Kể từ khi người Pháp đặt phủ Toàn quyền ở Việt Nam cuối thế kỷ 18 thì người Việt bắt đầu biết ăn một năm hai cái Tết: Tết Tây và Tết Ta (Nguyên Đán). Đối với những đứa con nít còn “cởi truồng tắm mưa” như bọn tôi ngày trước thì Tết Tây đơn giản chỉ là được thêm một ngày nghỉ chạy đi chơi loanh quanh đầu làng cuối xóm mà không phải đi học. Lúc tôi học đại học thì tết Tây có nghĩa là được thêm một ngày ngủ nướng mà không phải thức dậy sớm chuẩn bị để lên lớp. Thời gian tôi làm công việc quản lý du lịch ở quê tôi thì Tết Tây là “một ngày nghỉ được hưởng nguyên lương”.

Sau này, Tết Tây đối với tôi cũng đơn giản là một ngày ít bận rộn lo lắng hơn những ngày khác, có thể ngồi lỳ ở quán cà phê đến trưa để đọc hết tờ báo này sang tờ báo khác và nghe các “bình lựng gia” thời sự cà phê cóc thao thao bất tuyệt đến cười nghiêng ngả. Các quán cà phê cóc ở Sài Gòn có một tập quán rất hay là mua báo để ở quán cho khách đọc. Báo mới, báo cũ gì chủ quán cũng gom lại để một chồng bự sù sụ trong cái kệ sắt ở góc quán. Khách tới uống cà phê cứ tự nhiên tới kệ lấy một tờ về chỗ ngồi, đọc xong trả lại chỗ cũ lấy tờ khác. Tờ nào mình chưa đọc, dù đã cũ, đối với mình cũng là báo mới. Phần lớn quán xá, chợ búa ở Việt Nam vẫn buôn bán tấp nập như ngày thường chớ không nghỉ Tết Tây. Những người hành nghề bán hàng rong ở Sài Gòn sáng sáng vẫn tấp nập gồng gánh, đẩy những chiếc xe nhỏ hai bánh rong ruổi khắp các nẻo đường lớn hẻm nhỏ, từng cái bánh dày, bó rau, gói khoai mì hấp, xôi đậu… tận nhà cho khách. Người Việt quan niệm ngày đầu tiên của năm mới, cho dù Tết Tây hay Tết Ta, cũng đều nhứt định không bỏ ra ngoài món gì, kể cả đổ rác, vì bỏ ra là “tản tài”, qua hôm sau muốn bỏ gì thì bỏ. Nên trong ngày 1 Tây các bà, các chị hành nghề ve chai lông vịt “bị” nghỉ Tết bất đắc dĩ, mặt mày buồn xo.

Tuy nhiên, đối với các công ty, cơ sở kinh doanh lớn, các cơ quan, tổ chức thì Tết Tây trở nên thật sự quan trọng, đường hoàng được dán cho hai chữ Tân Niên “hoành tráng,” là cột mốc đánh dấu cho sự khởi đầu các kế hoạch, công việc trong năm, và tính toán lời-lỗ, sự phát triển – thụt lùi của đơn vị mình vào giữa Tháng Mười Hai. Cũng giống như Tất Niên, Tân Niên được tổ chức như một buổi họp mặt khuyến khích nhau làm việc tốt hơn năm cũ, chỉ được nói chuyện vui, nói chuyện tương lai, kỵ nói chuyện buồn phiền, thất bại của năm cũ để tránh “dớp xui”. Nếu như Tân Niên (Ta) là dịp nghỉ dài ngày để vui chơi xả láng, gặp nhau hỉ hả chúc câu “Tân niên hạnh phúc bình an tiến/ Xuân nhật vinh hoa phú quý lai” thì Tân Niên (Tây) đơn giản hơn rất nhiều, có phần hơi nghiêm túc và mang màu sắc nhịp sống công nghiệp và phần lớn diễn ra trong các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp sản xuất.

Cá nhân tôi ăn Tết Tây ở Little Sài Gòn được bốn năm rồi, tôi thấy cũng bình thường như thời tôi ở Việt Nam mà thôi, tức là đi lòng vòng coi người ta mua bán, ngồi quán cà phê tới trưa để “xả xì-chét”. Vì thời gian nghỉ Tết Tây ngắn quá nên phần lớn cư dân Việt ở Little Sài Gòn (Nam Cali) chỉ tổ chức ăn uống nhẹ nhàng trong phạm vi gia đình mà thôi. Nói chính xác hơn là ở “thủ đô tỵ nạn nước Mỹ” này không có không khí ăn Tết Tây nhộn nhịp như các khu người Mỹ bản xứ.

