Ai cũng biết có nhiều loại rau ăn với mắm kho. Ðó là bông bí rợ, điên điển, lục bình, so đũa; đọt bầu, đọt bí đao, đọt bí rợ, đọt mướp; lá chùm ruột, lá lốt, lá vông nem; rau càng cua, rau đắng, rau dền, rau diệu, rau dừa, rau má, rau mát, rau muống chẻ, rau ngổ, rau nhút, và cải trời; có đầy dẫy trong vườn hay ngoài ruộng.

Nhiều loại rau như vậy nhưng khi ăn mắm kho có ít nhứt ba loại không thể nào thiếu cho được! Ðó là rau ngổ, cọng bông súng và hẹ ruộng (hẹ nước).

Ở Mỹ Tho có cái địa danh ‘Chợ Bưng’! (quê của bà Ngoại tui). Hồi xưa tui cứ tưởng bà con mình đi chợ nầy mua gánh, bán bưng không hè; sau ngẫm lại không phải.

Chợ Bưng là chợ của đồng Bưng; nơi đất nhiễm phèn nên có rất nhiều hẹ nước. Không có bán hẹ nước ngoài Chợ Bưng vì một lẽ muốn ăn với mắm kho thì cứ ra ruộng mà nhổ về ăn, ngu sao mà mua hè?

Bà con mình thường nói đồng ruộng. Xài riết quen nên mình không phân biệt được đồng và ruộng. Cứ tưởng là một thứ. Ruộng rộng chừng vài công. Nó có bờ đê và đường nước. Ruộng để trồng lúa. Từ ruộng, ông bà mình đào mương lên liếp để lập vườn. Sống ở vườn ít cực hơn ở ruộng. Nên mẹ mong gả thiếp về vườn. Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh.

Còn đồng rộng hơn ruộng nhiều. Trên đồng có đưng (cói), tranh, lác. Nó rộng đôi khi cả ngàn mẫu. Rộng đến nỗi chó chạy cong đuôi. Chạy tới ngáp ngáp mà vẫn chưa có giáp. Nên có tên là Ðồng Chó Ngáp.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Ðồng dọc mé sông nước lên nước xuống thì gọi là biền. Còn đất giồng bao vòng vòng thì mình gọi là đồng bưng. Vì trên đồng đó nó có cái bưng. Bưng và biền đều có nhiều Việt Cộng. Vì sình bùn không lính quốc gia làm sao mà lội cho nó giáp?

Đồng Tháp Mười – nguồn dulich24.com.vn/ 

Mà nổi tiếng nhứt là Ðồng Tháp Mười, Tây gọi là “Plaine des Joncs”, tức là Ðồng Cỏ Lác. Chiều ngang Ðồng Tháp Mười từ Hồng Ngự tới Tân An khoảng 120 cây số. Chiều dọc từ Cao Lãnh tới Svay Riêng (bên Miên) khoảng 70 cây số tính ra khoảng 8,000 cây số vuông tức 800 ngàn mẫu tây. Nếu kể cả khu giữa hai sông Vàm Cỏ thì non một triệu mẫu Tây, tương đương 10,000km².

Tháng Bảy tới tháng Mười âm lịch hằng năm vào mùa nước nổi. Vùng trũng Ðồng Tháp Mười, nơi giáp ranh biên giới Campuchia, do mưa kéo dài nên nhiều sông ngòi, kinh, rạch, đồng đất đã có nước về. Dẫu nước chưa nhảy lên bờ nhưng cũng bắt đầu lé đé và đó cũng là lúc những đám hẹ nước không biết từ đâu ngoi lên giữa mênh mông mùa nước nổi.

Tuy vậy không ít dân Sài Gòn hay ngay cả người Miền Tây vẫn chưa biết tới loại hẹ nước độc đáo nầy. Như miệt Cần Thơ, mấy em mình hỏi tui rằng sao em hổng thấy hẹ nước đó anh Hai?

