Một nhạc sĩ VC nằm vùng ‘tối tác’ bài: “Mừng tuổi mẹ”. Trong đó có câu: “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay Mẹ rụng con phải mồ côi”

Ý ông nhạc sĩ, tự xưng là triết gia, muốn dạy đời là: Tình cảnh của mẹ rất giống quả chuối chín cây, dễ rơi rụng, hư nát bất cứ lúc nào. Mẹ già của chúng ta cũng thế. Tuổi cao sức yếu, mẹ có thể đột ngột rụng, ra đi mãi mãi. Con từ rày, dù từng tuổi nào đi chăng nữa, cũng là một đứa bé mồ côi.

Nghe không nghĩ kỹ thì rụng rún nhưng suy đi gẫm lại thì ông nội con nít nầy cắt nghĩa rất tào lao. Tại sao lại tào lao? Ai cũng biết chuối có nải, có buồng. Gió lay Mẹ rụng? Rụng chỉ một trái chuối trong một nải, trong một buồng hay sao? Nếu gió có lay là ngã luôn cây chuối. Rụng luôn một buồng. Tui chưa thấy gió nào lay chỉ làm rụng một trái trong một buồng chuối hết ráo!

o O o

Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một như đường mía lau. Lúa nếp một là giống lúa nếp ngon nhất trong số hàng chục loại lúa nếp; nên được xếp vào loại một. Lúa nếp một là loại lúa dài ngày, tới 5 – 6 tháng mới gặt.  ­­

Thân cây lúa nếp một này cao, cứng, lá to. Hột nếp trắng tròn, dài. Xôi thổi từ loại nếp một tất phải dẻo, phải thơm, ngon rồi.

Còn đường mía lau là đường từ một loại mía, giống cây cỏ lau. Ca dao có câu: Mía lau vừa ngọt vừa mềm. Không dao mà tiện, không tiền mà mua. Mía lau thân nhỏ, cứng cho ít nước. Nhưng khi nấu đường nó ngọt nhứt hạng.

Xem thêm:   Kế Sách

Như vậy mẫu thân còn sống là số một. Như xôi nếp một. Như đường mía lau.

Nhưng chuối ba hương là chuối gì vậy cà? Tui chỉ nghe chuối già, chuối xiêm, chuối sứ, chuối cau, chuối hột… hầm bà lằng chuối; chớ chưa nghe loại chuối nào tên ba hương hết ráo.

Tui hiểu vầy nè: Già là nói về tuổi tác của người mẹ. Ba hương, tương ứng với chữ già, là chỉ thời gian.

Chuối ba hương là nải chuối giú trong khạp da bò. Ðốt tàn ba cây hương là nó chín.

Tóm lại trong câu lục (6 chữ): “Mẹ già như chuối ba hương” là so sánh Mẹ đã già như chuối ba tuần hương chín lắm rồi.

Khúc ca dao nầy muốn nói: ai may mắn còn có Mẹ già là quý lắm đó nhe!

Câu ca dao ngắn, chữ nghĩa thâm trầm mà mấy ông Nội nhạc sĩ triết gia Vi Xi nầy, chắc huỡn quá, nên bàn chuyện tào lao. Bàn chuyện bao la đến nỗi không biết đường ra!

Bảo Huân

o O o

Rồi ca dao quê mình cũng có câu: “Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ. Con thơ tay ẵm, tay bồng. Tay nào xách nước, tay nào vo cơm?

Ôi hình ảnh người vợ hiền với hai đứa con thơ như một bụi chuối. Bụi chuối có nhiều cây chuối. Một cây chuối mẹ và hai cây chuối con. Cây chuối mẹ bị cơn gió đời đòng đưa qua lại vẫn không ngã. Mẹ không bỏ con mình, vẫn ẵm vẫn bồng chỉ trách chồng sao mê con vợ bé?!

