Trước 75, ở miền Nam tui không nghe, không thấy, không đọc, không viết động từ “sửa sai”.

Mãi cho tới lúc xe tăng T54 của Trung cộng ủi sập cổng Dinh Ðộc Lập ở đường Công Lý, CS xích hóa toàn cõi VNCH, tui mới nghe cái động tác cà lăm quái đản: sửa sai, sai rồi sửa!

Sai là tiếng Bắc. Còn nói theo kiểu dân miền Tây là làm trật, làm hư bột hư đường hết ráo, phải sửa lại cho nó trúng.

Ủa sao sửa sai, sai rồi sửa hoài vậy mấy cha nội? Chẳng qua CS đụng tới đâu hư tới đó. Nhưng sửa lại càng sai và loay hoay sửa riết. Sửa miết 47 năm rồi mà vẫn còn sai! Nên ông bạn nhậu của tui tính mua cờ lê (clé), mỏ lết (molette) về bán cho CSVN để cho chúng tiếp tục sửa.

Chớ thực ra Boris Yeltsin, người kế nhiệm Mikhail Gorbachev, ít ngu hơn, đã phản tỉnh: “Cộng sản không thể nào sửa chữa, chúng phải bị đào thải”.

Nhưng CSVN vẫn không nghe. Tự mình nhắm mắt để không thấy, bịt tai để không nghe sự thật đó thôi. Cứ loay hoay sửa sai; sai rồi sửa. Cái đó là do cái thói không bao giờ dám thú nhận rằng mình đã sai. Ðó là cái thói ngạo mạn cộng sản đấy thôi.

Chớ, nếu khiêm tốn chịu học hỏi một chút thì dễ ợt hè. Tại sao mấy nước theo chế độ tư bản, nó giàu hơn, nó công bằng hơn mấy nước theo chế độ cộng sản? Nếu thực sự yêu nước thì mình phải chọn theo chế độ nào? Con nít nó cũng biết câu trả lời!

o O o

Thói ngạo mạn cộng sản nó còn hiện nguyên hình trong lãnh vực chữ nghĩa văn chương.

Dưới đây mình chỉ bàn chơi hai thành ngữ: “cao chạy xa bay” và “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”.

Xưa mấy ông nhà văn miền Nam viết là “cao chạy xa bay”. Thì mấy bố từ miền Bắc vô, sửa là: “Xa chạy cao bay”. Vì mấy giả nói “bay xa” thì được nhưng ai “cao chạy” cho được?

Xong mấy giả đem một bụng Hán văn ra mà giải nghĩa như vầy nè: “Xa chạy cao bay” tức “cao phi viễn tẩu” có trong câu: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng”. Nghĩa là: điều tốt, điều xấu do mình làm, cuối cùng sẽ là quay đầu lại với người làm ra nó. Bay cao, chạy xa cũng không thoát được.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Cũng cùng một ý “tam thập lục kế dĩ đào vi thượng”, Nguyễn Du cũng dùng chữ “xa chạy cao bay”. Thúc Sinh khuyên Thúy Kiều hãy chạy thiệt xa, bay thiệt cao; vì cách đánh ghen của Họan Thư thâm độc “number one”! Tui đồng ý chỉ một nửa. Ghen như Hoạn Thư chỉ đáng “number two”. Ghen như em yêu của tui mới là hạng nhứt. Con vợ tui không dám hành hạ tình địch; em yêu quay qua hành hạ tui mới chết!

Hoạn Thư ghen thâm độc bằng cách sai gia nhân bày tiệc cho hai vợ chồng ăn nhậu. Rồi bắt Kiều đàn hát và hầu rượu coi chơi: “Bắt khoan bắt nhặt đến lời. Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay…”.

Thúc Kỳ Tâm buộc phải nghe và thấy. Hai lỗ tai, hai con mắt của Thúc Sinh mặc tình bị Hoạn Thư hành hạ: “Bốn dây như khóc như than. Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng. Cùng trong một tiếng tơ đồng. Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Ôi Kiều, cục cưng của ta! Em đang khóc bằng tiếng đàn tỳ bà kia. Mắt ta thấy hình hài em đến nông nổi nầy chắc ta chết quá.

Thúc Sinh đành khuyên Kiều trốn đi: “Liệu mà xa chạy cao bay. Ái ân ta có ngần này mà thôi…”. Vậy là Kiều chôm chuông vàng khánh bạc, xa chạy cao bay tức là dông luôn.

Ngoài ra dân gian còn nói: “Chạy đằng trời” (không chạy thoát được; chỉ chạy đằng trời mới thoát); “Tìm đằng trời” (không thể tìm được; chỉ có nước lên trời mới tìm được).

Nói nào ngay, bà con miền Nam mình dư sức biết cái vụ “cao phi viễn tẩu” trong câu ca dao: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Cao phi viễn tẩu dã nan tàng. Từ khi anh xa cách con bạn vàng. Cơm ăn chẳng được như con chim phụng hoàng bị tên”.

