Trên Facebook có một ông không biết có mắc đàng dưới hay không mà hô hào khản cổ: “Đừng viết hủ tiếu, hãy viết là hủ tíu. Viết hủ tiếu là có tội với văn hoá Nam Kỳ.” Tội gì vậy hả thằng ông nội con nít?

Tui nhớ thời VNCH mình, trước khi CSBV vâng lịnh quan thầy Nga Hoa vô xích hóa Miền Nam, bà con mình dùng chữ ‘hủ tiếu’ hà rầm. Bằng chứng là trên ‘Google image’, tiệm Thanh Xuân ở số 62 đường Tôn Thất Thiệp, hơn 70 năm trước thời CS, bảng hiệu đề Hủ Tiếu Mỹ Tho. Rồi tiệm Hồng Phát trên đường Trần Quý Cáp (CS đổi tên đường thành Võ Văn Tần) hình đen trắng hồi xưa, bảng hiệu đề: Hủ Tiếu Nam Vang. Rồi thực đơn (menu) của Little Saigon Vietnamese Restaurant ở Nam Cali cũng đề Hủ Tiếu. Rồi hủ tiếu Gõ Ông Mập 2/203 Ballarat Rd Footscray gần chỗ tui ở cũng vậy.

Chữ hủ tiếu bà con mình quen dùng từ thời Bành Tổ còn ở truồng tới giờ mà hứng ẩu, ông kêu bà con đừng nữa thì đâu có được nè cha nội.

Trước bạo quyền áp bức, người Tàu cũng như người Việt mình phản ứng giống nhau: bỏ xứ ra đi. Ra đi mãi mãi nhưng trong lòng mang theo quê hương. Người Quảng Đông, người Triều Châu, người Hẹ… mang theo món hủ tiếu quê cũ tới quê người Miền Nam Việt Nam. Thế nên ở cái đất Sài Gòn, bà con mình dễ tìm thấy tiệm hủ tiếu ở ngã tư đường như tiệm bún bò tại Huế hoặc quán phở ở Hà Nội để ăn điểm tâm.

Tiệm Thanh Xuân ở số 62 đường Tôn Thất Thiệp 

Hủ tiếu Mỹ Tho, Hủ tiếu Nam Vang khách muốn ăn phải tới tiệm. Còn nghèo muốn ăn ở nhà nhưng vợ mắc đậu chến, không nấu. Rồi đánh tứ sắc thua, tiền đâu mà anh mình ra tiệm nước Bảy Mập ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản nơi đặc công CS ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành Chánh thì anh mình đành ăn hủ tiếu gõ.

Xem thêm:   Tình anh em!

Đa số người bán hủ tiếu gõ, là dânTrung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vô Sài Gòn vì không cần nhiều vốn. Sáng sớm họ đi chợ đầu mối mua thịt, giá, hẹ, tương, ớt, chanh cho nó rẻ.

Hủ tiếu gõ bán thường từ khoảng 3 giờ chiều cho đến tận khuya. Xe hủ tiếu 3 bánh đậu ở hẻm lớn. Thằng nhỏ đệ tử luồn vào các hẻm nhỏ. Tay cầm hai thanh tre bằng tầm vông đã lên nước, gõ lóc cóc theo điệu nhạc thay cho tiếng rao. Rao hoài mỏi miệng ai rao cho nổi chớ?

Hủ tiếu gõ được người bán đem dâng tới tận miệng; dù khách ở sâu trong hẻm tối. Cái hay của dân du thử du thực đất Sài Gòn trấn lột ai; không bao giờ nghe chúng trấn lột tiền của mấy thằng bán hủ tiếu kể cả lúc chúng thua bài.

Thơ Bùi Giáng Quảng Nam “Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ” ‘Đầu đường’ là người có địa vị, giàu có mới có điều kiện thương ‘xó chợ’, thương người nghèo khó, thấp kém, hay bị coi thường.

Hủ tiếu Gõ Ông Mập

“Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau” Đúng vậy, đôi khi dân xó chợ  đói kêu hủ tiếu ăn; thằng nhỏ đến lấy tô, thu tiền thì nó cười hè hè cho thiếu chịu đi, mai trả. Mà mai nó trả thiệt. Xó chợ trấn lột người có tiền; nó không cướp cơm chim của người cùng khổ như nó. Còn văn minh hơn bọn CS nhiều.

