Khác tiếng Việt, từ Hán Việt giống tiếng Anh. Tính từ (adjective) đứng trước danh từ (noun). Như vậy ‘xá’ là vai chánh; ‘cư’ là vai phụ, tiếng bổ nghĩa (modifier). Theo từ điển Hán Nôm, ‘xá’ có nhiều nghĩa. Một trong những nghĩa đó là: danh từ nhà ở. Khiêm cung mời em đến ‘tệ xá’ của anh để đôi ta chui vô phòng mà đàm đạo vì con vợ anh bay về Việt Nam thăm thằng bồ cũ nên nó không có ở nhà! He he!
Cư là gì? Động từ nghĩa là: Ở, cư trú. Luận Ngữ: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (Người quân tử ăn không cầu được quá no, thừa mứa, ở không cần cho sướng, thích).
Nghĩa là người quân tử xem nhẹ việc ăn, việc ở. Người quân tử coi thường vật chất. Chính vì thế nên Nguyễn Công Trứ trong bài “Hàn Nho phong vị phú” hồi xưa học trò lớp Đệ nhị môn Quốc văn đều có học để chuẩn bị thi Tú tài một là: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no” Giỡn chơi hoài! Người nào, kể cả người quân tử, mà ăn chẳng cầu no? Công sức lương thiện của mình, mình ăn cho no, cho ngon. Mình không ăn cắp của dân thì bịnh gì phải cữ?! Nói ẩu không hè! Không những muốn ăn no mà họ còn muốn ăn ngon, muốn ăn cao lương mỹ vị. Đời có tứ khoái: ăn là cái khoái đứng hạng đầu bảng danh dự coi thường nó đâu có được nè?
Cũng cần nhắc nhỏ Uy Viễn tướng công: thời của ông ăn rau là nghèo; thời bây giờ ngược lại. Ăn rau thiên nhiên (organic) không có xịt thuốc trừ sâu gây ngộ độc, gây ung thư nghèo như tui chỉ có thấy trong mơ. Vì một ký lô ớt tới 30 đô; trong khi một ký lô thịt gà chỉ có 15 đô. Ớt mắc gấp đôi thịt gà mà tui lại khoái ăn ớt mới chết cửa tứ cho cái bóp của vợ tui.
“Trả lại em yêu khung trời mùa Hạ. Ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá” Mỗi lần nghe ‘Trả lại em yêu’ của Phạm Duy do con của ổng là Phạm Duy Quang trình bày là tui lại nhớ những cư xá của quê cũ Sài Gòn.
Tui nhớ cư xá Chu Mạnh Trinh (cư xá ngân hàng Đông Dương) toàn là nghệ sĩ nổi tiếng như: nhạc sĩ Phạm Duy, Hoàng Nguyên, Tuấn Khanh… ca sĩ Minh Trang, Quỳnh Giao, Năm Châu, Kim Cúc, nhà báo Hồng Tiêu, bà Tùng Long,
Kế mé nghĩa trang đô thành ở đường Lê Văn Duyệt có cư xá sĩ quan Chí Hòa. Rồi cư xá Duy Tân, cư xá Tự Do ở đường Lê Văn Duyệt, cư xá Phú Thọ Hoà A tại chợ Phú Thọ, cư xá Phú Thọ C ở phía trước cửa trường đua, cư xá Dân Sinh bên lề đại lộ Ngô Đình Khôi (đường Công Lý nối dài), cư xá Vườn Lài, cư xá Kiến Thiết ở hai bên đầu cầu Công Lý…
Rồi cư xá Lữ Gia, cư xá Hoả Xa, cư xá Thanh Đa, cư xá Ngân Hàng, cư xá Phú Lâm A và B, cư xá Brinks…
Trong hằng hà sa số cư xá đó, bà con mình biết nhiều nhứt, tui đoán mò, là cư xá Đô Thành. Hồi xưa Gia Cư Liêm Giá Cuộc xây những căn nhà giống hịt nhau như hai điếu thuốc rồi bán cho công chức trả góp.
