Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

Phi trường dân sự Pleiku – 1970s. Ảnh do tác giả cung cấp 

(tiếp theo)

Sau tiếng “Chát!” chói tai. Tôi quát lớn,

– Anh ở Ðoàn Xâm Nhập nào? Vào Nam ngày nào? Khai ra mau!

Không ngờ đòn đánh phủ đầu bất ngờ của tôi có hiệu quả ngay! Nghe tiếng hét của tôi, tân binh Nguyễn Văn Bính bỗng co rúm người trên ghế, hai đầu gối run run đập vào nhau lia lịa,

– Trình “Thủ trưởng” em là chiến sĩ Ðặc Công vừa ra trường được đưa vào bổ sung cho Ðội Ðặc Công Nội Thành Thành phố Sài-Gòn!

Ngay lúc này, Hạ sĩ Ba và Binh Nhứt Bích đã nhanh chân chạy vào đứng thủ thế hai bên bàn giấy, ghìm súng sẵn sàng.

Mặt anh tân binh bắt đầu ướt đẫm mồ hôi. Anh ta run lập cập,

– Trình “Thủ trưởng” em đi lạc, bị lính bắt vào trại huấn luyện rồi đưa lên đây!

Thấy Bính có vẻ không có gì là nguy hiểm, tôi ra lệnh,

– Thằng Ba và thằng Bích ra cửa gác được rồi! Còn chú Bính thì cứ bình tĩnh, anh không làm gì để chú phải lo sợ. Chú cứ từ từ kể cho anh hay, vì sao chú lại có mặt ở đây?

Nghe tôi ôn tồn dịu giọng, anh tân binh đã bớt run. Anh ta xoa hai tay vào nhau liên tục, rồi bắt đầu kể cho tôi nghe.

Nguyễn Văn Bính sinh năm 1956 tại huyện Gia-Lộc, tỉnh Hải-Hưng, vào bộ đội năm 17 tuổi. Theo học Trường đào tạo chiến sĩ Ðặc-Công ở Sơn-Tây. Mãn khóa học, Bính được lệnh đi B tạm dừng tại Binh Trạm T9, rồi được tách ra, phân phối cho Biệt Ðội Ðặc-Công Nội Thành ở Sài-Gòn.

Tháng 4 năm 1974 trong khi theo chân một nữ cán bộ giao liên trên đường từ Tân-Cảng tới Chợ Lớn thì y bị lạc. Bính lang thang suốt đêm trong khu Phạm Ngũ Lão và Ga Sài Gòn tìm dấu người đưa đường nhưng vô vọng. Bốn giờ sáng thì y bị Tuần Cảnh Hỗn-Hợp Ðô-Thành bắt gặp. Sau khi khai tên tuổi, hôm sau y bị chuyển sang Trung Tâm Quản Trị Trung Ương, rồi đưa ra máy bay chở lên Dục-Mỹ vào học lớp tân binh trong Trung Tâm Huấn Luyện Lam-Sơn.

Sau trận Pleime, vì nhu cầu quân số, Binh nhì Nguyễn Văn Bính đã được bổ sung cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi.

Chuyện nghe tưởng như đùa! Nhưng đây là chuyện trăm phần thật!

Sau khi nghe hiểu hết nguồn cơn, tôi đổi giọng, thật nghiêm nghị, nói với Bính,

– Chuyện đã rõ ràng như thế thì tôi chỉ có thể chuyển anh sang An-Ninh Quân-Ðội, từ đó anh sẽ được đưa vào trại giam Tù Phiến Cộng, sống chung với các đồng ngũ của anh đã bị chúng tôi bắt trước đây.

Bính nhìn tôi khẩn khoản,

– “Thủ trưởng” có thể giúp em, bỏ qua chuyện lý lịch, cho em ở với “Thủ trưởng” được không?

Trước yêu cầu của anh cán binh Cộng-Sản Nguyễn Văn Bính, tôi ngạc nhiên,

– Anh muốn ở lại với chúng tôi sao?

– Vâng! Em muốn lắm ạ!

Tôi đổi giọng ôn tồn trở lại,

– Trong thời gian mấy tháng vừa qua, sống dưới chế độ Cộng-Hòa, chú thấy thế nào?

– Dạ! Em thấy ở trong Nam sướng hơn ở ngoài Bắc.

– Ðược rồi! Tôi sẽ cho chú làm đơn xin “Cải danh Hồi Chánh” Chú sẽ được tiếp tục sống dưới chế độ Cộng-Hòa.

