Kỳ trước: Cuối cùng chiếc trực thăng bay lạc, hết xăng bị rớt nhưng nhờ sáng kiến của Trung úy Vương Mộng Long nên đã liên lạc được với hậu cứ và được cứu thoát.

Bài nhiều kỳ – Kỳ cuối

Ðáp lại, tôi thấy cô Ba lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ với chú Ma.

Ði làm về cô lại xuống bếp nấu ăn, chăm sóc cho chú ấy.

Cô giặt giũ áo quần, thay chiếu trải giường cho chú hàng ngày.

Tháng Chín năm 1970 chú Ma giải ngũ, về quê. Sau đó tôi cũng không thấy cô Ba trong nhà chú Thuộc.

Hai năm sau, tôi gặp lại cô Ba. Cô trở về nhà Thuộc để thăm bà con. Cô đem theo đứa con trai đầu lòng vừa tròn một tuổi.

Cô kể chuyện rằng:

“Ngày đó, sau khi bị thương cụt hai giò, anh Ma tuyệt vọng vô cùng, muốn tự tử.  Anh sợ cô Ba dính líu vào một người tàn tật như anh thì sẽ chuốc khổ một đời. Vì thế anh đã đóng kịch thành một người tính tình hung dữ để xua đuổi cô Ba. Nào ngờ, anh càng chạy trốn, cô càng đeo theo. Thấy anh về quê, cô Ba cũng bỏ công ăn việc làm, về quê theo anh. Cô nói với anh rằng, bây giờ cô không còn lo mất anh nữa. Anh gãy chân rồi, không còn phải đi nhảy toán, phải đi đánh nhau. Anh sẽ không bị chết trận, sẽ sống đời với cô. Cô hết lo! Cuối cùng cha mẹ đôi bên đã tác thành cho họ. Họ đang làm chủ một quán cơm có tên là “Quán Biên Thùy” nơi bến xe Qui Nhơn. Họ đã có với nhau một cháu trai thật là kháu khỉnh.”

Thời chiến tranh, tôi biết có rất nhiều chuyện tình dang dở, đầy nước mắt đã xảy ra.

Nhưng trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng mong được chứng kiến những mối tình “có hậu” như mối tình của cô Ba và một thuộc cấp của tôi, Trung sĩ phế binh Lê Sanh Ma.

Kể ra thì chuyện tình này không thơ mộng gì, nhưng với tôi đó là một cái gương tuyệt vời biểu hiện cho lòng chung thủy.

Nhìn hạnh phúc gia đình của những thuộc cấp dưới quyền mình, lòng tôi cũng thấy vui.

Khí hậu tháng Năm thật là ấm áp. Vết mổ nơi sườn trái của tôi cũng vừa lành. Ðại đội 2 Trinh sát Biệt Ðộng Quân có một tuần học bổ túc kỹ thuật xâm nhập ở Camp Enarie của Sư Ðoàn 4 Hoa Kỳ nên tôi thật là rảnh rang.

Tôi cảm như đang hồi sung sức nhất. Thấy tôi ngày nào cũng vác cái xuồng làm bằng cái vỏ xốp trắng dùng để bọc bom Napalm ra Biển Hồ bơi chèo hàng giờ, anh bạn Goodell bèn vào Camp Holloway xin cho tôi một cái phao cấp cứu của phi hành đoàn C 130. Chiếc phao cao su màu da cam này tuyệt đẹp. Khi no hơi thì nó dài cỡ hai mét, rộng một mét. Có lẽ cái phao này dư sức vận tải hai người có trọng lượng như tôi thời bấy giờ.

Vương M Long ở Biển Hồ, Pleiku-1970

Sau chiến dịch Dak Séang, trên đặc lệnh truyền tin của liên đoàn thì vô tình tôi được gọi với danh hiệu là “Loan Vương”

Tôi thấy hai chữ “Loan Vương” nửa đầu là chữ “Loan”, tên người tôi yêu, nửa sau  là chữ “Vương” họ của tôi, nên tôi dùng luôn cái danh hiệu này để đặt tên cho cái phao cấp cứu của mình.

Tôi dùng bút sơn màu tím, viết lên thành cái phao hai chữ “Loan Vương” thật to.

Nghe tôi giải thích ý nghĩa tên cái phao, anh bạn Goodell cứ gật gù phục lăn. Anh chàng nói, người Việt Nam thật là thâm thúy, khác hẳn giống nòi da trắng của anh.

