Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 15)

Sau khi chiếc L19 đảo cánh trên một khu rừng tranh ra dấu, lập tức chiếc tải thương hạ xuống khẩn cấp.

Biệt Ðội Trực Thăng 259 B Tản Thương và Tìm Cứu đã hoàn thành công tác một cách vô cùng nhanh nhẹn và gọn gàng.

Không rõ do lệnh của giới chức nào, mà anh pilot lâm nạn không được chở đi luôn, mà lại bị thả xuống phi trường Gia-Nghĩa.

Tôi và Trung tá Hoàng Kim Thanh cũng đáp xuống đây.

Anh trung úy phi công F5 chỉ bị xây xát nhẹ, máy móc truyền tin dùng để phát tín hiệu kêu cứu của anh đã bị hư, nhưng nhờ tấm banner màu da cam mà L19 đã phát hiện ra anh ta.

Chiếc C&C của tôi không được biết chuyện này, vì ông phi công L19 sợ rằng chúng tôi sẽ bay vòng vòng trên đầu, làm lộ vị trí của người bị nạn.

Ở phi trường có sẵn chiếc Jeep của Trung tá Hoàng Kim Thanh. Tôi mượn chiếc xe này để chở anh pilot F5 ra quán hủ tiếu của bà già người Tàu, ngoài chợ Gia-Nghĩa.

Ăn uống xong, chúng tôi chia tay, anh bạn Không Quân trở lại phi trường, tôi về Kiến-Ðức.

Từ ngày đó tôi không còn được Ðại tá Quang chia sẻ những phi tuần dự trù nữa.
Bẵng đi ít bữa, ông trung tá liên đoàn trưởng cho tôi hay, ông nghe đồn rằng, tháng trước anh pilot F 5 này đã bị phòng không Việt-Cộng bắn hạ ở Phước-Long, nên An-Ninh Quân-Ðội nghi ngờ anh ta đã “phá tàu” vì lạnh cẳng, chứ không phải máy bay của anh ta bị địch bắn trúng.

Vài ngày kế đó tôi bị gọi về Gia-Nghĩa để gặp mặt người thiết lập bản tường trình ủy khúc vụ chiếc F5 lâm nạn.

Ông ta đưa cho tôi một tờ phụ bản. Trên đó có cái tiêu đề được đánh máy giòng chữ: Ý kiến của nhân chứng Vương Mộng Long.

Cuối tờ giấy cũng có giòng chữ: Chữ ký và ngày tháng.

Nhìn vào bản phúc trình, tôi thấy những nhân chứng khác đều có ý kiến và chữ ký ngay trong hồ sơ.

Tôi là nhân chứng quan trọng nhất, tại sao người ta bắt tôi phải ký phụ bản?

Tôi biết chắc chắn rằng, nếu tôi ký tên vào cái phụ bản ấy, thì nó sẽ bị người ta vứt đi mất tăm, mất tích.

Cái lon trung úy của anh phi công sẽ bị người ta lột mất vì tội “phá tàu”

Lương tâm đã không cho phép tôi toa rập với những mưu đồ ti tiện như thế! Tôi có nhiệm vụ phải bảo vệ đồng ngũ của tôi!

Tôi nói với ông Thiếu tá Sĩ Quan An-Ninh,

– Tôi muốn ghi ý kiến và ký tên trên chính bản, không phải trên phụ bản đính kèm.

Kèo nài vài phút, thấy tôi nhất mực giữ vững lập trường, ông ta đành nhượng bộ, cho tôi ghi vào khoảng trống dưới tên nhân chứng cuối cùng. Tôi đã viết:

“Thiếu tá Vương Mộng Long xác nhận rằng: Tôi đã tận mắt nhìn thấy chiếc F 5 bị phòng không 12.7 ly của Việt-Cộng bắn cháy và rơi tại tiền đồn Kiến-Ðức”

Lời khai của tôi hoàn toàn trái ngược với những lời khai của những nhân chứng khác. Những nhân chứng này làm việc ở văn phòng và trong hầm của Trung Tâm Hành Quân của Tiểu Khu, họ nhìn thấy chiếc F 5 rơi theo cách nhìn riêng của họ.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi thừa hiểu rằng ở Sài-Gòn người ta không tin có chuyện phòng không địch “dám” bắn hạ một cái oanh tạc cơ F 5 trong vùng trời Quảng-Ðức đang thời kỳ “hoàn toàn yên tĩnh” như những bản tin hàng ngày được ông tỉnh trưởng báo về.

