Sáng thứ Hai, ngày 23, tháng Năm, năm 2022, tại Gough Whitlam Place, nơi có đài tưởng niệm cựu Thủ tướng Úc Gough Whitlam, người từng đề xuất chủ nghĩa đa văn hóa trong xã hội Úc. Ông từng sống ở Cabramatta, giờ là thủ đô của người Việt tị nạn CS ở Úc.

Ðài Tưởng niệm nằm ở phía trước của một quán cà phê. Nơi những ông già huỡn quá vì ở không, đang tụ tập quanh bàn cờ tướng.

Trên lối đi bộ, một em mặc áo khoác màu hồng, tươi cười với những em khác. Nhiều người từ trong shop chạy ra bắt tay búa xua và ôm lấy em ấy để chụp hình.

“Ðài! Ðài!”. Tiếng kêu mừng rỡ như tiếng khóc phát ra từ phía bên kia đường. Sau đó là một tràng tiếng Việt nổ giòn giã như súng liên thanh.

Người phụ nữ xinh đẹp đó là: Dai Le, Lê Thị Trang Ðài, Dân biểu Liên bang Úc gốc Việt đầu tiên, sau 47 năm.

Nói nào ngay, cũng có người Việt tham gia chánh trường Úc trước đó. Ở Nam Úc, có một ông làm Toàn quyền. Lương 315,608 đô một năm. Job rất thơm, cũng phẻ! Chỉ chuyên đi ăn đám giỗ hoặc đám ma mà thôi.

Dân biểu liên bang hạng xoàng, ngồi hàng ghế sau, lương 211,250 đô một năm. Job cũng thơm, cũng phẻ! Cứ ngồi yên, cho mướn hai cái lỗ tai. Sếp mình tuyên bố thì mình vỗ tay rồi gật.

Lương “đầy tớ nhân dân” như vậy là ba cái lẻ tẻ. Bổng mới đáng kể. Nhưng ngon nhứt là “lộc”. Quen biết toàn tai to, mặt bự nên dễ mần ăn lắm!

Rồi cũng có dân biểu, thượng nghị sĩ “gật” cấp tiểu bang. Lần đầu tiên có được một em lên tới cấp liên bang, hỏi sao mà không khoái cho được chớ?

Fowler là đơn vị bầu cử liên bang phía Tây Nam thành phố Sydney, tiểu bang NSW. Diện tích 69 km2. Số cử tri 164,235. Úc gốc Việt 25 ngàn, chiếm gần 16% đủ để khuynh loát kết quả bầu cử, quyết định ai thắng ai thua.

Qua 13 cuộc bầu cử liên tiếp, đảng Lao Ðộng chưa thua một lần. Bà con mình nói đảng Lao Ðộng có đưa con lừa ra cũng thắng luôn.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Dân biểu Chris Hayes, 66 tuổi, đã làm 4 nhiệm kỳ oải quá nên nghỉ để nhậu chơi. Trước khi dứt áo ra đi, ông tiến cử Tu Le, một nữ luật sư Úc gốc Việt còn rất trẻ.

Nhưng đảng Lao Ðộng lại cho Thượng nghị sĩ Kristina Keneally, vùng thượng lưu phía Bắc của Sydney, cách Fowler tới 2 giờ xe “nhảy dù” vào cái ghế an toàn này.

Con khủng long Keneally trong đảng Lao Ðộng vốn là con cháu chú Sam bên Mỹ. Từ Mỹ em “nhảy dù” vô chính trường của Úc. Sau đó, em “nhảy dù” rất nhiều lần. Và lần nào dù cũng bọc, cũng rớt ngay chóc cái ghế em muốn ngồi. Cho dù ghế thì ít mà đít thì nhiều.

Hành động ngạo mạn này của đảng Lao Ðộng làm cử tri Úc gốc Việt, bấy lâu toàn theo Lao Ðộng, giờ rời bỏ đảng bằng lá phiếu.

Bà con cử tri tại địa phương nói: “Rừng nào cọp nấy”. Vùng khác lại đây coi “cọp” đâu có được nè!

Mỗi vùng có thuận lợi và rắc rối khác nhau. Chân ướt chân ráo tới đây biết khỉ mốc gì mà đại diện?

Vậy là thứ Bảy, 21 tháng Năm, năm 2022, ngày bầu cử, dù không bọc, em Keneally té cái “ạch” nghe cái “đụi” ngay tại Fowler.

Thế mới biết: “Em Hai ơi! Ðừng đi lính nhảy dù! Dù không bọc té lòi mông”.

Hu hu! Ðảng Lao Ðộng thắng mà em thua. Thua đau quá! Và sự nghiệp chính trị của người đẹp Keneally nói tiếng Úc giọng mũi, giọng Mỹ, có thể sẽ chấm dứt như đang chơi nhạc, chơi trống mà trống bị lủng vậy.

Cái lý thú là hai đối thủ chánh trị: Keneally và Lê Thị Trang Ðài đều sanh năm 1968, tuổi Thân, con khỉ. Keneally, là con khỉ núp lùm, chuyền qua chuyền lại rớt tùm xuống sông.

Chẳng qua phó Thị trưởng thành phố Fairfield, Dai Le, chớp thời cơ, lợi dụng được sự bất mãn của bà con mình đối với đảng Lao Ðộng nên thắng cử rất vẻ vang.

