Trước kia tôi mê bóng đá. Tất nhiên là bóng đá quốc tế. Thế hệ tôi không niệm thần chú những Thể Công, Trọng Hùng, Cao Cường, Ba Ðẻn nữa. Chúng tôi, giới văn nghệ và kẻ sĩ miền Bắc, lười vận động cả óc lẫn tứ chi, chém gió bằng những cái tên danh thủ ngoại quốc mà dân chúng còn không biết đánh vần. Hòa cùng đám đông, chen vai thích cánh trước một màn hình đen trắng, nghe tiếng được tiếng mất, đồng thời đứng trên đám đông ấy ít nhất một bậc, kể vanh vách những chi tiết chỉ biết lõ mõ, là một cảm giác rất cám dỗ giới trí thức. Nàng Thơ của chúng tôi hình trái bưởi mặc áo da, bốn năm một lần nhằm lúc đêm khuya xuất hiện, ở lại trên dưới hai tiếng đồng hồ đến rạng sáng. Song thức canh với nàng hoàn toàn xứng đáng, hôm sau hay hôm sau nữa và cả cuộc đời còn lại đằng nào cũng không có gì để làm. Cũng chẳng có gì để nói. Nên chúng tôi vung vít những việt vị hay thậm chí liệt vị, những đội hình và vùng cấm địa, những đổ bê tông phản công giăng lưới ghi bàn, những phạt đền phạt góc, những đánh đầu đánh gót, những rê và vê, những dắt những chuyền bổng chuyền sệt, những tâng và đỡ, những chặt bóng và hất bóng, vờn bóng và lừa bóng. Chúng tôi ăn bóng đá ngủ bóng đá. Chúng tôi sút xoáy từ miệng người này sang mồm người kia. Chúng tôi thăng hoa mỗi pha thủng lưới. Chúng tôi chạm vào ngữ pháp bề sâu và chức năng tối thượng của bóng đá. Chúng tôi bàn chiến lược chiến thuật sân cỏ như thần. Như Thánh Giáp đánh trận mà không nướng quân. Bên nào thua thì chúng tôi cũng thắng vì được đứng cùng hàng ngũ, nói cùng ngôn ngữ với một nhân loại văn minh dù chẳng bao giờ có cơ hội giao tiếp. Ðầu những năm tám mươi ở Việt Nam, xem bóng đá tư bản qua vệ tinh Liên Sô là hiểu biết thế giới, cấp tiến mà an toàn, không làm tổn thương lập trường giai cấp. Chủ nghĩa quốc tế vô sản nhắm một mắt trước tinh thần tứ hải giai huynh đệ túc cầu.
Tôi vẫn ở lại với bóng đá một thời gian dài nữa, khi tất cả những điều nói trên ít nhiều đã tan như tuyết của mùa Ðông năm trước. Trận tứ kết Ðức – Argentina năm 2006 tại nước chủ nhà, tôi còn đi vỡ tim trong một sân khán giả gầm rú dù biết rõ đó không là chỗ của mình. Tôi khó mụ mẫm tới mức đem mười một cặp giò của những người đàn ông từ một thế giới song song lạ hoắc làm bảo chứng cho dân tộc, tổ quốc và thậm chí cả số phận tôi. Tôi khó ngồi uống bia nhai lạc, chẳng làm gì ngoài tiêu thụ thành công hay thất bại của kẻ khác mà lại tự đắc như thể sự ăn theo hạng bét của mình đang cổ vũ cho những chân lý hay giá trị hạng nhất nào đó. Tôi khó bột phát nã vào đầu một viên đạn như cô gái mười tám tuổi Amelia Bolanios ở El Salvador mùa Hè 1969 khi nước này thua Honduras 0-1 ở vòng loại cho World Cup năm sau, châm ngòi cuộc Chiến tranh Bóng đá giữa hai quốc gia lân bang khiến 6000 đệ tử túc cầu nữa thiệt mạng. Cuối cùng thì El Salvador cũng rửa được nhục, lần đầu tiên góp mặt trong Giải Vô địch 1970 tại Mexico, để thua trắng, không vớt vát nổi một bàn thắng danh dự ngay từ vòng bảng. Tôi cũng khó mơ tưởng rằng nghệ thuật đủ biện minh cho sự điên rồ. Nếu một cuộc chiến Ðàng Trong – Ðàng Ngoài lại nổ ra thì có lẽ không vì Nguyễn-Nguyễn phân tranh, giữa những người hâm mộ văn tài Nguyễn Ngọc Tư và tín đồ của thiên tài Nguyễn Huy Thiệp. Rốt cuộc tôi chưa thấy ai rú rít, phùng mang trợn mắt, nhe nanh múa vuốt, trở về trọn vẹn bản năng thú vật để bày tỏ khoái lạc khi thưởng thức một câu thơ kiệt xuất của Nguyễn Du.