Xem thêm:   Ôn ơi!

Mỹ Tho có nhiều tiệm hủ tiếu như: Vĩnh Ký, Hưng Ký, Gia Ký, Tuyền Ký, Phánh Ký. Ký là tiệm. Phánh tên chủ tiệm. Phánh Ký là tiệm của Chú Phánh. Tui quê Mỹ Tho cùng quê với hủ tiếu Mỹ Tho. Gặp lại Thầy Lê Phú Thứ Giáo sư Anh Văn trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Deer Park, Melbourne, hai thầy trò ngồi nhắc tô hủ tiếu Phánh Ký bên kia Cầu Quay trên đường Đinh Bộ Lĩnh mà nước miếng nhểu vén lên không kịp.

Còn tiệm hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân nằm trên đường Tôn Thất Thiệp Quận Nhứt. Từ Mỹ Tho lên Sài Gòn vào năm 1946. ông chủ với một chiếc xe đẩy, bàn ghế đặt trước vỉa hè, bán hủ tiếu Mỹ Tho. Bánh hủ tiếu trụng mềm cho vào tô, xếp lên trên là xá xíu heo, tôm, gan heo, tim heo, thịt cua. Hủ tiếu nước chan nước lèo thịt bằm. Riêng hủ tiếu khô, nước lèo được để riêng.

Tính tới nay, tiệm Hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân từ đời ông sơ truyền lại đã 4 đời. Chủ đầu tiên đã chết. Khách lứa đầu cũng chết. Chết ráo. Nhưng tiệm hủ tiếu Thanh Xuân chưa chết. Thanh Xuân vẫn Thanh Xuân. Con vượt biên qua Mỹ hay đứa còn kẹt lai vẫn bán hủ tiếu.

Hủ tiếu gõ – photo getty images

Hồi đó xa quê đi học ở Sài Gòn, em yêu của tui từ Mỹ Tho lên thăm. Hai đứa ra tiệm Hủ tiếu Thanh Xuân ăn, vì nó xưng mình là Hủ tiếu Mỹ Tho nhưng không giống. Nó bỏ vô tùm lum tà la: nào là trứng cút, tôm, giá, rau tần ô, rau ăn với món vịt nấu chao, chanh, ớt tươi xắt lát? Tô hủ tiếu lai căng như cải lương Hồ Quảng, giống như bài tân cổ giao duyên do ông Bảy Bá tức soạn giả Viễn Châu bào chế mà bắt ca sĩ tân nhạc Thanh Tuyền hát. Nó ăn chẳng ra làm sao cả!

Xem thêm:   Gà xé phay

Tô hủ tiếu bây giờ nhà báo quốc doanh CS với những động từ gốc Hán không ‘g’ như ‘cải biên’, ‘biến tấu’. Sao không viết ‘sửa đổi, ‘thêm thắt’ cho dễ hiểu?

Sau năm 1975, tui không thích đi ăn hủ tiếu Thanh Xuân như thời tui mới yêu em. Không phải vì tô hủ tiếu thời bao cấp nó dở òm. Cho dẫu là cao lương mỹ vị vẫn không ngon khi trái tim mình tan nát vì em bỏ tui đi lấy chồng lúc tui đang đời sa cơ thất thế. Em viết cho tui: “Cây đến thì trổ hoa Chuyến đò đầy rời bến. Em hát rằng đến duyên. Em lấy chồng năm ấy!”

Với tui chỉ cần mấy lát thịt xắt mỏng tanh như tờ quyến cho dễ ngấm nước lèo, miếng bánh tôm chiên, hẹ ruộng, ớt ngâm giấm, giấm đỏ với xì dầu.

Hủ tiếu nguyên thuỷ của tui thuở yêu em. Hủ tiếu bỏ tùm lum thuở em lấy chồng năm ấy.

Tui xa Sài Gòn đã 30 năm, chưa hề trở lại, và sẽ không bao giờ trở lại khi còn CS; nhưng nhắc tới tô hủ tiếu Mỹ Tho là gợi nhớ trong tui cả một trời quê hương ngày cũ.

Hủ tiếu ơi là tui kêu ‘em ơi đó! Chớ tui hổng có kêu tô hủ tiếu!

ĐXT