Từ rất nhiều năm nay, Giáng Sinh không chỉ dành riêng cho người theo Công giáo mà còn là ngày vui của tất cả mọi người. Không cần đúng hôm 25 tháng 12 mà trước đó, khi nhà nhà – dù chẳng ai bảo ai – đồng loạt vang lên những bài hát mừng Noel thì ngoài đường từng dòng người kéo nhau đi lễ nhà thờ hoặc đi chơi đã tưng bừng, náo nhiệt. Hòa cùng không khí lễ hội, bọn tội phạm cũng lợi dụng việc tập trung đông người để thực hiện hành vi giật dọc, trộm cắp tài sản, rộ lên là các băng nhóm “hai ngón”.

Chôm chỉa rộ lên trong mùa Giáng Sinh.    

Hiện nay khi đã vào mùa Giáng Sinh, tại hầu hết các quận huyện Sài Gòn nhất là những nơi tọa lạc các nhà thờ hoặc có đông bà con Công giáo khắp nơi đều đã giăng đèn kết hoa rực rỡ chờ đón ngày lễ chính. Từ chiều tối trở đi, người dân kéo nhau ra vui chơi rất đông. Tuy nhiên điều này khiến họ vô tình trở thành món mồi ngon cho bọn “chôm chỉa”.

Cũng ở những nơi này, xem ra nạn “chôm chỉa” đang biến tướng theo xu hướng băng nhóm. Ông Hòa, bán tạp hóa ở chợ Tân Ðịnh (quận 1) gần nhà thờ Tân Ðịnh cho biết: “Tui sống ở đây mấy chục năm, đám lưu manh quen lạ nào bén mảng tới là biết liền. Cách nay vài hôm có một đám bên công viên LVT kéo qua “canh me” kiếm ăn dịp Giáng Sinh này. Nhóm chúng có 8-9 đứa, do thằng Minh “móm” cầm đầu. Bọn nó thường sắm vai những cặp đôi, gia đình… cố ý đi lẫn vào các đám đông rồi tạo tình huống lộn xộn để đồng bọn tìm cơ hội bấm dây chuyền, bông tai, móc ví, giật điện thoại…sau đó chuyền tay nhau cất giấu. Vì thủ đoạn này mà nhiều khi nạn nhân dù có bắt được kẻ trộm nhưng cũng khó lấy lại tài sản mất cắp vì thiếu bằng chứng!”.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Anh Dũng, thành viên một đội “hiệp sĩ đường phố” (là dân thường nhưng hay ra tay giúp người cô thế) ở Thủ Ðức, nói: “Cứ mấy dịp lễ lạt lớn là bọn chôm chỉa xuất hiện nhiều lắm. Ða phần chúng đều có tiền án tiền sự nên rất lọc lõi, ranh ma. Nghe người dân quanh các nhà thờ xóm đạo Tam Hà này cho biết đang xuất hiện nhiều kẻ khả nghi. Thường, chúng đi thành nhóm 5-7 đứa với những đặc điểm như mặc áo khoác, áo dài tay, đội nón, mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang kín mặt nhằm dễ bề “tung chiêu”. Khi nhắm được “con mồi” là những người đeo túi xách trên người hoặc bỏ ví, điện thoại túi quần, chúng không ra tay ngay mà bày trò dàn cảnh tạo ra những va chạm vào nơi nghi ngờ chứa tài sản để thử phản ứng nạn nhân. Nếu thấy ngon ăn, một hai tên đi trước sẽ vờ chen lấn để đánh lừa cảm giác nạn nhân để những tên đi sau trổ tài “diệu thủ”!

Chị Phương, chủ tiệm tạp hóa gần chợ Thủ Ðức, kể: “Cách nay ít hôm, chính mắt tôi chứng kiến 2 cô gái chở nhau bằng xe máy đi chơi Noel. Khi tới gần nhà thờ Thủ Ðức, có hai thằng mặc áo chim cò đi xe Dream cũ bất ngờ chặn đầu xe phía trước của hai cô gái nọ nhằm tạo ra sự cố. Lúc này thằng ngồi sau vờ đưa chân vào cạnh bánh xe trước của 2 cô gái kia rồi la ầm lên, làm như không thể rút chân ra được để nạn nhân phân tâm. Thế là thằng ngồi trước liền áp sát, thò tay vào túi quần nạn nhân để “khoắng” tài sản! Tôi còn biết có trường hợp khi bị nạn nhân phản kháng, bọn chúng lập tức hô hoán, vu khống rằng nạn nhân chính là kẻ cướp chồng, vợ hoặc do đánh ghen…nhầm rồi nhanh chân tẩu thoát để tránh bị vây bắt”

Tụ tập đông người nhân dịp Giáng sinh là “món mồi ngon” cho bọn chôm chỉa

Càng ngày xem ra bọn chôm chỉa càng lộng hành một cách tinh vi và táo bạo. Trước kia, chúng thường hành nghề nhỏ lẻ nhưng thời gian gần đây có xu hướng hoạt động kiểu băng nhóm chuyên nghiệp, có khi tập hợp cả chục tên, sống  rải rác khắp Sài Gòn. Ở một số nơi người dân còn nghe biết cả “danh tiếng” của bọn này như băng Dũng “bác hồ” khu nhà thờ Huyện Sĩ (quận 1), băng Phúc “cùi” Tôn Ðản (quận 4), băng Hằng “bùa” chợ An Ðông, băng Việt “chín ngón” chợ đầu mối Thủ Ðức…cùng nhiều băng nhóm khác cát cứ quanh các nhà thờ, chùa chiền, siêu thị, công viên Tao Ðàn, Gia Ðịnh, 23/9, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng, các bến xe khách, bến tàu lửa, sân bay Tân Sơn Nhất…khiến người dân đi lễ nhà thờ, đi chơi cuối năm hết sức lo lắng.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Trước vấn nạn “chôm chỉa” trên đường phố liên tục diễn ra, điều quan trọng hơn là mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho chính bản thân mình. Cụ thể như khi đến các nơi lễ hội đông đúc không nên đeo nhiều trang sức hoặc để sơ hở tài sản như bỏ, tiền bạctúi quần sau, đeo ba lô, giỏ xách phía sau, đeo bông tai, dây chuyền, bỏ điện thoại trong ví ngang hông…bởi đó là những điều kiện tuyệt vời dành cho bọn móc túi. Trường hợp bị trộm cắp tài sản nên la lớn, nắm chặt ngay tay kẻ nghi vấn, đề nghị người đứng gần nhất nhìn thấy sự việc để làm chứng và nhờ lực lượng bảo vệ, dân phòng, cảnh sát…can thiệp. Khi đi xe máy trên đường cũng không nên đeo túi xách bên vai hoặc máng, treo trên xe. Nếu mang túi xách nên bỏ trong cốp xe hoặc ràng buộc chắc chắn. Không dùng điện thoại khi đang đi trên đường. Nếu buộc phải sử dụng thì nên đậu xe bên lề đường và chú ý quan sát chung quanh. Nếu bị cướp giật thì bình tĩnh tri hô để người khác hỗ trợ truy bắt kẻ gian, quan sát ghi nhớ đặc điểm của đối tượng, biển số xe và loại xe mà đối tượng sử dụng để báo cáo cho cảnh sát. Chỉ có vậy bọn gian manh mới không có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội và mọi người chúng ta sẽ đón chào được mùa Giáng Sinh hạnh phúc và một năm mới 2023 thực sự yên bình!

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Một số tay “diệu thủ” bị bắt

NS