Bản dịch tiếng Việt của Phạm Thị Hoài

Lời dẫn

Dạo đó là cuối Thu năm 1902 – tôi ngồi dưới những cây dẻ già trong khuôn viên của học viện quân sự ở Neustadt, Wien, đọc một cuốn sách. Tôi chăm chú vào đó đến nỗi không hay biết là cha Horacek, ông thầy hiền từ và uyên bác, giáo sư duy nhất trong học viện không mang hàm sĩ quan, đến bên tôi tự lúc nào. Ông cầm cuốn sách từ tay tôi, nhìn bìa sách và lắc đầu. “Thơ Rainer Maria Rilke ư?”, ông tư lự hỏi. Ông lật vài trang, lướt qua vài câu thơ, trầm ngâm nhìn ra xa, cuối cùng thì gật đầu. “Vậy là cậu bé René đã thành một nhà thơ.”

Và tôi được ông kể cho nghe về cậu bé xanh xao mảnh dẻ, hơn muời lăm năm trước được cha mẹ dẫn đến học trường trung học quân sự ở Sankt Pölten để sau này thành sĩ quan quân đội. Khi ấy thầy Horacek đang làm cha sở ở đó, ông còn nhớ rõ cậu học trò cũ. Ông mô tả, đấy là một thiếu niên lặng lẽ, nghiêm trang, đầy năng lực, ưa làm người ngoài cuộc, nhẫn nại chịu đựng cảnh bó buộc của sinh hoạt trong ký túc xá, và bốn năm sau thì cùng nhiều học trò khác chuyển lên trường cao học quân sự ở Mährisch-Weißkirchen. Dĩ nhiên thể lực của chàng trai không đủ để trụ lại đó, nên cha mẹ lại đưa về Praha để học trường khác. Ðường đời của chàng sau này ra sao thì cha Horacek không biết.

Cũng dễ hiểu là nghe xong, tôi lập tức quyết định gửi những thử bút của mình cho Rainer Maria Rilke và xin ông cho ý kiến. Chưa đầy hai mươi, lại đang đứng trước ngưỡng cửa của một nghề trái với sở nguyện, tôi hy vọng nếu có nổi một ai đó để chia sẻ cảm thông thì đấy phải là tác giả của tập Ngã ca. Và tôi gửi kèm một bức thư, trong đó không chủ định mà tôi bỗng thổ lộ mọi tâm tình như trước đây chưa bao giờ và sau này cũng không lặp lại lần thứ hai với ai khác.

Nhiều tuần trôi qua mới có thư trả lời. Bức thư gắn xi mầu xanh mang dấu bưu điện Paris cầm nặng trong tay, và trên phong bì cũng như trong thư, từ dòng đầu đến dòng cuối đều cùng một nét chữ đẹp, rõ, vững chãi. Quan hệ thư từ của tôi với Rainer Maria Rilke bắt đầu từ đó, đều đặn, kéo dài đến năm 1908 rồi tắt dần, vì cuộc đời đẩy tôi vào chính những lĩnh vực mà lòng quan tâm ấm áp nhẹ nhàng và cảm động của nhà thơ từng mong tránh đỡ cho tôi.

Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là mười bức thư sau đây, quan trọng cho nhận thức về cái thế giới mà Rainer Maria Rilke đã sống và sáng tạo, và quan trọng cho nhiều người đang và sẽ trưởng thành của hôm nay và ngày mai. Và khi một bậc vĩ nhân lên tiếng thì những kẻ nhỏ bé hãy lặng im.