Khi nào chú được chấp thuận là Hồi Chánh Viên, chú xin gia nhập Biệt Ðộng Quân, anh sẽ tiếp nhận chú về tiểu đoàn này.

Từ chiều 16 tháng 9 năm 1974, sau khi cho xe giải giao Nguyễn Văn Bính cho Ty An-Ninh Quân-Ðội Pleiku, tôi không còn biết tương lai của anh ta ra sao.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

o O o

Giã biệt Pleiku…

Ngày 19 tháng 9 năm 1974 hết hạn nghỉ dưỡng quân, tôi được lệnh dẫn đơn vị vào vùng Tây Pleiku tăng phái cho Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân của Trung tá Hoàng Thọ Nhu.

Tôi và Trung tá Nhu quen biết nhau từ năm 1971, khi ông Nhu còn mang lon Thiếu tá từ Sài-Gòn ra Pleiku thay thế ông Thiếu tá Vũ Quốc Khánh để giữ chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2. Thời gian này tôi cũng vừa nhận chức Trưởng Phòng 2.

Tôi và ông Nhu đã làm việc chung trong một thời gian khá dài.

Tôi biết, nhờ sự giúp đỡ của Ðại tá Lê Khắc Lý, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 thời gian đó, mà cuối năm 1971 ông Nhu được vinh thăng trung tá.

Ông Nhu coi tôi như em, chúng tôi nói năng chẳng cần giữ gìn, câu nệ.

Tính nết của tôi ngổ ngáo, ương ngạnh thế nào, ông Nhu đã biết.

Năm 1972 tôi và Trung tá Hoàng Thọ Nhu đều có dịp thuyên chuyển khỏi Vùng 2; ông Nhu đi làm Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân, còn tôi cũng từ giã Pleiku, lên đường về Sài-Gòn theo học Khóa 3/72 Bộ Binh Cao Cấp.

Nhưng run rủi làm sao, chúng tôi ra đi một thời gian ngắn, lại tái ngộ, lại cùng làm việc với nhau thêm một thời gian nữa ở Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 dưới quyền Ðại tá Phạm Duy Tất.

Ngày ông Nhu ra nhận chức Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân, sau này cải danh thành Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân, ông cũng rủ tôi đi theo, nhưng tôi chối từ.

Tới khi Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân được thành lập, thì tôi vào Pleime giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trực thuộc Liên Ðoàn 24.

Ðã có mấy lần ông Nhu nài nỉ Ðại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 bắt tôi hoán chuyển nhiệm vụ với Ðại úy Nguyễn Lạn để tôi về làm việc với ông, nhưng tôi không đồng ý.

Trưa 19 tháng 9 năm 1974 đoàn xe Quân Vận chở chúng tôi tới vùng hành quân của Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân.

Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân tọa lạc trên một bãi đất trống cách Ðồi 37 Pháo Binh không xa. Vị trí này được một đại đội Biệt Ðộng Quân và một chi đội chiến xa M 41 bảo vệ.

Vừa xuống xe, tôi đã bị Trung tá Nhu kéo tay dẫn vào hầm riêng của ông ấy,

– Anh xin chú tăng cường cho anh mấy ngày, trong thời gian đó tiểu đoàn của chú sẽ thay thế Thằng 11 giữ núi Chi Kara. Thằng 11 sẽ thế chỗ cho Tiểu Ðoàn 1/ 41 để tiểu đoàn này trở về với Sư Ðoàn 22 Bộ Binh. (Thằng 11: Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân)

Trên phóng đồ hành quân, khu vực trách nhiệm của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ là một vùng có chiều ngang 3 cây số, chiều dài 10 cây số, kéo dài từ vị trí Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Ðoàn 23 cho tới làng Plei De Chi ở hướng Tây.

Tôi thấy những vị trí mà tôi có nhiệm vụ kiểm soát chỉ nằm loanh quanh dưới chân núi Chi Kara, chứ không có điểm chốt giữ nào trong khu vực bình nguyên bao la trước mặt.

Thì ra thời gian này các đơn vị phòng thủ chỉ co cụm phòng thủ các cao điểm cố định, ai ở đâu cứ ở yên nơi đó chờ địch tới thì đánh.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi thở ra nhẹ nhàng, vì thấy nhiệm vụ của mình thật là khỏe re!

