Cao nguyên sương mù hay khói súng?

Ra chiến trường Kiều Mỹ Duyên luôn ghi chép cẩn thận tên các đơn vị tham chiến ở cả hai phía. Tuy nhiên Trung tướng Ngô Dzu nhầm lẫn khi trả lời phỏng vấn: “Trung Đoàn 21 thuộc Sư Đoàn 2 Sao Vàng” “Sư Đoàn Thép 320 Cộng quân là sư đoàn đã từng chiến thắng tại Điện Biên Phủ”.

Trong chiến tranh Việt-Pháp, Sư đoàn 320 phiên hiệu Đại đoàn Đồng Bằng là sư đoàn của Văn Tiến Dũng phụ trách khu vực Hà-Nam-Ninh ở phía Đông-Nam Hà Nội, không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Vây lòng chảo Điện Biên là 4 sư đoàn 304, 308, 312 và 316.

“Sư đoàn Thép”, Division d’Acier là tên do phía Pháp gọi Sư đoàn 308 Quân Tiên Phong của Vương Thừa Vũ, vì đây là sư đoàn chủ công đầu tiên của Việt Minh. Công trường 2 hay Nông trường 2 là mật danh của Sư đoàn 2 Giải Phóng, và chính sư đoàn này mới mang danh hiệu Sư đoàn Thép không phải Sao Vàng.

Sư đoàn 3 Giải Phóng hoạt động phía Bắc Bình Định mới là Sư đoàn Sao Vàng.

Các sai lệch trên cho thấy tướng Ngô Dzu với Phòng Báo Chí Quân đoàn 2 không nghiên cứu kỹ các đơn vị địch. Cũng có nghĩa là Ban 2 thiếu am tường. Hai tháng sau cuộc phỏng vấn mà Kiều Mỹ Duyên tham dự, tướng Ngô Dzu bàn giao chức vụ cho tướng Nguyễn Văn Toàn.

Các sai lầm của Phòng Thông tin đã tiếp tục lặp lại trong nhiều bút ký và hồi ký. Trên đồi Charlie, Đại úy Hùng, Đại đội trưởng Đại đội 3 của Tiểu đoàn 11 Dù chửi thề khi trấn giữ cao điểm C1: “Điện Biên cái mẹ gì, lúc xưa bố nó đánh Điện Biên chứ đâu phải nó, chú tôi cũng tiểu đoàn trưởng đánh Điện Biên lúc trước, bây giờ tụi nó là gì? Không lẽ tôi là Tây sao?” (Phan Nhật Nam, Mùa Hè Đỏ Lửa, Charlie Tên Nghe Quá Lạ, trang 13, Nxb Đại Ngã)

Đại úy Hùng đã tin Sư đoàn 320 đang vây Charlie là Sư đoàn Điện Biên. Bốn thập niên sau, Phan Nhật Nam vẫn tin như vậy, khi viết: “Sư Đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản không sai trật một viên đạn.” (44 Năm Sau Nhìn Lại Mối Đau, Phan Nhật Nam)

Trung tá Phạm Huấn trong “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên năm 75” cũng viết: “Những tướng Cộng sản Bắc Việt chỉ huy Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ, Sư đoàn 3 Sao Vàng trong những năm 73, 74, 75, cho đến bây giờ và mãi mãi sẽ phải cúi mặt khi nhớ đến thảm bại nhục nhã, những thảm bại bởi Trung đoàn 42 Bộ Binh, do Đại tá Nguyễn Hữu Thông chỉ huy, tại Pleime, Đèo Nhông, và “Những Ngọn Đồi Vô Danh” (Cao điểm chiến lược 82 và 174) tại Tây, Tây-Nam Hoài Nhơn, Bình Định.”