Việc một ứng cử viên độc lập bất ngờ quất sụm bà chè một con khủng long trong đảng thắng cử khiến các nhà báo Úc phải ngả nón cúi đầu, nghiêng mình kính phục, gọi đó là phép lạ.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Ðến Úc tị nạn năm 1979, lúc mới 11 tuổi, Trang Ðài không biết một chữ tiếng Anh. Tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành khoa học chính trị Ðại học Macquarie, bà là nhà báo và nhà bình luận chính trị.

Trả lời phỏng vấn của ABC, Ðài Truyền hình quốc gia Úc, Trang Ðài hồi ức lại thời vượt biên, vượt biển rất là cảm động: “Tôi nhớ lại lúc ở trên một chiếc thuyền giữa đại dương với mẹ và hai đứa em gái. Tôi đã sợ hãi như thế nào vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết. 43 năm sau, tôi sẽ bay lên họp Quốc hội Liên Bang Úc ở Canberra. Tôi sẽ cất lên tiếng nói cho cử tri đơn vị bầu cử Fowler, trong đó có đồng bào từng tị nạn CS như tôi. Tất cả có vẻ như là một giấc mơ hoang đường, không thể nào tin được”.

Bảo Huân

o O o

Người ta thường hay nói: Con gái đẹp sanh ra để làm tài tử xi nê. Xấu hoắc mới đi làm chánh trị. Nói như vậy là trật lất!

Những người phụ nữ Việt Nam tị nạn CS đi làm chánh trị ở Mỹ, ở Úc họ xuất sắc và đẹp một cách não nùng. Ngoài ra họ còn làm chánh trị rất thành công.

Mấy anh mình chỉ hửi khói; vì đua đâu có lại. May thiệt là may mới có được Luật sư Cao Quang Ánh, Dân biểu Liên bang Mỹ (2009-2011) thuộc đảng Cộng Hòa tại tiểu bang Louisiana.

Bên phụ nữ thì có bà Stephanie Murphy, Dân biểu Liên bang Mỹ 3 nhiệm kỳ (2017-2022) thuộc đảng Dân Chủ tại tiểu bang Florida.

Bà Ðặng Thị Ngọc Dung có chồng Mỹ nên theo họ Mỹ Stephanie Murphy.   Bà Dai Le có chồng Úc nhưng lại không theo họ của chồng.

Như vậy, cách một Thái Bình Dương bao la, Mỹ và Úc phong tục cũng khác nhau đấy chớ. Vậy mà có đứa dám nói chánh trị gia của Úc toàn là “cọp dê” sách của Mỹ.

Tuy vậy, tui thấy hai chánh trị gia xinh gái có “cái nầy” giống nè. Họ giống nhau ở chỗ cái tài. Chỗ từ một thuyền nhân tị nạn CS bay lên làm Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ hoặc Úc.

Xem thêm:   Kế Sách

Thiệt là quá đã! Nhứt là con đường em đi đó không trải hoa hồng trên thảm đỏ mà đầy những chông gai.

Dai Le, một người Việt tị nạn CS, gia nhập chính trường chánh mạch của Úc nhưng thân cô, thế cô (ứng cử viên độc lập) lại “nhảy dù” thành công xuống thủ đô Canberra.

Cuộc bầu cử Liên bang Úc lần này cuối cùng rồi cũng phải pha màu. Màu trắng tàn nhang của Quốc hội Úc loãng đi y như Mỹ.

Một trong những lý do là: Ða số cử tri gốc Việt tại đơn vị bầu cử Fowler không cần biết ứng cử viên có kinh nghiệm chính trường hay không? Có thế lực trong đảng cầm quyền hay không? Tất cả những cái đó chẳng là cái đinh gì hết để mất thời giờ suy xét!

Không phải là dân địa phương mà từ nơi nhung lụa sang giàu “nhảy dù” xuống chỗ dân ngu khu đen đòi làm cha là đi chỗ khác chơi.

Vùng có nhiều người Việt định cư, họ có thể khuynh đảo được kết quả bầu cử. Ai húp nước mắm là tui bầu, giỏi dở không cần biết. Vô Quốc hội ngồi ngủ gục, vì tối qua thức khuya quá để xem phim Hàn quốc, tui cũng không “ke”.

Bởi bà con mình xưa giờ có cái tập quán, huỡn là đánh nhau chí chóe. Nhưng khi có chung một kẻ thù thì chung lưng đấu cật, đoàn kết lại để chơi khô máu. Bài học lịch sử nầy chắc Tập Cận Bình rành như ăn hoành thánh. Nên: “Ðừng đánh nó. Hãy để chúng nó đánh lẫn nhau”.

Chỉ có mấy tay khù khờ lãnh đạo đảng Lao Ðộng mới không biết mà thôi!

Nói không phải trù ẻo gì bà Dai Le! Cái ghế dân biểu độc lập “chông chênh” lắm. Phải chơi cái sách “Vũ Như Cẩn” mới chắc ăn lần nữa trong ba năm tới.

Sách đó là: Hai, ba ứng viên gốc Việt cùng ra, để chẻ phiếu của đối thủ. Cùng lúc dồn phiếu ưu tiên cho “Mít” của mình. Hai đánh một không chột cũng què.

Cái sách đó gọi là bí kíp tranh cử của “Ðảng Nước Mắm”.

ĐXT