Hãng rượu đế Suti ra đời chỉ khoảng hai năm qua tại Texas nhưng hiếm có một doanh nghiệp Việt nào tại Mỹ lại tạo được tiếng tăm nhanh như Suti trong một thời gian ngắn như vậy. Không chỉ trong giới truyền thông Việt ngữ mà trên các báo đài của truyền thông bản xứ, xuất hiện trên hệ thống truyền hình ABC. Rượu Suti cũng giành được một huy chương vàng hạng mục “rượu ngoại” từ Hiệp Hội Rượu Hoa Kỳ trong năm 2022 vừa qua. Kể ra cũng là một thành công trong năm khi nhìn lại

Huy chương vàng cho Suti    

Cuối tuần, trong những ngày cuối năm tôi lại có dịp thử bar rượu Suti do đích thân Súy Ðinh, là đồng chủ nhân và là người chịu trách nhiệm kỹ thuật chính của hãng Rượu Ðế Ông Già Suti, làm “bartender” pha chế thức uống cho khách.

Súy là bạn tôi, trong nhóm bạn kỹ sư trong vùng cũng từ vài chục năm qua. Súy nho nhã, thích và am hiểu về rượu, tự mày mò học cách pha chế rượu. Nhiều năm trước, Súy đã làm và mang theo rượu do mình chưng cất đến các bữa tiệc của chúng tôi, nhưng có rất ít người uống lúc bấy giờ vì nó khá nặng, trong khi nhiều người chỉ quen uống bia hay rượu Tây.

Nhưng Súy vẫn tiếp tục mày mò, tự học và học từ người khác. Ðam mê, lại là kỹ sư nên Súy cứ vậy mà hoàn thiện dần cách làm rượu của mình. Bởi chưng cất và pha chế rượu trước hết là một khoa học thực nghiệm. Những bậc thầy tại các hãng rượu ngày nay đều có học vị cao và thâm niên, thay vì chỉ tay nghề như trong một bài viết về whisky tôi đã từng giới thiệu.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Súy kể là ý định ra hãng rượu đến từ các em, các cháu nhỏ luôn ủng hộ những ý tưởng và điều mới lạ, trong khi bạn bè cỡ anh hay lớn hơn thường nghi ngờ, bàn ra vì không tin rượu đế Việt có thể cạnh tranh với rượu Tây lẫn các loại rượu bình dân trên đất Mỹ. Tâm lý “ăn chắc mặc bền”, ngần ngại chuyện mạo hiểm khó tạo ra những điều mới mẻ, ngoạn mục.

Tác giả và Kiến Trúc Sư Tiến Ngô bên trong xưởng chưng cất rượu

Súy lưỡng lự, đắn đo. Làm ăn thì lúc còn trẻ, không phải đến lớn tuổi mới tính chuyện. Nhưng với Súy thì không phải chuyện “làm ăn” hay “lập nghiệp” mà là đam mê, thích sản phẩm của mình được ra đời. Vợ Súy là Trang Anh kể lại chuyện thành lập Suti cùng nhóm anh em thân thiết còn lại sau buổi tài tử Kiều Chinh ra mắt sách tại hãng rượu Suti khi sang Texas rằng, “nếu anh thích thì cứ làm, thất bại cũng không sao”. Trang Anh sang Mỹ từ nhỏ nên tính cách mạnh mẽ, không sợ thất bại.

Vậy là cùng với một người bạn khác là Tiến Ngô, một kiến trúc sư và người chịu trách nhiệm thiết kế, bài trí cho chai rượu và hãng rượu, hãng rượu Suti ra đời. Nếu Súy là người chịu trách nhiệm toàn bộ trong kỹ thuật và quy trình chế biến rượu  thì Tiến lo việc thiết kế, quảng bá. Tiến nghệ sĩ cả trong phong cách và tính cách nên từ nhãn rượu cho đến văn phòng, bar rượu tiếp khách của Suti đều do Tiến thực hiện đều khá mỹ thuật, đầy nét riêng biệt và đặc biệt rất nên thơ và Việt Nam. Những thiết kế mang những ý tưởng lẫn phong cách độc đáo và đầy ý nghĩa. Như Lion 45, tên rượu do Tiến đặt mang ý nghĩa như sự chia tay một quá khứ, một giai đoạn lịch sử (1945), để bước sang một giai đoạn “Lion (King)” mới hơn.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Kể từ ngày được biết đến và lan truyền trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, hãng rượu Suti hiện nay trở thành một địa điểm mà không ít người dân địa phương tại Dallas dẫn khách phương xa đến thăm, thích thú thử rượu và nghe những câu chuyện thú vị về Suti. hay có những người khách phương xa tự ghé đến khi có dịp ngang qua Dallas.