Nếu anh bạn phi công F 5 ngày đó còn sống, nếu anh ấy đọc được những giòng chữ này, chắc anh ta sẽ nhớ lại câu chuyện cổ tích xảy ra ở Kiến-Ðức năm nào.

Cũng nhân dịp viết hồi ký này, tôi gửi lời cám ơn tới các bạn Không Quân đã giúp tôi cứu mạng anh bạn F5 lâm nạn trong lúc bay yểm trợ cho tôi.

Cám ơn ông Biệt đội trưởng, Ðại úy Trịnh Viết Hảo, và các ông Ðại úy Mai Văn Khánh, Ðại úy Nguyễn Văn Ninh, Ðại úy Cát Mad (Mad=Ðiên) cùng các bạn khác trong Biệt Ðội 259B Tản Thương và Tìm Cứu.

oOo

Hạ tuần tháng 1 năm 1975 khi màn đêm buông xuống, thì sương mù cũng giăng kín núi đồi, vầng trăng khuyết cũng ẩn vào trong mây.

Tôi cứ lo địch lợi dụng bóng đêm để chuyển quân từ Bắc xuống Nam rồi cắt đứt Tỉnh Lộ 344, cô lập Kiến-Ðức.

Ðêm nào tôi cũng cho tiểu đoàn thức giấc, báo động nửa khuya.

Tôi căn dặn đàn em, mỗi lúc hỏa châu soi thì mình chỉ nhìn ra một hướng cố định, gắng sức ghi nhớ hình ảnh trước mắt mình, tới lúc trái châu kế tiếp soi sáng, mình sẽ nhận ra những đổi thay nếu có.

Thói thường, khi trái hỏa châu vừa kích hỏa trên trời cao, nghe tiếng “Bóc!” địch sẽ dừng lại, ngồi im.

Khi hỏa châu vừa tàn, chúng sẽ tiếp tục di chuyển.

Bởi vậy, trong thị trường của ta sẽ thấy rõ những thay đổi xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai trái hỏa châu.

Hai giờ khuya, tôi và Trung úy Trâm đứng bên hố đại liên của Ðại Ðội 3/82.

“Bóc!” một hỏa châu vừa tỏa sáng. Anh xạ thủ đại liên nắm chân Trung úy Trâm rồi chỉ về hướng trước mặt,

– Trung úy ơi! Lúc trái hỏa châu trước soi sáng, em thấy bên gốc cây có cái gì giống như một bó rơm. Tới lúc trái hỏa châu này sáng lên thì bó rơm biến mất! 

Tôi ra lệnh,

– Bắn!

Thế là khẩu M 60 nhả đạn, súng từ bên trái, bên phải cũng nổ rền theo. Hỏa châu tiếp tục soi sáng. Pháo binh Diện Ðịa ở Nhơn-Cơ cũng bị tôi đánh thức, bắn mười tràng trên hỏa tập dự trù nằm dưới thung lũng.

Tôi ra lệnh bắn, chỉ vì “bó rơm” làm gì có chân mà biết đi?

Sáng hôm sau tôi cho người vào khu đồng tranh sát rào Ðông của căn cứ để kiểm tra trận địa.

Kết quả, không có khẩu súng nào bỏ lại, trên mặt đất có ba tên Việt-Cộng chết, thân mình được phủ bằng những tấm vải dù.

Dưới ánh trăng hay dưới ánh sáng hỏa châu, thì màu của vải dù cũng đồng màu với cỏ tranh, cỏ lau.

Hóa ra, bó rơm mà anh xạ thủ đại liên nhìn thấy đêm qua lại là một thằng Việt-Cộng!

Những ngày sau, tình hình mặt trận Tây Quảng-Ðức hoàn toàn yên tĩnh.

Tình hình yên tĩnh không có nghĩa là ta cứ yên trí nằm khoèo mà ngáy ro ro hay ngồi nhâm nhi trước bàn tiệc rượu hằng giờ.

Tôi đã biết rằng trong trận Phước-Long, chiến xa Việt-Cộng đã đóng một vai trò rất quan trọng.

Do đó, việc huấn luyện các toán chống tank đã được tôi coi như mối ưu tư hàng đầu.

Anh bạn Ðại úy Hoàng Kinh Ngữ, sĩ quan tiếp liệu, tiếp vận của tiểu khu thấy tôi vét hết số hỏa tiễn XM202 và M72 tồn kho của tiểu khu mang về Kiến-Ðức huấn luyện cho lính, nên đã càm ràm,

– Ông thầu hết XM202, và M72, không chừa cho ai khẩu nào, nếu chiến xa Việt-Cộng mà chạy vào đây, thì tụi tôi lấy gì mà bắn?