Chân dung Rilke của Leonid Pastenak. Nguồn Viện Lưu trữ Văn học Đức tại Marbach

Berlin, tháng Sáu 1929

Franz Xaver Kappus 

1

Paris, 17 tháng Hai 1903

Thưa ông,

Thư ông vừa đến tay tôi cách đây ít ngày. Cảm ơn ông đã gửi vào đó lòng tin cậy lớn và ưu ái. Ngoài ra tôi chẳng biết nói gì hơn. Tôi không thể đi sâu vào cách viết của ông, vì tôi không hề có bất cứ một ý định phê bình nào. Lời phê là thứ ít khả năng chạm vào tác phẩm nghệ thuật nhất: kết quả bao giờ cũng chỉ là những hiểu lầm ít hay nhiều may mắn mà thôi. Mọi sự đều không dễ gì nắm bắt và diễn tả như người đời thường xui cho ta tưởng: phần lớn các sự kiện đều là thứ bất khả ngôn, diễn ra trong một không gian chưa từng có từ ngữ nào bước vào, và bất khả ngôn hơn cả là các tác phẩm nghệ thuật, những hiện hữu đầy bí ẩn, đời chúng còn mãi trong khi đời chúng ta thì qua đi.

Ðã thưa trước với ông như vậy, đến đây tôi chỉ xin phép thêm rằng, thơ ông không có phong cách riêng, nhưng hiển nhiên là có những manh nha thầm và kín của cái riêng tư. Ðiều đó tôi cảm thấy rõ nhất trong bài thơ cuối cùng, bài Tâm hồn tôi. Ở đó có một cái gì riêng muốn lên tiếng và thành hình. Và trong bài thơ hay, bài Gửi Leopardi, có lẽ cũng loé lên một cái gì như thể họ hàng với cái lớn lao và đơn côi nói trên. Tuy nhiên, các bài thơ ấy còn chưa là chính mình, chưa độc lập, cả bài cuối cùng và bài Gửi Leopardi cũng vậy. Bức thư ông nhã ý kèm theo cũng cắt nghĩa giùm tôi một vài khiếm khuyết mà khi đọc thơ ông tôi chỉ cảm chứ không nêu đích danh được.

