Sau gần 2 tháng thì nhu cầu mua và trữ giấy toilet đã không còn nữa. Chúng ta đã thấy món hàng này đã được bổ sung và chất đầy chợ. Bạn có biết là giấy đi cầu là thứ được xem là thiết yếu của thế giới văn minh hiện nay thì khoảng ba phần tư dân số thế giới không hề dùng giấy đi cầu và cho dẫu có là vua chúa, đại đế hay tổng thống thì họ cũng không hề biết hay sử dụng đến giấy đi cầu trước khi nó được sáng chế sau này. Nghe tin dịch bịnh nhiều có thể bị “stress”, chuyển qua… giấy đi cầu xem có đỡ hơn chăng?

Ở Brisbane, Úc, kệ giấy vệ sinh tại một siêu thị trống rỗng. Ảnh của Florent Rols / SOPA      

Cho dù các nghiên cứu truy tìm nguồn gốc giấy đi cầu lùi về đôi thế kỷ trước thì giấy đi cầu của thế giới văn minh hiện nay được ghi nhận do một nhà doanh nghiệp người Mỹ là Joseph Gayetty là người đầu tiên sáng chế ra nó vào năm 1857. Giấy tẩm hương, ít nhiều mang mục đích y khoa và in, xếp vuông vức, ngay ngắn trong hộp tựa giấy chùi mũi hiện nay và có giá khoảng gần 30 đô la theo mệnh giá hiện nay. Joseph hãnh diện về phát minh của mình đến độ in luôn tên họ của mình trên mỗi tờ giấy cho… sang. Nhưng tất nhiên chẳng mấy ai xài vì nó mới mẻ và đúng nghĩa lấy tiền chùi… đáy.

Joseph Gayetty và phát minh của ông – nguồn derwombat.net

Phải đôi chục năm sau, năm 1890, anh em nhà Clarence và Edward Scott, cha đẻ của hãng giấy Scott Paper hiện nay mới nghĩ ra cách quấn cuộn như hiện nay, phân phối cho các khách sạn và các dược phòng thay vì người tiêu dùng. Trái với Joseph, anh em nhà Scott không lấy gì hãnh diện, thậm chí còn xấu hổ về sáng chế này cho đến hàng chục năm sau mới thừa nhận là do mình nghĩ ra. Bởi lúc bấy giờ, nói đến việc “chùi… đáy” là điều bất lịch sự, đáng xấu hổ.

Phát minh của anh em nhà Clarence và Edward Scott- nguồn pabook2.libraries.psu.edu

Phải đến những năm thập niên 20 đến 30 của thế kỷ 20, dân Mỹ và thế giới mới bắt đầu chậm chạp làm quen dần với sự xuất hiện và sự tiện lợi, vệ sinh của giấy đi cầu trước sự khuyến khích của các bác sĩ. Ðặc biệt kể từ sau khi nhà cửa tại Mỹ bắt đầu lắp đặt bồn cầu và hệ thống ống cống được thiết kế để có thể xả được giấy vệ sinh cho vào. Ðây là thời điểm mà hãng giấy vệ sinh Charmin ra đời và trình làng giấy chùi mềm mại hơn. Cho đến thập niên 70, tức chỉ vài chục năm đổ lại đây thì dân Mỹ mới được ghi nhận là sống mà không thể thiếu… giấy đi cầu.

Ước mơ trong cơn dịch bệnh – nguồn i.kym-cdn.com

Như vậy trước đó người Mỹ hay thế giới dùng gì thay giấy đi cầu? Chẳng gì khác hơn cho đến tận sau này tại nhiều quốc gia hay chính tại Việt Nam sau 1975. Nước là thứ “chủ lực” và được xem là vệ sinh, sạch sẽ. Còn thì tùy vùng, tùy văn hóa và người dân, thứ gì… tiện và lợi cũng có thể xài. Lá cây, cùi bắp, rong biển…. Thành thị, “tân tiến” hơn thì dùng nhật trình, tạp chí, các cuốn quảng cáo áo quần hàng tiêu dùng dày cộm mà dân Mỹ từng nhận vô số kể từ đầu thế kỷ 20. Báo, quảng cáo đọc và xem xong để làm gì chớ?

Biếm họa – nguồn grafton daily examiner

Kỹ nghệ giấy đi cầu hiện nay tại Mỹ là trên 30 tỉ đô la và chỉ riêng người dân Mỹ đã xả khoảng trên 6 tỉ đô la xuống… bồn cầu mỗi năm. Quả là một phát minh gây nhiều tốn kém cho nhân loại. Thống kê từ Statista cho biết nước Mỹ không chỉ sản xuất giấy đi cầu nhiều nhất thế giới mà còn xài nhiều nhất thế giới,  trung bình mỗi người xài khoảng 50 lbs hay 100 cuộn giấy vệ sinh mỗi năm và khoảng 384 cây xanh đã phải chặt đốn để cung cấp giấy đi cầu cho một người trong suốt cuộc đời của họ. Ðó là lý do mà nhiều quốc gia không kham nổi những con số này.

Các hãng sản xuất và cung cấp giấy đi cầu phổ dụng và lớn nhất Mỹ hiện nay là Procter and Gambles với các thương hiệu như Charmin, Bounty, Puffs… Georgia-Pacific với Angel Soft và Quilted Northern… và Kimberly Clark với các thương hiệu Scott, Cotonelle… chiếm khoảng 80% thị phần nước Mỹ. Ðây là kỹ nghệ nội địa, khi các dây chuyền sản xuất nằm tại Mỹ và nguồn nguyên vật liệu từ Bắc Mỹ hay Mỹ La Tinh, không phải nhập cảng như các kỹ nghệ khác.

Khủng hoảng giấy đi cầu – nguồn nytimes.com

Ðại diện các hãng này cho biết họ vẫn đang hoạt động liên tục 24/7 và không có dấu hiệu gì sẽ khan hiếm giấy đi cầu. Chỉ khác hơn vì nhiều người đổ xô mua quá mức cần thiết trước khi các tiệm đã phải giới hạn số lượng để phân phối cho người khác. Các hãng cho biết thay vì đưa đến các trung tâm phân phối hàng rồi chuyển đến các hệ thống bán lẻ, họ sẽ chuyển trực tiếp đến các hệ thống bán lẻ để đáp ứng kịp thời sức mua gia tăng hiện nay. Như vậy có cần thiết phải lo lắng thái quá về nguồn giấy vệ sinh đến độ phải thu gom, tích trữ cho riêng mình.

Trên một số diễn đàn khu phố như Nextdoor, một số ngưòi than phiền việc đi vài chợ nhưng không mua được giấy đi cầu. Có những người già, những bà mẹ có con nhỏ, những nhân viên y tế, công lực… chưa mua và trong nhà cũng không trữ nhiều. Họ chỉ mua đủ dùng trong đôi ba tuần nhưng hiện nay không tìm ra. Nó không phải tình trạng thiếu hụt mà bởi một số người đã vơ vét quá nhiều, quá mức cần thiết và không nhường cho người khác. Là ai hay sắc dân nào thì đó cũng là điều chẳng lấy gì để hãnh diện đã mua đủ xài đến… năm sau.

Chuyện bây giờ là cần có ý thức giữ sức khoẻ cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhường nhịn, đùm bọc trong cơn hoạn nạn và cầu cho dịch bịnh qua mau, chứ không phải cầu… mua được giấy đi cầu.

ĐYT