Tháng 6-2018, 7 thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư đến chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ Charles Rivkin, yêu cầu gây áp lực để các hãng phim không sử dụng cảnh phì phèo thuốc lá trên màn bạc hoặc phải dán nhãn cảnh báo R (restricted) nếu có cảnh thả khói. 

thuoc-la-&-hollywood2

Leonardo DiCaprio trong Django Unchained (imdb)

Lý do: cảnh hút thuốc khiến bọn trẻ nhiễm tật xấu hút thuốc. Tuy nhiên, Charles Rivkin nói rằng cảnh lãng mạn hút thuốc được “bảo vệ” bởi Tu chính án thứ nhất, liên quan “quyền sáng tạo”. Hollywood khó có thể “cai” thuốc lá và màn ảnh khó có thể biến mất vĩnh viễn cảnh nhả khói phì phèo cho dù xã hội có nám phổi hay không…

“Chẳng ai nói nên cấm tiệt cảnh hút thuốc trên phim và chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu rằng việc hút thuốc nên được Hollywood xem như là hành động nghiêm trọng, theo cách giống như sự đánh giá ngôn ngữ thô tục thể hiện trước công chúng” – phát biểu của Stanton Glantz, giáo sư Y thuộc Ðại học California-San Francisco. Nhóm nghiên cứu Stanton Glantz nhấn mạnh rằng thậm chí phim nghiêm túc có cảnh hút thuốc cũng phải được dán nhãn cảnh báo cho khán giả nhỏ tuổi. Trong thực tế, có vô số phim nghiêm chỉnh từng được đề cử và trúng giải Oscar như Seabiscuit hoặc Chicago đều có cảnh hút thuốc. Công trình nghiên cứu Stanton Glantz đã được thực hiện bằng thái độ cẩn trọng và quy mô, với tài trợ của tổ chức từ thiện The Richard, Quỹ Rhoda GoldmanViện ung thư quốc gia Hoa Kỳ.

thuoc-la-&-hollywood3

Scarlett Johansson tình tứ với khói thuốc trong Hail, Caesar! (Universal Pictures)

Cụ thể, các phim ra mắt trong thập niên 1950 trung bình có 10.7 cảnh hút thuốc mỗi giờ, trong khi những phim phát hành từ năm 2001-2003 trung bình có 10.9 cảnh hút thuốc mỗi giờ. Bồi thêm cú đấm vào công nghiệp thuốc lá của Ðại học California-San Francisco, Hiệp hội phổi Hoa Kỳ cũng lập dự án Thumbs Up! Thumbs Down! với mục đích giám sát 10 phim ăn khách hàng tuần để xem phim nào có cảnh xịt khói thuốc nhiều nhất. Theo trang web Thumbs Up! Thumbs Down!, trong 498 phim từ 1994-2003, có 73% phim hút thuốc (trung bình 10.7 cảnh/giờ). Ngay cả trong bộ phim đoạt 11 giải Oscar 2004 – Lord of the Rings: The Return of the King, người ta cũng thấy cảnh bập phì phập ống píp. Chưa hết, phim có cảnh hút thuốc cũng chiếm đa số các phim nằm trong bảng đề cử Oscar 2018. Trong 4 năm, kể từ 2014, có đến 70% phim nằm trong bảng đề cử Oscar đều có cảnh xịt khói thuốc lá. Năm 2014 cũng là thời điểm mà Hiệp hội phẫu thuật Hoa Kỳ kết luận rằng, nếu tất cả phim có cảnh hút thuốc được dán nhãn R thì tỷ lệ thiếu niên hút thuốc sẽ giảm 18%. Còn theo Các trung tâm phòng chống bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) thì việc dán nhãn R sẽ ngăn chặn được 1 triệu cái chết vì thuốc lá ở độ tuổi thiếu nhi và thiếu niên.

Vấn đề không chỉ ở yếu tố hút thuốc có thể kích thích tò mò và bắt chước trong giới thanh thiếu niên mà còn ở tai tiếng rằng công nghiệp thuốc lá đã móc ngoặc với hãng phim để quảng cáo thuốc lá trá hình. Tiến sĩ Stanton Glantz cho biết màn quảng cáo trá hình đã tác động đáng kể đến tỷ lệ tăng hút thuốc ở thiếu nhi và giúp đem lại 3.2 tỷ USD doanh thu cho các ông chủ công nghiệp thuốc lá. Không phải cậu nhóc nào coi phim có cảnh hút thuốc cũng bỗng nhiên ghiền thuốc lá nhưng cảnh lãng mạn của khói thuốc trên màn bạc là yếu tố số một kích thích thiếu nhi làm quen với khói thuốc. Trong lịch sử Hollywood, công nghiệp thuốc lá và công nghiệp điện ảnh đã không ít lần có những hợp đồng quảng cáo thuốc lá trên phim tiến hành gần như công khai.

thuoc-la-&-hollywood1

Monica Bellucci trong Malena (imdb)

Thử xem một trường hợp. Trong bức thư đề ngày 18-10-1979, hãng Phillip Morris đã gửi ngài P. McNally của hãng Warner Brothers nội dung như sau: “V/v bộ phim Superman II… Thưa ngài, lá thư này xin xác nhận thỏa thuận mà hai công ty chúng ta đã đạt được về việc sử dụng bộ phim Superman II có những cảnh thể hiện sản phẩm mang thương hiệu Marlboro, với những điều khoản và điều kiện sau đây: Việc thể hiện sản phẩm Marlboro phải xuất hiện trong các cảnh phim quan trọng trong đó có (nhân vật) Ursa (diễn viên Sarah Douglas), tướng Zod (Terence Stamp) và siêu nhân (Christopher Reeve); và phim phải được quay theo đúng kịch bản ở những phân đoạn được đánh số từ 333 đến 341 như thỏa thuận trước đây đã gửi chúng tôi duyệt. Kích thước bảng quảng cáo Marlboro trong cảnh phim phải cao 20 bộ (nhỉnh hơn 6m) và rộng 10 bộ (hơn 3m) và phải được phản quang…”.