Thiệp Tết của Suti

Suti trở thành một hiện tượng trong cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ. Rượu Suti trở thành điều thích thú với các em gốc Việt sinh ra hay lớn lên tại Mỹ. Súy kể rằng là nhiều em trong nhà vẫn luôn có rượu Tây nhưng thỉnh thoảng ghé lại mua đôi ba chai. Suti có hai loại rượu chính là Rượu Ðế Ông Già và Lion 45. Súy đang thử ướp rượu trong thùng, để giới thiệu một dạng whisky Việt Nam khác. Lại nghe vài người bạn khác gởi cả rượu Suti ra nước ngoài, về Việt Nam cho bạn bè mình. Ðiều lạ lẫm vẫn luôn kích thích người khác như vậy.

Nếu các bạn hỏi tôi rượu Suti có ngon không, tôi không trả lời thay bạn vì chỉ có bạn và khẩu vị của bạn mới có câu trả lời chính xác nếu có dịp thử qua.

Nhưng tôi nghĩ, Suti thành công, ít nhất về mặt tiếng tăm trong thời gian qua vì nó mang mùi quê hương, đưa người uống trở về cùng hoài niệm của một loại rượu rất riêng và dân dã, quen thuộc của Việt Nam trên xứ người. Mùi gạo. Sake cũng chưng cất từ gạo của Nhật nhưng mùi vị nó khác hẳn với rượu đế.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Còn với giới trẻ, ẩm thực là những thể nghiệm như tôi thường nhắc tới. Các em yêu thích các thể nghiệm, khác lạ theo văn hóa Mỹ. Nên dẫu không có ký ức, chưa từng biết đến “rượu đế Việt Nam”, mà chỉ cần biết đó là rượu Việt. Whisky Việt. Mới lạ, khác hơn những loại rượu các em đã uống. Lại có cả những điều lịch sử, văn hóa Việt đàng sau chai rượu. Liên quan đến mình, đến nguồn cội, dẫu trong vô thức. Chỉ chừng đó, nó đã ngon hơn.

( Từ trái) Tác giả, Súy Đinh và Tiến Ngô cùng quan khách tại dạ tiệc hội Quân Nhân Việt Mỹ.

Súy có lần bảo tôi, “rượu đế phải có mùi gạo”. Tôi giữ lại câu nói này bởi cho rằng nó chính là cái hồn của rượu đế Suti. Chai rượu tạo thêm điểm nhấn khi có thêm sợi rơm quấn quanh cổ chai rượu. Ðó là ý tưởng mà tôi rất thích, ít ra nó tạo cho riêng tôi một cảm giác gần gũi dù mơ hồ. Dù tôi vốn dân thành thị, thỉnh thoảng có xuống những vùng quê Việt Nam đó đây nhưng hầu như chỉ ở với phố thị. Nhưng tôi vẫn cảm thấy gần gũi với những điều mộc mạc, thanh bình của làng quê Việt Nam.

Ðúng rồi. Gạo. Tôi mường tượng ra những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những đụn rạ khói hun ngun ngút. Và những đêm canh nồi bánh Chưng, bánh Tét ngày Tết trong gia đình hay với bạn bè. Cùng những ngày ấu thơ hay mới lớn tại Việt Nam. Nhấp ly rượu đế gạo trên xứ người những ngày cuối năm với ngần ấy những bồi hồi ký ức, hỏi bạn sao ly rượu không ngon?

“Rót thêm tràn đầy chén quan san”. Một cái Tết Việt lại sắp trở về trong cái gió lạnh xứ người.

Những ngày cuối năm Nhâm Dần

Tài tử Kiều Chinh cắt bánh ra mắt hồi ký tại Suti

DYT