Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Ðinh Thành Tiên. Ông sanh ngày 20, tháng Mười, năm 1938 tại Gò Vấp. Ông từng là học sinh Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký rồi Ðại học Văn khoa Sài Gòn, ban Văn chương Pháp.

Năm 1963, 25 tuổi, ông vào Trường Bộ binh Thủ Ðức. Chức vụ cuối cùng của ông là Thiếu tá, Trưởng phòng Tâm lý chiến.

Sau năm 1975, ông bị CSVN cầm tù ba lần, gần 13 năm. Là tù nhân chính trị, năm 1993, ông và gia đình sang định cư ở Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Nhà thơ Tô Thùy Yên đã từ trần lúc 9 giờ 15 phút, tối Thứ Ba, ngày 21, tháng Năm, năm 2019, hưởng thọ 82 tuổi.

o O o

Tô Thùy Yên là một trong những nhà thơ mặc áo lính của chế độ VNCH. Ða phần những bài thơ của ông, là những ‘mảnh vụn’ thâu lượm được (rồi gọt giũa lại thành vàng, thành thơ) khi Tô Thùy Yên đi dài theo chiến cuộc Việt Nam!

Chẳng hạn như bài: ‘Chiều trên Phá Tam Giang’, Tô Thùy Yên đã từng cật vấn một người lính từ miền Bắc CS vào xâm lược miền Nam tự do.

“Vì sao ngươi tới đây? Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói. Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam!”

Rồi nhà thơ cũng tự vấn ngay chính thân phận của mình, khi bay trên Phá Tam Giang trước ngày quân ta vượt phòng tuyến Nam Mỹ Chánh để chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị trong tay bọn CS Bắc Việt vào mùa Hè đỏ lửa 1972.

“Vì sao ta tới đây? Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn”

Ðể rồi người lính của cả đôi bên được gì hoặc mất những gì?

“Ví dầu ngươi bắn rụng ta. Như tiếng hét. Xé hư không bặt im. Chuyện cũng thành vô ích! Ví dầu ngươi gục. Vì bom đạn bất dung. Thi thể chẳng ai thâu. Nào có chi đáng kể!”

“Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh. Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?

Các việc ngươi làm. Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm. Các việc ta làm Ta xét thấy chẳng ra chi. Khi cùng làm những việc như nhau!”

o O o

Sau mười năm lưu đày biệt xứ từ Sài Gòn ra những vùng rừng thiêng nước độc miền Bắc, sát biên giới Việt Trung. Rồi chiến tranh biên giới 1979 nổ ra giữa Trung Cộng và CS Bắc Việt, Tô Thùy Yên lại bị lê lết từ trại tù nầy sang trại tù khác. Mười năm khủng khiếp, mười năm dưới chín tầng địa ngục; đến đá cũng ngậm ngùi thay!

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

(Các trại tù lao cải của CS cố ý làm cho tù nhân mất hết cảm giác và nghĩ suy của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Nhưng theo W.Ernest Henley: (1849 –1903), một nhà thơ người Anh đã nói; “Thi sĩ, không ai có thể làm nhục được hắn ngoài chính hắn” “I am the master of my fate. I am the captain of my soul”. “Tôi làm chủ số phận đời tôi. Tôi làm chủ tâm hồn tôi!”)

Ðể sống sót, dũng cảm bước ra từ những chấn song của nhà tù, một mình “Ta về’ trên con đường vắng, như một biểu tượng của chiến thắng hận thù.

Và bài thơ ‘Ta về’ ra đời như thế đấy! “Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp…Mười năm mặt sạm soi khe nước. Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.”

Quân thù gian ác hành hạ vẫn không thể bẻ gãy được ông; vì: “Mười năm ta vẫn cứ là ta”

o O o

“Ta về như lá rơi về cội. Bếp lửa nhân quần ấm tối nay. Chút rượu hồng đây xin rưới xuống. Giải oan cho cuộc biển dâu này!”…Hãy kể lại mười năm chuyện cũ. Một lần kể lại để rồi thôi!”

Ông, từ Bắc xuôi Nam, trở lại quê xưa: “Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách. Nhện giăng, khói ám, mối xông nền. Mười năm, con đã già trông thấy. Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu.”

Người vợ như ‘Hòn Vọng phu”, mười năm hay cả ngàn năm, vẫn trông chồng xa xôi ngoài cõi Bắc:“Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng. Chờ anh như biển vẫn chờ sông. Ta gọi thời gian sau cánh cửa. Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu”

Bởi: “Ðau khổ riêng gì nơi gió cát. Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm!”

Tô Thùy Yên lại trở về với Thơ: “Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa. Ðọc lại bài thơ thủa thiếu thời. Ai đó trong hồn ta thổn thức. Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi!”

Tô Thùy Yên tiếp tục làm thơ, không ghi tên, nhờ một người quen đem một bài thơ ra nước ngoài cho bạn bè thân quen đọc. Không ngờ những nhà văn học hải ngoại lại bình thơ của ông công khai trên báo chí.

