Ðầu Ðại lộ Cộng Hòa là cái bùng binh; nơi đường Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng ‘bông rua’ (Bonjour).

Ông Paulus (Phao-lô) ‘Huình Tịnh Của’ (1830–1908), trong Ðại Nam quấc âm tự vị, (1895) cắt nghĩa bùng binh, khúc sông rộng lớn mà tròn”. CSBV vào, gọi là vòng xoay. Chạy vô trong đó rồi xoay vòng vòng hổng biết đường ra. Nó giống như CS chống tham nhũng vậy. Cứ xoay vòng vòng; nhốt đồng chí nầy rồi xoay vòng qua nhốt đồng chí kia.

Ngoài Hà Nội, nó bắt đồng chí Nguyễn Ðức Chung (Con), thiếu tướng Công An CS rồi xoay vòng bắt tới đồng chí Chu Ngọc Anh). Trong Sài Gòn thì bắt đồng chí Tất Thanh Cang. (Cang cạp đất mà ăn cũng bị bắt nữa hè?)

Nên giờ ra sân tập thể dục, cứ nghe lao xao tiếng hỏi nhau: Ðồng chí vô lâu chưa?

(Nó khai trừ đảng rồi mới được nhốt mà mở miệng ra cứ đồng chí hoài hè? Ðồng chí gì mà giành ăn, nỡ chơi nhau cạn tàu ráo máng! Chơi đau đến nỗi Chung (con) phải ‘ói’ ra hai mươi lăm tỉ, hơn cả triệu đô Mỹ và nói xưa bị khùng; cho nó lấy tiền xong, có cớ để giảm cho Chung (con) 3 cuốn lịch).

Ra khỏi bùng binh, trên Ðại lộ Cộng Hòa chạy về phía đường Trần Hưng Ðạo, chợ Nancy, trường Trung học Petrus Ký nằm ở đầu đường phía bên tay phải.

(Xin phụ đề thêm chút chút là Petrus, tiếng Latin nên không có dấu sắc.)

Ðối diện bên kia cổng trường Petrus Ký là thành Ô-ma (Camp des Mares), là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Việt Nam hồi xưa.

Vì địa thế đặc biệt như vậy nên các biến cố chánh trị lớn, nhỏ thời đó trường Petrus Ký dù muốn dù không cũng bị “lan can”. Mà người thọ nạn tới 2 lần lại chính là nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Cuối tháng Tư, năm 1955, Lính Dù của Quân đội Quốc gia Việt Nam và Công an Xung phong của tướng Bảy Viễn bắn nhau loạn xạ tại sân trường Petrus Ký.

Tạp chí Thế giới Tự do của Phòng Thông tin Hoa Kỳ, in trên giấy tốt, nên bọn học trò chúng tôi thời đó hay dùng để bao tập, có chụp hình một người lính phe Bình Xuyên nằm chết gần phòng thí nghiệm của trường.

Tượng đồng ông Petrus Ký có một vết tròn hơi lõm vào vì bị trúng đạn bên má trái, gần hàm dưới. Sau năm 1975, tượng ông Petrus Ký bị mang đi! Hổng biết ổng có bị đem đi nấu đồng chảy ra để bán ve chai không nữa? Chết đã lâu mà cũng không được yên, còn bị đuổi nhà?!

Bảo Huân

o O o

Sử gia miền Bắc coi bộ không khoái ông Petrus Ký. Mấy thằng chả phán rằng: “Về mặt văn hóa, Petrus Ký có công. Về mặt chính trị, ông có tội theo Tây, tội làm tay sai cho giặc  (?!)’’

Nhưng bà con đất Sài Thành cự lại, nói: “Petrus Trương Vĩnh Ký có công rất lớn trong việc phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ thuở phôi thai để tiếng Việt mới có được ngày hôm nay. Petrus Ký, một danh nhân văn hóa, “Ngát tỏa trời Tây danh thông thái. Thơm hồn Nước Việt rạng non sông”

o O o

Muốn vào học Petrus Ký phải qua kỳ thi tuyển rất gay go. Cả 7, 8 ngàn sĩ tử, đậu chưa tới 500, một chọi mười mấy để chen vào 8 lớp đệ thất! Danh sách đậu, như bảng vàng, được đăng trên trang nhứt nhựt báo Thần Chung của ông Nam Ðình. Một vinh dự lớn lao biết bao nhiêu mà kể.