Nhầm lẫn không ở lỗi Kiều Mỹ Duyên, bà đã làm hết sức khi thâu thập tin tức. Sai lầm nằm ở các trường Đà Lạt, Thủ Đức, Đồng Đế đã không có bộ môn nghiên cứu và giảng dạy chiến tranh Việt-Pháp vì cùng một kẻ thù, cùng dàn tướng lĩnh Việt Minh khi trước với cùng những sư đoàn trước 1954 đang tấn công miền Nam. Trần Vũ

Ngày 15 tháng Giêng năm 1972, tại bãi đáp trực thăng Ba Gi, cách thị xã Qui Nhơn 12 cây số về hướng Tây Bắc, Tư Lệnh Quân Ðoàn II/Quân Khu II, Trung tướng Ngô Dzu trả lời cuộc phỏng vấn của báo chí trong và ngoài nước một cách khẳng định là Cộng quân sẽ đánh lớn tại Quân Khu II.

Tướng Ngô Dzu cũng cho biết, hiện nay Trung Ðoàn 21 thuộc Sư Ðoàn 2 Sao Vàng của Bắc Việt đang thiết lập các căn cứ trong vùng thung lũng An Lão, nằm về phía Bắc của Qui Nhơn. Và cũng theo tin tình báo mới đây thì Bộ Chỉ Huy Quân Khu 5 của Cộng quân được ghi nhận đã xuất hiện trong quận Hoài An, tỉnh Bình Ðịnh, làm cho tình hình của vùng này trở nên nghiêm trọng.

Trung tướng Ngô Dzu còn cho biết thêm, quân số của Cộng quân xâm nhập vào Quân Khu II đã lên đến 60 ngàn người, ông cũng tiên đoán chừng một tháng nữa, địch quân sẽ di chuyển các cơ sở đến vùng Tam Biên, sẽ dùng chiến thuật ‘công đồn đả viện’ để đánh Cao Nguyên và biến Kontum thành một Ðiện Biên Phủ.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Một cố vấn dân sự cao cấp Mỹ của Quân Khu II, ông John Paul Vann tin rằng Cộng quân sẵn sàng hy sinh 10 ngàn quân để chiếm cho được vùng Cao Nguyên. Cuộc chiến sẽ trải rộng từ thành phố Kontum đến Pleiku và Bình Ðịnh. Ông cũng tiên đoán là chiến xa của Cộng quân sẽ tấn công vào Benhet và Tân Cảnh đầu tiên.

Cùng lúc với Tướng Trần Nam Trung của Bắc Việt đọc nhật lệnh kêu gọi Cộng quân đánh lớn, đánh mạnh khắp nơi, thì báo Washington Star của Mỹ, số ra ngày 10 tháng 4 năm 1972 loan tin sư đoàn cuối cùng của Bắc Việt đã lên đường tiến vào miền Nam để tăng cường cho 120 ngàn Cộng quân đang rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.

Những tin tức chiến sự như vậy là một hứa hẹn những tháng ngày đầy máu và nước mắt cho cuộc sống đang yên vui bình lặng của người dân miền Nam.

Rồi những gì mọi người chờ đợi cũng sẽ đến. Mùa Xuân đến và mùa Xuân đã qua. Khi những tia nắng của một sớm mai Hè vừa đủ ấm để ửng hồng đôi má của người con gái Cao Nguyên thì tiếng súng bắt đầu nổ.

Theo tài liệu bắt được trong mình của một Chuẩn úy Việt Cộng tên Khổng Thanh Hiền thì lệnh tấn công tại mặt trận Tam Biên được ấn định vào ngày 13 tháng 3 năm 1972. Ðó cũng là ngày mà Lực lượng Dù đụng độ ác liệt với các đơn vị của Sư Ðoàn Thép 320 Cộng quân chung quanh căn cứ hỏa lực 5. Sư Ðoàn Thép là sư đoàn đã từng chiến thắng tại Ðiện Biên Phủ trước đây và hiện là một trong những đơn vị nòng cốt của Bắc Việt. Lần ra quân này, chỉ sau 3 ngày đụng trận với một vài đơn vị của Lữ Ðoàn II Dù, Sư Ðoàn Thép đã phải để lại nhiều tổn thất. Một trong những xác Cộng quân bỏ lại chiến trường, có xác của Chuẩn úy Khổng Thanh Hiền thuộc Tiểu Ðoàn Phòng Không của Trung Ðoàn 64, Sư Ðoàn 320. Những tài liệu tịch thu được trên mình của sĩ quan này là do Tướng Phạm Ngọc Mậu ký ngày 20 tháng 10 năm 1971. Các nguồn tin tình báo của Quân Khu II cho rằng Tướng Phạm Ngọc Mậu đã thay thế Tướng Hoàng Minh Thảo, chỉ huy mặt trận Cao Nguyên Trung Phần mà Hà Nội gọi là Mặt Trận B3.