Nghĩa là làm ác thì gặp ác chạy đâu cho thoát. Ðây là cái luật nhân quả.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Nhưng nói “cao chạy xa bay” cũng hổng có gì sai. Sửa lưng nhau làm gì?

Ðời mà khi gặp nguy hiểm, mình phải cao chạy xa bay, tức là chạy cao lên núi hay bay đi thật xa mới mong bảo toàn được tính mạng.

Trong huyền sử có biết bao nhiêu người đã chọn cách “cao chạy xa bay”. Phạm Lãi dắt Tây Thi cao chạy xa bay, vì biết ham hố công danh, nấn ná ở kinh thành thì trước sau gì cũng bị mần thịt vì Câu Tiễn sợ cái đầu của Phạm Lãi.

Rồi nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn, tự Sơn Núi đã dắt vợ con “cao chạy xa bay” lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc để trốn. Vì ông biết nếu nấn ná ở chợ trước sau gì CS sẽ bắt ông ở tù cải tạo.

Bảo Huân

o O o

Rồi cái vụ “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” đầu đuôi gốc ngọn vầy nè: Em yêu nói: “Nếu anh chết trước, em sẽ về ở với em gái của em”. Tui gật gù: “Ờ nếu em chết trước, anh cũng vậy”.

Nghe vậy, em bèn đóng quần áo vào va li, bay về với má em, ở Adelaide, ít bữa cho nguôi cơn giận.

Tui hoan hỉ đưa em ra tận phi trường Tullamarine. Xong vội vã gọi điện cho nhà thơ Ba Bốp và nhà văn Rô Bẹt đến nhậu. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm!

Tui viết vậy thì có một em tốt nghiệp Khoa Văn Ðại học Hà Nội, sửa lưng tui là: “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, bác ạ”.

Nghe tới bác, là tui bị dị ứng, ngứa tay ngứa chưn. Sao không kêu tui bằng anh cho nó mùi tình Bắc duyên Nam?

“Vọc mà là cử chỉ của một con gà? Nhỏ lớn tui mới nghe. Mà tại sao lại “vọc niêu tôm” mà không vọc cái gì khác? Chẳng “make sense” gì hết ráo.

Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm tức là “boss” đi vắng là nhà nó mọc ngay cái đuôi tôm  vì nó cho rằng mình đã lớn rồi không cần phải nghe lời ai hết ráo!

Nhắc tới gà, tui tủi thân tui quá xá! Con gà trống kiếm mấy em gà khác để đạp mái rồi gáy khơi khơi chơi. Gà mái phải tuyệt thực ốm nhom, ốm nhách nằm ấp trứng. Có đàn con là đi đâu cũng phải dắt nó theo. Dạy tụi nó kiếm mồi. Phải bảo vệ chúng khỏi bị chó, mèo, diều, quạ xơi tái.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

(Sao con vợ tui lại không chịu học tập con gà mẹ nầy hết ráo vậy hè? Ông Trời giao con gà trống là duy trì nòi giống. Bà Trời giao con gà mái là đẻ trứng và nuôi con. Con gà mái đâu có ghen tuông bậy bạ bao giờ? Thằng chả đi đạp mái đứa nào, em cũng “đông ke” – don’t care).

Rồi từ cái thuở kêu chiếp chiếp nháo nhác như gà lạc mẹ, cái đuôi gà con nhú lên hệt cái đuôi (con) tôm, như con nít tới tuổi dậy thì. Cái tuổi thấy vắng chủ nhà là chúng quậy tưng lên.

Thế nên tui chọn “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”. Chớ tui không chọn “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” gì hết ráo!

Ðời mà! Ngoài con vợ tui ra nói cái gì cũng trúng nên tui sợ. Còn tất cả các người phụ nữ trên thế gian nầy kể cả má tui, tui cũng không sợ. Nên tui lên giọng thầy đời: “Thầy Mạnh Tử có nói: Tận tín ư thư bất như vô thư (tin hoàn toàn vào sách thì thà đừng có sách còn hơn). Em hai nên bỏ cái lối thánh hiền nói gì mình cũng a thần phù tin mà không chịu suy xét gì ráo thì mới tiến bộ được”.

Xong, tui kể cho em nghe: Tò mò về cái văn hóa Việt Nam, thằng bạn Úc nó hỏi tui là: “Who wears the pants in your house?” (Ai mặc quần trong nhà của chú mầy). Tui trả lời là: “Cũng tùy lúc, ban ngày hay ban đêm?”.

Nó nói, người mặc quần trong nhà tao là con vợ của tao. Tui hỏi lại: “Nhịn hoài mầy chịu sao nổi?”. “Nó nói bị ăn hiếp riết, nhịn rồi quen”.

Té ra thành ngữ “ai mặc quần trong nhà” là trong nhà ai làm sếp. Chớ hổng phải cái vụ kia đâu. Thế nên em hai ơi, khiêm tốn một chút đi. Nên học, học nữa, học mãi như đồng chí VI (Sáu) Lê Nin phán mới đặng nhe em!

ĐXT