Ðợt bùng phát biến thể Delta của COVID-19 là một thảm họa. Chỉ có một lần trong đời. Làm cả thế giới lao đao vì đại dịch. Nước Úc cũng không là ngoại lệ. Bị nặng nhứt là miền Ðông nước Úc: hai tiểu bang đông dân nhất là: New South Wales và Victoria.

Suốt 107 ngày, Sydney bị cô lập. Hơn 235,000 người đã mất việc. Mức thất nghiệp lên tới 6.4%. Cứ một tuần bị đóng cửa, nền kinh tế NSW bị thiệt hại khoảng 1.9 tỷ đô la.

Chánh quyền phải đi mượn Quỹ Dự trữ Liên bang hàng tỉ đô để cứu đói cho dân. Dùng tiền nhà nước, mua lấy lòng dân. Ngoài ra, Thủ hiến tiểu bang NSW còn cho thêm (ai có con bị bắt học ở nhà) 5 phiếu mua hàng trị giá $250 như ‘lời cảm ơn’. Phe đối lập đâu dám cản. Vì sợ chúng chửi. Chỉ cà khịa là: “Cho ngay mùa lễ Giáng Sinh lúc dân cần xài. Tại sao lại bắt dân phải đợi tới tháng Ba sang năm?”

o O o

Sydney là vậy. Còn Melbourne lại là thành phố bị nhốt lâu nhất trên thế giới. Tổng cộng hơn 262 ngày kể từ tháng Ba năm ngoái. Một kỷ lục hổng ai ham!

Lần thứ 6 gần đây nhứt, bắt đầu từ ngày 4 tháng Tám, dài lê thê tới 87 ngày. Tới tận 11giờ 59 phút khuya Thứ năm, ngày 21, tháng Mười.

Một ngày Victoria bị phong tỏa, giới bán lẻ, thiệt hại tới 55 triệu đô la. Làm ăn không được. Tiền bạc vô ra không có. Sống nhờ trợ cấp của chánh phủ như ló cái lỗ mũi lên khỏi mặt nước, chỉ để khỏi chết chìm. Nên đứa nào cũng quạu. Vợ chồng gấu ó. Chửi lộn đã rồi thượng cẳng chưn, hạ cẳng tay. Mà chữ gọi là: ‘nạn bạo hành gia đình’.

Con vợ Úc thách thằng chồng: ‘You’ có ngon xáng ‘me’ một bạt tai đi! ‘Me’ sẽ nằm giãy đành đạch. Chánh phủ sẽ bồi thường cho ‘me’ 5 ngàn đô vì là nạn nhân bị bạo hành. Còn ‘you’ thì vô hộp, ngủ có người coi, cơm ăn khỏi nấu.

Hổng biết có phải vì 5 ngàn đô tiền bồi thường nầy của chánh phủ tiểu bang NSW cho như xúi em chọc mình ‘quánh’ hay không; mà nạn bạo hành ở Sydney nó tăng lên chóng mặt.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Xin mấy chú Úc ‘thòi lòi’ đừng có ngu ngơ, dại khờ, đạp vô bàn chông giá 5 ngàn đô của em gài sẵn! Nếu có bực bội, tức tối em yêu hay chửi chó mắng mèo gì đó thì nên bắt chước chú em nầy ở xứ Italy.

Chuyện vầy nè: “Một ông 30 tuổi, ở ngoại ô thủ đô Rome bị quản thúc tại gia 2 năm vì có liên quan tới ma túy. Mới được vài tháng, anh ta đã lon ton chạy tới đồn Cảnh sát để khai báo: “Xin hãy nghe tôi, cuộc sống của tôi đã trở thành địa ngục. Tôi không thể chịu được nữa! Tôi muốn ngồi tù!”.

Ông này bị bắt ngay lập tức vì vi phạm lệnh quản thúc tại gia và ông ta được chuyển đến nhà tù theo ước nguyện.

Tuy nhiên, Úc nó không chọn cách nầy. Vì em có cà chớn, cà cháo, cà pháo nhưng nó vẫn yêu em. Còn yêu, vì nó ghiền tiếng ngáy như hà mã rống của em đêm đêm. Lâu rồi đời mình sẽ quen. Thiếu nhớ lắm đó!

Úc bèn chọn cách khác để ‘xả xú páp’, trút nỗi bực tức trong lòng. Cách đó là biểu tình. Bất kể lịnh giới nghiêm. Rầm rộ ra ‘city’ chơi cút bắt với Cảnh sát vào những ngày thứ Bảy cuối tuần để chống lịnh cô lập, nhốt quá lâu. Hàng ngàn đứa nghênh ngang đi giữa cầu Westgate. Xe Cảnh sát lảng vảng, tụi nó rượt chạy có cờ.

Coi bộ cho Cảnh sát vật dân xuống đất, còng tay lại, đưa lên xe, đem về đồn nhốt ngó bộ không êm. Thủ hiến Daniel Andrews lẳng lặng thay đổi chiến lược bằng cách xuống nước nhỏ.

Xúi dân chích ngừa đủ hai mũi lẹ lẹ lên. Ðược 70% là thằng chả bỏ giới nghiêm, cho đi nhậu. Nghe tới nhậu, dân Victoria tự nguyện đi chích ào ào như đi coi chung kết đua ngựa Melbourne Cup.

Bộ trưởng Ngân khố Liên bang Josh Frydenberg (đơn vị thuộc tiểu bang Victoria) nắm túi tiền của nước Úc mà chỉ dùng cái mồm ‘thank you’ dân lia lịa vì đã chích ngừa đầy đủ được 70%.  Nịnh để kiếm phiếu. Nói miệng hổng ham. Xì tiền ra mới ham!

