“Chúa đã bỏ loài người

Phật đã bỏ loài người…”

Ảnh làng mai   

Câu hát của người nhạc sĩ nghe bi quan, yếm thế quá. Nhưng giữa mùa dịch bệnh, chẳng hiểu sao tôi lại bỗng liên tưởng đến câu hát này. Vì năm nay quả thật là Chúa, Phật cũng lặng lẽ. Lễ Phục Sinh các giáo đường đóng cửa. Lễ Phật Ðản các chùa chiền cũng chẳng khác hơn. Và rồi Vu Lan rằm tháng Bảy năm nay đang đến, không biết có mấy người sẽ lai vãng cảnh chùa lạy Phật, cài cho nhau đóa hồng mừng vui còn mẹ. Hay ngậm ngùi với đóa hồng trắng có mẹ đã chia phôi.

Vài tháng nay tôi không gặp mẹ mình. Bà ở nơi xa với em út, đôi tháng lại đi về giữa hai chốn. Dịch bịnh mẹ tôi chẳng về lại. Nó là tình cảnh cho nhiều gia đình có cha mẹ già, cứ đắn đo, lo nghĩ chẳng biết có nên đi thăm vì lo lắng cho người già mong manh với dịch bịnh. Chúng tôi nhớ mẹ, nhớ nội mà chẳng dám đi thăm. Dù mỗi ngày cũng trò chuyện điện thoại với nhau. Hay đúng hơn mẹ tôi vẫn thường gọi về hơn. Bà chẳng nói gì nhiều, chỉ thăm hỏi chuyện thường ngày, chuyện học của các cháu. Nhưng lúc nào cũng bắt đầu bằng câu hỏi “bữa nay con có đi bộ không?” và chia tay với câu nói “thôi má đi niệm Phật đây”. Nghe thường xuyên mỗi lần trò chuyện mà lần nào cũng cảm động, rưng rưng. Lòng mẹ lúc nào cũng lo lắng cho con cháu và sống đời đạo hạnh với đức tin.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Mẹ tôi vẫn quen niệm Phật hàng đêm trước khi ngủ. Có lẽ bà cầu bình an, tinh tấn cho con cháu, Cầu phước hạnh, an lành cho chúng sinh. Lời cầu nguyện của bà, của bao nhiêu người mẹ khác cho dù tôn giáo nào, thì làm sao “Chúa, Phật bỏ loài người” cho được. Ðó chỉ là thử thách đức tin. Chỉ là giai đoạn. Tôi tin rằng tất cả rồi sẽ vượt qua. Với niềm tin cùng sự hy vọng. Bởi hy vọng làm đời sống mỗi người hôm nay vững chãi, cang cường hơn để mà đối diện cùng thực tại.

nguồn getty/images

Tôi nghĩ về mẹ tôi, những người mẹ đồng thế hệ với bà. Và hỏi rằng còn những người mẹ của thế hệ trẻ hôm nay thế nào. Họ suy nghĩ gì, có tụng niệm, cầu nguyện hàng đêm? Bởi họ là một thế hệ những người mẹ may mắn, tươi vui hơn thế hệ mẹ hay bà của mình.

Từ bao năm nay, hình ảnh người mẹ trong thi văn hay âm nhạc Việt Nam là hình ảnh những bà mẹ truân chuyên, nhọc nhằn, hy sinh và chịu đựng. Hoặc hơn nữa, là tang thương và buồn khổ. Những bài thơ, đoạn văn, tả về mẹ vẫn hay làm người đọc mủi lòng. Một cách tự nhiên. Vì tôi tin rằng không có nhiều người sáng tác hay người viết mang ý định  dùng hình ảnh mẹ để phủ lên khúc nhạc, bài thơ của mình như một sự che chắn an toàn hay tìm kiếm sự đồng cảm nơi khán thính giả hay độc giả. Họ viết về mẹ chân thành hơn, tha thiết hơn. Khác với sự trang điểm của ngôn từ sáng tác, trau chuốt của thi ca.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Có thể vì những người nhạc sĩ, văn thi sĩ này đã cảm nhận sự hy sinh, đau khổ của những người mẹ từ thủa ấu thời, kéo dài đến khi trưởng thành mới viết ra những giòng nhạc, hay bài thơ xúc động đến vậy. Nên không ít ca sĩ hát về mẹ trên sân khấu, nước mắt bỗng ràn rụa khi đặt hồn mình vào những lời nhạc nhiều cảm xúc kia.

Mà hình ảnh người Mẹ Việt Nam trong bao nhiêu năm qua buồn thật. Buồn từ trong truyền thuyết lịch sử, khi mẹ Âu Cơ phải chia tay cùng đàn con của mình, đứa xuống bể, đứa lên non. Buồn theo những thăng trầm vận nước Việt với những  loạn lạc, ly tao cùng nỗi nhọc nhằn trong gần một thế kỷ đã qua.

Hình ảnh mẹ già – nguồn Youtube

Ðó là hình ảnh những người mẹ khóc con trong chinh chiến và khói lửa. Ðó là hình ảnh những người mẹ ngược xuôi, còng lưng gánh nặng thời hậu chiến, thay chồng nơi tù đày mà nuôi con khôn lớn. Và đó là hình ảnh những người mẹ, bây giờ tóc đã bạc phơ nơi xứ người, với những ký ức khốn khó của một thời đã qua. Những người mẹ, bây giờ đã là bà nội, bà ngoại của những đứa cháu, có khi đã đến hoặc quá tuổi lập gia đình.

Nhưng vượt lên mọi nỗi buồn có thật kia, có lẽ là sự hy sinh, nhẫn nại, cùng sức chịu đựng tưởng như thần thoại người mẹ Việt Nam của “những thế hệ buồn”. Tôi gọi tên “những thế hệ buồn” vì quả thật những gì những người mẹ, người bà các thế hệ đã trải qua, gánh chịu. Nhưng thế nào thì sự hy sinh lặng lẽ kia cũng nuôi dạy được những đứa con trở thành những người tri thức và hiếu nghĩa hôm nay. Bạn hãy nhìn lại mình hôm nay để cảm tạ mẹ, yêu thương và kính trọng mẹ hơn.

Người mẹ Việt Nam trong chiến tranh – nguồn Quartz

Lễ Vu Lan chia sẻ đôi điều về thế hệ những người mẹ Việt Nam một thời để thấy rằng, thế hệ mẹ hôm nay dẫu cũng có những lo toan, thử thách nhưng ắt đầy may mắn, chẳng trải qua những thăng trầm thời cuộc cùng lịch sử đảo lộn. Lý do gì chúng ta không học được những nhẫn nại hy sinh của thế hệ mẹ hay bà mình để gia đình, con cái vượt qua thử thách và thăng tiến trong tương lai.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Mong rằng,  những ngày còn lại của những bà mẹ Việt Nam của những thế hệ “buồn” này, như mẹ bạn, mẹ tôi sẽ sống thật an vui, thanh thản và hạnh phúc cùng con cháu. Mong thế hệ người mẹ trẻ hôm nay sẽ luôn vững chãi bất kể thách đố nào.

Mùa Vu Lan, xin chúc mừng những ai còn mẹ và xin thắp nén nhang lòng cùng ai đã chia phôi với mẹ mình. Và mong rằng những người mẹ sẽ luôn khoẻ mạnh, bình an,

Dallas, Mùa Vu Lan 2020

ĐYT