Năm ngoái tôi có viết bài “Bịnh” Sợ Tết, mở đầu bằng câu “Tôi mắc “bịnh” sợ Tết từ lúc nhỏ.” Không sợ sao được khi nhà quá nghèo, bình thường tuy đói nhưng còn được ra ngoài chơi. Ngày Tết đã đói còn bị nhốt trong nhà, cấm ra đường nữa. Từ ngày người Việt biết dùng internet, mạng xã hội thì không khí Tết Tây trên mạng sôi động hơn ngoài đời sống thực tế. Trước hết do “người khổng lồ” Google bày đầu, cứ ngày lễ, ngày Tết là Google icons thay đổi bằng hình vẽ nghệ thuật theo ý nghĩa ngày đó, cùng với những câu nói hay, hoặc dòng chữ “Happy New Year” bay bướm, màu sắc sặc sỡ. Mà hễ Google chúc Tết thì dân ta cũng đâu chịu kém cạnh, thi nhau chúc Tết, bông hoa, quà bánh, nhạc nhiếc… tất cả đều bằng hình (có tốn kém gì đâu mà sợ) tràn ngập lung linh Facebook. Nhiều người “than” rằng: “Kể từ khi có Facebook thì quà sinh nhật, quà Tết của tui nhận được toàn là chữ với hình không hà.” Quả thật, Happy New Year năm nào pháo bông trên mạng cũng nổ rợp trời. Ai cũng trông cho tới ngày Happy New Year để chạy đi coi bắn pháo bông ngoài đời thật. Người ta mỗi năm được coi một lần thì hào hứng lắm, chớ ngày nào cũng “bị coi” như tôi là “tắt lửa” liền. Tôi ở gần khu Disneyland, tầm 10 giờ tối bên đó họ bắn pháo bông ầm ầm hơn 15 phút, có khi 20-30 phút, muốn ngủ sớm đúng giờ cũng không được. Ngày Happy New Year họ còn bắn pháo bông “nhiệt tình” hơn nữa. Thiệt là khủng khiếp luôn. Giống y như lúc tôi ở Sài Gòn, hai lần mướn phòng trọ ở Gò Vấp (gần phi trường Tân Sơn Nhứt), nghe tiếng máy bay cất cánh, hạ cánh gầm rú sáng đêm.

Ðặc biệt năm nay xin “thành kính phân u” với đồng bào quốc nội, khi mà năm nay quốc nội có thể bị ăn hai cái Tết không có món thịt heo truyền thống. Giá thịt heo bây giờ đã lên tới 280 ngàn hồ tệ ($12.08)/kg và đang trong tình trạng “hút hàng”. Nghĩa là dân quốc nội ăn thịt không bảo đảm phẩm chất vệ sinh thực phẩm với giá cao hơn giá thịt heo Mỹ. Từ Tết Tây cho tới Tết Nguyên Ðán, người dân quốc nội bình dân còn có “tiềm năng” nhịn ăn thịt heo suốt mùa Tết. “Thịt mỡ, dưa hành”, bánh chưng, bánh tét, thịt kho Tàu lên giá vù vù. Nên chuyện dân thù nhà nước không có gì lạ.

Không biết từ bao giờ mà cư dân mạng xã hội có thói quen ngày nào cũng lên mạng hóng coi có côn an (không có chữ “g”), quan chức xứ Việt cộng nào chết hoặc vô tù để đăng mục “Tin Vui Mới Nhứt Trong Ngày”. Cuối năm cũng tổng kết năm nay “hạ bệ” được bao nhiêu côn an, quan chức “hui nhị tỳ”, rồi “lên kế hoạch” năm mới sẽ xử “thằng (quan chức) này”, “thằng này” và “thằng này”… Thí dụ như hiện nay Tòa án thành phố Hà Nội đang xét xử cựu quan chức cao cấp (hàm Bộ trưởng) Việt cộng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà, thì các công dân mạng đang ồn ào “lên kế hoạch” năm mới sẽ xử tiếp luôn “đồng chí Tô Huy Rứa” (cựu ủy viên Bộ Chính Trị, cựu trưởng Ban Tuyên Giáo và Ban Tổ Chức Trung Ương đảng Việt cộng), “đồng chí 3X” là đầu sỏ “phe 3X” (“nickname” do Trương Tấn Sang- Cựu chủ tịch nước Việt cộng, đặt cho Nguyễn Tấn Dũng- Cựu thủ tướng Việt cộng). Thiệt là không khí chuẩn bị ăn Tết do “đảng ta dẫn dắt đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” chộn rộn vui đáo để luôn. Tân niên (Tây) năm nay không thấy ai bàn tán về việc nhập Tết Tây, Tết Ta vào chung ăn Tết một lần, có lẽ “phi vụ” xếp lịch cho quan chức vào tù hấp dẫn hơn chăng?

Thử hỏi trên thế giới này có nước nào mà bất cứ quan chức nào trong bộ máy cầm quyền bị “rụng” thì dân lại post bài “khui bia” để “ăn mừng tin vui” và “lên danh sách” chuẩn bị “rụng” tiếp như dân Việt không? Vui còn hơn Tết nữa. Chỉ có Việt Nam là duy nhất và đặc biệt khác người thôi nhé!

TPT

Little Sài Gòn, Ca