Ông hỏi, thơ ông có được không. Ông hỏi tôi. Trước đây ông đã hỏi người khác. Ông gửi thơ đến các tạp chí. Ông so sánh chúng với những bài thơ khác, và ông băn khoăn khi bị những toà soạn nào đó từ chối. Vậy tôi đề nghị (vì ông đã cho phép tôi khuyên), ông hãy bỏ hết những chuyện đó đi. Ông đang trông cậy vào bên ngoài, mà đấy chính là điều không nên làm trong lúc này. Không ai có thể khuyên ông và giúp ông, không một ai. Chỉ có một cách mà thôi. Ông hãy đi vào chính mình. Hãy truy tìm cái nguyên do khiến mình cầm bút; hãy kiểm tra xem nó có bắt rễ từ chỗ sâu xa nhất của trái tim không, hãy tự thú xem nếu không viết mình có chết nổi không. Và trước hết hãy tự hỏi mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm: ta có phải viết không? Ông hãy đào xới trong bản thân mình, tìm câu trả lời tận gốc. Và nếu nó khẳng định, nếu ông có quyền đáp lại câu hỏi nghiêm trọng ấy bằng một lời mạnh mẽ và giản dị rằng, ta phải viết, thì ông hãy xây đời mình trên sự tất yếu đó; cuộc đời ông ngay cả trong những khoảnh khắc vô tình và tầm thường nhất cũng phải trở thành dấu hiệu và chứng chỉ của cái thôi thúc ấy. Rồi ông hãy đến gần thiên nhiên. Rồi hãy thử làm người thứ nhất nói về những gì mình chứng kiến và trải qua và yêu thương và đánh mất. Ông đừng viết thơ tình; khi mới bắt đầu ông nên tránh những thể loại đã quá thông dụng và quen thuộc: đấy là những thể loại khó nhất, vì sức phải lớn và chín muồi mới đưa ra được một cái gì riêng giữa vô số thành công và phần nào là thành công xuất sắc của người đi trước. Vì vậy ông đừng bén mảng đến những mô-típ chung chung, mà nên lui về với những mô-típ do chính đời thường của mình cung cấp; ông hãy tả những nỗi buồn và niềm mong ước, những ý nghĩ thoảng qua và lòng tin vào một cái đẹp nào đó – hãy tả tất cả với lòng chân thành tha thiết, thầm lặng và nhẫn nhục, và hãy dùng mọi vật quanh ông, những hình ảnh trong mơ và đối tượng của ký ức, làm phương tiện diễn đạt. Nếu ông thấy đời thường của mình quá nghèo nàn thì xin đừng buộc tội nó, hãy buộc tội chính mình, hãy tự nhủ rằng mình không đủ tầm thi sĩ để gọi ra những tài nguyên của nó; bởi lẽ đối với kẻ sáng tạo, không có cái gì là nghèo và không chỗ nào là nghèo nàn. Ngay ở trong tù chăng nữa, tường cao không để lọt một tiếng động từ thế giới bên ngoài, nhưng tuổi thơ trong ta, nguồn của cải vương giả và huy hoàng đó, kho báu của hồi ức, còn đó. Ông hãy tập trung vào đấy. Hãy tìm cách nhấc lên những sự kiện đã chìm của cái dĩ vãng xa xăm ấy; bản lĩnh của ông sẽ được củng cố, nỗi cô đơn sẽ tỏa rộng và trở thành một ngôi nhà mờ tỏ, cách xa tiếng ồn của người đời – và khi thơ bật lên từ cuộc hướng nội, từ chốn đắm mình trong cõi riêng của mình như vậy, ông sẽ không còn nghĩ đến việc hỏi ai rằng thơ ấy có được không. Ông cũng sẽ không tìm cách bắt các tạp chí phải chú ý đến thơ mình nữa:  bởi lẽ ông sẽ thấy tiếng thơ ấy là tài sản tự nhiên, là một mảnh và một giọng nói của đời mình. Một tác phẩm nghệ thuật chỉ được khi nó nảy sinh từ tất yếu. Nguồn gốc phát sinh ra nó chứng tỏ giá trị của nó: không có cách thẩm định nào khác. Vì vậy, thưa ông, tôi không biết khuyên ông điều gì hơn là hãy đi vào chính mình và xem xét lại những tầng sâu, nơi bắt nguồn của cuộc đời. Ở đó ông sẽ tìm ra lời đáp cho câu hỏi rằng mình có phải sáng tạo không. Cho dù lời đáp ấy thế nào cũng xin ông nhận lấy và đừng suy diễn. Rất có thể nó nói rằng, ông sinh ra để làm nghệ sĩ. Thì ông hãy hứng trọn cái nghiệp của mình và gánh vác nó, gánh vác sức nặng và tầm vóc lớn lao của nó mà không hề hỏi đến thù lao ngoài đời. Bởi lẽ kẻ sáng tạo phải là một thế giới cho riêng mình, tìm ra mọi thứ trong mình và trong thiên nhiên mà hắn liên đới.

Nhưng cũng có thể sau khi hạ bước tìm vào cõi đơn côi và vào chính mình như vậy, ông lại đành từ bỏ ý định trở thành thi sĩ (như đã nói, chỉ cần cảm thấy không viết mà mình vẫn sống được là tuyệt đối không nên cầm bút). Nhưng cuộc hành trình ấy, tôi mong ông hãy thực hiện nó, đã không uổng. Chắc chắn là từ đó trở đi, cuộc đời ông sẽ tìm ra những lối đi riêng của nó, và lời tôi chẳng đủ để nói hết lòng cầu chúc cho những nẻo đường ấy được tốt lành, thịnh vượng và rộng dài.

Tôi biết nói gì nữa đây? Dường như mọi thứ đều nhấn mạnh vào cái lý của mình, mà rốt cuộc tôi cũng chỉ biết khuyên ông hãy lặng lẽ và nghiêm trang đi hết sự phát triển của bản thân. Ông sẽ chỉ làm phiền nó nếu cứ hướng ra ngoài và chờ đợi lời đáp từ bên ngoài cho những câu hỏi mà chỉ có thâm tâm ông, trong giờ phút tĩnh lặng nhất, may ra mới trả lời được mà thôi.

