Hồi tuần trước, nước Mỹ đã treo cờ rũ để tiễn biệt nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời ở tuổi 87 sau tròn 40 năm phục vụ hệ thống tư pháp Hoa Kỳ trong vai trò một thẩm phán liên bang, rồi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Nhân việc này, chúng tôi mời các bạn cùng tìm hiểu đôi nét lịch sử cùng hoạt động của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là như thế nào.

  1. Lịch sử tòa nhà Tối Cao Pháp Viện:

Tòa Tối Cao Pháp Viện đã tồn tại được 145 năm trước khi có một tòa nhà vĩnh viễn tại Washington D.C như hiện nay. Phiên tòa đã triệu tập lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1790 tại thành phố New York, là thủ phủ nước Mỹ lúc bấy giờ. Từ năm 1791 đến năm 1800, nó được đặt tại Philadelphia, nơi tạm là thủ phủ nước Mỹ trong khi chờ dời về Washington, D.C. đang được xây dựng.

Bắt đầu từ tháng 2 năm 1801, tòa tối cao bắt đầu nhóm họp tại Washington D.C trong tòa building Capitol của Quốc Hội trong hơn một thế kỷ.  Năm 1929, theo sự thúc giục của Chánh Án William Taft, Quốc hội đã cấp ngân khoản  9.74 triệu đô la để xây dựng một tòa nhà được sử dụng làm Tối Cao Pháp Viện.

Tòa nhà có cấu trúc bằng đá cẩm thạch, được sử dụng từ năm 1935, đã được Kiến ​​trúc sư Cass Gilbert Sr. là người có các công trình kiến trúc bao gồm cao ốc Woolworth tại New York và cao nhất thế giới lúc bấy giờ thiết kế. Tòa nhà Tối Cao Pháp Viện được chính thức hoạt động từ năm 1935 cho đến nay.

Sàn giao dịch Hoàng gia cũ, ở thành phố New York, nơi cuộc họp đầu tiên của Tòa án được tổ chức vào tháng 2 năm 1790

  1. Số thẩm phán tòa Tối Cao là bao nhiêu?
Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Hiến pháp Hoa Kỳ đưa ra việc thành lập Tối Cao Pháp Viện nhưng để Quốc Hội quyết định có bao nhiêu thẩm phán. Ðạo luật Tư pháp năm 1789 đưa ra con số ban đầu là sáu thẩm phán, bao gồm một chánh án và năm phó thẩm phán.

Năm 1807, Quốc hội tăng số thẩm phán lên bảy, năm 1837 đã tăng lên thành chín và vào năm 1863, nâng lên thành 10 thẩm phán. Năm 1866, Quốc hội thông qua một đạo luật, giảm số thẩm phán xuống còn bảy và ngăn Tổng thống Andrew Johnson bổ nhiệm bất kỳ ai mới vào tòa án. Ba năm sau, từ năm 1869, Quốc hội nâng số thẩm phán lên chín và giữ nguyên con số này cho đến nay.

Năm 1937, Tổng thống Franklin Roosevelt đã cố gắng thuyết phục Quốc hội thông qua đạo luật cho phép thêm số thẩm phán mới vào tòa án thành 15 người nhưng Quốc Hội không đồng ý kế hoạch này và giữ nguyên con số 9 thẩm phán cho đến nay.

Huy hiệu của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ

  1. Ai có thể trở thành thẩm phán của Tối cao Pháp Viện?

Hiến Pháp Hoa Kỳ nêu rõ các yêu cầu về độ tuổi, quốc tịch và tình trạng cư trú để trở thành tổng thống Hoa Kỳ hoặc dân biểu Quốc Hội nhưng không đề ra nguyên tắc được vào Tối Cao Pháp Viện ra sao.

Cho đến nay, đã có sáu thẩm phán là người nước ngoài. Gần đây nhất là Felix Frankfurter – phục vụ tại tòa từ năm 1939 đến năm 1962, là người Áo. Thẩm phán trẻ nhất từng được bổ nhiệm là Joseph Story, chỉ 32 tuổi khi tham gia tòa vào năm 1811. Thẩm Phán Oliver Wendell Holmes Jr., người phục vụ từ năm 1902 đến năm 1932 nghỉ hưu ở tuổi 90, trở thành người lớn tuổi nhất từng ngồi tòa.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Một điểm chung là tất cả các thẩm phán đều là luật sư trước khi được bổ nhiệm vào tòa án. Harvard là đại học đã cung cấp nhiều thẩm phán hơn bất kỳ đại học luật nào khác và trong vòng năm, sáu thập niên vừa qua, phần lớn các thẩm phán đương  nhiệm là xuất thân từ hai đại học Harvard và Yale.