Quả thật người ta đã không gieo tiếng oán cho công nghiệp thuốc lá. Cuối thập niên 1980, Sylvester Stallone từng nhận 500,000 USD từ hãng Brown & Williamson Tobacco để quảng cáo trá hình liên tiếp trong 5 bộ phim. Trong khi đó, Philip Morris cũng đồng ý trả 350,000 USD cho điệp viên James Bond Timothy Dalton hút thuốc Larks trong License to Kill. Cuối thập niên 1980, bị chỉ trích nặng từ Quốc hội Mỹ, công nghiệp thuốc lá hứa không chi tiền cho chiến dịch quảng cáo trá hình trên màn bạc nữa nhưng rồi đâu lại vào đó. Năm 1991, công ty thuốc lá RJ Reynolds vẫn chi tiền cho hãng quan hệ đối ngoại Rogers & Cowan 12,500 USD/tháng để giúp vận động Hollywood đưa khói thuốc vào phim. Chiến dịch chạy chọt của Rogers & Cowan đã thành công rực rỡ khi người ta thấy các nhãn thuốc lá Camels, Salems, Winstons… trong 7 bộ phim, trong đó có phim PG-13 Prelude to a Kiss với cặp Alec Baldwin-Meg Ryan và The Babe với John Goodman…

thuoc-la-&-hollywood

Liam Neeson trong Run All Night (imdb)

Ðến nay, chiến dịch quảng cáo ngầm giữa công nghiệp thuốc lá và Hollywood có thể vẫn lén lút tiến hành. Các nhóm chống hút thuốc trên màn bạc đã ghi nhận cảnh Sam Rockwell hút Marlboro trong Confessions of a Dangerous Mind, Sissy Spacek phì phèo Marlboro trong In the Bedroom, Russell Crowe nhả khói Winstons trong A Beautiful Mind, John Travolta rít Skoal trong Basic, Gwyneth Paltrow thả hồn theo khói Kools trong Great Expectations hoặc Johnny Depp ngậm Lucky Strikes trong The Ninth Gate. Trong hai phim lớn giành Oscar 2003 – ChicagoThe Hours – người ta cũng thấy cảnh khói thuốc nhả “nám” màn bạc. Trong Lost in Translation, cô đào mơn mởn Scarlett Johansson cũng rít thuốc như kẻ nghiện thực sự… Cần nói thêm, một số nhà làm phim từng sử dụng khói thuốc như một phần trong kịch bản đôi khi đã tỏ ra hối hận. Trên New York Times, kịch tác gia nổi tiếng Joe Eszterhas – vốn nghiện thuốc lá nặng và thường đưa khói thuốc vào kịch bản mình (Flashdance hoặc Jagged Edge) –  đã tự nhận rằng mình từng là “tòng phạm của tên giết người (thuốc lá) gây ra vô số cái chết”. “Hãy tha thứ cho tôi và tôi sẽ cố ngăn những người khác gây ra tội lỗi như mình” – Joe Eszterhas viết. Dù vậy, cũng xin mở ngoặc rằng nếu như không bị ung thư phổi, Joe Eszterhas chưa hẳn đã sớm tụng kinh sám hối. Trong lịch sử Hollywood, đã có không ít diễn viên từng bỏ mạng vì ung thư họng, chẳng hạn Humphrey Bogart.

Không chỉ nhóm nghiên cứu Stanton Glantz hay Hiệp hội phổi Hoa Kỳ mới tung chiến dịch hạn chế cảnh đốt thuốc trên phim. Tổ chức y tế thế giới (WHO), Hiệp hội Y học Hoa Kỳ và nhiều tổ chức xã hội cũng như tôn giáo Mỹ đã liên tục gióng chuông báo động vài năm nay. WHO từng đưa ra loạt đề nghị cho Hollywood: dán nhãn R cho phim có cảnh hút thuốc; không chiếu rõ nhãn thuốc lá nếu có cảnh hút thuốc, cho dù đó là hình bao thuốc lá hay biển quảng cáo thuốc lá (trên cảnh phim); thực hiện tuyên truyền chống hút thuốc trước khi trình chiếu phim, dù trong phim sắp chiếu có cảnh hút thuốc hay không; ghi rõ rằng cảnh hút thuốc không nhằm bất kỳ hình thức quảng cáo nào… Tuy nhiên, việc ghi nhãn R lại không đơn giản và đến nay vẫn bị phớt lờ, bởi có thể gây ảnh hưởng doanh thu (có thể lên đến 50%, bởi thành phần xem phim vẫn là đa số lứa tuổi thanh thiếu niên). Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có hãng Walt Disney là tuyên bố “sạch khói” trong các phim của mình. Trong cuộc gặp cổ đông năm 2015, CEO Walt Disney, Robert A. Iger, nói rằng Disney cũng như các hãng con (Marvel, Lucas, Pixar) nghiêm cấm tuyệt đối màn xịt khói thuốc lá (hai phim cuối cùng do Disney sản xuất có cảnh hút thuốc là Ant-ManIron Man 3 – đều ra mắt năm 2015).

MK

Westminster, CA