Thời Tây, Liên bang Đông Dương gồm 3 nước: Việt Nam, Lào và Campuchia.
Để dễ cai trị, bóc lột tài nguyên đem về mẫu quốc, (mẫu quốc, nước mẹ, nhưng không có 9 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm gì ráo). Mẹ là bà đầm, tóc vàng sợi nhỏ, mắt xanh, mũi lõ; ăn bơ uống sữa bò. Con da vàng mũi tẹt. Việt, Lào húp nước mắm. Còn Miên ăn mắm bò hóc. Mẹ đầm giao cho thằng Tây, Toàn quyền Đông Dương, làm ông cố nội năm xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Campuchia.
Trong đó, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào và Campuchia là xứ bảo hộ; làm ông nội là Thống sứ (Résident supérieur). Nam Kỳ là thuộc địa; ông cố là Thống đốc (Gouverneur), có rất nhiều ‘Hăng Rô’ và ‘Hăng Rết’!
Nó cũng na ná thời nhà Đông Hán, năm 40 sau Công Nguyên; thái thú Tô Định bị Hai Bà Trưng rượt chạy có cờ.
So với Tàu, thằng Tây nó ‘đểu’ hơn. Nó không tàn bạo trắng trợn, bốc lủm thái quá. Tây bóc, nó lột từ từ, ngày lột một miếng rồi mới lủm.
Chính vì vậy, thay vì dọn vô Dinh Norodom, Dinh Độc Lập, ở Sài Gòn, Toàn quyền Đông Dương Jean-Baptiste-Paul Beau (1857- 1926) năm 1902, ra Hà Nội ở trong Dinh Toàn Quyền mới được xây.
Vốn là luật sư, là nhà ngoại giao nên Paul Beau khá là cấp tiến và mềm mỏng. Ông giúp đỡ dân nghèo bằng cất bệnh viện và chủ trương khai hóa dân trí, thành lập các trường học. Paul Beau ủng hộ việc thành lập trường Pháp-Hoa tại Chợ Lớn vì ông cho rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn việc nhiều người Hoa giàu có cho con cái đi du học tại Trung Quốc hay Nhật Bản.
Vin vào chuyện nầy, mấy chú Chệt chớp lấy thời cơ cất trường cho công tử, tiểu thơ nhà mình. Tạ Mã Điền, một thương gia giàu sụ nhờ buôn bán gạo đồng thời là một tay tai to, mặt bự thừ lự; bụng như ông Địa, bự như cái trống chầu, làm bang trưởng bang Phúc Kiến. (Phúc Kiến (Fujian) là một tỉnh nằm ở ven biển đông nam của Trung Quốc. Tỉnh này giáp với Chiết Giang ở phía bắc, Giang Tây ở phía tây, và Quảng Đông ở phía nam. Phía đông của Phúc Kiến là eo biển Đài Loan, ngăn cách tỉnh này với Đài Loan). Tạ Mã Điền hô hào quyên góp được 100,000 đồng Đông Dương và tự mình hiến hơn 50,000 m² đất bên đường cái quan lúc bấy giờ để cất trường vào tháng 2 năm 1908.
Vậy là tại số 4 đường Nguyễn Trãi, Quận 5, Bác ái Học viện vốn là Trường Trung học Pháp – Hoa (tiếng Pháp là Lycée Franco-Chinois) ra đời.
Học sinh trường Pháp – Hoa trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh và Bình Nguyên Lộc gọi là “mái chín” là người rành tiếng Pháp, Trung, Việt. Rành nhiều ngôn ngữ, rành buôn bán nên lớn lên, họ trở thành các nhà mại bản rất có địa vị trong xã hội, nổi tiếng khắp Nam Kỳ.
Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành chính sách Hoa kiều, theo đó hầu hết các trường trung học của người Hoa bị buộc đóng cửa và chuyển đổi thành trường Việt. Trường Trung học Pháp – Hoa là một trong vài ngoại lệ được duy trì nhưng phải đổi tên thành Bác ái Học viện vào năm 1957.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, trường Bác ái bị CS quốc hữu hoá. Một năm sau, nơi đây trở thành cơ sở của Trường Cao đẳng Sư phạm.
