Khi đào thoát khỏi cái chế độ độc tài cộng sản, cũng như bà con, tui mừng hết lớn. Không còn cái cảnh bọn khuyển ưng, Công an Phường, nửa đêm súng ống, xồng xộc vô nhà mình xét hộ khẩu. Rồi dắt mình về đồn nhốt cho muỗi cắn mình chơi. Không còn cái vụ: “Ngày xưa đại tướng cầm quân. Ngày nay đại tướng cầm quần chị em”, nghĩa là chuyện tư riêng của mình, cha con nó hết có dịp chõ mỏ vô để ngu ngốc dạy đời.

Ðặt cả hai chưn vô nước Úc là mình được tự do. Muốn làm gì thì làm. Té ra nghĩ như vậy là trật lất. Nước Úc nầy nó không dám hứng sảng, còng đầu mình giải về đồn nhốt chơi như cộng sản. Nó chơi xỏ mình kiểu khác. Nếu vi phạm luật lệ của nó đặt ra thì nó quánh vô cái túi tiền của mình. “Ðồng tiền liền khúc ruột”, mất tiền đóng phạt đau lắm chớ!

Có người nói: “Sợ đau thì sống cho nó đàng hoàng. Ðừng vi phạm cái gì của Úc đặt ra thì ai phạt được mình?”. Nói vậy chỉ đúng về mặt lý thuyết. Còn thực tế sống đàng hoàng như Bụt cũng bị phạt như thường. Ở Úc gần 30 năm dài, tui chưa hề được gặp một “cao nhân” nào không bị phạt hết ráo.

Vì luật lệ của Úc đặt ra nó thiên la địa võng. Nhiều đến nỗi, đặt ra rồi nó không nhớ là mình đặt ra cái gì và hồi nào.

Không đi bầu cũng phạt. Ði chợ, đi khám bịnh đậu xe quá hai tiếng đồng hồ: phạt. Con nít 6, 7 tuổi chạy chiếc xe đạp ba bánh nhỏ xíu, cũng phải mang nón bảo hiểm. Không đội ba má nó bị phạt. Một đoạn đường chừng 10 cây số, giới hạn tốc độ thay đổi tới ba lần. Ngã tư đèn xanh đèn đỏ nào cũng có máy chụp hình. Lóe sáng một cái, bay hết 200 đô; trừ bằng lái 3 điểm.

Nhà hàng, quán rượu bán phải có giờ giấc. Ăn nhậu, chơi bời phải đúng nơi đúng chỗ. Làm trật: phạt. Nên mới có 9 giờ tối, thành phố chỉ có ma.

Bao bì thuốc lá phải in đơn giản, không màu mè. Giấu kín trong hộc tủ và bán mắc nhứt trên thế giới. Một điếu gần 2 đô Úc. Ai lỡ ghiền mà bỏ thuốc không được, chỉ còn nước mạt. Té ra Úc nó đạo đức giả. Nói là chăm lo sức khỏe của người dân, không nên hút thuốc. Nhưng thực ra làm như vậy để thu thuế cho thật nhiều.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

Qua Úc chơi, dân Canada, dân Mỹ nói: các thành phố của Úc vệ sinh quá mức. Xả rác: phạt! Làm riết, làm quá quốc gia này đang trên đà trở thành quốc gia ngu ngốc nhất thế giới như Singapore.

Do đó bà con mình bên Mỹ, bên Canada muốn trở về tuổi thơ thì cứ xin di dân qua Úc mà sống. Vì nước Úc là một “nanny state”, một nhà nước vú em. Vì nó can thiệp quá nhiều, quá sâu vào cách sống của người dân. Chánh quyền đối xử với người dân như một đứa con nít. Hở một cái là phạt!

Bảo Huân

o O o

Rồi hơn hai tháng nay, hai tiểu bang Miền Ðông nước Úc là New South Wales và Victoria mặc dù đang bị phong tỏa nhưng tiền phạt có liên quan đến COVID-19 lên tới hàng chục triệu đô Úc.

Nhưng tất cả chúng có đúng luật hay không? Nhiều người trên khắp New South Wales và Victoria đã không trả tiền phạt vì họ cảm thấy bị chánh quyền đối xử rất bất công. Người dân NSW mới đóng 11% giấy phạt nầy.

Samantha Malnick làm nhà hàng, bị thất nghiệp. Tinh thần khủng hoảng nên việc gặp được người bạn trai của mình, chỗ dựa tinh thần để giúp cô còn bình tĩnh, vượt qua những khó khăn trong thời buổi ôn hoàng dịch lệ này. Nhưng một hôm đang ra bãi biển để tập thể dục thì cả hai bị cảnh sát chặn lại và phạt vì tội không đeo khẩu trang lúc ngồi chung xe.

“500 đô la là một số tiền rất lớn đối với tôi – cô Malnick cho biết – thật là khó hiểu khi mình có thể ôm và hôn bạn trai rồi ở lại qua đêm với nhau; nhưng lại không thể ngồi chung xe với anh ấy mà không đeo khẩu trang”.

