Trước năm 1975, cứ 5 giờ sáng, hầu như gia đình ở nông thôn miền Nam nào cũng vặn ‘ra-dô’ ấp chiến lược để nghe chương trình: “Gia Ðình Bác Tám”. Ðề tài mỗi ngày là một câu chuyện nho nhỏ xảy ra hàng ngày trong tình làng nghĩa xóm. Mà không phải chỉ dân quê mới khoái nghe tiếng ếch, nhái kêu đêm mưa, tiếng gà gáy sáng, tiếng chó sủa khi khách ghé nhà thăm, dân tỉnh thành, lẫn Sài Gòn cũng thích nghe “Gia Ðình Bác Tám”! Với ông Tám: Lâm Hưng. Bà Tám: Kim Thương. Hiền: Thy Lan. Lành: Thanh Quang. Bà Năm Trầu: Diễm Kiều. Ông Chín Ðờn Cò: Minh Khánh. Cùng góp giọng của kịch sĩ Tú Trinh, Phi Thoàn, Thanh Hoài, Khả Năng và Bà Năm Sa Ðéc.
(Thân phụ của kịch sĩ Tú Trinh là ông Chín Trích chơi đờn cò lão luyện. Có lẽ vì thế mà trong chương trình Gia Ðình Bác Tám có nhơn vật ông Chín đờn cò hay chăng?)
Khi CSBV chiếm được Miền Nam, chúng dẹp luôn chương trình ‘Gia đình Bác Tám’. Nông thôn ngày nay không còn nghe thấy được những mẫu chuyện đầm ấm như xưa. Giờ thay bằng những câu chuyện thương tâm: Nhậu nhẹt say sưa chồng giết vợ, anh em ruột thịt chém giết nhau vì giành nhà, giành đất. Làng quê vắng vẻ, đìu hiu chỉ còn lại những ông bà già héo hon. Thanh niên lìa quê, tha phương lên Bình Dương làm cu li kiếm sống. Thiếu nữ có chút nhan sắc đi lấy chồng Ðài Loan để thoát nghèo!
Biết đến bao giờ có lại được khung ảnh yên lành, đầm ấm, yên bình đong đầy tình người ở nông thôn Miền Nam như trước năm 1975!
Có tài liệu cho biết đạo diễn chương trình Gia Ðình Bác Tám là nghệ sĩ Năm Châu (1906-1977). Ông Năm Châu là nghệ sĩ, soạn giả cải lương kỳ tài, giáo sư kịch nghệ của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Ông Năm Châu cũng là người đầu tiên tổ chức nhóm chuyển âm phim cho hãng phim Mỹ Phương và hãng Mỹ Vân.
Chính vì vậy nói ông Năm Châu làm đạo diễn cho chương trình “Gia Ðình Bác Tám” nghe còn có lý.
Nhưng mới đây, anh bạn văn của tui lại nghe Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân khoe với ông Bác sĩ Ngô Thế Vinh là: “Với kinh nghiệm trước đó đã từng cộng tác với Ðài phát thanh Philippines thời còn là sinh viên ở Los Baños, năm 1972 khi về nước, Võ Tòng Xuân đã mạnh dạn đề nghị với Ðài phát thanh Sài Gòn xây dựng ‘Chương trình Gia Ðình Bác Tám’, là một chương trình giáo dục về canh nông với Võ Tòng Xuân viết kịch bản chuyên môn kiêm diễn viên chính.
(Anh bạn văn không biết Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng vai gì? Nếu có thì ông Giáo sư rất là đáng nể. Mâm nào cũng có ổng hết ráo).
Rồi cũng nghe Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: “Chương trình “Gia Ðình Bác Tám” là những màn thoại kịch ngắn, duyên dáng và hấp dẫn, có sức cuốn hút rộng khắp, vào xa tới cả các mật khu’(?)
(Chuyện nầy ngộ nhe?! Ðài phát thanh Sài Gòn phát thì VC nằm trong bưng, sáng ở không, buồn buồn nó có ra-dô là nó vặn để nghe thôi!?)