Năm 1995, bèo giạt nổi trôi theo vận nước, trời xui đất khiến, tui tấp đại vào Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria Úc Châu. Năm 1996, công ty an ninh Probe (của mấy thằng Úc gốc Do Thái vốn là trưởng đồn cảnh sát lem nhem tiền bạc bị sa thải ra khỏi ngành thành lập) trúng thầu hợp đồng với công ty Byvan, chuyên quản trị các cơ sở thương mại khắp Melbourne. Mấy thằng Do Thái của công ty an ninh Probe nầy nó gởi tui về làm bảo vệ ở Southgate precinct. Phức hợp nầy có những nhà hàng nổi tiếng nhứt Melbourne như Red Emperor (Đế quốc đỏ) chuyên bán ‘yum cha’ Quảng Đông như Sủi cảo, Há cảo tôm; Xíu mại; Bánh bao xá xíu: Bánh bao hấp; Chân gà hấp tàu xì: Bánh cuốn tôm; Bánh bao kim sa, Bánh bao nhân đậu đỏ; Bánh bao sữa; Bánh khoai môn chiên: Bánh xếp chiên v.v. Thế mới biết: ông bà mình nói chỗ nào có khói là có người Tàu mở tiệm ăn, quả không sai.
Cuối lầu hai, gần thang cuốn, là nhà hàng Blue Train, những người đồng tính ở Melbourne đều biết.
Giữa lầu hai là nhà hàng Scusa Mi Italiano, nơi mà vào năm 1998, Tổng thống Ý Oscar Luigi Scalfaro đã ghé ăn tối.
Ngoài nhiều tiệm quần áo, giày dép thời trang dành cho giới thượng lưu, Southgate precinct còn có một khu ẩm thực (Food court) bán đủ loại món ăn từ Ý, Hy Lạp, Anh, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ở khu ẩm thực đó, tôi gặp và thầm yêu Alice, Mỹ Trang, cựu nữ sinh Bác Ái học viện, là thuyền nhân tị nạn cộng sản năm 1978.
Tên ‘Alice’ gốc từ tiếng Đức cổ ‘Adalheidis’ nghĩa là ‘công chúa’. Qua thời gian, tên này đã được rút gọn và biến đổi qua các ngôn ngữ khác nhau, cuối cùng trở thành ‘Alice’ trong tiếng Anh. Tên Alice cũng là tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Alice’s Adventures in Wonderland” (Alice ở Xứ Sở Thần Tiên) của Lewis Carroll xuất bản năm 1865.
Tên Úc của em là Alice; còn tên Việt là Mỹ Trang. Tiểu thư, xỉu chẻ của tôi. ‘Mỹ Trang’ với ‘Mỹ’ mang ý nghĩa đẹp, hoàn hảo, dịu dàng, thanh tú, có tài, hiền hậu. ‘Trang’ mang ý nghĩa thanh tao, nhẹ nhàng, giữ gìn chuẩn mực cao quý.
Suốt 6 năm trời từ năm 1996 tới năm 2002, khá dài với đời người nhưng quá ngắn với tình ta. Mỹ Trang lo cho tôi từ hộp thức ăn, từng ly cappuccino (cà phê pha kiểu Ý) ‘take away’ mỗi ca làm. Thằng Úc tên Chris, làm chung, láu cá vặt, dựa hơi tôi, nhờ tôi đi mua đồ ăn trưa cho nó khỏi tốn tiền. Nhưng tôi nói với Alice là tính giá vốn, đừng cho không nó. Cho không nó xin hoài, thiên hạ xầm xì!
Rồi em và tôi trôi theo dòng đời, đôi ngả đôi ta, tôi đã mất em giờ đã hơn 20 năm trời ròng rã. Trong cơn mơ, trong cơn mưa đêm xứ người buồn như đẫm đầy nước mắt, tôi thầm gọi Mỹ Trang ơi! Kiếp sau! Hu hu!
ĐXT