Nghe vậy, tôi bèn trấn an anh bạn,

Xem thêm:   Tháng 4 nhớ lại

– Ðừng có lo! Trước khi xe tank Việt-Cộng có mặt trước cửa văn phòng của ông thì chúng nó phải đi qua Kiến-Ðức.

T54 có thể làm mưa, làm gió ở Phước-Long, nhưng không thể qua nổi cửa ải Kiến-Ðức đâu!   

Gia đình Th/tá Vương Mộng Long – Đalat 10/1974

oOo

Xuân Ất Mão ở Quảng-Đức

Thời gian cuối năm Giáp Dần, thành phố Gia-Nghĩa vui nhộn hẳn lên. Hết hội hè này tới đình đám khác.

Ðêm nào anh em sĩ quan của Tiểu Khu Quảng-Ðức và của Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân cũng mở tiệc vui chơi, nhảy đầm cho tới khuya.

Sĩ quan của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân nghe nói người ta vui quá, nên cũng ngứa chân, ngứa cẳng, cứ nài nỉ tôi cho phép các chú ấy về Gia-Nghĩa nhập cuộc thi tài, lả lướt, Rumba, Mambo, Cha Cha Cha, Tango, Slow…

Tôi cũng thông cảm, nên cho các ông sĩ quan trẻ luân phiên nhau về phố, nhưng mỗi anh chỉ được một đêm thôi.

Thấy cù rủ mãi, mà tôi không chuyển lòng tham gia hội hè, ông Trung úy Trâm và ông Trung úy Pháo đội trưởng bèn đem xe ra phố chở về đồn một tiểu đội nữ sinh trung học đẹp như hoa.

Các cô yêu lính lắm, nên tình nguyện ra tiền đồn hát cho lính nghe.

Tôi còn nhớ, ngày đó bản Pop Rock “Beautiful Sunday” của Daniel Boone đang rất thịnh hành,

Hi hi hi, beautiful Sunday

This is my my my beautiful day

When you said said said said that you loved me

Oh my, my, my it’s a beautiful day…

Tạm dịch: Xin chào một ngày Chủ Nhật tuyệt vời. Ðây là ngày đẹp của tôi. Khi em nói với tôi rằng em yêu tôi. Ôi trời! Một ngày đẹp tuyệt vời…

Các cô nữ sinh cứ đua nhau, hát đi, hát lại bài này cả chục lần…

Các cô chia nhau ra từng toán nhỏ, đi tới tận đỉnh đồi, cuối dốc, để hát cho lính tiền đồn nghe.

Tôi thấy cả tiểu đoàn mà chỉ có hai cây guitar theo chân hai tốp ca đã xuống núi tới Ðại Ðội 4/82.

Trên đồi còn hai tốp ca khác không có nhạc đệm, nên tôi ra khu súng cối kiếm ông nhạc sĩ cận thị Phan Thành Hoàng,

– Ê! Hoàng! Chú mi mau mau đem guitar ra đệm cho tốp ca của cô áo tím đang hát cho khu gia binh! Lẹ lên!

Anh chàng nhạc sĩ cận thị đỏ mặt, ấp úng,

– Trình Thiếu tá! Em là dân guitar Vọng Cổ. Em có biết tân nhạc đâu mà đệm cho mấy cô?

Nghe chú Hoàng trả lời tôi cũng ngẩn người ra:

“Ồ!…

Nào ngờ những câu đối đáp của tôi và chú Hoàng lọt vào tai các cô ca sĩ, thế là các cô vội vàng bu quanh hầm súng cối, rồi nhao nhao lên,

– Thiếu tá nói với anh này ca cho tụi em nghe vài bài Vọng Cổ đi! Thiếu tá!

Tôi ra lệnh cho anh chàng nhạc sĩ Vọng Cổ của đơn vị,

– Các cô em gái hậu phương đã hát cho Biệt Ðộng Quân nghe rồi, giờ này tới phiên chú Hoàng phải đáp lễ cho các cô!

Ngay khi ông nhạc sĩ cận thị vừa dạo đầu hai tiếng “Tưng!Tưng!” là tôi tìm đường lui, chạy vào hầm hành quân ngay.

Tôi sợ Vọng Cổ lắm!

Tới chiều hôm đó phái đoàn ủy lạo chiến sĩ mới lên xe về phố, hẹn sang năm sẽ tới thăm chúng tôi lần nữa.

Thế là Tết này các chú tân binh được một ngày vui, hết nhớ nhà, vì được người hậu phương tới tận chiến hào hát cho nghe.