Hồi xưa còn trong nước, tui vẫn hay nghe tiếng ru em buồn bi thiết của một người vợ nhớ thương chồng đang ngựa phi đường xa. Sau nầy xa quê, con đã lớn;  cháu không nằm võng. Lời ru con giữa trưa hè buồn vời vợi đó tưởng chừng như đã lùi sâu, rồi chìm trong lãng quên đời. Dè đâu lâu lâu câu thơ tui vẫn nhớ. Chuối bây giờ là hình ảnh quê nhà phía bên kia biển.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Mỗi vùng đất thổ nhưỡng khác nhau như Việt Nam với Úc, khiến con người tánh tình cũng khác nhau. Úc nầy có chuối hay không? Có chớ! Cũng giống như con người có nhiều sắc dân, chuối có nhiều loại khác nhau; hương vị cũng khác nhau.

Nhớ Miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long quê mình có nhiều loại chuối như: chuối cau, chuối già, chuối hột, chuối sứ, chuối tiêu, chuối xiêm…

Nhưng chuối quê người không phải chuối quê ta. Ở đây, đi siêu thị với em yêu, tui chỉ thấy có duy nhứt một loại chuối già xanh chưa chín tới.

Có em xuất sắc trong vai tiểu thư đài các ở Melbourne bên Úc có tâm hồn ăn uống, em lên Facebook nói: “Em nhớ chuối chiên, chuối chưng, chuối nấu, chuối nướng, chuối xào dừa…

Em cũng nhớ chuối bà con quê mình muốn để lâu thì làm chuối ép, chuối khô, chuối sấy, kẹo chuối…

Em kể ra một lô một lốc chuối làm tui cũng nhểu nước miếng tới rún, vén lên không có kịp.

“Bây giờ không biết tại sao chuối bên nhà hiện giờ không ngon như chuối ngày xa xưa ấy?”

Rồi em than nghe thấy thương luôn: Bây giờ không biết tại sao chuối Úc cũng không ngon như chuối của ngày xa xưa ấy?

Tui có cái tật xấu là huỡn quá là tui nhào vô, giơ tay lên trả lời em đẹp: “Chuối bên nhà không ngon như ngày xa xưa ấy? Ðúng thế! Chuối màu đẹp ăn lạt nhách lại có mùi hoá chất. Chuối bị chơi bùa. Ăn hoài, ăn nhiều, ăn hoá chất tất bị ung thư, phải vô nhà thương rồi ra đất cúng.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Chuối như chế độ CS. Màu mè hình thức; chớ nội dung người dân ngán tới tận cái óc o.

Tại sao chuối bên Úc không ngon như chuối quê nhà của ngày xa xưa ấy?

Dạ theo tui chuối của cái ngày xa xưa ấy chuối chín ‘bói’. Chín còn trên buồng. Dơi, chim nó ăn trước thì buồng chuối đó ngon số dách!

Còn nước Úc là một trong năm châu. Úc rộng minh mông. Phải vận chuyển đường xa; chuối Úc lúc mới già, chưa chín tới là đã  bị đốn. Chuối bên Úc nầy chín háp không ngon bằng chuối quê nhà là vậy đó!

Rồi chuối già quê mình của ngày xa xưa ấy là chuối ‘organic’. Chuối không phân hóa học gì ráo trọi, thì nó ngon hơn chuối già trong siêu thị Coles của Úc là chuyện tất nhiên phải vậy.

Chuối quê mình như con gái nhà quê, em yêu ngày cũ của tui. Em không cần xức nước hoa Chanel No. 5 hay bôi son, trét phấn dùng hoá chất Lancôme.

Em ‘hương đồng gió nội’ lại đẹp một cách não nùng khiến lòng tui cũng bị ‘lùng bùng’!”.

Kết luận chuối bây giờ không phải là chuối của ngày xưa ấy. Em bây giờ cũng không phải em xưa ấy. Tình em giờ cũng không ngọt ngào như tình em xưa ấy. Nó lạt nhách như là chuối Úc!

ĐXT