Lời tòa soạn: Vũ Thị Thanh Mai sinh trưởng trong gia đình Bắc di cư vào Nam ngay sau Điện Biên Phủ. 1954 một thế hệ lìa quê tìm đường sống. 1979 một thế hệ khác ra đi để làm người tự do. Những trang ký ghi lại tâm tình của lúc xuống tàu trong đợt xuất cảng người “bán chính thức”.

Vũ Thị Thanh Mai qua nét vẽ truyền thần của Lưu-Linh Vũ năm 1978  

Phần I

Viết cho mẹ và Lưu-Linh Vũ

Tôi là trẻ mồ côi dắt theo ba đứa em đến Escoubet mùa Hè 1979. Người đàn ông Pháp tự giới thiệu là Bernard đón chúng tôi ở nhà ga rồi chở về viện mồ côi. Con đường mãi lên xuống quanh co giữa những cánh đồng xanh và những thửa ruộng bắp, nắng ngát hương cỏ cây. Chỉ có xe chúng tôi, chiếc xe đang lăn bánh trong một bức tranh êm đềm. Tôi chờ đợi đến nơi định cư đầu tiên với chấp nhận hơn là băn khoăn. Nguyên cuộc hành trình đã bắt đầu và nối tiếp như vậy.

Mẹ nói gấp gáp, xe đến rồi, trời còn chưa kịp sáng. Tôi chạy vào phòng lắc ngón tay gọi Bố ơi con đi. Ði. Tôi chỉ biết mình đi vượt biên. Hiểu mình sẽ lên tàu ra biển. Gia tài mang trong chiếc xách tay chỉ để phòng thân mà không phải nuôi thân. Chủ tàu không cho mang hơn, mẹ nói vậy. Mấy chị em tôi theo chị Xuân lên xe taxi, đi cả ngày, chuyển sang xe đò rồi lại sang phà, rồi cuốc bộ, hoàn toàn không biết trông đợi gì phía trước. Một lúc nào đó nhập chung với một đoàn người khác. Tôi đã ngạc nhiên không hiểu tại sao đi bán chính thức mà người lớn ra vẻ lấm lét, không biết mình nên sợ hãi gì. Nếu bán chính thức vẫn là vụng trộm, thì chính thống phải là giả dối.

Suốt đường đi, tôi mở to mắt nhìn mỗi một hình ảnh đi qua mà sẽ không bao giờ trở lại. Lòng tôi là những tiếc nuối cho đời sống đang đông dần, đến một lúc nào đó sẽ vỡ tan thành những mảnh vụn của ký ức. Mãi đến chiều tối mới đến một căn nhà ba tầng lầu đã đầy nhóc người, chủ nhà phát thức ăn rồi chỉ một góc để ngủ. Giấc ngủ đến rất mau, không mộng mị nhớ nhung, để khi thức dậy còn phải tiếp tục cuộc hành trình. Tôi bây giờ chỉ còn duy nhất một mục đích.

Nắng lên, chúng tôi theo họ ra chợ ăn sáng, nhờ tấm biển to ở cửa chợ mới biết mình đang ở Rạch Giá. Chợ rộng rãi và hàng quán lạ mắt so với chợ Bến Thành khiến tôi trong chốc lát vui như được đi chơi xa. “Ăn nhiều đi, mai mốt không có đồ ăn Việt Nam đâu”. Tôi không muốn đoán mai mốt sẽ xảy ra chuyện gì, tương lai chưa bao giờ mù mịt hơn lúc này.