Ngồi chơi trong hầm của Trung tá Nhu vài phút, tôi từ giã ông, rồi đi vào phòng hành quân liên đoàn để bắt tay những anh em đang làm việc ở đây. Trước năm 1970 tôi đã từng là một sĩ quan tham mưu của liên đoàn này.

Khi lui ra để chuẩn bị di chuyển, tôi lấy làm lạ là ông liên đoàn trưởng cứ theo sát bên tôi như bóng với hình, nên thắc mắc,

– Sao Trung tá cứ đi theo tôi hoài? Ông có gì cần nói không?

Ông Nhu khẽ liếc mắt cho tôi đi theo ra cổng căn cứ. Ông hất cằm về hướng Bắc để tôi nhướng mắt nhìn theo.

Trung tá Nhu nói nhỏ,

– Trước mặt chú là đồi 631. Thằng Lạn đánh mất ngọn đồi này đã năm ngày rồi, nhưng anh chưa báo cáo với quân đoàn! Anh nhờ chú lấy nó lại có được không? (Thằng Lạn: Ðại úy Nguyễn Lạn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân)

Tôi vừa ngạc nhiên vừa phẫn nộ,

– Ông nói cái gì lạ thế? Mất một cái tiền đồn đã năm ngày mà không tái chiếm, không báo cáo, vậy ông còn chờ cái gì nữa?

Trung tá Nhu đưa tay lên che miệng tôi, không cho tôi to tiếng để tránh cho người khác nghe,

– Tao còn phải chờ xem mấy thằng lính đóng chốt trên đó có còn sống không rồi mới báo cáo. Báo cáo sớm thì thằng Lạn lại bị phạt. Bị phạt mãi thì làm sao nó cất đầu lên được?

Tôi bình tâm trở lại, thấy lời ông Nhu cũng có lý. Ðại úy Nguyễn Lạn là bạn cùng khóa của tôi, chật vật bao năm mà anh ấy vẫn còn đeo cái lon đại úy.

Tướng Tư Lệnh Quân Khu 2 Nguyễn Văn Toàn mà biết chuyện mất tiền đồn, lính giữ đồn mất tích, thì hình phạt của ông ấy chắc chắn sẽ không nhẹ hơn 40 Trọng Cấm.

Nếu không có chiến công, cứ chờ thăng thưởng thường niên thì người mang trên vai 40 Trọng Cấm sẽ chẳng bao giờ có hy vọng.

Nghĩ lại, tôi thấy thương hại anh Nguyễn Lạn, tôi cũng thông cảm cho nỗi khó xử của Trung tá Nhu.

Trung tá Nhu cho tôi biết rằng, hôm qua, trên đường từ Pleiku vào Thanh-An trực thăng của Ðại tá Phạm Duy Tất Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 đã phát hiện ra một toán lính Biệt Ðộng Quân làm dấu cấp cứu trong vùng rừng thưa cách núi Hàm Rồng khoảng gần mười cây số về hướng Tây Bắc.

Ông đại tá đã đáp xuống cứu được bảy ông Biệt Ðộng Quân sắp chết đói, đang lang thang tìm đường về Pleiku.

Bảy ông lính này là quân nhân của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân đóng chốt trên Tiền đồn 631.

Các ông lính này khai rằng giữa đêm 15 tháng 9 năm 1974 họ bị một đơn vị cấp đại đội Việt-Cộng tấn công, tràn ngập vị trí, phải rủ nhau bỏ chốt tìm đường thoát thân.

Chuyện mất tiền đồn, chuyện cứu được bảy ông Biệt Ðộng Quân thất lạc đã được giấu nhẹm, chỉ có mấy vị chỉ huy Biệt Ðộng Quân biết với nhau thôi!

Th/tá Vương Mộng Long và con gái Tiên Giao – Hình chụp tại Đà Lạt, tháng 10 năm 1974

Trung tá Nhu cầm tay tôi năn nỉ,

– Chú mày giúp anh một lần này thôi, mình là anh em mà!

Nhìn bộ dạng thảm hại của ông anh, tôi cầm lòng không đậu,

– Ðược rồi, chiều nay tôi trả lời.

Tôi dẫn quân đi đã xa mà ông Nhu còn đứng nhìn theo.

Việc chuyển quân, thay chốt, diễn ra không lâu hơn hai tiếng đồng hồ.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi chẳng lạ gì địa thế Pleiku, do đó công tác thiết trí phòng thủ, yểm trợ hoàn tất rất nhanh.