Tháng 7 năm 1970, tôi lên đại úy. Tháng 9 năm 1970 tôi được đề cử theo học khóa “Tình Báo Tác Chiến” tại Bộ Tư Lệnh Viễn Ðông của Quân Ðội Hoàng-Gia Anh ở Singapore.

Trở về Việt-Nam được vài ngày thì tôi nhận được tờ giấy cho phép kết hôn của Bộ Tổng Tham Mưu, cùng lúc với cái sự vụ lệnh thuyên chuyển vào trại Lê-Minh thay thế Ðại úy Khánh, giữ chức tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 80 Biệt Ðộng Quân Biên Phòng đang trên lịch trình cải tuyển.

Tôi đem theo Trung sĩ Châu Minh Ðạt vào Lệ Minh. Anh này nguyên là tài xế kiêm nhiệm vụ hộ vệ của tôi sau khi hai chú Phạm Công Cường và Nguyễn Phượng Hoàng được tôi gửi gắm về đảm trách công tác bán tác chiến ở Bộ chỉ huy liên đoàn.

Thầy trò tôi ở Lệ Minh được một tuần thì Loan báo cho tôi một tin sét đánh:

“Ba không chịu cho em lấy anh nữa! Ba nói gả con gái cho mấy thằng lính tác chiến, thì lúc nào cũng lo, chỉ sợ con mình sẽ thành góa phụ!” 

Thế là tôi leo lên trực thăng bay ngay về Pleiku, năn nỉ Ðại tá Nguyễn Văn Can, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 2, cho tôi được tá túc đâu đó ở văn phòng để tôi cưới vợ.

Ðại tá Can cũng thông cảm tình cảnh nguy kịch của tôi, nên cho tôi lên Kontum tạm thời giữ chức Trưởng Ban 2 của Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Biệt Ðộng Quân Kontum đang thành lập.

Tôi rời Lệ Minh thì anh chàng Khánh bị ông Can bắt quay trở lại nhiệm sở cũ.

Ðại úy Khánh thấy chú Ðạt là một người can đảm và trung thành nên đề nghị giữ Ðạt ở lại với anh ta một thời gian, khi nào tôi có công việc nhất định thì anh ta sẽ trả lại.

Nhưng qua một tuần lễ thì anh Khánh đích thân chở chú Ðạt lên Kontum tìm gặp tôi rồi nói, anh ta “kết” chú Ðạt lắm, xin tôi cho anh ta giữ Ðạt ở với anh ta luôn, không trả lại cho tôi nữa. Chú Ðạt cũng thích anh Khánh, vì anh này và Ðạt cùng sở thích, nhậu như hũ chìm. Tôi thấy hai thầy trò họ có vẻ thương mến nhau nên cũng đồng ý.

Nào ngờ, sau đó không lâu, trong một trận pháo kích của Việt-Cộng nhắm vào Lệ Minh, có một viên DKZ 57 ly chui vào hầm chỉ huy, Ðại úy Khánh và Trung sĩ Ðạt bị tử thương. Anh Khánh đã vĩnh viễn ra đi khỏi cõi đời này, mang theo một trong những đứa em mà tôi thương mến nhứt.

Ngay khi nhận sự vụ lệnh đi Kontum, tôi liền chạy về Biển Hồ báo tin cho Trung tá Sâm biết. Trung tá Sâm bèn điện thoại lên Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh kể chuyện tôi được về làm việc ở văn phòng cho Trung tá Võ thân sinh của Loan. Ông Sâm còn hứa sẽ đem hai chiếc trực thăng chở toàn bộ ban cố vấn Mỹ của liên đoàn về Ban Mê Thuột dự đám cưới con gái của Trung tá Võ.

Hôm sau, tôi lên Kontum, vào doanh trại cũ của B12 Lực Lượng Ðặc Biệt để trình diện người chỉ huy mới của tôi là Thiếu tá Bùi Văn Baul.

Tên “Baul” của ông thiếu tá này quả là có một không hai trong danh sách gần một triệu quân của Quân- Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Chắc chắn trăm phần trăm là không tìm ra người thứ hai trùng tên với ông.

Gần hai chục nhân mạng của bộ chỉ huy này, kể cả quan lẫn lính, chỉ có mình tôi đội nón nâu, những người còn lại thì mang nón xanh Lực Lượng Ðặc Biệt. Trong số này có vài người đang chờ sự vụ lệnh về trình diện Bộ Tổng Tham Mưu để đáo nhậm đơn vị mới.

