Sau nhiều lần tăng lương nhưng đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) vẫn còn quá khó khăn. Nhất là CNLĐ ở các thành phố lớn! Bởi lương mới rục rịch…tăng thì giá đã … vọt lên trời!
Dốc hết sức …
Sau dịch COVID-19, đời sống CNLĐ cả nước gặp vô vàn khó khăn. Thu nhập không đủ trang trải cho các chi phí sinh hoạt thường ngày. Từ tiền thuê phòng trọ, tiền điện nước đến tiền xăng xe đi lại cho cá nhân, tiền ăn học cho con cái…thúc bách. Chưa kể nhiều CNLĐ phải gửi con về quê ở với ông bà, người thân … “Mình tăng ca nhiều khi về khuya lục đục làm mất giấc ngủ của con. Thấy áy náy, thương con nhưng nếu cứ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con trẻ và việc học hành. Hai vợ chồng đành phải gửi chúng về quê ở với ông bà ngoại”, cô N.T.N. quê Thái Bình, công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung 2, TP. Thủ Đức kể.
Có CNLĐ trẻ, chưa lập gia đình, đã phải làm thêm nhiều việc. Ngoài việc chính là nhân viên văn phòng họ còn livestream bán hàng hoặc giao hàng để kiếm thêm thu nhập. Một nhân viên văn phòng công ty xây dựng ở Quận 2, Sài Gòn, chở tôi, chia sẻ: “Cháu phải chạy thêm xe ôm, giao hàng nhanh. Một số bạn ở cùng dãy trọ với cháu, có người làm một lúc đến 3 việc. Ngoài việc chuyên môn giờ hành chính là chạy xe giao hàng, bán hàng online. Vừa nuôi thân vừa gửi tiền về phụ với cha mẹ ở ngoài quê miền Trung”. Làm thêm, tăng ca liên tục để mong cuối tháng có được bữa ăn tươi cho cả nhà, cuối năm được tiền thưởng sắm sửa áo quần, bánh mứt nhưng… gian nan quá đỗi! Một công nhân của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam làm thơ trên facebook… nhắc khéo ông công đoàn: “Tết đến, Xuân về thêm nhức xương. Cái vụ tiền thưởng với tiền lương. Long lanh đôi mắt công nhân đợi. Đỏng đảnh làm duyên sếp bảo chờ!”.
Làm nhiều việc cũng có cái hay là biết thêm nghề, thêm kỹ năng. Nhưng mặt trái của nó là chiếm nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc chính và làm suy giảm sức khoẻ. Nhưng như nhân gian đã nói “Đói thì đầu gối phải bò. Cái chân hay chạy, cái giò hay đi!”.
Chạy đi đâu?
Có lần ra Hà Nội, đến quận Hà Đông, tôi thấy bên đường có một tấm biển nhỏ nền đỏ, chữ vàng: “Ở đây massage lành mạnh. Giá cả phải chăng. Vào 50m”. Vậy là khác với massage không lành mạnh! Tò mò tôi đi vào, mua cái vé 120 nghìn VND. Thời gian được phục vụ … lành mạnh trong vòng một giờ. Chưa kể tiền boa. Tôi vào phòng ngồi chờ chừng khoảng 5 phút. Kỹ thuật viên là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, to khoẻ, nước da trắng trẻo. Cô đeo khẩu trang kín mũi và miệng. Tôi vờ hỏi massage lành mạnh là không được làm ba cái việc … không lành mạnh hả cô? Cô ta cười khục khục nói đúng đó chú, khách không được sờ mó lung tung, không xào khô xào ướt và nhân viên cũng không được dùng tay… khiêu khích, gợi ý. Thấy cô ta đáp hóm hỉnh tôi mạnh dạn hỏi thăm đủ thứ …Cô ta cũng nhiệt tình kể, mình là công nhân một công ty gia công giày xuất cảng ở thủ đô. Sau dịch, công ty biến đâu mất. Mạnh ai nấy đi tìm việc làm để tự cứu mình. Một số chạy về quê cho bớt hao chi phí nhà trọ với điện nước, xăng xe. Ai ở lại Hà Nội đắt đỏ thì tìm việc mà làm để sống qua ngày. Cô kể có mấy công nhân mình quen vốn có chút nhan sắc đã chuyển ngành sang kinh doanh hàng tự có! Tưởng mình nghe nhầm, tôi gặng hỏi cô ta phì cười: “Thì là bán cái của mình hay là bán dâm, bán hoa hoặc làm gái chi cũng như nhau thôi đó chú! Chú ở miền Nam chắc có nghe nói phố Trần Duy Hưng, Cầu Giấy rồi chứ? Đầy gái bán dâm, có CNLĐ hành nghề khá đông. Họ bị dạt từ trong các công ty, xí nghiệp ra rồi gia nhập vào đội ngũ…bán hoa, tạm trú về đêm ở “phố vẫy” cả đấy!”…