Rồi ba tầng lầu người chia nhau rải rác đi ra trại Xay Lúa Số Ba mé bờ sông, đến một khung nhà khổng lồ chỉ có bốn bức tường cao và mấy cái cột để chống mái. Chúng tôi bước xen giữa những tấm chiếu la liệt người tìm chỗ trống cho mình. Bỏ xách tay xuống nền xi măng, bốn chị em khoanh chân ngồi nhìn nhau rồi nhìn quanh. Nhiều người đến trước như đã ở đây ít nhất một ngày, nằm võng đong đưa nghe radio, ung dung trò chuyện. Tôi đứng dậy ra ngoài tìm mua ly cà phê, ghiền từ năm mười tuổi khi tôi thường theo bố ra tiệm phở gần nhà, bố luôn gọi hai tô phở và hai ly cà phê sữa đá, một ly cho nhiều sữa. Dân chung quanh bày bàn trước cửa nhà bán nước uống cho dân vượt biên. Người đàn bà tươi tắn hỏi có muốn thuê nấu cơm ngày ba bữa. Tôi không tính xa từng ngày được, không biết chuyện gì sẽ đến trong giờ tới. Ðêm xuống tôi bắt đầu nhớ sự tiện nghi trong căn nhà của mình, muỗi khủng khiếp không ngủ được, nằm nghe tiếng quạt xoèn xoẹt, con nít khóc, người lớn ngáy ro ro. Trong xách tay chúng tôi chỉ có vài bộ quần áo, xấp tiền đô, xấp tiền Việt, và cây sâm nhung bố dặn lỡ khi đói khát lấy một miếng nhỏ ngậm. Không có chuẩn bị khác, chỉ có quyết tâm vượt biên còn tất cả phó mặc số trời. May mà chị Xuân ném qua một cái quạt giấy. Tôi rơi vào giấc ngủ với những ý nghĩ về Vũ. Tôi còn ngồi yên sau cho Vũ đèo đi ăn kem hồ Con Rùa chiều qua. Mẹ bảo đi bất ngờ tôi không kịp từ giã, chắc Vũ giận tôi đến chết.

Vũ Thị Thanh Mai thứ nhì từ trái với bố mẹ và 9 anh chị em năm 1974

Sáng tôi đi quanh quẩn gặp cô bạn cùng lớp thì ra cùng chuyến tàu. Ngọc đi chung với ba và tata là kế mẫu trẻ bồng trên tay đứa bé chừng mấy tháng. Tôi đã vui tưởng có bạn bè cùng chia sẻ, nhưng sau đó chỉ gặp lại Ngọc vài lần trong sự ơ hờ. Thất vọng một chút, nhưng tôi hiểu con người có khả năng biến đổi tùy theo môi trường.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Chiều mẹ đến nghe than muỗi, bà đón xe ra chợ mua mùng chiếu và thức ăn ngon về mượn bếp nấu cho chúng tôi. Bữa cơm cuối, mẹ dặn đi dặn lại, chị em đùm bọc nhau, cố gắng học hành. Sau đó, mẹ bảo tôi dắt qua Ngọc để mẹ nhờ hai bác trông nom hộ các con. Tôi nhớ mãi không quên gương mặt buồn thảm của mẹ khi bà tata nhìn mẹ khinh khỉnh. Tôi an ủi, “không cần đâu mẹ”. Mà thực sự tôi vẫn chưa biết nên sợ hãi gì ở một thế giới vẫn còn vô hình, và cũng không muốn đoán.  Vẫn tin sẽ có người giữ được lòng tốt trong số ngần ấy người.

Sáng ngày thứ ba, mấy người con của cô Ðào đến, mẹ lại gửi gắm. Nhờ vậy khi lên đảo, chị Xuân và chúng tôi được giúp đỡ tận tình.

Ngày đi, cả khung nhà khổng lồ nghẹt người đổ ra bờ sông chờ gọi tên. Chị em tôi cầm chắc trong tay tờ khai sinh giả, đợi họ gọi mình bằng cái tên người Hoa. Chuyến tàu chỉ một chiều, không bán vé khứ hồi, bước lên là vĩnh viễn không thể quay về, là chấp nhận cướp bóc, hãm hiếp, đói khát, chìm tàu, chấp nhận cuộc đời lưu lạc nếu may mắn sống sót. Chung quanh tôi có già trẻ lớn bé, có những gia đình bỏ nhà cửa độn hết của cải vào người mà đi, có tan vỡ như gia đình tôi mong đổi lấy cơ hội cho con cái. Phải sống qua những năm sau 75, chịu đựng những cướp đoạt, áp bức khủng khiếp, sợ hãi đến đánh mất nhân cách, mới có thể thấu hiểu sao những người như chúng tôi quyết tâm từ chối chế độ Cộng Sản bằng mọi giá.

