Cách nay ít lâu, chúng tôi nghe thông tin ở Hà Nội có người rao bán thịt hổ với giá 6 triệu VND/kg. Người bán cho biết, nếu khách muốn mua (ít nhất 10kg), phải đặt cọc trước 50% số tiền, khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày sau sẽ có “hàng”. Tương tự, tại một quán cà phê trên đường Cộng Hòa (Tân Bình, Sài Gòn), chúng tôi tiếp xúc một phụ nữ tên L (ngụ Lâm Đồng), chuyên mua bán da thú quý hiếm. Bà cho biết hiện đang có 1 bộ da hổ nguyên vẹn, dài gần 2.4m và rao bán giá 200 triệu VND. Không chỉ có da, thịt hổ mà những món khác như răng, móng vuốt, đặc biệt là cao hổ cốt cũng có mức giá không rẻ.

Hổ trong tự nhiên. Ảnh: tác giả cung cấp 

Ông Kh., chủ một công ty sản xuất cao… ngựa ở Củ Chi cho biết: “Tôi chỉ sản xuất cao ngựa. Ðó là chất can xi chiết xuất trong nước xương cô đặc lại thành cao. Trường hợp cao hổ cũng vậy. Cao hổ làm bằng cách cô đặc xương hổ kết hợp gạc nai, mai rùa và phụ gia. Ví dụ con hổ 3 tạ thời giá 1.5 tỷ VND, lấy được khoảng 30-32 kg xương các loại. Số tiền này cộng chi phí mua gạc nai, mai rùa và phụ gia có tổng chi chừng 1.6 tỷ VND. Khi hoàn thành lấy được 45-50 lạng cao. Lấy số tiền 1.6 tỷ VND chia cho 50 lạng (tối đa) ra giá thành 32 triệu VND/lạng. Trong khi đó thị trường tràn lan những người rao bán cao hổ, giá chỉ 10-20-25 triệu VND/lạng (có khi còn thấp hơn) chắc chắn là đồ dỏm”.

Như đã nói, với nguồn lợi lớn từ hổ, nên thời gian qua “chúa sơn lâm” luôn bị con người ráo riết săn lùng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ðược biết trước kia, hổ sống nhiều trên khắp thế giới, khoảng 100,000 con trong tự nhiên, song đến năm 2010, chỉ còn hơn 3,500 con.

Hổ trong các khu bảo tồn. Ảnh: tác giả cung cấp

Năm 2016, Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ diễn ra tại Saint Petersburg (Nga) với sự hiện diện của các nước có hổ gồm Nga, Bangladesh, Bhutan, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nepal, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại đây, người ta lên tiếng báo động sự giảm sút nghiêm trọng số lượng hổ trong một thế kỷ qua và cam kết nhân đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022 (gọi là mục tiêu Tx2). Ðồng thời ngày 29/7 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế bảo tồn Hổ nhằm lưu ý tình trạng báo động đỏ của loài vật này.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Riêng tại Việt Nam, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011 cho biết, số lượng hổ hoang dã chỉ còn khoảng 27-47 con, chủ yếu được nuôi nhốt tại 24 khu bảo tồn như Mường Nhé (Ðiện Biên), Pù Mát (Nghệ An), Sốp Cộp (Sơn La), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Sông Tranh (Quảng Nam), Chư Mom Ray (Kon-Tum), Yok Ðôn (Ðak-Lak)… Năm 2015, thống kê từ Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cho biết số lượng hổ hoang dã ở Việt Nam chỉ còn dưới 5 con nhưng người ta cũng không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào về sự tồn tại thực sự của chúng (?). Tại tọa đàm “Kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức cuối tháng 8-2021 tại Hà Nội, ông Vương Tiến Mạnh (Cơ quan Quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp – CITES Việt Nam) cho biết: “Từ hơn 20 năm qua, rất hiếm nghe ai nói về chuyện săn bắt hổ hay từng nhìn thấy con hổ nào trong tự nhiên. Hoặc sau 1975 tới nay cũng rất ít thông tin về hổ. Thỉnh thoảng có phát hiện các vụ vận chuyển, tàng trữ hổ trái phép nhưng phần lớn những con hổ này đều nhập lậu từ nước ngoài, không phải giống hổ có nguồn gốc Việt Nam”.

Hổ nuôi nhốt trái phép trong những căn hầm/ chuồng chật chội. Ảnh: tác giả cung cấp

Hầu hết các chuyên gia cho rằng hổ Việt Nam đối mặt nguy cơ tuyệt chủng do 2 nguyên nhân chính là bị săn bắt và mất môi trường sống. Ðộ che phủ rừng ở Việt Nam giảm sút nghiêm trọng trong 50 năm qua, chỉ còn dưới 20% diện tích đất đai được rừng che phủ, nghĩa là môi trường sống của loài hổ đang bị thu hẹp mạnh. Ðáng lưu ý, giai đoạn từ 2000-2020, các bộ phận cơ thể của hổ (tương đương khoảng 1,118 con) bị nhà chức trách thu giữ tại một số nước Ðông Nam Á, cùng khoảng 8,000 con hổ đang bị cá nhân nuôi nhốt ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam (trong đó, có khoảng 300 con được đăng bạ và chừng 100 con khác không được kiểm soát).

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Tháng 8-2021, nhà chức trách Việt Nam tiến hành tịch thu 17 con hổ nuôi nhốt tại hai gia đình dân ở xã Ðô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) và trước đó là vụ tịch thu 7 con hổ con đang trên đường vận chuyển trái phép từ Hà Tĩnh đưa đi tiêu thụ. Các chủ “hàng” khai, để tránh bị phát hiện, họ mua những con hổ này từ Lào mang về khi còn nhỏ. Sau đó xây dựng hầm kín trong khuôn viên nhà, trung bình mỗi hầm diện tích từ 80 – 120m2 để nuôi nhốt. Lúc bị bắt, mỗi con hổ này có trọng lượng từ 200 – 265kg. Báo cáo tội phạm động vật hoang dã năm 2020 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định: “Hổ nuôi nhốt ở Việt Nam (và Trung Quốc) thường được sử dụng tiêu thụ nội địa bất hợp pháp”. Báo cáo nghiên cứu của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) chỉ riêng năm 2019, cho thấy có đến 58% số hổ bị thu giữ ở Thái Lan và 30% số hổ bị thu giữ ở Việt Nam được xác định do các cá nhân nuôi nhốt trái phép.

Nhà chức trách bắt giữ quả tang một cá nhân nuôi nhốt hổ trái phép. Ảnh: tác giả cung cấp

Bà Bùi Thị Hà (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên – ENV) cho hay: “Số vụ vi phạm liên quan việc buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có xu hướng tăng từ 182 vụ năm 2016 lên 235 vụ năm 2019 và 390 vụ vào năm 2020. Tuy đã có những bản án nghiêm khắc với các tội phạm liên quan đến hổ nhưng với nguồn lợi quá lớn, những vụ việc kiểu này vẫn không giảm trong nhiều năm qua”.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Xem ra, “chúa sơn lâm” ở Việt Nam có nguy cơ chỉ còn trong các… câu chuyện kể!

NS