Với chiếc áo blouse trắng khoác trên mình, dù không có bằng cấp chuyên môn thế nhưng chỉ cần đăng tải vài video nói năng lưu loát, dễ dàng biến thành “bác sĩ mạng” với khả năng chữa bách bệnh.

Tuyệt đối cảnh giác khi tìm đến các bác sĩ mạng    

Trên một số nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram … hiện nay đang xuất hiện tràn ngập các video chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe, thăm khám, bán thuốc điều trị. Tại đây không ít người mặc blouse trắng, cổ đeo lủng lẳng ống nghe, tự xưng bác sĩ, dược sĩ, thầy thuốc đông y đứng ra hướng dẫn nhiều cách thức chữa bệnh “an toàn, rẻ tiền, nhanh khỏi”. Từ đó họ dẫn dắt người xem bỏ tiền đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh hoặc mua sản phẩm của họ!

Hậu quả khó lường

Chị Nga (38 tuổi, Long An) lướt Facebook thấy tài khoản “Bác sĩ Hồ Phi Nhạn” có hàng ngàn lượt theo dõi. Ông này tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ, chuyên đăng tải các clip sửa mũi, nâng ngực với những lời tự quảng cáo  “có cánh”. Qua vài buổi tư vấn, chị Nga đồng ý để “bác sĩ Nhạn” nâng mũi đặt sụn, làm trụ mũi cho mình với giá 100 triệu VNĐ. Sau phẫu thuật vài tuần, chị Nga quay lại tìm “bác sĩ Nhạn” tái khám với tình trạng lõm 2 bên cánh mũi, đầu mũi co rút và được ông ta giải quyết bằng cách tiêm thêm chất làm đầy. Tuy vậy mũi chị này không thấy thay đổi tốt hơn  mà ngày càng biến dạng.

Trường hợp khác là chị Nở (42 tuổi, Thủ Đức), mắc chứng ung thư vú trong tình trạng bệnh nặng do tự điều trị theo hướng dẫn của một “bác sĩ TikTok” tên Hòa, nghe đâu xuất thân từ một bệnh viện quốc tế ở miền Bắc. Chị này cho biết đã làm theo lời tư vấn của “bác sĩ Hòa” rằng phải “nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư”, “thường xuyên uống nước nấu từ lá đu đủ để triệt khối u”. Nghe theo nên chị Nở áp dụng. Chừng 3 tháng sau, khối u bị vỡ, khi này chị Nở mới chịu để người nhà đưa vào bệnh viện chữa trị.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Bác sĩ trên mạng “thượng vàng hạ cám”

Mạng xã hội bị lợi dụng

Có thể thấy hiện nay có rất nhiều Facebooker, TikToker xưng mình là bác sĩ thường xuyên thực hiện các video y tế nhằm thu hút người theo dõi. Chẳng biết họ có phải bác sĩ thật, có rành rẽ chuyên môn hay không, nhưng luôn đưa ra những lời khuyên mới nghe qua rất chí tình, đã khiến không ít người tin tưởng làm theo. Đôi khi các ông/bà bác sĩ này còn nói về “khả năng chữa bách bệnh” của họ với những phương thức bí truyền, gia truyền rất khó kiểm chứng. Đáng chú ý, nhằm lôi kéo bằng được bệnh nhân, các bác sĩ mạng sử dụng nhiều chiêu thức, mánh khóe tâm lý, dụ dỗ người bệnh phải móc tiền mua thực phẩm chức năng hay các loại thuốc “bí truyền, gia truyền”.

Còn có một thủ đoạn nữa của nhiều các bác sĩ mạng là khi khách hàng còn tỏ ra phân vân về tác dụng của sản phẩm, chúng sẽ tìm mọi cách khẳng định rằng sản phẩm đã được Bộ Y tế VN thẩm định, từng được quảng cáo trên các đài phát thanh, truyền hình khắp nước.

Trường hợp khách dùng qua sản phẩm nhưng sau đó phản ảnh vẫn không khỏi bệnh, họ lại tiếp tục bịa ra các phác đồ điều trị kéo dài và khi hết liệu trình kéo dài lại xoay qua đổ lỗi do cơ thể khách hàng không phù hợp hoặc do khách hàng không chịu kiêng cữ thứ này thứ nọ trong quá trình điều trị (?). Hậu quả sau cùng dĩ nhiên kẻ gánh chịu không ai khác là những bệnh nhân cả tin, không kiểm tra thông tin khi tìm đến các bác sĩ online dzỏm, mua phải những sản phẩm trời ơi, tự gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mình. Cá biệt đã có trường hợp tử vong do ngộ độc, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận … hoặc tạo ra các biến chứng khác!

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Giữa tháng 12/2023 vừa qua, Phạm Viết Trung (28 tuổi) cùng một số đồng phạm giả danh là bác sĩ của các bệnh viện uy tín để bán “thuốc đặc trị” cho bệnh nhân, chiếm đoạt hơn 30 tỷ VNĐ đã bị bắt. Điều tra từ cảnh sát cho biết, Trung cùng các tên Lưu Đức Thịnh, Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Xuân Tuyên cùng góp vốn 100 triệu VNĐ để thành lập Công ty dược SPARTA do chính Trung làm Giám đốc, đặt trụ sở tại Khương Đình (Hà Nội). Tiếp theo, Trung và đồng sự tự bào chế ra một số loại thuốc đặc trị tiểu đường, tim, huyết áp …. Cứ mỗi hộp thuốc sản xuất khoảng 25 nghìn VNĐ được bán ra với giá từ 700 nghìn – 2 triệu VNĐ. Vẫn theo “kịch bản” của Trung, tên này và các thành viên trong nhóm giả danh bác sĩ, tiến sĩ của các bệnh viện lớn uy tín rồi lên mạng xã hội chào bán. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2023, chúng đã bán khoảng 12,800 đơn hàng cho hơn 8,000 bệnh nhân ở khắp cả nước!.

Lập luận của một bác sĩ mạng

Khuyến cáo người bệnh

Một bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Sài Gòn (không muốn nêu tên) chia sẻ: “Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong phổ cập kiến thức về y tế đến người dân. Tuy nhiên để sử dụng một cách hiệu quả, trước tiên người dùng mạng xã hội phải biết chọn lọc thông tin. Bản thân tôi là bác sĩ, chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo mọi người khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế chuyên môn để được thăm khám và tư vấn. Riêng những thông tin trên mạng xã hội chỉ nên dùng tham khảo. Bởi không hề có loại thuốc, đơn thuốc nào có thể phù hợp với tất cả bệnh nhân, với mọi thể trạng nào.”

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Bộ Y tế VN từng có quy định yêu cầu các y, bác sĩ không được phép chào bán thuốc men trên mạng xã hội. Do vậy với tất cả ai xưng danh là cán bộ y tế, bác sĩ, đông y sĩ … bán thuốc trên mạng thiết nghĩ mọi người cần cẩn thận, dè chừng. Để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình mình, cần lưu tâm cảnh giác, không để những kẻ mạo danh đứng ra điều trị, chữa trị, kê đơn, bán thuốc gây ra những nguy hại khó lường…

Nhóm người giả bác sĩ, dược sĩ bán “thuốc đặc trị” bị bắt

NS