Tôi rất vui khi ông nhắc đến thầy Horacek trong thư; tôi luôn giữ lòng kính trọng sâu sắc và niềm biết ơn qua nhiều năm tháng đối với con người uyên bác đáng mến ấy. Mong ông nhắn lại tình cảm đó; thầy đã có lòng nhớ đến tôi và tôi xin đa tạ.

Những bài thơ ông đã tin cậy gửi gắm tôi cũng xin trao lại. Và một lần nữa xin cảm ơn lòng tin cậy lớn và nồng nhiệt của ông mà một người dưng như tôi thật không xứng đáng được nhận nhưng cũng hy vọng đáp lại phần nào bằng tất cả khả năng và lòng thành.

Trân trọng và chia sẻ,

Rainer Maria Rilke

2

Viareggio, gần Pisa (Ý),

5 tháng Tư 1903

Mong ông thứ lỗi cho tôi, thưa ông thân quý, vì mãi hôm nay tôi mới đáp ơn bức thư ngày 24 tháng Hai của ông được: suốt thời gian qua tôi khó chịu trong người, không hẳn là ốm, nhưng cái mệt mỏi như dạng cúm nó hành hạ, khiến tôi không làm được việc gì. Rồi sau đó thấy không có chiều hướng thay đổi, tôi bèn ra đây, vùng biển miền Nam dễ chịu này đã có lần giúp được tôi. Nhưng tôi vẫn chưa khoẻ hẳn, viết cũng còn khó, mong ông coi mấy dòng ít ỏi này làm nhiều vậy.

Tất nhiên mỗi bức thư của ông đều làm tôi vui, mong ông biết như vậy, chỉ có điều ông phải rộng lượng với thư đáp của tôi, có lẽ nó sẽ chẳng giúp gì cho ông; bởi lẽ thực ra, và chính trong những vấn đề sâu xa và hệ trọng nhất, chúng ta ai cũng đơn độc như ai, mà để người này có thể khuyên bảo hay thậm chí giúp đỡ người kia, thì nhiều thứ phải sinh, nhiều thứ phải thành, cả một tập hợp các sự vật phải hội đủ để may ra một lần làm nổi điều đó.

Hôm nay tôi chỉ muốn nói cùng ông hai điều:

Sự châm biếm: Ông đừng để nó chế ngự ông, nhất là vào những khoảnh khắc kém sáng tạo. Còn vào những khoảnh khắc sáng tạo, ông hãy sử dụng nó, như thêm một phương tiện để nắm bắt đời sống. Ðược dùng thuần khiết thì nó cũng tinh khiết, và ta không cần xấu hổ về nó; còn nếu ông cảm thấy quá gần gũi với nó, nếu ông sợ sự thân mật với nó lớn dần thì hãy hướng tới những đối tượng lớn lao và nghiêm túc, trước những đối tượng ấy nó sẽ trở nên nhỏ bé và bất lực. Ông hãy tìm kiếm tầng sâu của sự vật: sự châm biếm không bao giờ mò xuống chỗ đó – và khi nào chạm như thế đến đường ranh của cái lớn lao, ông hãy kiểm tra ngay xem cách lĩnh hội ấy (sự châm biếm) có xuất phát từ một tất yếu của con người mình hay không. Chịu ảnh hưởng của những vấn đề nghiêm túc, sự châm biếm hoặc sẽ rời khỏi ông (nếu nó chỉ là một cái gì ngẫu nhiên), nhưng cũng có thể (nếu nó thật sự bẩm sinh thuộc về ông) sẽ lớn mạnh thành một công cụ nghiêm túc và đứng vào hàng những phương tiện mà ông sẽ phải sử dụng để tạo dựng nghệ thuật của mình.

(còn tiếp)