Xem thêm:   Kế Sách

Cổng trường Trung Học Petrus Ký bề thế, cao khoảng 4 mét, có khắc ‘Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt. Tây Âu khoa học yếu minh tâm!”, hai câu đối của Giáo sư Hán văn Ưng Thiều.

Qua khỏi cổng là một sân có trải đá xanh cán nhỏ, có hai cây điệp tây rất lớn. Vào mùa thi, điệp trổ bông vàng rực rỡ.

Ngay chính giữa là Hành lang Danh dự, lót gạch bông, không đứa nào dám héo lánh lên chạy chơi. Bước xuống tam cấp, là sân trường hình vuông vức có tượng Petrus Trương Vĩnh Ký, mặc áo dài, đội khăn đóng, ngực trái đeo một dãy huân chương.

Cuối lầu trệt bên tay phải, qua một hành lang nhỏ là lớp Ðệ thất 5, niên khóa 1963, của tui đó. Ðối xứng phía bên kia là phòng Giám thị, nơi thầy đứng đó nhìn lũ học trò từ nhà chứa xe đạp qua hàng sao đi vào.

Kỷ luật của trường Petrus Ký nghiêm khắc suốt 7 năm còn hơn trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt chỉ 4 năm! Học trò Petrus Ký phải mặc áo sơ mi trắng tay ngắn bỏ trong quần dài màu xanh dương đậm. Trước khi vào lớp, học sinh phải xếp hàng đôi ngay trước lớp. Ði ngang thầy cô đứng là phải cúi đầu chào. Vô lớp vẫn đứng nghiêm, chờ thầy hay cô cho phép rồi mới được ngồi xuống!

Ðứa nào tóc dài, mang dép Nhựt, không đeo hiệu đoàn bằng ‘mica’ có ghi tên ghim trên túi áo hoặc trả bài không thuộc sẽ được ăn hai cái trứng vịt đóng khung lại (zéros encadrés) bị cấm túc.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Ngán nhứt là đưa cái giấy báo cho Tía mình. Bảo đảm mình sẽ biết điểm sôi nó nóng đến thế nào?

o O o

Ðám học trò Petrus Ký cũng như Miền Nam thời chiến chia hai. Có đứa theo quốc gia; có thằng theo Việt Cộng. Theo quốc gia thì nhiều. Theo Việt Cộng chỉ lèo tèo vài ba đứa, nên tụi nó êm ru, im re. Vì sợ gáy té te ‘chống Mỹ cứu nước’ gì gì đó sẽ bị lính bắt là bà nội cũng đội chuối khô.

Sau 75 ‘cướp’ được chánh quyền (như chúng tự nhận), chúng bắt đầu ba đía. Mà lớn họng, xạo ke nhứt là: Lê Văn Nghĩa (1953-2021) tức Hai Cù Nèo. Phe ta thì lẳng lặng làm thơ gợi nhớ thời đi lính, thuở tù đày, rồi trồi ra biển vượt biên.

Năm ngoái có một vị Giáo sư Tiến sĩ học trước tui cả chục năm, qua Úc du thuyết, tui mon men tới: “Dân Petrus Ký nè anh!”

Sau vài ly rượu đỏ, ảnh hỏi tui có đọc thơ Petrus Tô Thuỳ Yên (1938-2019) không? Dạ có! Thơ tù, ổng viết tại Trại biệt giam 3C Tôn Ðức Thắng, năm 1991.

Phòng biệt giam tối mốc thấp hẹp/Ta ở đây. Hơn bảy tháng rồi/Cánh cửa sắt nặng nề sừng sững/Sáu diện tích xi măng khuôn ép hãm đè…

Căn phòng này hồi trước nhốt Việt cộng. Bây giờ nhốt phản động…Lịch sử đổi phiên người gác ngục. Lúc giày đinh, lúc dép râu.

Huynh trưởng hỏi tui có đọc “Mùa hè Petrus” của Lê Văn Nghĩa, (học sau tui 2 năm), không?” “Tui nói không! Nó viết gì thì kệ nó chớ”

DXT