Ðọc báo Xuân, tui thấy bà con trong nước năm nay ăn Tết buồn nhiều hơn năm trước. Bông, kiểng bán đại hạ giá, lỗ chỏng gọng, vẫn không có ai mua. Người bán điệu đời, hiểu thiên hạ ít mua vì họ không có tiền. Không có tiền do năm rồi làm ăn không khá. Nghèo với mạt, cùng cảnh ngộ, bông cho không. Cũng có người giận cá chém thớt, đập bỏ chớ không cho ai hết ráo. Trong khi Cộng Sản vẫn vui mừng vui quá vui. Chuyện của người dân; chớ không phải chuyện của chánh quyền.
Nhà báo quốc doanh Tường Vi (tên một loài hoa) viết phóng sự: “Thuyền hoa miền Tây cập bến Sài Gòn: ‘Tết trên bến, Tết dưới thuyền”.
Thuyền hoa? Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, dân Quảng Nam, trong bài “Bến giang đầu” có viết “Gió rào rạt thưa rằng một sớm trên bến sông. Em xuống thuyền hoa pháo reo vang lướt ngược sóng.” Làng quê Quảng Nam mùa Đông ngày ấy đường sá còn rất lầy lội. Thuyền hoa được kết hoa đẹp, dùng để đưa hoặc rước cô dâu. Người yêu cũ của ông Lê Trọng Nguyễn xuống thuyền hoa, đi ngược dòng sông Thu về nhà chồng đâu đó ở Duy Xuyên, Đại Lộc.
Còn Miền Tây hằng mấy trăm năm qua, bà con mình có chiếc ghe, cái nhà di động, buôn bán; họ sống thương hồ cả đời trên sông rạch. Con trai hoặc gái tới tuổi cập kê phải dựng vợ, gả chồng. Ngày tân hôn hoặc vu quy, hai chiếc ghe thương hồ của đàng trai, đàng gái phải có thuyền hoa mới ra đám cưới.
Trên thuyền hoa có cô dâu, chú rể, bà con hai họ: “Rừng Nhum có cô Kiều Hạnh. Quán Dốc có chị Ba Bèo. Xóm Bời Lời có thím Tư Phong. Cái đầu bèo nhèo, cái đít láng mướt. Có con mà chưa có chồng. Thôi hãy vui lên cùng sống đời bên nhau! Em phải biết anh. Một thanh niên có học lại chân tình. Về xin cưới hỏi em đàng hoàng chớ anh đâu phải là đứa lang bang …”
Đôi soạn giả Kiên Giang và Quy Sắc trong “Người vợ không bao giờ cưới” cho sơn nữ Phà Ca Út Bạch Lan vừa ngâm thơ, vừa thút thít khóc khi Kiểu Mộng Long Hữu Phước đi cưới vợ: “Trăng treo thềm cổng vu quy. Ai vui trong đó sầu bi ngoài nầy”
Rõ ràng nhà báo CS Ba ke hai nút Tường Vi nầy hiểu chữ thuyền hoa trật lất. Không lẽ thuyền hoa là thuyền bán hoa. Xe hoa là xe bán hoa. Em bán hoa không phải là em bán bông mà là em bán cái vốn tự có của em?
Theo thiển ý của tui, những văn, thi sĩ Miền Bắc, Miền Trung phải học thêm về văn hóa phong tục của người Miền Tây. Ghe đi bán bông, bán kiểng chợ Tết chớ không phải là thuyền hoa gì hết ráo nghe không. Dùng chữ bậy bạ làm tui cười thiếu điều té ghế.
Đó là chuyện trong nước, còn chiều cuối năm quê người, không có hương vị Tết gì của quê nhà năm cũ. Nó buồn như ếch, nhái, ễnh ương, bù tọt kêu huềnh hoang trong chiều chạng vạng tối nhá nhem mà lại có mưa. Ngồi bên ly rượu đỏ, tui đọc Hạc Thành Hoa: “Chiều cuối năm trong quán bên sông nhìn lá rụng” để buồn hơn cái thân xa quê trong thời lưu lạc. “Chiều cuối năm còn ngồi trong quán. Nỗi lòng ta biết gửi về đâu? Mây đã ngừng trôi sông nước lặng Mang mang thiên địa ý xuân sầu!”