Bộ chỉ huy của ông Baul thời gian này cũng chưa có con dấu, chưa có Khu Bưu Chính (KBC) để gửi và nhận công văn hay thư từ.

Thời gian này, bốn trại Dân Sự Chiến Ðấu ở biên giới Lào, Miên và Kontum là Dak Pek, Dak Seang, Ben Het và Pơlei Kleng còn do Mỹ chỉ huy. Tin tức báo cáo hành quân hàng ngày của các trại này đều gửi thẳng về Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân Pleiku.

Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Biệt Ðộng Quân Kontum chỉ nhận các điện văn có tính cách thông báo.

Mỗi ngày chúng tôi có một buổi họp tham mưu kéo dài chừng nửa giờ, chỉ là để đọc lại bản tin của các trại gửi cho Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân ở Pleiku.

Sau đó là họp bàn chuyện số đề.

Ông Thiếu tá Baul và nhiều vị làm việc dưới quyền ông mê số đề lắm. Họ hăng say bàn đề suốt ngày, không chán. Chiếc xe Jeep của ông thiếu tá phải túc trực trước cửa văn phòng để anh tài xế có thể chạy đi ghi đề bất cứ lúc nào trước giờ đài phát thanh Sài-Gòn truyền đi bài hát vượt thời gian của nghệ sĩ Trần Văn Trạch với câu mở đầu là:

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người 

Được nên cửa nhà” (TVT)

Riêng tôi và một người nữa là Ðại úy Nguyễn Thái Bình, Trưởng ban 4 là không bao giờ có mặt trong các buổi họp mặt bàn số đề.

Anh Bình là dân gốc Lực Lượng Ðặc Biệt nên được ông Baul châm chước, còn tôi là cái nón nâu lẻ loi ở đây, nên bị ông ta ghét cay, ghét đắng.

Ông Baul không ưa thích tôi, nếu tôi có vắng mặt vài ngày, ông ta cũng chẳng thèm hỏi tới.

Tôi nhờ Ðại úy Nguyễn Ðình Hùng, sĩ quan phụ tá cùa Thiếu tá Baul ký cho tôi cái giấy phép đặc biệt 5 ngày thăm gia đình ở Ban Mê Thuột rồi chuồn êm.

Tờ giấy phép không có con dấu, tôi phải ghé Pleiku xin Phòng 1 của Bộ Chỉ Huy chứng thực. Người mang giấy phép hay sự vụ lệnh có con dấu đỏ mới được Mỹ cho lên máy bay.

Về tới Ban Mê Thuột, tôi yên chí lớn vào thẳng văn phòng ông Trung tá Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh khoe,

– Ba ơi! Con được về văn phòng rồi! Ba cho phép tụi con làm đám cưới nhé Ba!

Biết rằng mình đã bị đưa vào thế bí, ông trung tá đành cười,

– Thì Ba có ngăn cản không cho hai con lấy nhau đâu?

Nói câu này xong, ông cụ móc túi dúi cho tôi tờ giấy bạc năm trăm có in hình con cọp,

– Con cầm lấy mà dẫn mấy đứa em đi ăn kem!

Cầm tờ giấy bạc của ông, tôi chợt nghĩ:

“Sao Ba hào phóng quá vậy? Trong nhà, ai mà không biết Ba nghèo rớt mùng tơi. Lãnh lương ra, được bao nhiêu, Ba đưa cho Me gần hết. Chắc là Ba vừa đánh chắn thắng nên mới có tiền cho mình.” (Đánh chắn là trò chơi đánh bài của người Miền Bắc trước năm 1975)

Hôm đó, trong khi chờ Loan tan học, tôi vào quán Mây Hồng.

Quán Mây Hồng buổi chiều vắng khách, khách nhà binh chỉ có mình tôi.

Lác đác vài vị khách học trò con trai, ngồi hút thuốc lá bên tách cà phê đen.

Một chàng học trò, có lẽ là lớp cuối trung học, sà xuống bàn tôi, cười làm quen,

– Chào Ðại úy! Ðại úy mới hành quân về?

– Vâng! Tôi về từ Kontum.

– Ðại úy là dân Võ Bị hay Trừ Bị.

– Tôi là Võ Bị khóa 20.