Ðến phiên chị em tôi thì tàu trông đã đầy, vừa người vừa đồ đạc bám quanh thành tàu, mà vẫn còn vô số người dưới bến. Trước khi vào khoang, tôi quay lại nhìn mẹ, thấy bà đang ngóng theo, nét mặt căng thẳng cực độ. Người ta ngồi san sát, càng lúc càng chật. Ðến khi tàu muốn khởi hành, máy rồ rầm rầm nhưng chỉ đứng chòng chành một chỗ. Nhiều tiếng kêu to, “tàu khẳm rồi! Nặng quá! Quăng bớt đồ đi!”, lặp đi lặp lại, chồng át lên nhau, dần trở thành tiếng quát. Tôi ngồi ôm xách tay, lắc lư, nhìn hững hờ, đợi người lớn giải quyết vấn đề. Giống khi còn ở nhà. Không biết họ đã quăng đồ đạc gì nhưng chừng nửa giờ sau thì chiếc tàu ục ịch rời bến. Không biết mẹ còn đứng đó không.

Xem thêm:   Cô giáo "phản động"

Tàu di chuyển trên sông trên nước, bán chính thức rời khỏi Việt Nam. Không khí dịu xuống và tất cả quay lại thế ngồi ủ rũ. Tôi miên man đi ngược thời gian, ôn lại một đời sống vừa bị cắt ngang, đẩy lùi vào quá khứ. Mấy ngày trước thôi, tôi còn sống trong yêu mến nuông chiều của một đại gia đình, họ hàng và bạn bè, còn bay bổng trong tình cảm tinh anh của Vũ. Mỗi sáng gặp nhau ở cổng trường, theo nhau vào lớp học, ngồi cùng bàn, mà khi ra về vẫn quyến luyến. Buổi chiều rủ nhau rong ruổi trên đường phố Sài Gòn, đi ăn bò viên, bò bía, bột chiên, mà tối vẫn không nỡ chia tay. Ngày sinh nhật tôi mới hai tuần trước, Vũ tặng mười bảy đóa hồng nhung đỏ thắm, một xa hoa bất ngờ trong thời buổi thắt chặt dần. Những đóa hồng vĩnh viễn hóa tôi thành công chúa trong chuyện cổ tích của chúng tôi. Không hiểu vì sao Vũ lại đàn bài Ngăn Cách, tiếng dương cầm bây giờ đưa tôi đi. Tôi đi mang theo tuổi mười sáu chứa khung trời kỷ niệm của chúng tôi. Còn chỗ tôi ngồi cạnh Vũ trong lớp học, trên mặt bàn Vũ khắc chi chít tên tôi, ngày mai ai sẽ ngồi.

Tàu chợt đảo nghiêng ngả, từ trên mui vọng xuống nhiều tiếng la. “Tàu mắc cạn! Mắc cạn rồi!”.

Chiếc tàu không ngừng nghiêng ngả. “Tàu bị quay ngang! Ngồi yên một chỗ!”

“Nước vào tàu rồi! Nước vào tàu rồi!”. Chỉ dưới hầm thôi. May quá chị em tôi ngồi khoang trên.

“Chìm tàu rồi! Chìm tàu!”

“Quay vào bờ mau!”

Vũ Thị Thanh Mai và Lưu-Linh Vũ ảnh chụp học bạ năm 1978.

Tất cả nhốn nháo, nhướng người nghểnh cổ, ai gần cửa sổ thì ráng tìm mực nước, ai gần lỗ thông xuống hầm thì ráng xem nước vào bao nhiêu. Chị em tôi nhướng lên cúi xuống cũng không thấy gì, mà cũng không chạy đi đâu được. Chạy cũng chỉ đến mũi tàu là hết, không có một chiếc phao, chắc không mấy ai biết bơi. Mười mấy lượng vàng cho mỗi đầu người, để mua vé máy bay cũng được mươi chuyến vừa an toàn vừa tiện nghi. Nhưng chúng tôi không có số phần đó.

