Hồi tuần trước, một nữ luật sư gốc Việt Nhân-Ái Simms đã trở thành người gốc Việt đầu tiên tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán tòa án thiếu niên (Juvenile Court) tại quận hạt Gwinnett thuộc tiểu bang Georgia. Việc giới trẻ gốc Việt gia nhập nhiều ngành nghề đa dạng trên xứ người ngày càng nhiều hơn, tuy nhiên đây cũng là một trường hợp khá đặc biệt với chức vụ Thẩm phán tòa thiếu niên. Nhân cơ hội này, chúng tôi xin giới thiệu sơ qua mục đích, ý nghĩa và hoạt động của những tòa thiếu niên này, nơi giải quyết các trường hợp phạm pháp trẻ vị thành niên mà một số gia đình có thể đã đối diện.

Luật sư gốc Việt Nhân-Ái Simms tuyên thệ nhậm chức – nguồn gwinnettdailypost.com  

Câu chuyện của Thẩm phán Nhân-Ái Simms là một câu chuyện khá đặc trưng trong nhiều gia đình di dân, riêng với cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Sinh ra tại trại tị nạn Indonesia,  Nhân-Ái đến Mỹ chỉ vài tháng tuổi. Theo câu chuyện tường thuật trên tờ báo Gwinnett Daily Post đã kể lại rằng, hình ảnh vị quan tòa mặc áo choàng đen làm lễ tuyên thệ nhập tịch cho cha mẹ cô vào năm 1985 có điều gì đó đặc biệt, oai quyền. Nó đã đến và ở lại trong cô từ lúc năm tuổi lúc bấy giờ. Và không ngờ có ngày cô trở thành một vị thẩm phán áo đen như vậy trong tuần qua.

Như không ít gia đình tị nạn gốc Việt, anh em Nhân-Ái lớn lên trong môi trường chú trọng học vấn và họ đạt được ít nhiều những thành công trong học vấn và nghề nghiệp chuyên môn. Cô tốt nghiệp luật sư năm 2008 và làm việc cho các hãng luật, mở văn phòng luật sư và chuyển sang làm luật sư, công tố viên cho các văn phòng biện lý quận hạt tại tiểu bang Georgia từ tám năm qua.

Từ kinh nghiệm cho đến các vai trò luật sư bào chữa, công tố viên liên quan đến hình sự và các vụ thanh thiếu niên phạm pháp, Nhân-Ái đã làm việc với tòa thiếu niên cùng các cơ quan hữu trách liên quan trong sáu năm qua. Nó đã mở đường đưa cô đến vị trí thẩm phán hiện nay, được đánh giá là phù hợp với khả năng và kinh nghiệm cũng như mối quan tâm, thông hiểu của cô với các em nhỏ, vốn là điều vô cùng cần thiết với vai trò Thẩm phán tòa thiếu niên.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Các Toà Án Thiếu Niên tại Hoa Kỳ được thành lập vào cuối thế kỷ thứ 19 khi các nhà cải cách nhìn nhận rằng các em vẫn còn ở tuổi đang phát triển và cần có cơ hội để học hỏi qua những lầm lỗi của mình, đôi khi ngoài ý muốn hay phút xốc nổi của mình. Trước khi có toà án thiếu niên, các em phạm luật cũng bị xét xử ở toà thông thường theo luật pháp áp dụng cho người trưởng thành.

Luật sư Nhân-Ái Simms và gia đình ngày nhậm chức – photo trẻ georgia

Vào năm 1967, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện qua án lệ Gault đã cho phép trẻ vị thành niên được hưởng sự bảo vệ pháp lý tại tòa thiếu niên nhằm bảo vệ quyền lợi cho các em. Toà án thiếu niên khác biệt với toà thường vì tội phạm sẽ được quyết định bởi thẩm phán thay vì bởi bồi thẩm đoàn và mục đích lớn nhất của toà thiếu niên là cải huấn thay vì trừng phạt. Ðó là lý do vai trò các thẩm phán tòa thiếu niên sẽ can dự rất lớn trong việc giúp các em nhìn nhận lỗi lầm và làm lại cuộc đời, nếu đó là tội phạm nghiêm trọng.