Cư xá Đô Thành, cổng tam quan nằm trên đường Phan Thanh Giản. Hai bên cột có câu đối bằng chữ Hán. Bên trái là trường Minh Hưng. Đất cất Cư xá Đô Thành hồi xưa là Mả Ngụy. Theo Vương Hồng Sển: Mả Ngụy ở khoảng bệnh viện Bình Dân thuộc quận 3, từ đường Lê Văn Duyệt vào quận 5 Chợ Lớn. Nơi đây xưa là vùng sình lầy, hoang vắng, dân lao động nghèo, sống trong những căn nhà tạm bợ, trong những con hẻm (Bắc Kỳ hai nút gọi là ngõ) đường ngang ngõ dọc giống như ô bàn cờ.
Đường Phan Thanh Giản thời Tây là đường Général Lizé. Bên kia đường xeo xéo cổng cư xá Đô Thành có xưởng vẽ Thế Hệ. Ông điêu khắc là Bắc Kỳ di cư làm ăn khá lắm. Ông đúc tượng Phật Thích Ca, tượng Đức Quan Âm Bồ Tát để cho chùa chiền khắp nước thỉnh về thờ. Ngoài ra, ông còn vẽ ‘pa nô’ cho chánh phủ đặt ở các ngả đường. Như chân dung cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng 11 Dù đặt ở Ngã Sáu Cộng Hòa.
Kế bên là tiệm hàng xén Nam Thái của Bà Xếp. Tiếp đến tiệm hủ tiếu mì bề ngang chừng 1m 5 chú chệt Cao. Sát bên là cái hẻm bề ngang có chút tẳn rộng chừng 2m có nhà thủ môn đội tuyển quốc gia Dương Sắc Thái cùng thời với Cù Sinh, Cù Hè và… Cù Lũ. Cuối hẻm là biệt thự của ông Mười Châu, dân làng Phú Kiết. Khi đổi từ Ty Bưu Điện Rạch Giá về, ba tui mướn căn biệt thự này cho bầy con ở chỉ trong vài tháng; vì tiền mướn rất mắc tới 2000 đồng bằng giá một lượng vàng lúc đó.
Rồi nhà may Lâm Tân, tiệm chụp hình Mạnh Đan, bố của thằng Vinh sau này là bạn cùng khoá 4/72/ SQTBTĐ với tui. Ở ngã tư đường Cao Thắng, Phan Thanh Giản, có rạp hát Ðại Ðồng bình dân, chiếu toàn phim cũ giá 5 đồng. Cái xe bò viên ngay trước cửa rạp thì ngon bá chấy bù chét. Khu Bàn Cờ có chùa Tam Tông Miếu trên đường Cao Thắng gần góc đường Phan Đình Phùng sống khoẻ nhờ lịch Tam Tông Miếu có ngày ta, ngay tây, tử vi, sao giải hạn, buôn bán, giờ tốt, giờ xấu, xuất hành…
Trường tiểu học Bàn Cờ ở gần bót cảnh sát với tường gạch lợp ngói, có tầng lầu kiến trúc của Pháp. Sân trường có nhà lục giác lợp ngói và những hàng sao.
Năm 1962, từ lớp nhứt trường Nam tiểu học Rạch Giá tui theo gia đình chuyển về học ở đây chỉ vài tháng với Thầy Quan. Nhớ năm đó, Sài Gòn cháy lia chia. Chiều đang giờ học, cư xá Đô Thành gần ngoài cổng cháy, khói mù mịt. Thầy Quan bỏ lớp chạy về coi nhà mình có sao không? Làm đám học trò xôn xao như rắn mất đầu!
Đêm nay, mùa Đông quê người viễn xứ lại về. 30 năm dẫu sầu lưu lạc; còn CS cai trị, tui không về quê cũ. Tui trầm ngâm bên ly rượu đỏ; tui nhớ vô cùng cư xá Đô Thành thời thơ ấu cách nay đã 60 năm ròng! Những người muôn năm cũ; hồn ở đâu bây giờ?
ĐXT