– Theo ý Ðại úy nếu đi lính thì nên chọn binh chủng nào?

Tôi cười,

– Tôi đi lính Biệt Ðộng Quân từ ngày ra trường, đâu có biết gì về các binh chủng khác mà có ý kiến.

Rồi hình như đã tới giờ đổi lớp, các chàng thư sinh vội vàng dời gót.

Nhìn thấy họ, tôi hồi tưởng lại những ngày vừa đậu Tú Tài 2, tôi cũng nhiều lần vào quán ngồi hàng giờ suy nghĩ vẩn vơ.

Cứ y như ngày xưa, tôi cũng từng đặt những câu hỏi vớ vẩn như thế với các ông thiếu úy, trung úy trẻ mà tôi bất ngờ gặp gỡ trong các quán cà phê ở Hội-An.

Ngồi một mình, tôi mới nghiệm ra, không có người yêu bên cạnh, thì quán này cũng mất đi cái không khí ấm cúng thường nhật của nó!

Thời chiến tranh, hạnh phúc của chúng tôi là niềm vui đếm từng ngày. Hôm nay còn ngồi bên, cầm tay nhau, ngày mai không biết có còn nhìn thấy nhau nữa không?

Mấy chục năm sau, nhớ lại, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Bài thơ dưới đây được tôi viết và đăng trên “Người Việt Tây Bắc” ở Seattle tháng 1 năm 1996:

Truyện ngày xưa

 

Áo trắng tung bay, sân trường lộng gió

Chiều Xuân, tan học, đón em về,

Trong nắng vàng, bướm bay đầy phố,

Chuyện chiến trường, anh kể, em nghe…

***

Có tiếng lá thì thầm trong gió,

Vạn vật vươn mình sau giấc ngủ Đông

Lối cỏ thẹn thùng thương gót nhỏ

Cánh chim nào gọi bạn giữa thinh không…

***

Gió Xuân ấp ủ nghìn thương nhớ

Mây trắng, lưng trời, bay lang thang

Lá đỏ phủ đầy đường đất đỏ

Áo trận, song đôi áo trắng, dưới hoa vàng…

***

Năm ngày phép đi qua thật nhanh

Đường về nhà em ngắn lại vô tình

Vừa cầm tay nhau một phút,

Vừa hôn môi nhau một lần,

Đèn nhà ai cuối phố đã lên…

***

Chiến tranh héo mòn tuổi Xuân

Vun xới tình yêu bên cạnh Tử Thần

Một đời yêu nhau đắm đuối

Một đời yêu nhau ngắn ngủi

Nụ hôn chưa nguội trên môi…

Một người đã mất một người,

***

Chiến tranh cướp đi ngày xanh

Chiến tranh mang đi người tình

Mỗi lần phải tiễn đưa nhau

Tưởng chừng như đã mất nhau…

***

Nhớ lại một thời

Ngày ấy chiến tranh

Ấp ủ trong trái tim mình

Mỗi người có một chuyện tình…

(Vương Mộng Long-1995)

Cuối năm 1970, vào một ngày không có lớp, Loan cùng vài cô bạn lên chùa Dược Sư, Ban Mê Thuột xin một quẻ xăm.

Ðược lá xăm, Loan đã âm thầm cất giấu nó, không cho ai xem trong một thời gian khá dài. Chỉ vì, trừ bốn câu sau cùng ra thì hầu như trọn quẻ xăm chỉ chứa những điều không hay. Mãi tới ngày tôi được tha ra khỏi trại tù cải tạo, năm 1988, tôi mới được đọc những câu thơ trên quẻ xăm này.

Trên lá xăm, có những giòng, nếu đọc được chắc mẹ tôi, Bác Võ trai, Bác Võ gái sẽ không chấp thuận cho chúng tôi lấy nhau.

Theo quẻ xăm, thì người gieo quẻ cầu gì cũng thất bại: Thưa kiện thì thua, có bệnh thì khó qua khỏi, cầu tài chỉ uổng công, đi thi thì bị rớt, lấy chồng thì duyên phận bẽ bàng.

Dưới đây là 8 câu trích từ quẻ Số 6, “Quẻ Giá Sắc” mà Loan đã xin được từ chùa Dược Sư, Ban Mê Thuột:

Ra đi xứ lạ nhiều lầm lạc

Tính việc chi rồi cũng bất thành

Thưa kiện rốt sau e chẳng lợi

Bịnh nhơn trở chứng khó bình an

Cầu tài vô ích, sanh hao tốn,

Ứng thí rồng mây hội lỡ làng

Gả cưới kết hôn duyên chẳng hiệp,

Nói năng chưa được toại lòng toan.