Từ trái: Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tướng Ngô Dzu – nguồn Flickr 

Ðúng như sự dự đoán của những giới chức thẩm quyền của Quân Khu II, Tân Cảnh là nơi đầu tiên mà chiến trận bùng nổ. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt không thua gì cuộc chiến tại vùng Trị Thiên, chỉ khác nhau về mặt địa thế: một bên là đồng bằng, một bên là rừng núi, và điều này ảnh hưởng phần nào đến sự yểm trợ của chiến xa và không lực.

Vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 23 tháng 4 năm 1972, Nông Trường 2 Cộng quân được yểm trợ bởi nhiều chiến xa T54 đã ào ạt tấn công vào căn cứ hỏa lực Tân Cảnh, nơi trú đóng của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Ðoàn 22 Bộ Binh do Ðại Tá Lê Ðức Ðạt làm Tư Lệnh, và đây cũng là bản doanh của Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 42 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Thông làm Trung Ðoàn Trưởng. Thoạt tiên Cộng quân dội xuống Tân Cảnh cả ngàn quả đạn 82 ly và hỏa tiễn 122 ly. Trận mưa pháo kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.

Lúc 22 giờ 30 phút cùng ngày, Trung Tâm Hành Quân của căn cứ Tân Cảnh bị hư hại hoàn toàn vì một hỏa tiễn điều khiển chống chiến xa của Cộng quân chui ngay vào cửa hầm. Hầu hết những người trong Bộ Tham Mưu của Ðại Tá Ðạt và trong Ban Chỉ Huy của Trung Tá Thông đều bị thương. Chỉ có Ðại Tá Ðạt và Trung Tá Thông là thoát nạn vì đã rời hầm chỉ huy trước đó để đi đôn đốc binh sĩ của mình. Trung Tâm Hành Quân phải dời qua một hầm kế bên.

Xem thêm:   Dubai

Ðến 23 giờ, cánh quân tiền phương của Cộng quân được phát hiện cách quận Dakto chừng một cây số về hướng Tây với sự yểm trợ của 3 chiếc T54. Lập tức phi cơ AC130 cất cánh từ phi trường Nha Trang bay đến oanh kích và bắn cháy ngay 3 chiến xa này khi còn cách Dakto chừng 500 mét, nhưng không ngăn được bước tiến của toán tiền phương địch. Ðúng nửa đêm, Cộng quân ào ạt tấn công tiền đồn Tân Cảnh.

Sau khi đạo quân tiền phương với quân số chừng một trung đoàn tấn công vào Tân Cảnh, một trung đoàn Cộng quân thứ hai xuất hiện cách Tân Cảnh 3 cây số về hướng Tây Bắc, kéo ra Quốc Lộ 14 và cắt đoạn đường Dakto-Tân Cảnh ra làm bốn đoạn, khiến cho sự liên lạc giữa hai nơi chỉ còn qua máy vô tuyến mà thôi.

Ngay sau khi phát giác sự xuất hiện của cánh quân thứ hai này, mặc dầu thời tiết được loan báo là xấu, các toán Skyraider thuộc Phi Ðoàn 530 của Không Ðoàn 72 Chiến Thuật và các khu trục A37 của Không Ðoàn 62 Chiến Thuật biệt phái cho Pleiku đã nhất loạt cất cánh từ phi trường Cù Hanh để bay lên oanh kích cánh quân này.

