Máy bay Bamboo đáp xuống phi trường Nội Bài lúc 13h chiều, ngoài trời 28 độ C mà nóng hực. Chiếc xe đang chạy trên cầu Nhật Tân, làng hoa của thành phố. Bãi sông Hồng cạn nước, hai bên bờ là những vườn chuối, tôi mở hé cửa sổ cố tìm chút hơi mát từ lòng sông thổi vào. Không khí đặc quánh làm tôi ngộp.

Không còn nôn nao như lần đầu tiên tôi đến xứ Bắc hai mươi năm trước trên chuyến tàu Bắc Nam, tôi thức dậy sớm đón những tia nắng đầu tiên lòng trào dâng cảm xúc. Tôi yêu đất nước này nên tôi yêu đất Bắc, nơi in dấu bao anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi…

Tinh thần Ðông A của nhà Trần kết tinh qua câu nói đầy hào khí của Trần Bình Trọng, hun đúc lòng yêu nước của bao thế hệ thanh thiếu niên miền Nam nước Việt, tôi thuộc lòng từ thuở ấu thơ:

“Ta thà làm quỷ nước Nam,

không thèm làm vương đất Bắc”

Khách sạn Little Diamond 11 Bát Ðàn nằm giữa lòng phố Cổ, sau hai năm đại dịch, khách du lịch đã trở lại nhộn nhịp.

Lốc Art Cafe 

Buổi chiều xuống chậm, chúng tôi đến Quốc tử giám. Vợ chồng Phương Thảo con gái nhà thơ Quang Dũng đã chờ trước cổng đón đoàn Quán Văn chúng tôi. Nhìn chị thật lạ với tóc tém môi trầm, tôi không nhận ra Phương Thảo của 5 năm trước chị dẫn chúng tôi đến viếng mộ nhà thơ Tây Tiến, cha chị. Nắng xiên chiếu qua những viên gạch đỏ, nổi bật mái vòm rêu phong. Hồ Hoàn Kiếm chìm trong màu tím, mặt hồ u uẩn như nước mắt Hồ Gươm. Anh Nghĩa và anh Hoàng Khởi Phong ngồi bên bậc thềm trầm ngâm, anh Phong nói lâu lắm rồi anh mới ra Hà Nội, anh nhớ Hà Nội của những năm 50 của thế kỷ trước. Tôi nhìn tháp Bút khiêm tốn bên góc đền Ngọc Sơn có viết ba chữ “Tả thanh thiên”. Ngôi tháp cổ xây dựng từ thời vua Tự Ðức, ngày sau có còn ai viết lên trời xanh những áng hùng văn như bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô Ðại Cáo” của Nguyễn Trãi hay “Thất trảm sớ” của Chu Văn An?

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Ðêm buông, phố Cổ lên đèn nhộn nhịp, dòng người tất bật, chúng tôi hẹn với nhà thơ Trương Ðăng Dung ở Viện Văn học, nhà nghiên cứu Ðỗ Lai Thúy, vợ chồng Phương Thảo… ăn tối ở quán Chả cá Lã Vọng nổi tiếng Hà Thành. Anh chị họa sĩ Lê Triều Ðiển – Hồng Lĩnh rủ chúng tôi đến Lốc Art Cafe trên đường Thiền Quang để ngắm tranh. Trăng non treo lơ lửng trên đầu ngọn cây khi tôi ngơ ngác tìm địa chỉ. Căn biệt thự cổ lọt thỏm trong ngõ tối. Nhưng khi bước vào là một không gian mờ ảo, ma mị làm tôi có cảm giác phiêu linh dù chưa uống một giọt rượu nào. Tranh và tranh đủ thể loại được treo từ dưới chân cầu thang lên đến tầng gác, những góc nhỏ được chăm chút, phòng tranh bày la liệt những sắc màu lớn nhỏ, xen kẽ là những góc sách mỹ thuật, văn học. Ðây là quán cà phê nhỏ dành cho khách quen trong giới nghệ thuật của cô chủ “Sở Vương” người thích sưu tầm tranh, nhìn cô mang đậm chất nghệ sĩ tính, tôi thích.

Choán một bên tường là cây đàn Piano, bên góc phòng là hai cây đàn ghita. Chúng tôi tha hồ ngắm tranh và chìm trong không gian huyền ảo dưới ánh đèn vàng, anh Hoàng Khởi Phong cao hứng đọc một bài thơ anh viết từ năm 1962 khi anh mới vừa tốt nghiệp sĩ quan và ra trường, giọng Bắc 54 của anh trầm ấm vang vang trong căn gác gỗ. Bài thơ “ Gia tài để lại cho em” đoản khúc này dành cho Hường. Anh viết về một người lính có người yêu, mơ có một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, có giàn hoa đẹp trồng trước nhà, có chiếc xe hai bánh để đi làm hai buổi, nhưng người lính nghĩ dại nếu anh chết đi thì gia tài anh để lại cho cô ấy là gì? Chẳng lẽ là chiếc lều vải đi đánh trận, hay chiếc huy chương đồng rỉ sét, hay số tiền 12 tháng lương giá treo mạng sống của anh? Và kết thúc anh viết:

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Chỉ còn lại sau cùng điều anh rất quý

Anh đã trải thân để cố đem về

Ðó là khát vọng hòa bình

Mà nếu có Thượng Ðế

Thượng Ðế cũng ước ao như vậy

Ðúng rồi em ơi ước vọng hòa bình

Và ở đó

Em sẽ thấy rất nhiều chân hạnh phúc

Lốc Art Cafe

Cuối cùng, gia tài của người lính để lại cho người yêu là ước vọng hòa bình.

Tôi ngồi nghe anh đọc, những câu thơ thấm đẫm niềm đau của một thế hệ thanh niên tan vỡ vì chiến tranh. Chúng tôi những người trẻ lớn lên sau cuộc chiến, hiểu rõ nỗi đau của người dân miền Nam sau khi thống nhất là như thế nào, thân phận con người sau bao điêu linh nay còn lại gì?

Chị Quang Ðặng tha thiết với những bài tình ca dưới tiếng đàn ghi ta chập chùng của anh Nghĩa. Chị Nguyên Tâm ngâm bài thơ trong tập “Gót sen đủng đỉnh” chị mới ra mắt, Kim Liên ngọt ngào với những lời ca Nam Bộ. Một đêm văn nghệ mini bỏ túi ngẫu hứng của những tình thân.

Chúng tôi những người bạn Quán Văn từng nói, không cần biết đi đâu chỉ cần đi cùng nhau là hạnh phúc rồi.

Ðêm thu se lạnh, không gian yên tĩnh trong ngõ vắng, tôi đứng bên khung cửa sổ nhìn bóng lá nhảy múa dưới ánh đèn đường, cảm thấy mình thật may mắn, hạnh phúc bên tình thân của những người bạn.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

BM

Hà Nội,  cuối tháng 11.2022

(Trích ký sự “Hành phương Bắc”)