Tui nhớ trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Tui nhớ tui của một thời phấn bảng ở một trong những trường Trung học lớn nhứt Miền Tây. Vì Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ có tới 112 lớp Ðệ Nhất cấp và Ðệ Nhị cấp. Điều đó nghĩa là hơn 7,000 học trò, quê tứ xứ từ các tỉnh khác đến học.
Bây giờ thì: “Học trò năm cũ giờ đâu cả? Em dạt về đâu mấy nẻo đường?” Thầy trò chúng tôi lưu lạc, tha hương ra toàn thế giới. Chúng ta ra đi mang theo quê hương, mang theo hình bóng thân thương của ngôi trường năm cũ quê nhà.
Thảo lư là lều cỏ, Lưu Bị 3 lần tam cố Khổng Minh đó mà. Thảo lư của ông bạn nhậu, quê Cần Thơ, ở lưng chừng đồi, nằm trên một thung lũng dài, Long Valley Way, vùng Doncaster East, tiểu bang Victoria, Australia. Nó cách nhà tôi Footscray, hơn 30 cây số, mất chừng 40 phút lái xe. Tui nhớ hôm đó, ông làm món gỏi khô cá sặt trộn với xoài sống. Mồi bắt quá, mấy đứa cưa vài chai rượu mạnh cạn láng chít, tui quỷnh hết dám lái xe về.
Tui nhớ thơ Cao Tần: “Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc. Thấy chiến trường la liệt xác anh em. 5 tráng sĩ bị 10 chai quất gục. Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm. Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới: Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”.
Tui nhớ “Chiều Tây Đô” của nhạc sĩ Lam Phương, dân Rạch Giá, “Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều. Sao em không thấy về Ninh Kiều?” “Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường. Nay nghe sao khác từ tên đường?”
Melbourne, quê người lưu lạc, bèo dạt hoa trôi, tui may mắn gặp được Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, dân Mái Dầm, cựu học sinh College de Cantho, tiền thân của trường Trung học Phan Thanh Giản. Tui cũng được gặp Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Trung Quân; Giáo sư Hiệu trưởng Trương Quang Minh, Giáo sư Bùi Bằng Hãn, Giáo sư Nguyễn Đình Sửu, Giáo sư Trần Văn Dinh, Giáo sư Đoàn Văn Trung … để tui nhớ tui của một thời phấn bảng cách nay đã 50 năm .
Tha hương gặp cố tri! Trên 70, sống thêm được một năm nữa, là do trời thương. Giờ Trời kêu ai nấy dạ, Trời kêu đi thì mình đi vậy. Chiều chạng vạng, trước hay sau gì cánh chim trời phiêu bạt cũng về đậu trên nhánh cây ‘thương’. Chúng ta đã có một quãng đời với nhau vui như: “Cửu hạn phùng cam vũ. Tha hương ngộ cố tri”. (Nắng hạn gặp mưa rào. Xa quê gặp bạn cũ.)
Tui nhớ Đỗ Phủ: “Áo bông gán nợ qua ngày. Quán ven sông, rượu khướt say mới rời. Vẫn thường uống chịu đấy thôi. Xưa nay 70 tuổi đời hiếm hoi!”
Mùng Một Tết Giáp Thìn quê người khai bút, tui nhớ xưa, nghèo mạt rệp nhưng vẫn được mấy quán nhậu gần ngã ba Chợ Tham tướng Cần Thơ cho tui thiếu chịu; tụi mình nhậu vui quá xá há! Còn quê người rượu, beer giờ không thiếu; chỉ thiếu cái hồn quê.
ĐXT