Người Việt mình Tết Tây, Tết Ta gì mọi người cũng đều coi đó là thời gian được nghỉ ngơi thư giãn vui vẻ trong năm. Ngoài cơ quan hành chánh công ra, các tiệm tóc tai, quần áo, hình ảnh, sửa chữa, quán ăn, chợ búa, v.v… cũng đều có thời gian đóng cửa tạm nghỉ gọi là “ăn Tết”. Có nơi làm việc luôn qua Tết mới nghỉ bù, có nơi nghỉ rồi mới tiếp tục làm, tùy theo đặc thù nghề nghiệp.

coolclips.com

Tiệm chụp hình của cha tôi mở cửa đón khách suốt Tháng Giêng, ngày Tết là những ngày “làm ăn được,” qua Tháng Hai tiệm hình mới thong thả. Cũng trong Tháng Giêng cha tôi treo bảng “Nhận sửa radio, vô tuyến (TV) qua Tháng Hai mới lấy.” Tức là máy móc ai đem tới sửa cũng nhận hết rồi… để đó, sau Tết mới bắt tay vô sửa chữa, vì thời gian Tết cha tôi phải đứng tiệm chụp hình. Tiệm làm tóc của mẹ tôi mở cửa làm tấp nập cho đến chiều ngày Giao thừa mới đóng cửa nghỉ luôn hết ngày Mùng 8.

Các tiệm may, tiệm giày mở cửa giao hàng cho khách đến chiều ngày Giao thừa, rồi đóng cửa tiệm đến nửa tháng “ăn Tết.” Chẳng phải mấy chủ tiệm này hoang đàng, giàu có gì mà nghỉ làm dài ngày, khách hàng đua nhau đặt may quần áo mới, đóng giày dép mới trước Tết để diện “ăn Tết” rồi, sau Tết có con ma nào tới đặt hàng nữa đâu mà mở cửa ngồi ngóng cho mệt.

Duy nhứt có hai cơ quan làm việc xuyên suốt 24/24/7 ngày, không nghỉ ngày nào, đó là bệnh viện và công an. Nhân viên y tế thay phiên nhau trực một ca liên tục 24 giờ rồi nghỉ bù hai ngày (tính ra một ngày làm 8 tiếng). Cơ quan công an cũng thay phiên nhau trực một ca liên tục 24 giờ mà không được nghỉ bù, ngày hôm sau vẫn làm việc 8 tiếng, hai ngày sau lại trực tiếp tục. Khi mới vô làm việc ở cơ quan cảnh sát điều tra, tôi cũng hí hửng lắm, vì coi bảng lương thấy lương quân đội, công an cao hơn lương cán bộ hành chánh một hệ số (Cách nhân chia tính tiền lương của Bộ Tài chánh). Tôi thí dụ như vầy cho quý vị dễ hiểu: A và B có bằng đại học như nhau thì A làm việc cơ quan hành chánh lãnh $100/tháng, B làm việc bên công an (hoặc quân đội) được lãnh $150/tháng. Tưởng mình được “ưu cmn tiên”, hóa ra nó bóc lột mình hơn trâu bò. Người ta làm một tuần 40 giờ thì chúng tôi làm một tuần 80 giờ, chưa kể những khi có báo án nghiêm trọng thì dù không phải ca trực, đang ngủ cũng bị dựng dậy lôi vô cơ quan. Làm việc ngày lễ, ngày Tết cho thêm mỗi người 10 ngàn hồ tệ, đủ mua gói xôi ăn sáng. Riết rồi tôi cũng “khôn” ra, không phải ca trực là dặn người nhà có ai hỏi thì nói đi vắng rồi để ngủ cho yên thân, dắt luôn xe đem giấu chỗ khác, kẻo “đồng bọn” thấy xe trong nhà thì biết mình đang ở nhà. Thời đó chưa có cellphone nên trốn như vậy chẳng ai biết mình ở đâu mà kiếm. Tình hình như vậy nên sanh ra vấn đề né trực.

Xem thêm:   Slab thị trấn vô pháp luật

Né trực Tết

Một ca trực phải có đầy đủ ban bệ từ trên xuống dưới, sếp bự, sếp nhỏ, lính láp, cộng lại tất cả các đội thì cơ quan lúc nào cũng có mặt khoảng 20 người. Ðội của tôi một ca trực bốn người gồm một sếp đội và ba lính. Sếp bự có phòng làm việc riêng, có mùng mền giường chiếu xài riêng. Cấp đội có duy nhứt hai cái giường cá nhân trải chiếu, ai trực cũng nằm. Chiếu lên nước bóng lưỡng mồ hôi, thành ra không đời nào tôi ngả lưng trên cái giường đó. Tôi toàn leo lên bàn làm việc hoặc băng ghế gỗ dài ở phòng ngoài nằm đỡ. Mùa Tết, ban đêm nhiệt độ xuống lạnh mà lại không thể đóng cửa. Phải mở cửa để ở ngoài nhìn vô thấy trong này có đèn sáng, có người thì người ta mới vô báo án. Tôi nằm co ro trên băng ghế dài, lấy tờ báo Nhân Dân trùm đỡ lên người che gió cho đỡ lạnh. Tờ báo này được phát mỗi ngày nhưng không ai đọc, dùng gói đồ hoặc đốt nướng khô mực chống đói về khuya.

