Miền Nam Mến Yêu là những hình ảnh về quân đội, dân sự, gia đình, đời sống, văn hóa… của miền Nam xưa trước 1975.

Mục đích để nhắc nhớ mọi người, nhất là lớp hậu sinh một miền Nam hiền hòa và tự do thời VNCH.

Trẻ kính mời quý độc giả tham gia mục này; bạn có thể gởi hình ảnh cá nhân hoặc gia đình với chú thích chi tiết (trong vòng 100 chữ gồm: tên thật (hay biệt hiệu) người gởi, địa danh, thời điểm, bối cảnh câu chuyện, tên người trong ảnh…

Lưu ý: Người gởi chịu trách nhiệm về nội dung và bản quyền của bức ảnh.

Trẻ sẽ được quyền tuyển chọn in thành sách. Sách sẽ gởi tặng người tham dự.

Hình gửi qua email:

bientap@trenews.net,

xin ghi (Subject): MNMY

(hay Miền Nam Mến Yêu)

Bạn có thể gởi hình về tòa soạn:

3202 N. Shiloh Rd., Garland, TX 75044

(chúng tôi sẽ trả lại sau khi sử dụng) 

Ghi chú: Nếu bạn muốn nhận báo biếu, xin ghi rõ địa chỉ và yêu cầu “XIN GỞI BÁO”.

Hai cha con

Hình và chú thích Ian Bui

Tháng 2, 1975, cái Tết cuối cùng của VNCH. Trong nhà chưng hoa, bàn ăn trải khăn lịch sự. Chiếc máy Akai trong hậu cảnh có thể đang chơi một băng nhạc Xuân Shotgun.

Cha tôi, Bùi Văn Trọng (1931-2013), sửa soạn đi đánh tennis với mấy người bạn giáo sư, tại sân trường Lê Quý Đôn. Cha tôi lúc đó là giáo sư Pháp Văn và Việt Văn tại trường Trung Học Bến Tre, và Trung Học Quận 8 tại Sài Gòn.

Tôi mê thể thao là cũng nhờ ông. Hình chụp tại nhà trên đường Triệu Đà, Q5 Sài Gòn.

Honda Dame

Hình và chú thích Ian Bui

Cha tôi, ông Bùi văn Trọng, cô em gái út (Bùi Nguyệt Tiên hiện sống tại San Francisco với chồng và hai con) ngồi giữa và tôi, trước Nhà Thờ Ngã Sáu. Sau lưng là trường Chu Văn An và đường Minh Mạng. Không nhớ hình này chụp năm nào, nhưng dựa theo đời xe Honda thì có lẽ khoảng giữa thập niên 60.

Bắt đầu giữa thập niên 60, xe gắn máy Nhật tràn vào thị trường Miền Nam, các loại xe của các hãng Honda, Suzuki, Yamaha, Brigestone với các kiểu dáng đẹp đẽ, trẻ trung làm say mê dân Miền Nam.

Thời niên thiếu

Trần Tiến Thành, (ảnh chụp năm 1965), khi đang học lớp đệ Nhị (lớp 11) trường Trung Học Cộng Hòa trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn.

Sau khi hoàn tất trung học năm 1967, năm 1968 anh tình nguyện vào quân chủng Không Quân QLVNCH, sau đó được gửi đi huấn luyện quân sự khóa 6/68 ở quân trường Quang Trung, quân trường Thủ Đức.

Thời thơ ấu

4 bộ xương cách trí từ trái qua: Quang (không nhớ họ) con nhà thuốc bắc Kim Tân trên đường Hai Bà Trưng Tân Định, rất khá giả trước 4/1975, có tài thổi Saxophone điêu luyện, sau này là tay thổi Saxo của ban Tâm lý chiến bộ Tư Lệnh KQ. Sau 4/1975, nhà và tiệm thuốc bị CS trưng dụng. Hiện đang sống tại VN; Hải, học sinh, giỏi võ, hoàng đai Vovinam. Mất liên lạc từ khi Trần Tiến Thành nhập quân ngũ; Trần Tiến Thành, 5 năm hoa tiêu trực thăng của phi đoàn Lạc Long 229 Pleiku. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đáp trực thăng xuống Hàng Không Mẫu Hạm Midway và định cư tại Hoa Kỳ. Hiện đang hưu trí tại Plano Texas USA; Hiệp, Sĩ quan kỹ thuật KQ phi trường Tân Sơn Nhất, giỏi thần quyền, hiện đang hưu trí tại thành phố Marseille, France.

Vào quân trường

Khóa hoa tiêu trực thăng mãn khóa vào tháng 7/1970. Có 7 người về Phi đoàn 229 Pleiku đó là: Trần Tiến Thành, người ngồi đầu tiên bên trái. Tham dự nhiều trận chiến như Đức Cơ, Pleime, Dakto, Benhet, Kontum, tiền đồn 5 & 6, và mùa Hè đỏ lửa với căn cứ Charlie. Năm 1970 và 1971 biệt phái tải thương cho Sư Đoàn 22, vùng hoạt động thường xuyên là Đề Đức, Bồng Sơn, Tam Quan;  Phạm X Trí, (thứ 3, dãy 1, từ phải qua) và Ngô S Tuấn (thứ 1, dãy 3) cuối năm 1971 được gửi đi học khóa Huấn Luyện Viên tại Hoa Kỳ. Sau này huấn luyện nhiều hoa tiêu trực thăng mới tại phi trường Đà Nẵng. Trí từng là IT man cho thành phố San Jose. Tuấn có business về bảo trì xe hơi, đã về hưu ở Nam Cali; Đinh T Đa, (dãy đầu, người đầu tiên bên phải), năm 1971 được gửi đi học bay Chinook. Định cư tại San Antonio, Texas và có business về màn cửa; Nguyễn V Nhân, (dãy 2, người đầu tiên bên phải), đầu năm 1972 bị bắn rớt ở Đức Cơ, về làm sĩ quan phòng Hành Quân Chiến Cuộc  Không Đoàn 72 CT. Kỹ sư hóa học, đã về hưu và định cư tại Garden Grove, Cali; Tạ V Đảm, (hàng đầu, thứ 6, trái qua) 1972 bị bắn rơi và tử thương tại đèo An Khê trong chiến trận Bồng Sơn, Tam Quan;  Trần V Hòa, (hàng đầu, thứ 9 trái qua) trong một phi vụ tiếp tế ở Mộc Hóa, Chinook của Hòa đã bị một hỏa tiễn tầm nhiệt bắn rơi và tử thương cùng phi hành đoàn.

Trần Tiến Thành định cư tại Hoa Kỳ năm 1975, ban đầu anh có ý định tiếp tục nghề bay cho công ty tư nhân sau khi lấy được bằng FAA Commercial license. Nhưng cuối cùng thì đổi ý, làm bảo trì động cơ phản lực máy bay 737, 747 và 787 trong 30 năm. Hiện đã về hưu.