Ðể chứng tỏ chương trình nầy của mình làm đạo diễn và diễn viên chánh hay thiệt là hay nên đồng chí Ba Xuân, tức Dr Rice, tức đốc tờ Lúa) cũng có khoe: “Chú Sáu Dân tức Võ Văn Kiệt cũng đã từng là thính giả biết tiếng anh Ba Xuân. Ðồng chí Phạm Sơn Khai vào tiếp quản Ðại học Cần Thơ đã hỏi ngay giữa hội trường: “Giáo sư Võ Tòng Xuân Gia Ðình Bác Tám còn đây không?” Anh bạn văn của tui nghi giai thoại nầy là ba xạo vì Bảy Khai là dân tập kết, làm Trưởng phòng Tổ chức Ðại học Sư phạm Hà Nội. Sau tháng Tư 75, thấy êm êm mới bò về thì biết khỉ mốc gì về ‘Gia Ðình Bác Tám’ của Miền Nam.
Bảy Khai không có bằng cấp đại học gì ráo. Nên mỗi lần giới thiệu chỉ là trên răng dưới dế: đồng chí Viện trưởng Phạm Sơn Khai. Chẳng qua hồi 9 năm, Bảy Khai quen Sáu Dân nên được thay thế Giáo sư Nguyễn Duy Xuân về làm cha các giáo sư Viện Ðại học Cần Thơ còn kẹt lại.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, Tỉnh Cần Thơ. Ông là cựu học sinh Collège de Can Tho. Sau khi đậu bằng Thành Chung, ông sang Pháp học Cử nhân Kinh tế. Qua Anh, lấy bằng Cao học; tiếp đến sang Mỹ lấy Tiến sĩ Kinh tế học đại học Vanderbilt.
Về Việt Nam năm 1963, Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân làm Tổng trưởng, Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ðầu năm 1970, ông được mời về quê nhà Cần Thơ làm Viện trưởng Viện Ðại học.
Anh bạn văn của tui cho biết trước cổng Khu Cái Răng trường Ðại học Cần Thơ trên đường Mạc Tử Sanh là căn biệt thự do Nhựt bồi thường chiến tranh cất cho ông Viện trưởng. Lúc đó, ảnh học trường Ðại học Sư phạm và Văn khoa Cần Thơ hay thấy Giáo sư Nguyễn Duy Xuân ưa mặc bộ đồ bốn túi màu cau khô từ trong đó đi ra. Sau 75, CS lấy căn biệt thự nầy để làm nhà khách cho các Ủy viên Bộ Chánh trị từ Hà Nội vào kinh lý tỉnh Hậu Giang.
Năm 1972, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đích thân mời ông Võ Tòng Xuân ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế Los Banos Philippines về trường Cao đẳng Nông nghiệp để giảng dạy.
Những ngày sau cùng của tháng Tư năm 1975, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân làm Tổng trưởng Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên trong nội các của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Giáo sư Nguyễn Duy Xuân bị CS bắt đi đày ra ngoài Bắc. Mười một năm sau, 1986, giáo sư Nguyễn Duy Xuân qua đời. Ông được chôn trên một ngọn đồi, thuộc Trại Cải tạo Ba Sao Hà Nam khi ông chỉ mới 61 tuổi.
Tóm lại, trước năm 1975, Giáo sư Võ Tòng Xuân được Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đỡ đầu. Sau 1975, nhờ ‘Gia Ðình Bác Tám’ nên Ba Xuân lại được Sáu Dân đỡ đầu.
Cùng là trí thức, cùng có bằng Tiến sĩ ngoại quốc như nhau nhưng Giáo sư Nguyễn Duy Xuân lại chết trong tù CS. Giáo sư Ba Xuân cũng ‘Xuân’ lại được đánh trống thổi kèn: Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhà Giáo Ưu Tú rồi Nhà Giáo Nhân Dân nên sống khỏe re, gáy te te. Thế nên hay cũng phải cần hên nữa!
DXT