Tôi không biết những ca trực khác như thế nào, riêng ca tôi trực thì mười lần có tới năm lần sếp bự hoặc sếp nhỏ né trực. Nghe chuông reo, nhắc điện thoại lên là nghe giọng của sếp: “Bữa nay nhà anh có khách (hoặc đủ thứ lý do khác) nên anh ở nhà. Có gì mày phải gọi báo anh liền nghe. Nhớ nhe! Ðừng đi đâu nhe! Có đi cũng đi gần gần nhe! Ðừng đi lâu quá 5-10 phút nhe!” Xong, cụp. Ðó là sếp bự. Nếu là sếp nhỏ thì có thêm câu “Ðừng nói với ông… (tên sếp bự) anh ở nhà nhe! Nói anh đi đâu một chút vô liền!” Biết rồi tía! Tía trốn ở nhà ngủ cho khỏe, giả bộ lý do lý trấu hoài. Có lúc cả sếp bự, sếp nhỏ, lính già đều né trực, đội còn một mình tôi “làm chủ tình hình.”

Xem thêm:   Đi về điểm tận cùng trái đất

Giành trực Tết

Khi tôi làm việc tại Sở Thương mại- Du lịch cũng là giai đoạn nhà cầm quyền cộng sản chạy nước rút sửa đổi toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam cho phù hợp luật quốc tế, để còn năn nỉ “bọn tư bản giãy chết” đồng ý cho gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Nói là “sửa đổi” cho oai chớ thật ra bê nguyên xi luật lao động, dân sự, thương mại của xứ “giãy chết” dịch ra tiếng Việt, “gọt chân cho vừa giày” thôi, vậy mới kịp thời gian xin xỏ. Nhờ đó mà công chức nhà nước cũng hưởng ké chút quyền lợi là được nghỉ làm hai ngày cuối tuần, nghỉ Tết kéo dài ra khoảng từ 8 ngày đến 10 ngày. Luật mới còn quy định làm thêm giờ trong tuần được trả ít nhất bằng 150% lương ngày thường; làm việc ngày cuối tuần được trả ít nhất bằng 200% lương ngày thường; làm việc ngày lễ, ngày Tết được trả ít nhất bằng 300% lương ngày thường.

Hây dzà! Chưa kịp mừng được lâu thì đám lính láp như tôi đang từ tâm trạng hí hửng chuyển qua chưng hửng vì bị sếp lớn, sếp nhỏ giành phần trực Tết. Lính lương thấp nên hy vọng kiếm thêm được chút đỉnh nhờ vô mấy ngày trực Tết. Sếp lương cao nên cái sự “được trả ít nhất bằng 300% lương ngày thường” làm sếp tăng thu nhập cũng khá bộn. Do đó, sếp ra lịnh cho phòng Tổ chức xếp lịch trực Tết đều ghi tên các sếp, bọn lính láp “nghỉ phẻ.” Nói là trực chớ cơ quan này ngày Tết có cái gì để làm đâu. Tám, chín giờ sáng các sếp ủn a ủn ỉn tới cơ quan, pha trà, bưng bánh kẹo ra ăn, nói hươu nói vượn một lúc thì khóa cửa cơ quan lại, rồi “đi chúc Tết lãnh đạo” (tức bí thư, chủ tịch tỉnh). Vậy là các sếp đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trực Tết, qua Tết phòng Tài vụ có trách nhiệm chi tiền trực cho các sếp. Từ nhà tôi đi bộ tới cơ quan chưa đầy 5 phút. Muốn đi chợ trung tâm hay đi đâu cũng đều đi ngang qua cửa cơ quan. Có lúc các sếp thấy tôi đi ngang kêu vô ngồi uống trà, ăn bánh, nói chuyện tào lao chơi cho thêm phần “rậm đám” nên tôi biết rõ các sếp trực Tết “cực khổ” cỡ nào. Mà có phải do các sếp nghèo đói gì đâu. Năm nào lễ, Tết các doanh nghiệp tư nhân lại không lũ lượt xếp hàng từ ngoài cửa tư gia các sếp để “cúng rằm Tháng Bảy”, chưa tính danh sách bọn “lâu la dưới trướng” nịnh bợ cũng chen chúc với các doanh nghiệp tư nhân bất kể ngày đêm.

Xem thêm:   Khẩu súng săn

Túm lại là làm con dân ở xứ “thiên đàng” xã nghĩa thì cái gì cực khổ, không có tiền các sếp đùn đẩy cho lính láp gánh vác. Cái gì “ngồi mát ăn bát vàng” thì các sếp tranh phần ăn hết của đám lính “khố rách áo ôm.”

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)