“Tôi không chắc liệu họ có mong chúng tôi đeo khẩu trang trong suốt thời gian tôi đến thăm anh ấy tại nhà của ảnh hay không? Nhưng tôi nghĩ điều đó khá nực cười nếu đúng như vậy. Tôi không thể hiểu được”.

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

Còn Nikeah Dunn và mẹ cũng bị phạt vì không đeo khẩu trang lúc hai người đang ở trong xe. “Mẹ tôi và tôi đeo khẩu trang khi chất đồ. Nhưng khi lên xe, chúng tôi tháo khẩu trang ra. Tôi lái ra khỏi bãi đậu xe, và cảnh sát đã chớp đèn, chặn tôi lại”.

“Bạn và mẹ của bạn bị phạt bao nhiêu?”. “Tổng cộng cả hai chúng tôi là ba nghìn đô”. “Số tiền đó có ý nghĩa như thế nào đối với các bạn?”. “Ðó là một số tiền quá lớn. Ðặc biệt là trong lúc tôi mất việc vì đại dịch COVID”.

“Nếu chúng tôi đi chung Uber hoặc taxi thì chúng tôi phải đeo khẩu trang là đúng! Nhưng đây lại là xe của chính chúng tôi, tôi không hiểu gì cả”. “Tôi cảm thấy ông ta đối xử với chúng tôi không công bằng chút nào. Tôi cảm thấy mình bị hiếp đáp và sau khi ông ấy đuổi tôi đi, tôi bắt đầu khóc. Tôi cảm thấy không thể lái xe được nữa; nên mẹ tôi phải thay tôi lái xe về nhà”.

Cũng lại tiểu bang NSW, James và một người bạn đã bị phạt 1,000 đô la khi đang ăn phở. “Ăn phở mà bị phạt?”. “Trớ trêu thay, vừa ăn xong, tôi đeo khẩu trang lại. Thì ngay lúc đó viên cảnh sát đến. Còn bạn của tôi vẫn còn đang ăn dở.”. “Tôi rất ngạc nhiên. Tôi không nghĩ rằng mình đã làm gì sai. Ðó là một tô phở rất đắt tiền”.

Chuyện tức cười tới té ghế là chánh phủ tiểu bang Victoria vừa cho phép người dân được quyền tháo khẩu trang khi uống rượu ngoài trời (hổng cho tháo thì làm sao mà uống?)

Còn chánh phủ NSW, giảng “moral”: Ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người dân NSW. Bất kỳ vi phạm lệnh nào theo Ðạo luật Y tế Công cộng 2010 đều là một tội hình sự và sẽ bị phạt nặng.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Kể từ ngày 25 tháng Sáu, NSW đã có 47,375 giấy phạt: từ $1,000, $2,000, $5,000 vì COVID. Tổng cộng lên tới 42.9 triệu đô.

Các quy tắc luôn thay đổi ở NSW đã làm cho mọi người nhầm lẫn. Vì những luật y tế công cộng này đã được sửa đổi hơn 60 lần. Rất khó để tuân thủ những mệnh lệnh phức tạp này. Ngay cả cảnh sát đã cũng không nắm hết. Chính phủ NSW phải dọn dẹp đống lộn xộn này.

o O o

Coi nước Úc là một điển hình cực đoan về các cuộc phong tỏa và các hạn chế vì Covid, các nhà bình luận ở Hoa Kỳ cho rằng những luật cấm đoán chặt chẽ vì Covid-19 của Úc giống như một biện pháp bắt người dân phải trả cho tội làm biến thể Delta tràn lan. Các nhà biếm họa vẽ bản đồ nước Úc với dòng chữ: “Nhìn từ ngoài không gian nhà tù lớn nhất thế giới trông như thế nầy”. Thiệt là nhục!

Rồi cuộc biểu tình “Cứu nước Úc”; cờ Úc tung bay trên thành phố New York. Ðám đông tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Úc sau khi họ tuần hành qua Manhattan. Dân Mỹ ở New York, “thủ đô của thế giới” biểu tình cứu nước Úc là quá phải. Vì thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria đã vượt qua thủ đô Buenos Aires của Argentina, nơi người dân bị nhốt lâu nhứt trên thế giới. Nhốt hơn 260 ngày, kể từ khi đại dịch Coronavirus tấn công vào năm ngoái. Melbourne là thành phố ma. Thành phố vắng vẻ, hoang vu nhất thế giới. Khu trung tâm thành phố chỉ là một vùng đất hoang bị vẽ bậy. Nền kinh tế tiểu bang thiệt hại 700 triệu đô la mỗi tuần.

Chánh phủ tiểu bang cứ chống dịch kiểu cà lăm. Mở he hé rồi lại đóng suốt 18 tháng nay. Người dân Melbourne đã ngán tới cần cổ. Họ buồn và mệt mỏi. Họ sợ hãi khi nhìn vào tương lai. Họ bất chấp hiện tại. Cuối tuần nào cũng biểu tình. Cảnh sát rượt đuổi dân như mèo vờn chuột.

Buồn thay cho nước Úc mến yêu dưới quyền cai trị của một nhà nước vú em!

ĐXT