Cuối cùng đêm thứ Năm, lúc 11.59 pm, ngày 21 tháng Mười năm 2021,  khi lịnh cô lập thành phố sắp chấm dứt, dân Melbourne đếm ngược ‘three, two, one’ như tối giao thừa. Tại khu trung tâm của Melbourne người dân hào hứng vỗ tay, bấm còi xe inh ỏi.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Chắc bà con bên Mỹ sẽ thắc mắc: “Hết bị nhốt, dân Melbourne trước hết sẽ làm gì?” Thì theo giới truyền thông làm khảo sát cho biết là: 48% người đi thăm thân nhân, thăm bè bạn, đi ăn nhà hàng. (Vì đa phần vợ Úc chỉ biết ăn, không biết nấu). 40% đi hớt tóc (dù có đứa đầu sói sọi, chỉ còn loe ngoe vài cọng tóc). 20% đi uống bia (để giải khát, Úc không uống nước; chỉ uống bia, trong đó có tui.)

Bước vô quán nhậu, ngồi chưa nóng đít thì em bồi bàn đã đòi coi giấy. Em năn nỉ nghe thấy thương: “Anh (dù mình bằng tuổi của ông Ngoại em) thông cảm! Nếu mấy anh không chích ngừa đủ hai mũi mà em cứ để mấy anh nhậu, nó đi kiểm tra, nó phạt quán em tới 20 ngàn đô lận đó!”

Bảo Huân

Mấy ông già dốt về vi tính, nên lạng quạng hổng biết tìm cái giấy đó ở đâu? Tui làm tài khôn, chỉ lên trang ‘web’ của chánh phủ, chỉ tụi nó rinh giấy đó về cái ‘iPhone’ của mình. Từ rày về sau, mỗi lần đi nhậu là phải xòe nó ra cho mấy em coi. Muốn bay về Việt Nam, hay bay đi Cali, Hoa Kỳ, thăm bồ nhí, thì phải kẹp theo với cái giấy thông hành.

Úc vốn tính tình hịch hạc, mau quên. Quên luôn cái vụ mới tuần rồi bị cảnh sát chống bạo động rượt chạy có cờ như mèo vờn chuột. Thấy xả cảng ra, dân Úc nó đi nhậu tưng bừng, vui như Tết tới.

Nên dù mỗi ngày, Victoria vẫn có gần 2 ngàn ca nhiễm mới và một chục người chết, nhưng để dụ khị dân, Thủ hiến Daniel Andrews nói những điều, con nít cũng biết, là :“Không có gì để bàn cãi! Nếu được chích ngừa đầy đủ, khả năng bạn không khỏe, thực sự bị bệnh nặng – chỉ là một phần rất nhỏ”

Bộ Y tế cũng thay đổi giọng điệu. Trước đây nhấn mạnh đến số ca bệnh. Nhiều cỡ hai chục lấy lên là ra lịnh nhốt cả tiểu bang. Nhưng kể từ hôm nay, nó đã thay đổi, nó tập trung vào số người được chích ngừa và nhập viện – một sự thay đổi là ‘phù hợp’ với tình thế mới. Giám đốc Y tế Brett Sutton nói.

Xem thêm:   Kế Sách

Phải chi ông Giáo Sư nầy biết được tầm quan trọng của chích ngừa sơm sớm một chút. Thay vì có ca nhiễm là cứ đóng cửa tiểu bang nghe cái rầm ngay như năm ngoái thì đỡ cho người dân ngu khu đen chúng tôi biết bao!

Từ 6 giờ chiều thứ Sáu tuần này 29 tháng 10, tiểu bang Victoria sẽ đạt số 80% người từ 16 tuổi trở lên chích ngừa đầy đủ, người dân đang trên đường từ từ trở lại cuộc sống bình thường.

Mong là cảnh vắng vẻ như Chùa Bà Ðanh ở trung tâm thành phố Melbourne sẽ không ‘tái hồi Kim Trọng’ nữa. Sẽ không còn hạn chế đi lại giữa Victoria và vùng nội thị Melbourne. Nghĩa là tui có thể chở em yêu đi Lorne, cách Melbourne hai giờ xe. Ðể đôi ta ngồi bên nhau nghe sóng biển. Ðể chỉ có thuyền mới biết, biển mênh mông dường nào. Ðể chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu?

o O o

Tóm lại, sau 262 ngày bị nhốt dài đăng đẳng, Melbourne được gì, mất gì? Melbourne có số người chết nhiều nhứt nước Úc, kinh tế thiệt hại nặng nề nhứt. Nhưng cái mất đáng kể nhất là mất niềm tin vào chánh quyền và các chuyên gia đầu ngành về Y tế. Niềm tin ngày xưa là: mấy ông được đào tạo bài bản, chắc giỏi hơn mình giờ đã bị lung lay.

Từ rày về sau, có lẽ người dân tiểu bang Victoria sẽ cân nhắc, đắn đo kỹ càng khi bầu chọn ra người có tài, có đức, dám làm dám chịu, ra lãnh đạo mình. Cái mửng làm như cũ, chạy vòng vòng. Chuyên núp sau lưng chuyên gia về Y tế để né. Thành công thì nhận công của mình. Thất bại thì đổ thừa cho kẻ khác. Làm vậy hoài đâu được nè!

Ðại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi tất cả! Hàng mã nó rã bèn như gặp phải mưa to.

DXT