Xem thêm:   Kế Sách

Vậy là: năm 1991, Công an trong nước biết được, bắt giam ông thêm ba năm nữa trong Trại biệt giam 3C đường Tôn Ðức Thắng (trước 75 là đường Cường Ðể), gần sông Sài Gòn.

(Giở lại lịch sử, chúng ta đều biết rằng: năm 1989, ngày ‘Lục Tứ’ (4/6/1989), Cộng sản Trung Quốc rung rinh bên bờ sụp đổ do cuộc biểu tình rầm rộ của Sinh viên Trung quốc đòi tự do trên quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh.

Cũng chính năm 1991, Cộng Sản Liên Xô sụp đổ! Những nước Ðông Âu thoát khỏi gông cùm xiềng xích; nên Cộng Sản Việt Nam bàng hoàng run sợ, tăng cường bắt bớ, đàn áp nhân dân, hy vọng dập tắt mọi phản kháng để chế độ CS được sống còn.

Làm thơ dính chặt với cái nghiệp ‘tù đày’. Ðã mang lấy Nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa; ông phải khăn gói đi tù thêm hai lần nữa.

Và bài thơ: ‘Thức giấc trong biệt giam’ của Tô Thùy Yên ra đời như thế đấy:…Phòng biệt giam tối mốc thấp hẹp. (Ta ở đây. Hơn bảy tháng rồi)…

…Ta nhìn lên những dòng chữ trên tường. Viết bằng gạch, bằng than và hình như bằng cả máu. Những phẫn nộ, quyết tâm, nguyện cầu, ký thác, than van. Ngày tháng năm, tên họ…Của những người ở trước. Nay về đâu?

…Căn phòng này hồi trước nhốt Việt cộng. Bây giờ nhốt phản động…

Lịch sử đổi phiên người gác ngục. Lúc giày đinh, lúc dép râu!”

Quả lịch sử chỉ là những con người thay đổi lớp áo. Như bà con mình sau 75 thường nói: “Trời làm một trận lăng nhăng. Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông!”

o O o

Là một sĩ quan Tâm lý chiến, chắc hẳn nhà thơ mặc áo lính Tô Thùy Yên thừa biết trong chế độ độc tài toàn trị của CS thì:

“Don’t think. If you think, then don’t speak. If you think and speak, then don’t write. If you think, speak and write, then don’t sign. If you think, speak, write and sign, then don’t be surprised!”

“Hãy đừng nghĩ. Nếu anh nghĩ, thì đừng nói. Nếu anh nghĩ và nói, thì đừng viết. Nếu anh nghĩ, nói và viết, thì đừng ký. Nếu anh nghĩ, nói, viết và ký, thì đừng ngạc nhiên”.

Biết vậy nhưng nhà thơ Tô Thùy Yên vẫn làm thơ rồi lại bị tù đày cho đến khi tới được đất nước Hoa Kỳ vào năm 1993.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

o O o

Ðiều lý thú là thơ Tô Thùy Yên cũng làm các nhà phê bình văn học phía bên kia chiến tuyến rất thán phục. Rất dễ hiểu là vàng óng áng thì một thằng ‘ngu’ cũng biết được đó là vàng.

Thán phục nhưng vẫn cố chụp cho ông một cái mũ: “Tô Thùy Yên là chủ tâm sử dụng khá nhiều ngôn ngữ Nam…rặt. Chữ của ông đơn giản, mộc mạc, những hình ảnh thuần Việt quê mùa” cho đúng với đường lối của Ðảng là không được phép ca tụng quân thù.

Theo tôi, Tô Thùy Yên chẳng có chủ tâm làm thơ ngôn ngữ Nam rặt bao giờ. Lẽ dễ hiểu, ông là người Sài Gòn tất phải làm thơ bằng tiếng Mẹ đẻ, tiếng của người dân Sài Gòn.

Nhà thơ Tô Thùy Yên từng thú nhận là: “Dẫu có được sửa tới sửa lui bao nhiêu lần, khi đọc lại, tôi vẫn cảm thấy hình như chưa phải vậy. Tôi rất dễ bị ray rứt, dằn vặt chỉ vì một tứ chưa ổn, một chữ chưa đắc”.

Ông cẩn trọng và cầu toàn; dù chúng ta ai cũng biết là làm một bài thơ hay đến độ không có một khiếm khuyết nào là chuyện bất khả.

o O o

Bài thơ ‘Ta về’ là ‘chúng ta’, là cả triệu người miền Nam đã sống qua cơn mộng dữ. Thơ không chỉ cho một thời mà cho cả nhiều thời, không của một người mà của muôn người. Của muôn người thì biết bao nhiêu điều phải dàn trải nỗi đớn đau khi miền Nam lọt vào tay CS, nên Tô Thùy Yên, dẫu rất mực tài hoa, cũng phải than rằng: “Ta tiếc đời ta sao hữu hạn. Ðành không trải hết được lòng ta”.

Tô Thùy Yên như cái kiếng vạn hoa, mỗi lần đọc lại ta thấy một hình ảnh mới cũng rực rỡ không kém.

Một năm ngày ông bỏ ra đi; chúng ta lại nhớ tới Tô Thùy Yên!

ĐXT

Melbourne