Trước đây, ông V.Q.T. một viên chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng chua chát chia sẻ trong một buổi toạ đàm về tiền lương tối thiểu, mức sống tối thiểu của người lao động do Tổng LĐLĐ VN tổ chức: “Thực tế ngay tại khu công nghiệp ở phía Bắc đã xuất hiện những trường hợp nữ công nhân chấp nhận “bán mình”, nhận đẻ thuê với mức thù lao 10,000-12,000 USD”. Trước dịch đã vậy. Sau dịch thì đời sống của CNLĐ càng bí bách, thê thảm hơn … Họ đành phải làm những việc bị xã hội phê phán, lên án … để tự cứu mình trước đã! Chạy đi bán tất tần tật những cái gì mình có …
Buông thả đến buông xuôi
Lương tăng đuổi không kịp giá tăng thì người lao động có thu nhập thấp đành … thả tay, buông xuôi số phận! Lương không đủ sống nên họ phải tằn tiện chi tiêu, tính toán chi li trang trải nhu cầu sinh hoạt. Có không ít đôi vợ chồng son là CNLĐ tính toán có nên sinh con hay không? Thấy mấy gia đình trong khu nhà trọ, người mới có 1 con, người có 2 con mà sống quá hà tiện, kham khổ khiến nhiều người khác đâm lo. “Lương công nhân của hai vợ chồng làm bữa nào xào bữa đó… Thuê nhà ở xã hội cũng trầy vi tróc vẩy. Vợ chồng cháu cưới đã gần một năm rồi nhưng chưa dám sinh con”, anh Kh. một công nhân của công ty giấy bao bì trong Khu công nghiệp Hoà Khánh, Đà Nẵng, than thở. Bởi thấy nhiều người tích cực làm thêm nhưng thu nhập không ăn thua đành phải vay tiền để trả tiền gửi con nhà trẻ, tiền học thêm, tiền may sắm áo quần… Gặp vay phải tiền của các cá nhân, tổ chức tín dụng đen thì… đoạ! Lãi mẹ sinh lãi con đầy đàn đầy đống … đẩy người vay đi dần vào chỗ muốn tìm đến cái chết!
Mới đây, 19/9/2024, tại Đồng Nai có chương trình toạ đàm “Tài chính thông minh-Tránh bẫy tín dụng đen” do Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà Nước và công đoàn tỉnh Đồng Nai tổ chức. Có câu chuyện một công nhân nam ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, vợ bỏ nhà đi, một mình anh nuôi 3 con nhỏ. Với mức lương 9 triệu VND/tháng, anh không đủ tiền trang trải các chi phí nên vay 3 triệu VND qua một ứng dụng trên điện thoại. Đến hạn trả lãi anh mới giật mình vì mức lãi rất cao, lương không đủ trả. Bí thế, anh vay tiếp chỗ khác để trả lãi chỗ vay trước. Cứ thế, vài tháng sau thì anh mất khả năng trả lãi. Con đường anh chọn là đi … bán máu dưới hình thức … hiến máu! Đâu có thể hiến máu hoài, anh chuyển sang hiến tiểu cầu. Phải sau nửa tháng mới hiến một lần, trong khi ngày một bị giục trả lãi! Anh cũng từng nghĩ đến cái chết. Nhưng còn 3 đứa con? Thế là anh phải sống, phải cày, phải tìm mọi cách … để tồn tại!?
Sa vào bẫy tín dụng đen là nguy cơ mất tất cả! Công đoàn công ty, xí nghiệp hoặc công đoàn địa phương cũng giúp đỡ cho CNLĐ nghèo vay không lãi hoặc hỗ trợ lúc ngặt nghèo, hoạn nạn. Nhưng nhiều khi thủ tục rườm rà, xét duyệt tới lui, CNLĐ mắc công chờ đợi nên ngao ngán. Vay ngân hàng thì thủ tục còn lôi thôi, rắc rối hơn! Rốt cuộc làm công nhân ai nói sướng?
LKD
Ảnh trên mạng internet