Ba mục đích chính của tòa vị thành niên là cải huấn các em phạm pháp, vạch cho các em thấy trách nhiệm cùng hậu quả của hành động phạm pháp của mình và đồng thời bảo vệ sự an toàn công chúng trước các hành động phạm pháp cho dù được gây ra ở bất cứ độ tuổi nào.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Phạm pháp nơi trẻ nhỏ là điều khá bất ngờ với nhiều bậc phụ huynh, nhưng trên thực tế, rất nhiều gia đình đã lâm vào tình cảnh có con em phạm pháp ở độ tuổi còn đi học. Theo số liệu từ Bộ Tư Pháp, hàng năm đã có khoảng hai triệu trường hợp các em thiếu niên phải đối diện với hệ thống pháp lý trẻ vị thành niên tại Hoa Kỳ.

Các hành động phạm pháp hay hình sự của độ tuổi thiếu niên không dừng ở vài điều có thể  từ những việc nhỏ như trốn hay bỏ học, bỏ nhà ra đi, sử dụng bia rượu, cần sa ma túy cho đến các hình tội như trộm cắp, băng đảng, bạo lực, súng đạn hay thậm chí sát hại người khác.

Cho đến các em bước qua 18 tuổi, luật chung tại hầu hết các tiểu bang sẽ buộc cha mẹ gánh chịu trách nhiệm dân sự như bồi thường tài chính hay hình sự, ở tù tùy theo các hành động phạm pháp các em gây nên, cho dù cha mẹ không biết đến. Liệu điều gì xảy ra khi các em vị thành niên gây nên tai nạn xe cộ nghiêm trọng? Liệu cha mẹ sẽ bị liên đới gì khi các em đánh cắp hồ sơ nhân thân, thẻ tín dụng hay gian lận trên mạng? Liệu trách nhiệm cha mẹ ra sao nếu súng đạn đang cất giữ bị các em sử dụng để tấn công người khác? Có vô số những điều như vậy có thể xảy ra ngoài ý muốn và suy nghĩ của các bậc phụ huynh.

Từ trái: Báo Trẻ, Lâm Quỳnh Như (Đài VSAM1080), tân Thẩm phán Nhân Ái Simms, cô Thúy Hotle – Gwinnett County Development Advisory

Nếu một thiếu niên là người phạm pháp lần đầu hoặc có lỗi lầm nhẹ, thiếu niên đó có thể được đưa qua chương trình hoán cải hình phạt. Trong chương trình này, các em sẽ ra trước hội đồng trách nhiệm xã hội tại các địa phương cư ngụ. Mục đích của chương trình nhằm nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm, đề cao tối đa tinh thần cộng đồng và trách nhiệm nơi đứa trẻ. Chúng có thể là số giờ cho những việc công ích cho đến tiền bồi thường.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Gia đình cũng có thể nộp đơn toà giúp kiểm soát con cái nếu hành động của các em vượt quá vòng kiểm soát của mình, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu không có biện pháp. Có một số tiêu chuẩn pháp lý toà cứu xét trước khi hành xử thẩm quyền. Ví dụ một thiếu niên phạm tội nghiện ngập ma tuý có thể được chuyển qua toà phân xử chương trình cai nghiện. Các em sẽ từ bỏ quyền được xét xử và tham gia chương trình cai nghiện do toà giám sát. Nếu thiếu niên này hoàn tất chương trình cai nghiện với kết quả tốt, tội phạm lúc đầu sẽ được bãi bỏ.

Quyền của những thiếu niên phạm pháp được luật pháp bảo vệ, như quyền được biết về tội truy tố, quyền có đại diện pháp lý, quyền đối chất nhân chứng, quyền chống sự tự buộc tội, không buộc phải cung khai điều chống lại mình… Cần biết thêm là cha mẹ không có quyền gì trong quá trình tố tụng này ngoài việc hợp tác, cung cấp thông tin cho luật sư đại diện và nhân viên tòa án, quản chế… để giúp các bên liên can có các thông tin mang lại kết quả tốt nhất cho các em.

Phạm pháp nơi trẻ vị thành niên không phải là vấn đề hiếm xảy ra nhưng hầu hết đều gây nên sự bất ngờ với các bậc phụ huynh khi được thông báo về sự can dự cùng hậu quả gây nên của con cái. Ðó là lý do việc quan tâm, chú ý con cái và tìm hiểu, học hỏi các thông tin liên quan không chỉ vì lợi ích cho các em mà còn chính cho trách nhiệm pháp lý của cha mẹ một khi phải đối diện.

ĐYT

(Source: Juvenile Court info)