Dĩ nhiên tôi có thể mô phỏng Marx, một lần nữa biết rồi khổ lắm nói mãi, rằng bóng đá là thuốc phiện cho nhân dân, hoặc dẫn lời giải thích không thể cô đọng hơn của bậc huynh trưởng thông tuệ Jorge Luis Borges, rằng “bóng đá phổ biến, vì sự ngu si phổ biến“. Song ở vô số khía cạnh của đời sống, tôi cũng nhận thức một đằng sống một nẻo. Nicolas Chamfort, tác gia của trường phái Luân lý Pháp thế kỷ 18, tự nhận rằng mình sống một cuộc đời phản bội các nguyên tắc của chính bản thân. Ông chống đối chế độ quân chủ, nhưng lại vui lòng phục vụ một ông hoàng và một bà chúa. Ông tranh đấu cho chế độ cộng hòa, nhưng lại có rất nhiều bạn bè quý tộc đầy tước lộc của hoàng gia. Ông ghét xa hoa, chọn lối sống thanh đạm, nhưng lại thích giao du với giới giàu sang phú quý. Ông khinh bỉ mọi giải thưởng và các kiểu xưng tụng, nhưng được trao thì vẫn sung sướng nhận. Ông coi văn chương là niềm an ủi duy nhất, nhưng lại tránh tiếp xúc với những văn nhân sáng giá và xa lánh các hoạt động của Viện Hàn lâm. Ông tin rằng ảo tưởng là tối cần, nhưng bản thân tuyệt không có một xu ảo tưởng. Ông coi trọng đam mê hơn lý trí, nhưng không cảm thấy mình còn một đam mê nào nữa. Bản liệt kê của tôi chắc chắn dài hơn, trong đó chuyện bóng đá có lẽ còn là vô hại nhất. Song cai nghiện đã khó, cai ngu còn khó hơn. Tôi đã gửi phần mùi mẫn đa cảm cuối cùng của mình đi cách ly, nhận về hóa đơn điều trị bệnh lãng mạn hóa một môn thể thao đại chúng. Tôi đã rút dần sự hào phóng từ mười phút đến hết, khi cái ngu của bản thân lên đồng. Tôi đã tặng mình đủ thời gian để chuyển sang chán, ghét và sau rốt gần như dửng dưng với nó, bóng đá, niềm say mê một thuở.