Khoảng 2 giờ 30 sáng, vừa pháo kích vừa xung phong, hai trung đoàn Cộng quân cố gắng tràn ngập căn cứ Tân Cảnh, nhưng gặp phải sự kháng cự quá ư mãnh liệt của các chiến sĩ Trung Ðoàn 42, nên trận chiến kéo dài cho đến lúc trời sáng, Tân Cảnh vẫn còn đứng vững. Trời vừa sáng thì thời tiết trở thành bất lợi cho những người đang tử thủ trong Tân Cảnh. Sương mù xuống thấp làm cho Không Quân bị bó tay, không thể yểm trợ được.

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 24 tháng 3, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II hoàn toàn mất liên lạc vô tuyến với căn cứ hỏa lực Tân Cảnh. Cả Bộ Tham Mưu của Tướng Ngô Dzu như ngồi trên lửa. Không ai dám mở lời tiên đoán số phận của Tân Cảnh như thế nào. Ðích thân Tướng Dzu gọi cho các đơn vị yểm trợ như Không Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh… để hỏi, không ai biết số phận của Tân Cảnh bây giờ ra sao.

Cho đến 10 giờ sáng, một sĩ quan Truyền Tin la lên: ‘Liên lạc được rồi. Tướng Dzu chụp lấy máy hỏi dồn. Ðại Tá Ðạt báo cáo đã đẩy lui được địch quân. Mọi người trong Trung Tâm Hành Quân đều thở phào và nét mặt người nào cũng lộ vẻ phấn chấn. Cũng vào lúc này, thời tiết đã trở nên quang đãng hơn, các phi cơ chiến đấu của Không Ðoàn 72 Chiến Thuật bắt đầu cất cánh và mấy chiếc trực thăng tiếp tế đạn dược đã vượt màn lưới lửa phòng không của địch, đáp an toàn xuống căn cứ Tân Cảnh.

Mặc dù vẫn còn đứng vững trước đợt tấn công thứ nhất, nhưng với sự tăng cường thêm một sư đoàn thứ hai của địch quân từ căn cứ hậu cần 609 nằm bên kia biên giới tiến qua, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II đã cho căn cứ Tân Cảnh và một số các căn cứ hỏa lực khác dọc theo dòng sông Pokhông ở phía Tây Quốc Lộ 14 di tản chiến thuật, rút về lập một phòng tuyến mới ở ngang căn cứ Bravo, cách Kontum 20 cây số về phía Bắc.

Cùng với kế hoạch di tản chiến thuật một số các căn cứ hỏa lực ở mạn Bắc thành phố Kontum, Tướng Ngô Dzu đã thành lập một ủy ban có tên là Ủy Ban Di Tản Ðồng Bào Kontum và Pleiku. Ủy ban này do Ðại Tá Hồ Hồng Nam, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị của Quân Ðoàn II làm chủ tịch. Phương tiện di tản sẽ bằng máy bay C130 của Hoa Kỳ và C123 của Việt Nam Cộng Hoà. Một nguồn tin cho biết bệnh tim của Tướng Ngô Dzu bị tái phát, nhưng ông bất chấp, dồn nỗ lực vào hai việc là di tản đồng bào ra khỏi vùng lửa đạn và tái chiếm các căn cứ mà quân ta đã di tản chiến thuật trong những ngày vừa qua.

Đại Tá Lê Đức Đạt – vietnamvanhien.net

Người dân của hai thành phố Pleiku và Kontum đã sống trong lo sợ phập phồng từ những ngày trước Tết Nguyên Ðán vì những tin tức chiến sự ngày càng nặng nề. Cơn ác mộng đó cứ chập chờn trong mọi sinh hoạt của người dân Tây Nguyên cho đến hôm nay, chiến trận đã thực sự bùng nổ.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Tôi đến Pleiku trong những ngày thành phố này đang di tản. Thành phố có lệnh giới nghiêm lúc 7 giờ tối, nhưng mới 5 giờ chiều trên các đường phố đã không thấy bóng dáng một người dân. Chỉ có những chiếc xe nhà binh chạy hết tốc lực. Những người ngồi trên xe, ai cũng mặc áo giáp, đội nón sắt cẩn thận. Trong thành phố, nhà nào cũng làm hầm nấp pháo kích. Ða số đều làm hầm nổi. Gia đình của các quân nhân, công chức được lệnh di tản khỏi Pleiku để cho người chiến sĩ rảnh tay chiến đấu. Các công chức chuẩn bị nhận súng khi có lệnh.