Loan là người lúc nào cũng lạc quan và hy vọng, vì thế nàng chỉ nhìn vào bốn câu thơ sau cùng:

Phật bảo an phận thủ thường,

Nhẫn tâm theo dõi con đường trượng phu.

Chơn thành, phước đức cần tu,

Như người gieo cấy, tới mùa gặt thâu…

Vài ngày trước đám cưới, có một người con gái đã khấn thầm rằng:

“Yêu anh, em chỉ cầu xin Trời Phật phù hộ cho chúng mình lấy được nhau, thành vợ, thành chồng, dù chỉ được sống cùng nhau trọn vẹn một ngày thôi!”

Người con gái ấy là một nữ sinh mười bảy tuổi rưỡi ở Ban Mê Thuột.

Người yêu của cô ấy là một Ðại úy Biệt Ðộng Quân đồn trú ở Kontum.

Hai ngày sau lễ Giáng Sinh năm 1970 đám cưới của tôi và Loan diễn ra.

Thiếu úy Ðinh Quang Biện, anh ruột của Loan bận hành quân trong rừng Tiều Teo không về được.

Thiếu Tá Vương M Long và vợ – Dalat 1974

Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân đang chạm địch trong vùng Bắc Kontum, nên hai chiếc trực thăng dự trù để chở ông Liên đoàn trưởng và ban cố vấn Mỹ bay về Ban Mê Thuột dự đám cưới của tôi đã bị trưng dụng để chuyển quân.

Ông Trung tá Sâm và ông Trung tá cố vấn trưởng của liên đoàn chỉ còn cách gọi điện thoại về nhà nhạc gia của tôi để chúc mừng.

Khách dự đám cưới của hai đứa tôi thì một nửa là nữ sinh Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, nửa kia là quân nhân trực thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh.

Không có ai là lính Biệt Ðộng Quân có mặt ngày hôm ấy.

Ðám cưới vừa xong, đầu năm 1971 tôi được lệnh dời bỏ văn phòng, ra tác chiến.

Tôi từ giã cái bộ chỉ huy chưa có con dấu, chưa có Khu Bưu Chính (KBC) của ông Thiếu tá Bùi Văn Baul để nhận chức Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 4 Mike Force do Mỹ vừa chuyển giao.

Thời gian này Thiếu tướng Ngô Du đã thay thế Trung tướng Lữ Lan đảm nhận chức Tư lệnh Quân Ðoàn II và Vùng 2 Chiến Thuật.

Tướng Ngô Du ra lệnh sát nhập Tiểu đoàn 4 Mike Force vào Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá Bùi Văn Sâm, Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.

Hai mươi bốn giờ sau khi nhận bàn giao, tôi được lệnh đem quân đi Cheo Reo tăng phái cho Tiểu Khu Phú Bổn.

Tiểu đoàn tôi là đơn vị mới thành lập chưa có trại gia binh, nên tôi cho vợ con binh sĩ đi theo hành quân luôn. Bốn chiếc xe GMC được gắn mui vải dùng để chở đàn bà và con nít.

Tôi mới cưới vợ, nếu để vợ ở Pleiku thì biết gửi cho ai? Tôi cũng đành phải đem vợ đi Phú Bổn chuyến này.

Trung tá Sâm thấy 4 chiếc xe Jeep của tiểu đoàn tôi đều là xe mui trần, nên thương tình, cho tôi mượn chiếc Jeep chỉ huy của ông để vợ tôi làm phương tiện di chuyển.

Chiếc Jeep của vợ tôi là chiếc xe “tráng lệ” nhất trong đoàn quân xa.

Xe này gắn cánh gà bít bùng, có hai cần angten cao nghều nghệu cùng một dàn loa của máy truyền tin, một VRC 47 và một PRC 25. Xe còn được ba anh lính trang bị súng M16 hộ tống.

Ông Trung tá Nghiêm tỉnh trưởng Phú Bổn thấy bầu đoàn thê tử chúng tôi, đầu tóc, mặt mũi, áo quần, lem luốc, đầy bụi đỏ, ào xuống sân Tòa hành chánh tỉnh, thì ra lệnh cho ông quận trưởng quận Thuần Mẫn đem toàn bộ nhân viên của ông ta về làm việc trong Tòa tỉnh, nhường lại doanh trại quận đường cho chúng tôi tá túc.