Tôi thấy, ở tiền đồn biên giới thì ngày nào cũng giống nhau, không phân biệt Chủ Nhật hay Thứ Hai, ngày nghỉ hay ngày thường.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Bất cứ ngày nào không có đạn bom rơi, thì ngày đó cũng coi như là “Beautiful Sunday”

Ðầu tháng 2 năm 1975 Ðại úy Ngũ Văn Hoàn và Trung úy Trần Văn Phước xin phép tôi về Sài-Gòn ít ngày để sắm Tết và thăm nhà. Ðây là dịp để ông Hoàn thăm ông cụ thân sinh. Còn ông Phước thì về khoe cái lon trung úy tân thăng với bà con, đồng thời đi coi mắt mấy cô nữ sinh hàng xóm. Bố của chú Phước là ông Chiêm Tinh Gia Trần Cẩm, một thân hào, nhân sĩ rất có uy tín trong khu Phố An-Bình, Chợ Lớn.

Sau ngày Ông Táo về trời thì ông Hoàn và ông Phước cũng trở về tiền đồn.

Quà của ông Hoàn mang về biếu tôi là một hộp thiệp chúc Tết in hoa hòe, hoa sói, hoa mai, hoa đào, dùng để gửi cho bất cứ ai mà tôi ưa. Những tấm thiệp này được cung cấp từ nhà in trong Chợ Lớn của cụ Ngũ Văn Bằng, thân phụ của Ðại úy Ngũ Văn Hoàn.

Trung úy Phước trình diện tôi với vẻ mặt lo lắng, không tươi,

– Thái Sơn vào lều, em có chuyện muốn nói riêng với Thái Sơn.

Tôi dắt Phước vào căn lều tranh, rồi nói với anh lính đứng gác,

– Thằng Ba Rỗ canh cửa, không cho ai vào lều để tao với Trung úy Phước nói chuyện.

Phước mở cái cặp da, kéo ra một tấm bản đồ loại có tỷ lệ 1 trên 150 nghìn (1/150,000) đưa cho tôi rồi hỏi,

– Thái Sơn có quen dùng loại bản đồ này không?

Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời,

– Bản đồ này thường dùng lúc đi bay. Anh không lạ thứ bản đồ này. Nhưng mình đâu cần nó?

Phước móc túi đưa cho tôi một cái bì thư,

– Thái Sơn coi cái này!

Trong bì thư là tờ giấy đánh máy một lệnh thuyên chuyển, với chữ ký của Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.

Lệnh thuyên chuyển đó cho phép Trung úy Trần Văn Phước đáo nhậm đơn vị mới là Phòng 2 Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Trung Ương. Lệnh này có hiệu lực ngay ngày ký.

Chú Phước nhìn tôi rồi hạ giọng,

– Ba em quen thân với Thiếu tướng Giai. Ba em vừa xin, ông Giai chấp thuận liền. Ổng cho phép em về làm việc với Trung tá Sáu ngay sau khi hết phép, không cần quay lại tiểu đoàn nữa.

– Sao Phước không ở trong đó luôn, còn về lại đây làm gì?

Phước lắc đầu,

– Em đâu phải phường vong ân bội nghĩa? Mặt mũi nào mà em bỏ Thái Sơn được?

– Thế còn cái bản đồ tỷ lệ 1 trên 150 ngàn thì để làm gì?

Tới đây Phước ra dấu cho tôi đừng nói nữa, rồi kéo tay tôi xuống căn hầm mà tôi dùng làm phòng riêng của tiểu đoàn trưởng.

Phước cho tôi hay một tin tức mà tôi không thể tưởng tượng đó là chuyện thật.

Phước có một người anh làm việc trong Tòa Ðại Sứ Mỹ.

Ông ta nghe nói Phước nhất định không chịu ở lại Sài-Gòn sau khi hết phép, thì tới nhà trao cho Phước cái bản đồ này, cùng với lời khuyên,

– Nếu em không nỡ bỏ ông Long, thì em nói với ông Long rằng sắp tới đây, người ta sẽ bỏ Vùng 2. Thày trò em phải chuẩn bị lương khô trên lưng, và có sẵn một cái bản đồ để đi từ Vùng 2 tới Vùng 3.

Tôi tin những chuyện mà Phước đã trải qua trong mấy ngày nghỉ phép là có thật. Nhưng tôi cứ thắc mắc về cái vụ ông nhân viên CIA của Tòa Ðại Sứ Mỹ nói rằng quân ta sẽ bỏ Vùng 2, sao nghe mơ hồ và vô căn cứ quá!

(còn tiếp)