Ðứng trên một mỏm đá cao, với cái ống nhòm, tôi quan sát ngọn đồi trước mặt. Ðồi này có cao độ 631 mét nên được đặt tên là Tiền đồn 631. Ðồi 631 nằm sát lằn ranh Bắc của khu vực mà tôi chịu trách nhiệm.

Tiền đồn này cách Tỉnh Lộ 565 đúng ba cây số về hướng Bắc. Muốn tới đó ta cứ đi thẳng hướng 360 độ, theo con đường xe be, vượt hai cái bình nguyên cỏ tranh và hai con suối nhỏ là tới mục tiêu.

Sau khi quan sát kỹ, tôi thấy đỉnh đồi đã bị khai quang trọc lóc, rất dễ bị lộ, địch không thể đặt súng phòng không để khống chế không phận Tây Nam Pleiku.

Theo tôi, về mặt chiến thuật, vị trí này chỉ có giá trị một đài quan sát.

Tôi đoan chắc rằng, lực lượng địch đóng trên tiền đồn này nhiều lắm là một tiểu đội là cùng.

Ba giờ chiều, tôi ra lệnh cho toán Viễn Thám 822 của Hạ sĩ Nguyễn Ba chuẩn bị một ngày ăn rồi cùng tôi và một toán cận vệ xuống núi.

Tôi vào tới hầm trú ẩn của ông Liên đoàn trưởng thì Trung tá Nhu đã chờ sẵn.

Kế hoạch tái chiếm đồi 631 của tôi thật là giản dị.

Ngay khi trời sập tối, toán Viễn Thám 822 sẽ mở đường, dẫn theo một trung đội của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Tới chân đồi thì trung đội của Tiểu Ðoàn 11 dừng lại, ém quân chờ. Toán 822 tiếp tục tiến theo kỹ thuật trinh sát. Chiếm lĩnh xong mục tiêu, sáng hôm sau Toán 822 sẽ bàn giao cao điểm này cho trung đội của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Mười phút sau khi có lệnh của ông Liên đoàn trưởng, một trung đội của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân được gửi tới. Trung đội trưởng trung đội này là Thượng sĩ Phan Thành, người Huế.

Thay vì đứng nghiêm trình diện tôi, Thượng sĩ Thành lại chạy tới ôm tôi thật chặt, miệng anh ta rối rít,

– Ông thầy! Ông thầy cho em về 82 với ông thầy đi! Ông thầy ơi!

Tôi vừa cười hì hì, vừa lắc đầu,

– Ông Vua Xóc Dĩa ơi! Tôi đem ông về 82 để ông bán hết sản nghiệp của tiểu đoàn rồi đem đặt vào chiếu bạc thì chúng tôi chết hết mất!

Trung tá Nhu trố mắt đứng nhìn. Ông chẳng hiểu vì sao mà một tay cứng đầu, sừng sỏ, mặt lạnh như tiền là tôi mà lại thân thiện, vui vẻ, bá vai, bá cổ một anh thượng sĩ cắc ké tên là Phan Thành của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Ông Nhu có biết đâu tôi và chú Thành đã trải qua nhiều năm chia ngọt, sẻ bùi, chung sống với nhau.

Từ tháng 2 năm 1966 tôi đã có mặt ở Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Tới năm 1969 thì tôi là sĩ quan kỳ cựu nhất của đơn vị này.

Trong thời gian tôi chỉ huy Ðại Ðội 3/ 11 rồi chỉ huy Ðại Ðội 1/11 thì anh Phan Thành là lính của Ðại Ðội 2/11.

Thành đánh giặc thật gan lỳ, nhưng lại mắc cái tật ham mê cờ bạc. Trong trại gia binh, anh ta là tay chuyên môn cầm cái cho các sòng xóc dĩa.

Tôi khoái cái phong cách gan lì trong chiến trận của Thành, nhưng không thể chấp nhận những hình ảnh bê tha trên chiếu bạc của chú ấy; vì thế, đã nhiều lần Thành xin về làm việc với tôi, tôi đều thẳng thừng từ chối.

Sau khi giới thiệu Hạ sĩ Nguyễn Ba với Thượng sĩ Phan Thành, tôi đứng giảng giải cặn kẽ nhiệm vụ hành quân đêm nay của hai người rồi hỏi,

– Có gì thắc mắc không?

– Dạ! Thưa không!

Hai thuộc cấp của tôi vừa trả lời xong, thì tôi quay qua nói với Thành,

– Bao giờ chú mi bỏ được cái tật đỏ đen, anh sẽ cho chú mi theo anh.

(còn tiếp)