Dĩ nhiên bạn có thể kể ra 1000 lý do yêu, tôi chỉ có 999 lý do ghét bóng đá. Nếu cần thì ChatGPT sẽ cung cấp đủ chứng cứ và lập luận cho cả hai phía, tranh cãi hoàn toàn vô nghĩa. Với cá nhân tôi, bóng đá đã hết cả giải trí lẫn thẩm mỹ, chỉ còn là một sự nhàm chán ầm ĩ đắt đỏ. Trên sân cỏ chỉ còn là những sản phẩm chuẩn hóa cho cùng một phân khúc cao cấp của thị trường. Các giải bóng đá, các cuộc thi hoa hậu, điện ảnh Marvel, shopping mall, đều chung nguyên tắc của Ðại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc: từ nụ cười, nét mặt, huy hiệu, com-lê đến bình trà và đường ngôi thẳng tắp đều giống nhau như lột. Cả những xăm trổ để các cầu thủ bày tỏ cá tính cũng giống nhau nốt. Vợ các chàng càng không thể phân biệt, từ hình dáng, phong cách đến túi xách, như sinh ra từ cùng một lò cloning. Các sân vận động, thánh đường của tôn giáo bóng đá, càng ngoạn mục tân kỳ càng cùng một khuôn đúc của quyền lực chung sức với lợi nhuận kếch xù. Bóng đá hiện đại có thể tráng kiện hơn, tốc độ hơn, tổ chức và kỹ thuật cao hơn, song từ lâu đã đánh mất linh hồn của thể thao thuần khiết, hóa kiếp thành những thương vụ khổng lồ, thâu tóm bởi một hệ thống tài phiệt toàn cầu ngày càng độc quyền, kiểm soát bởi một hệ thống kỹ trị ngày càng tinh xảo, triệt tiêu tưởng tượng và ngẫu hứng, loại trừ rủi ro và mạo hiểm, hy sinh hạnh phúc và niềm vui. Thời của một Johan Cruyff và các đồng đội da cam hồn nhiên cháy sáng đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Bây giờ trên sân là các đa triệu phú tác chiến cho một ý chí thương mại ngày càng tàn khốc. Tôi đã không bỏ ra 90 phút xem Messi và Mbappé lần này tranh tài: Bên nào thua thì ông chủ Qatar của Paris Saint-Germain cũng khải hoàn. Chỉ cần thắng là tiền thối đổ vào bóng đá cũng thơm phức. Như Chelsea với Roman Abramovich. Biết đâu, rồi Bayern Munich một ngày sẽ về tay ông Phạm Nhật Vượng, người Việt sẽ không cần dùng chân để chinh phục túc cầu.
Tôi chia tay với bóng đá cũng vì tệ sùng bái lãnh tụ ở đó, bất kể tại các xứ dân chủ hay độc tài. Với Pep Guardiola, người duy nhất có tư duy bẻ gẫy hệ thống, bóng đá Châu Âu thành công suốt một thập kỷ bằng giải tỏa cấu trúc cấp bậc, xây dựng sức mạnh tổng thể, giới hạn cơ chế siêu sao và đưa hành vi chuyền bóng – cử chỉ nguyên thủy của tình đồng đội – thành biểu tượng của phong cách Tiqui-Taca nổi tiếng một thuở. Song nhu cầu thần thánh hóa các cá nhân nổi bật thuộc về bản chất mọi hoạt động đại chúng mà trường phái bóng đá vị nghệ thuật ấy không thể đáp ứng. CR7 là thần tượng điển hình nhất của thời đại mà bóng đá càng băng hoại và mục ruỗng thì công chúng càng đặt cược vào một người đàn ông có cái Tôi vĩ đại, nam tính phô phang, thu nhập siêu nhiên và cặp đùi phi thường. Tôi có cảm tình với Messi hơn, người càng chín càng tối giản. Bình thản. Trầm tĩnh. Không lăng xăng trình diễn. Không phí công khi không cần thiết. Thậm chí như vô can, nhưng đã vào cuộc thì có thể xuất thần và đóng vai trò quyết định. Song hôm nay số phận vừa tiến cử Messi lên ngôi Thượng đế, nhiệm kỳ có thể vĩnh viễn. Bất hạnh cho môn thể thao nào cần thần thánh.
Văn chương vẫn còn may mắn. Chúng ta chưa phải chứng kiến đội tuyển văn học Pháp đấu với đội tuyển văn học Argentina mà mọi ống kính chỉ đặc tả siêu sao Michel Houellebecq. Bậc thầy của văn học Argentina, Jorge Luis Borges, từng kết luận chắc nịch rằng phát minh ra bóng đá là tội ác lớn nhất với nhân loại của nước Anh. Trong truyện ngắn viễn tưởng “Esse Est Percipi”, ông hình dung tương lai của bóng đá là một hư cấu thuần túy, do nhân viên kỹ thuật chế tạo trong phòng thu và diễn viên khoác đồng phục thể hiện. Tất cả chỉ là nghệ thuật PR cho một đại chúng muốn được lừa phỉnh. Tương lai ấy không còn xa. Siêu vũ trụ ảo Metaverse sắp khởi động, cho một đại chúng muốn trốn tránh hiện thực.
PTH – 18/12/2022