Vẻ kinh hoàng hiện trên nét mặt mọi người. Nỗi lo âu chồng chất bởi nhiều vấn đề. Di tản: đến đâu, ăn đâu, ở đâu? Nhà cửa, tài sản để lại, ai trông coi? Lâu mau mới về? Bà vợ của một giáo sư buồn rầu tâm sự với tôi:

– Tôi bụng mang dạ chửa. Cả tuần lễ nay tôi lo quá, chẳng ăn uống gì được. Nhà nào cũng làm hầm, nhưng ăn thua gì cô. Chồng tôi nhất định ở lại đây. Tôi và các cháu tính về Sài Gòn, nhưng giá máy bay đắt quá, cả gia đình phải mấy chục ngàn tiền vé, tiền đâu mà đi!

Giá vé máy bay Pleiku-Sài Gòn ngày thường là 3,800 đồng. Nhưng lúc này giá chợ đen khoảng 10 ngàn một vé. Nếu muốn mua giá chính thức thì phải chờ hơn nửa tháng. Súng đạn đã nổ sát một bên rồi, có ai kiên nhẫn chờ hơn nửa tháng nữa mới rời thành phố?

Một khu chợ trời thành hình dọc theo đường Hoàng Diệu. Ðồ đạc bán rất nhiều và rất rẻ. Người bán nhiều hơn người mua. Những nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, dầu hôi… giá tăng lên vùn vụt. Những người nghèo dành dụm được ít vàng phải đem bán để lấy tiền di chuyển. Vàng xuống giá rất nhanh. Các tiệm vàng đều bán ra mà không mua vào. Vàng y giá 20 ngàn đồng một lượng, trong khi gạo 20 ngàn một tạ. Ai cũng cố bán ti vi, tủ lạnh, radio… để bọc tiền mà chạy. Nhưng ai dám bỏ tiền ra mua mấy thứ đó lúc này. Có người treo bảng bán cả nhà, bán thật rẻ mà đã 3 tuần nay không có một người nào hỏi đến.

Lệnh di tản được ban ra. Dân Kontum di tản về Pleiku. Các trường học ở Pleiku được trưng dụng để làm trại tiếp cư. Trong khi đó, gia đình quân nhân, công chức ở Pleiku lại di tản đi nơi khác. Tôi nêu lên sự thắc mắc này, một giới chức thẩm quyền ở Pleiku giải thích: dân Kontum tạm thời di tản về đây để chờ lập cầu không vận chuyển đi các nơi khác như Nha Trang, Sài Gòn…

Hôm qua, ngày 27 tháng 4, quân đội của ta tiếp tế từ Qui Nhơn lên Pleiku 400 tấn gạo. Người dân Pleiku mỗi ngày tiêu thụ 30 ngàn tấn. Tỉnh Pleiku chưa có kế hoạch nào về việc phân phối số gạo nói trên. Cho tới hôm nay, kho gạo an toàn của Pleiku chưa hề đụng tới. Kho gạo này có thể nuôi toàn thể dân Pleiku trong vòng một tháng.

Gạo và những nhu yếu phẩm khác vẫn tăng giá vùn vụt. Mua được một ký gạo là một chuyện rất khó khăn, vì trong hoàn cảnh này, có tiền chưa chắc đã mua được. Tất cả tiệm ăn trong thành phố đều đóng cửa. Khoảng 50 phóng viên Việt Nam và ngoại quốc đang có mặt ở đây phải ăn hủ tiếu hoặc phở thay cơm và bánh mì.

Những gia đình giàu có vội vàng ra đi. Những người khác lần lượt tiếp nối. Và thành phố Pleiku ngày càng hoang vắng.

(còn tiếp)

Số tới

Cao nguyên sương mù hay khói súng? (tiếp theo)