Theo thống kê của NapoleonCat, tính tới cuối năm 2021, Việt Nam có hơn 78.5 triệu tài khoản Facebook, 22 triệu tài khoản Youtube và chừng 34 triệu tài khoản Tiktok, chưa kể ở các mạng xã hội (MXH) khác.

Với số lượng này, cuộc đua giành view và like của các chủ tài khoản xem ra rất khốc liệt. Lý do bởi điều này còn ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế, doanh số bán hàng (online) hay khoản thu nhập từ chia chác tiền quảng cáo của nhà mạng (như Youtube) hoặc được “nổi tiếng”… Tuy nhiên khi càng có quá nhiều các clip mang nội dung phản cảm như đưa tin giả (fake), biểu diễn ăn thịt sống, ăn sâu bọ, ăn nhiều trứng lộn, tự cắt tay cho máu chảy, đứng dựa đầu vào cột rồi nhún nhảy, huơ chân múa tay cạnh máy bay đang hoạt động, ngồi trên băng chuyền hành lý hàng không…lại cho thấy sự méo mó trong nhận thức của một thành phần người dùng mạng xã hội (MXH) mà phần đông là lớp trẻ.

Ăn đuông dừa còn sống

Sẽ không ai phủ nhận những lợi ích của các MXH trong kết nối xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên với trào lưu “câu like, câu view” bằng mọi giá lại gây tác động tiêu cực tới cộng đồng hơn là mặt có lợi. Trước đây những người chơi MXH cũng có xu hướng câu like nhưng tính chất đơn giản, dễ thương như khoe quần áo đẹp, xe đẹp, món ăn ngon, nhà cửa sang trọng, ảnh selfie, ảnh du lịch…Còn bây giờ một số những người làm công việc sáng tạo nội dung lại chọn đường đi ngắn nhất của họ là đưa vào các clip những thứ đôi khi rất lố bịch, điên rồ, càng không giống ai càng tốt cũng như bất chấp mọi giá trị để “câu like, câu view” cho thật nhiều người quan tâm, sớm biết đến tên tuổi mình.

Ăn cùng lúc 60 trứng vịt lộn

Chẳng hạn VN gần đây rộ lên hình thức câu like bằng lời tự thách đố “đủ like là làm”. Một bạn đăng status “Có đủ 40,000 like sẽ dùng xăng tự thiêu”. Một người khác: “Ðủ 60,000 like, 15,000 share sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông giữa trời lạnh giá”. Một nữ sinh tuyên bố: “7,000 like, 777 share sẽ không mặc gì chạy quanh phố xá Sài Gòn”. “Sốc” hơn, một nữ sinh trung học hứa: “Ðủ 1,000 like sẽ châm lửa đốt trường!”. Ban đầu cứ tưởng chỉ đùa cho vui hay ít ra sẽ nhận được những lời can gián, song nào ngờ cộng đồng mạng xúm vào like, chia sẻ quá…nhiệt tình, thậm chí trong các “comment” còn có lời thúc ép, gây áp lực để người câu like phải thực hiện bằng được điều đã hứa và nhanh chóng quay clip đăng lên MXH cho mọi người cùng xem!

Đủ like là… đốt xe máy

Có thể nhận ra những gì từ trào lưu này? Trước hết là sự lệch lạc trong suy nghĩ của không ít bạn trẻ. Nhiều bạn muốn được “nổi tiếng” (dù là “ảo”) thật nhanh nên có những người sẵn sàng chỉ vì mấy ngàn lượt like mà làm liều, đánh đổi cả danh dự, lòng tự trọng, sự nguy hiểm đến tính mạng bản thân hoặc vi phạm pháp luật. Còn với đám đông vô tâm, bấm like không chỉ nhằm ủng hộ mà còn châm dầu vào lửa để “coi mày làm thế nào”, “có dám giữ lời hứa không?”. Những trào lưu kiểu này đang ngày càng biến tướng, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, lối sống của giới trẻ.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Ðiều đáng nói nữa là rất nhiều clip mang nội dung nhảm nhí khiến người dùng MXH, nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ không khỏi lo lắng. Anh Lê Văn Dũng (Thủ Ðức) bày tỏ: “Những người làm clip cứ thấy có nhiều like, nhiều share là làm và đăng mà không nghĩ đến hậu quả. Thậm chí để thu hút người xem, họ làm những clip với hình ảnh và ngôn ngữ vô cùng thô tục! Bọn trẻ con hàng ngày cứ xem, nghe và bắt chước toàn thứ bậy bạ!”.

Múa may cạnh máy bay đang hoạt động

Bà Thu Hiền, giảng viên khoa Tâm lý Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật ở Sài Gòn nói với chúng tôi: “Có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự vô bổ, phản cảm ngập tràn trên MXH như hiện nay. Những thử thách quái gở nguy hiểm đến tính mạng, clip bạo lực nhuốm màu giang hồ, hình ảnh, ngôn từ phản cảm… lại được chia sẻ rất tích cực dần dà nó quay qua điều khiển cả ý thức, hành động, thói quen của giới trẻ. Ngoài ra đây còn là nguyên do dẫn đến những hành động lệch lạc của giới trẻ xuất phát từ việc “ăn theo” các trào lưu trên mạng. Bởi vì khi thấy một cá nhân nào đó thực hiện và nhận được quá nhiều like thì bản thân các em cũng mong muốn điều tương tự!”.

Một youtuber bị tóm lên phường vì đăng tin “fake”

Ông Sơn, một chuyên gia tâm lý khác nhận xét: “Trên MXH, có lẽ chính chúng đang tự tạo ra một làn sóng thông tin bẩn nhấn chìm chính chúng ta. Những người dùng thông thái luôn có quyền trong việc không đọc, không xem, không chia sẻ các nội dung xấu, độc hại thì chắc chắn nó không thể tạo thêm những vấn đề đó nữa. Ðã có không ít bạn trẻ chỉ vì những cảm xúc nhất thời mà trở nên thiếu cân nhắc về hệ quả hành vi, thiếu khả năng thấu cảm đặt mình vào vị trí người khác. Cạnh đó, giữa thời đại “bão tin” hiện nay, dễ thấy cộng đồng mạng cũng có quá ít thời gian để xác minh nên có khi chính họ vô tình tiếp sức thổi bùng lên thêm những thông tin tiêu cực…Trong lúc xã hội hiện đại ngày càng yêu cầu năng lực làm việc, phẩm chất đào tạo ngày càng cao, thì ở VN, số lượng thanh thiếu niên “chém gió câu view” trên MXH xem ra ngày càng nhiều. Sẽ rất nguy hiểm khi một thế hệ luôn hoang tưởng về quyền lực “ảo” của mình. Và khi giá trị chất xám thực sự không có, họ cũng không thể bắt tay trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có ích cho xã hội mà chỉ với trò giật sốc câu view nếu có “nổi tiếng” cũng là nhất thời, còn sau đó lại chìm nghỉm hoặc đôi khi rước họa vào bản thân mình lúc nào không hay!”.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

NS