Tại sao vậy? Chẳng qua thằng Tây nó ‘ác’ lắm. Nó cho xáng cạp, xáng múc đào kinh dẫn nước rửa phèn. Rồi phù sa sông Hậu theo nước của con kinh bồi lấp bưng, biền ngày một chút. Lâu ngày chày tháng vùng trũng đó thành đồng bằng, thành đất thuộc để bà con mình đào mương lên liếp lập vườn hết ráo.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Vì hẹ nước chỉ khoái mọc hoang trong bưng biền còn nhiễm phèn vào mùa nước nổi; nên miệt vườn Cần Thơ làm sao có nó cho em thấy để em nhổ về ăn với món mắm kho?

o O o

Nhắc tới mắm kho là tui nhớ tới 2 người. Một là Má tui. Trên cõi đời nầy không ai kho mắm ngon bằng Má tui. Kể cả ‘bà chằn lửa’ của tui.

Hai là tui nhớ ‘Cú Sin’, tên tiếng Tàu. Còn tiếng Việt là gì? Em nói Quế Thanh. Quế Thanh giống tên mấy người đẹp trong truyện chưởng của Kim Dung. Tui nịnh em! Quế Thanh tên đẹp quá! Tên em làm anh nhớ tới tài tử Chân Trân trong phim ‘Mùa thu lá bay’ phỏng theo tiểu thuyết của Quỳnh Giao. Em nghe tui nịnh sảng, tui sánh sắc đẹp của em với Chân Trân nên em khoái quá trời!

Chẳng qua tháng Giêng, năm 1973 tui đang là SVSQ khoá 4/72 Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Ði Chiến dịch Hiệp định Paris, tui về xã Tân Phú Trung, quận Bình Ðại, tỉnh Kiến Hoà (Bến Tre). Xã Bốn cho ba đứa tụi tui vô ở trong cái phòng hội đồng nhân dân xã trước cửa đồn nghĩa quân.

Bảo Huân

Quế Thanh dân Chợ Lớn về thăm Má. Nhà là tiệm bán bánh thuẩn cho đám cưới, kế bên đồn. Năm đó tui mới 21 tuổi, khờ câm hè. Quế Thanh mới 17 tuổi coi bộ còn khôn hơn tui.

Lương sinh viên sĩ quan bằng lương trung sĩ độc thân chỉ có 4,500 đồng. Cơm tháng do vợ một trung đội trưởng nghĩa quân nấu một tháng tới 4 ngàn. Nên tui đành sống cầm hơi, bữa đói, bữa no nhờ đồng bào mời ăn đám giỗ. Quế Thanh chắc thấy tội nghiệp nên kêu tui ăn khính cơm em nấu. “Anh đừng đi xuống ấp kiếm cơm nữa; coi chừng VC nó giết anh”.

Xem thêm:   Kế Sách

Uý trời đất ơi! Giờ nhớ lại 4 tháng đi Chiến dịch Hiệp định Paris ở cái làng quê đó, tình cờ được Quế Thanh nuôi cơm là khoảng thời gian đẹp nhứt của đời tui.Tàn mùa đi chiến dịch, tui trở về trường Bộ Binh. Quế Thanh trở lại Sài Gòn.

Ngày 10, tháng Tám, năm 1973, tui ra Vũ Ðình Trường quỳ xuống đứng lên thành chuẩn uý. Ðược 15 ngày phép mãn khóa, tui vô Cư xá Lữ Gia, đường Nguyễn Văn Thoại, Chợ Lớn tìm gặp Quế Thanh. Em không mặc sườn xám như hồi còn ở quê. Quế Thanh diện đầm đẹp như nữ tài tử Chân Trân thiệt. Gặp tui, em nhí nhảnh cười tươi như hoa mười giờ nở. Quế Thanh dắt tui đi ăn mắm kho và uống beer 33 tại một nhà hàng gần rạp Ðại Nam trên đường Trần Hưng Ðạo.

Sau đó tui được biệt phái về đi dạy ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Một chiều đi dạy về, con gái ông chủ nhà trọ nói có Quế Thanh từ Sài Gòn đến tìm anh. Chờ hoài không được nên cô ấy đã trở lại Sài Gòn.

Vậy là đôi ta mất nhau từ độ ấy. Nhơn duyên ai cũng có phần số hết trơn. Nếu có trách gì nhau xin Quế Thanh hãy trách ông Trời; chớ nào phải lỗi tại anh đâu!

Hơn 50 năm rồi mà tui vẫn còn nhớ như in bữa đi ăn mắm kho với Quế Thanh ngày cũ! Hu hu!

DXT