đi đếm lại chưa tới 7 trăm ngàn đồng. Vậy là kế hoạch nuôi bò dưỡng già, một kiểu hưu trí của người nghèo của ông Lương bị phá sản. Ông Lương đau đớn đến đổ bệnh.

Chỉ mong có vài đồng đắp đổi qua ngày, còn ngồi bán được là vui rồi
Bà Bướm, người bán trầu cau trên chợ đầu làng, năm nay bước sang tuổi 80, tâm sự với tôi chuyện của bà:
– Ban đầu bà nghĩ rằng thôi thì sang 80 nghỉ hưu cho nó phẻ. Nhưng có phẻ được, phải làm tiếp.
– Bà có được truy lĩnh tiền của 5 năm kể từ 75 tuổi không bà?
– Không có con ơi, nhà nước họ hạ độ tuổi thì người dân được nhờ, còn mình trước đó chưa được hạ tuổi nên mình không được nhờ.

Ngấp nghé 70 tuổi, người đàn ông này dựa vào một chiếc xe bán thức ăn nuôi 2 đứa con học đến tiến sĩ
– Mỗi tháng bà nhận được bao nhiêu?
– Mỗi tháng 5 trăm ngàn đồng, đủ mua gạo, mắm, dầu ăn con à, có dư chút đỉnh để mua nửa ký thịt heo, những ngày khác, mình có sẵn gạo, mắm, dầu ăn rồi, chịu khó ra chợ ngồi bán buôn trầu cau để kiếm ít đồng mua thêm con cá, miếng thịt.
– Các con cháu nhà có nói gì khi bà ra bán ngoài chợ vậy không?
– Con bà cũng khổ nên bà mới ra ngồi đây, chứ tụi nó giàu có một chút thì mình nhờ. Bà còn sắm cho mấy đứa nhỏ cây viết, cuốn tập. Tụi con của bà cũng khổ, nó thất nghiệp liên miên, từ hồi dịch tới giờ!

Phụ hồ đâu có tuổi hưu!
– Trung bình một tháng, bà chi tiêu chừng bao nhiêu?
– Chừng hơn triệu đồng (tương đương 0.35USD), có tháng thì gần 2 triệu vì cưới hỏi, tang chay của xóm làng.
– Có bao giờ bà nghĩ đến chuyện bán đất để chi tiêu thêm không?
– Có mà không được, một phần vì để cho tụi nhỏ nó ở, phần khác là đất trong diện quy hoạch chờ, chưa biết đến bao giờ nhà nước mới thu hồi đền bù…

Bán thức ăn trước cổng trường, nghề của nhiều người quá tuổi lao động nặng, chọn
Cảnh quê lên phố
Thời gian gần đây, hầu hết các vùng quê đều nỗ lực để lên thành phố, mà nói chính xác hơn là chính quyền địa phương nỗ lực. Bởi khi quê được xét lên thành phố, tức xã được xét lên phường, quận được xét lên thị xã thì cơ quan địa phương sẽ được rất nhiều mối lợi. Một phần lợi từ bên trên đổ xuống để xây dựng cơ sở hạ tầng, mỗi cơ sở hạ tầng là một cơ hội để chia chác, chấm mút. Phần khác, mỗi năm thu về một số tiền thuế khổng lồ từ người dân.

Ngày qua ngày, còn sức là còn cày
Người nông dân chân lấm tay bùn lâu nay vốn dựa vào mảnh ruộng, con gà, con vịt, đùng cái bị đánh thuế phủ đầu, như trường hợp ông Đồng ở Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, lâu nay đất của ông vốn là đất vườn để trồng rau củ quả các loại, đất nhiều đời để lại, ông là người thừa kế. Năm 2010, ông có bán một thửa đất để người ta làm nhà, vậy là theo luật lúc đó, toàn bộ đất của ông muốn bán thì phải chuyển sang diện đất ở hoàn toàn. Và ông chuyển sang đất ở để bán. Sau đó tiếp tục canh tác. Khi xã lên phường, ông Đồng phải đóng mỗi năm gần 10 triệu đồng tiền thuế, con số quá lớn đối với một người quanh năm suốt tháng đi làm thuê như ông.

Đến vườn mua chuối, về ủ chín, mang ra đầu làng bán, công việc mấy chục năm qua của một người không có tuổi hưu.
Khi nghe ông than thở, cán bộ xã bảo ông như vậy là quá sướng vì đất của ông nếu bán sẽ có hàng chục tỉ. Nghiệt nỗi, đất một khi lên diện đô thị thì bị quản lý quá chặt, và việc đầu tiên của việc này là đặt nó vào tình trạng đang quy hoạch. Một khi đất bị đặt vào diện quy hoạch thì có xây cái chuồng heo để nuôi cũng không được, huống chi bán.
Tình trạng người già không có hưu như ông Đồng, bà Bướm nhiều vô kể. Và khi những góc quê được đôn lên thành đất thành phố, dường như những người không tuổi hưu là chịu trận nặng nhất, họ trở nên khó khăn hơn với các khoản tiền thuế, từ thuế đền ơn đáp nghĩa, thuế môi trường… cho đến thuế đất. Dường như đụng đâu cũng thấy tốn, chỉ có cán bộ ở địa phương là giàu.

Xấp xỉ 80, cái tuổi còn bươn bả kiếm cơm không hiếm gặp ở Việt Nam.
UC