Văn phòng của ông quận trưởng trở thành căn nhà tạm trú của vợ chồng ông Tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân.

Văn phòng của ông phó quận trở thành chỗ tạm trú cho ban cố vấn Mỹ của tiểu đoàn. Sĩ quan cố vấn của tôi là anh Trung úy Hick, sau đó là anh Ðại úy Jim. Hạ sĩ quan cố vấn vẫn là anh bạn Woodell, người đã làm việc với tôi hơn một năm dài trước đây.

Goodell nghe tin tôi trở lại Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân để làm tiểu đoàn trưởng thì đăng ký thêm một nhiệm kỳ thứ 2 phục vụ tại Việt-Nam.

Cho tới ngày Tiểu đoàn 4 Mike Force giải tán thì Goodell mới giã từ tôi để về Hoa Kỳ, không trở lại nữa.

Chúng tôi mới hoàn tất hai cuộc hành quân cấp tiểu đoàn nhằm tảo thanh vùng giáp ranh hai quận Thuần Mẫn (Phú Bổn) và quận Buôn Hô (Daklac) thì có lệnh gom quân.

Sáng 28 tháng Chạp Âm Lịch tôi nhận lệnh để lại một đại đội tăng phái cho Chi Khu Phú Túc, thành phần còn lại thì kéo nhau về Pleiku.

Dĩ nhiên bà vợ ông tiểu đoàn trưởng và một số đàn bà con nít gia đình binh sĩ cũng về theo.

Sáng Mùng Hai Tết năm Tân Hợi, ông Trung tá Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh từ Ban Mê Thuột gọi điện thoại cho ông Trung tá Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân ở Pleiku, không phải để chúc Tết, mà là để mắng vốn,

– Vậy là thầy trò ông đã gạt tôi! Ông cam đoan với tôi rằng thằng Long sẽ về làm việc ở văn phòng, nên tôi mới chịu gả con gái cho nó. Ai ngờ, vừa cưới vợ xong nó lại ra tác chiến. Nó còn đem cả con gái tôi ra trận! Tôi bực mình ông lắm rồi đó, ông có biết không?

Ông Trung tá Biệt Ðộng Quân cười hì hì,

–  Thì ngày xưa, tôi với ông đều là dân tác chiến. Tụi mình đã nhiều lần chở vợ theo hành quân. Chẳng lẽ ông quên chuyện này rồi sao?

Nghe ông Sâm trả lời, ông bố vợ tôi chán quá, đành chép miệng, thở dài, cúp máy.

o O o

Nhớ cao nguyên…

Ngày xưa, cứ lái xe hoặc ngồi trên trực thăng, qua hết con dốc của ngọn đèo ranh giới hai tỉnh Pleiku, Daklac, nhìn thấy phi trường Buôn Blech thì tim tôi lại rộn ràng. Tôi chắc chắn rằng không bao lâu sau tôi sẽ gặp mặt người mình yêu dấu.

Mỗi lần trò chuyện cùng ai mà có nhắc tới tên Pleiku, Kontum hay Ban Mê Thuột thì những kỷ niệm êm đềm ngày nào ở cao nguyên lại hiện về trong trí nhớ của tôi.

Tôi lại hình dung ra rõ ràng trước mắt mình là cả một khung trời bao la, cảnh vật vừa hùng vĩ, oai nghiêm, lại vừa chen lẫn chút thê lương.

Một dải đất trải dài từ Bắc xuống Nam 300 cây số dọc Trường Sơn đã trở thành không thể nào quên.

Thời chiến tranh, nơi ấy mang tên “Cao Nguyên Trung Phần” của nước Việt-Nam Cộng-Hòa. Vùng này chỉ có núi và rừng trùng điệp nối tiếp nhau.

Ở cao nguyên đâu đâu cũng có lính; họ đến từ mọi miền đất nước; họ sống chết bên nhau và thương yêu nhau như huynh đệ.

Nơi đây năm nào cũng xảy ra những trận đánh long trời lở đất. Tôi đã trải qua mười năm chinh chiến ở xứ này.

Ðây cũng là nơi mà Thượng Ðế đã ban cho tôi một người tình trọn đời chung thủy.

VML

Seattle, July 2019