Tàu lệt bệt quay vào cặp bến Trà Liên. Người ta bảo xuống hết chờ nước lên. Nghe nói chỉ bảy trăm người “đăng ký” nhưng đến chín trăm người trên tàu. Chắc công an kiếm riêng. Khoảng đó giấc trưa trời oi bức, chen chúc giữa từng ấy thân nhiệt, mỗi đứa lại mặc hai bộ đồ trên người, nóng vã mồ hôi. Tôi ôm cái xách tay có mấy tờ khai sanh người Hoa, cùng các em ngơ ngáo lên bờ. Trong đám người thiểu não chung quanh tôi, ai đó bật tiếng khóc vô vọng, như chuyện đã xảy ra nhiều lần, mỗi hy vọng đều đâm vào ngõ cụt.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Trên bờ, mẹ tôi đang vẫy gọi, bà vẫn luôn có mặt mỗi khi bố con tôi cần, vẫn luôn giải quyết tất cả mọi vấn đề lớn bé trong nhà. Trong thâm tâm, tôi đã chờ đợi bà xuất hiện, không phải như một phép màu mà theo thói quen. Trên cánh tay mẹ móc mấy bao lớn đầy những ổ bánh mì thịt và cà phê, ánh mắt xót xa. Tôi chợt nghe đói khát. Mẹ kể mấy trăm người về hết nhưng mẹ và ba người bạn buồn lo quá không nỡ về, ở lại nghe ngóng. Vừa nghe tin tàu mắc cạn, bốn bà lập tức thuê đò chở ra. Chủ đò không chịu chở, sợ công an bắn, mẹ phải thề sống chết sẽ gánh tất cả mọi hậu quả, trả gấp ba bốn lần, họ mới chịu lấy mối. Ra đến nơi, mẹ dốc hết tiền túi và còn vay thêm để mua bánh mì cà phê phân phát cho mọi người quen lạ.

Một chị bám cánh tay mẹ tôi khóc “cô ơi, cô ở lại, con sợ quá, người nhà con về hết rồi, con không còn ai”. Chị không quen biết mẹ, chỉ bám víu vào một tấm lòng tốt bụng. Sợ vậy mà vẫn quyết chí vượt biên. Ðương nhiên mẹ ở lại, hễ chúng tôi còn ở trên đất Việt, mẹ luôn ở quanh chị em tôi, với chị em tôi. Cho nên tôi ngu ngơ không biết sợ trời sợ đất, nhưng tôi biết sợ một xã hội công an, nên đã xin mẹ cho đi vượt biên. Không chỉ riêng chị và tôi, mà tất cả những người cùng chuyến, bất chấp mọi gian khổ hiểm nguy cho cá nhân và cả cha mẹ con cái của mình. Vì không có sợ hãi nào to hơn nỗi sợ chế độ này.

Nước dâng đã đủ, họ nhắm vậy. Chị em tôi ngồi trong khoang nhìn qua cửa sổ trong lúc tàu rời bến. Mẹ đứng sát bờ trông theo. Nước sông lênh láng. Mẹ tôi khóc nức nở, gương mặt đầm đìa. Tôi ôm mãi những giọt nước mắt của mẹ ở trong lòng.

Chiều nín thở ra khỏi hải phận Việt Nam, không bị bắt lại, chị em tôi chính thức trở thành thuyền nhân, một vai trò quá lớn chỉ có định mệnh mới cứu nổi chúng tôi. Nhưng tôi đã không biết vậy, vẫn hoàn toàn trông cậy vào người lớn. Chung quanh tôi, một người đàn bà tướng tá to lớn cỡ tuổi mợ tôi ôm đứa con chừng tám tuổi; một cặp vợ chồng trẻ, chị vợ xinh đẹp ẵm em bé trên tay; còn cả khoang dẫy đầy người lớn. Tất cả im lặng lắc lư theo con tàu, vì đời sống đã tạm ngưng, không còn chỗ để đi, công việc để bàn, có lẽ cũng không việc oan trái gì xảy ra trong ngày tới.

Ngoài khung cửa sổ ánh sáng yếu dần. Người đàn bà to lớn chợt khoành chân nhích mông ép vào mé bên trái của tôi. Tôi cong như con tôm quay sang thấy đứa bé nằm rộng rãi trên sàn gối đầu trên đùi mẹ ngủ ngon lành. Chị vợ ngồi đối diện thấy vậy nói khẽ với ông chồng nhích qua cho tôi ngồi thẳng lại. Mẹ cũng sẽ bênh tôi. Có lẽ bà vẫn còn đâu đó ở Rạch Giá. Có lẽ bà đang buồn đứt ruột. Nỗi buồn bắt đầu gặm nhấm tôi.

Ðêm nghe biển ru ngủ, mong trong giấc mơ mình sẽ về nhà, giả vờ như mình đang nằm trong căn phòng riêng. Chợt cảm giác ngón tay sờ soạng tôi giữa hai đùi. Tôi mở to mắt, mặt gã đàn ông ghê tởm trong bóng tối. Tôi chồm sang nói vào tai chị vợ. Chị giằng cánh tay ông chồng, miệng rít khẽ “anh!”

(xem tiếp Phần II)