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm 1868 – nguồn wikipedia commons

  1. Có thể truất phế các thẩm phán hay không?

Theo Hiến Pháp, các thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời nhưng có thể bị luận tội để truất phế. Chỉ có một thẩm phán từng bị luận tội là Samuel Chase vào năm 1804 vì bị buộc tội là hành động theo tinh thần đảng phái hơn là cho nền công lý chính trực của quốc gia, tuy nhiên Thượng viện Hoa Kỳ đã không kết tội và để ông tiếp tục phục vụ.

Người từng phục vụ lâu năm nhất tại toà tối cao là Thẩm phán William O. Douglas với gần 37 năm, từ năm 1939 đến năm 1975. Mặc dù các thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời nhưng đã có hơn 50 người đã chọn nghỉ hưu hoặc từ nhiệm.

  1. Ngoại lệ hy hữu:

Tổng thống đời thứ 27 của Hoa Kỳ (1909-1913) William Howard Taft là người duy nhất từng là tổng thống Hoa Kỳ và trở thành thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Sau khi thua cuộc trong cuộc tái tranh cử, năm 1921 sau cái chết của Chánh án Edward Douglass White, người mà TT Taft từng bổ nhiệm khi ông nắm quyền tổng thống, Tổng thống Warren Harding đã đề cử Taft làm người thay thế Thẩm phán White. Ông đã vận động thông qua Ðạo luật Tư pháp năm 1925, cho phép các thẩm phán lựa chọn những vụ án họ muốn xét xử. Hiện nay, tòa án tuân theo “Quy tắc bốn”, đòi hỏi ít nhất là bốn thẩm phán bỏ phiếu chấp thuận đơn đệ trình lên tòa tối cao để được mang ra xét xử.

Dân chúng Hoa Kỳ tưởng niệm nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg – nguồn spiegel

  1. Hoạt động tòa Tối Cao
Xem thêm:   75 tuổi NATO

Trong những năm gần đây, mỗi năm tòa tối cao đã nhận được khoảng 10,000 thỉnh nguyện xử lại các vụ án nhưng chỉ xét xử khoảng 80 vụ.

Các thẩm phán thường chỉ xét xử các vụ án liên quan đến các nguyên tắc pháp lý quan trọng hoặc các vụ án mà các tòa án cấp dưới không đồng ý về việc giải thích luật liên bang và Hiến Pháp Hoa Kỳ. Hầu hết các vụ việc của tòa án đều bị kháng cáo từ các tòa án cấp liên bang và tòa án tiểu bang, tuy nhiên Tòa án Tối cao có quyền tài phán ban đầu để xét xử một vụ kiện hoàn toàn mới trong một số trường hợp, chẳng hạn như các vụ kiện liên quan đến các đại sứ hoặc tranh chấp giữa hai hoặc nhiều tiểu bang.

Tòa tối cao chủ yếu xét xử các vụ án theo đơn kháng cáo nên việc đưa ra các nhân chứng hoặc bằng chứng trước tòa là điều hiếm gặp. Thay vào đó là các luật sư nộp trước các lập luận pháp lý tóm tắt bằng văn bản và các thẩm phán nghe các tranh luận, đối chất của hai bên trước tòa. Mỗi bên có 30 phút để trình bày, trong đó các thẩm phán có thể đặt câu hỏi.

Phiên tòa mở cửa công khai cho công chúng tham dự nhưng không được phép quay phim, chụp ảnh hay thu để phát sóng truyền hình. Kể từ năm 1955, tòa án đã cho ghi âm các cuộc tranh luận và cho công bố sau khi các cuộc tranh luận kết thúc. Các thẩm phán sau đó sẽ họp riêng để thảo luận và biểu quyết từng vụ án để đưa ra kết quả cuối cùng hay  giữ nguyên quyết định theo các tòa án cấp dưới.

ĐYT

(Source: History.com)