Vì việc làm, tôi lang thang ở Canada 13 năm, Pháp 3 năm, Anh 2 năm, Bỉ 2 năm, trở về Sài Gòn 4 năm, trước khi ở luôn tại Boston, Mass. nên đã có dịp thử nhiều loại cà phê khác nhau, dù không thuộc loại ghiền kiểu sáng chiều hai cữ.

vuicoffee.com     

Thành thật mà nói, cà phê bình dân ở Mỹ tệ hơn cà phê vợt ở Sài Gòn sau 75, lạt, không đắng, không đậm, nhưng bốc mùi cà phê, có lẽ khách uống cà phê Mỹ thích uống mùi hơn.

Thật ra cà phê nhập vô Mỹ thuộc loại cà phê thượng hạng của thế giới. Tôi nghĩ, chắc dân Mỹ pha chế cà phê dở, nhẹ, không đậm đà kiểu các tiệm cà phê ở Sài Gòn lúc xưa như cà phê Văn Hoa (nằm sát rạp Văn Hoa Ðakao), cà phê Cheo Leo (khu Bàn Cờ), Pagoda, Năm Dưỡng…

Người đầu tiên mang cà phê vô Bắc Mỹ chính là thuyền trưởng John Smith, người thành lập thuộc địa Virginia ở Jamestown năm 1607. Người Hòa Lan cũng biết dùng cà phê từ trước, nhưng không thấy hãng Hòa Lan-Tây Âu mang tới khu định cư thường trú của họ ở Manhattan (1624) bao cà phê nào và cũng không có tài liệu gì về cà phê trên tàu Mayflower (tàu di cư từ Anh tới Massachusetts), mặc dù họ có mang theo cối và chày gỗ sau này dùng để giã cà phê, làm cà phê bột.

Đồ dùng pha chế cà phê tại Massachusetts thời thuộc địa. Nguồn. cluesheet.com

Trong thời kỳ bị Hòa Lan chiếm đóng (1624-1664), New York được coi là thành phố Amsterdam mới. Cũng có thể cà phê được nhập từ Hòa Lan, nơi cà phê đã được bán trên thị trường vào đầu những năm 1640, nhưng cũng không có gì chứng minh. Dân Hòa Lan đã mang trà vượt qua Ðại Tây Dương trước cà phê. Dân Anh lại giới thiệu màn uống cà phê đầu tiên tại thuộc địa New York giữa các năm 1664-1673.

Theo tài liệu sớm nhất nói về cà phê ở Mỹ, vào năm 1668, là một loại thức uống làm từ hạt cà phê rang, bỏ thêm đường hay mật ong, bột quế đã có tại New York.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Cà phê xuất hiện chính thức trong hồ sơ lưu trữ tại thuộc địa New England năm 1670. Vào năm 1683, một năm sau khi William Penn định cư tại Delaware, ông ta đã mua nguồn cung cấp cà phê tại thị trường New York với giá 18 shillings 9 pence. Vậy là từ đó, các tiệm cà phê kiểu Anh, hoặc kiểu lục địa bắt đầu mọc lên khắp các thuộc địa ở Mỹ.

Tiệm cà phê thế kỷ 18 tại Mỹ. Nguồn. hopkins.biz

Những tiệm cà phê lâu đời ở New Orleans nằm trong khu vực nguyên thủy của thành phố, giáp sông, đường Canal, Esplanade và đường Rampart. Món cà phê “Bruleau”, cà phê pha nước cam, vỏ cam, đường, Cognac, đổ lớp Cognac trên mặt, châm lửa. Bùng, lửa xanh lè ra đời từ tiệm cà phê ở New Orleans, và phát triển dần tới các quán rượu.

Ngược dòng thời gian, cà phê, trà và sô cô la được đưa vô Bắc Mỹ gần như một lúc vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Trong khi hầu hết các tiệm cà phê của Mỹ lại thành hình tại Boston, thủ phủ Massachusetts, trung tâm xã hội của New England. Tại các thành phố Plymouth, Salem, Chelsea và Providence đã có quán rượu bán cà phê, nhưng không có tên tuổi cho mấy, so với những tiệm cà phê ở Boston.

Cho đến bây giờ, vẫn chưa biết chắc chắn cà phê được mang tới Mỹ hồi nào, nhưng cũng có thể tin được, là cà phê đã theo các gia đình từ Châu Âu tới Mỹ định cư khoảng 1660-1670 như một món thường dùng trong nhà.

Cối nghiền cà phê của thời Mayflower tại Boston. Nguồn. cluesheet.com

Thùng rang cà phê thời đầu tiên. Nguồn. cluesheet.com

Cái tên “tiệm cà phê” chưa có ở New England cho đến cuối thế kỷ 17. Trong hồ sơ thuộc địa cũng không cho biết rõ tiệm cà phê London hay tiệm cà phê Gutteridge là tiệm đầu tiên tại Boston. Nhưng tiệm London đáng được vinh dự là tiệm cà phê đầu tiên vì Samuel Gardner Drake đã viết “Benj. Harris bán sách ở đó vào năm 1689”, trong tác phẩm “Lịch sử và cổ vật tại Boston”, xuất bản năm 1854. Drake là sử gia duy nhất thời kỳ đầu của Boston đề cập tới tiệm cà phê London. Theo đó, tiệm cà phê London là tiệm đầu tiên ở Boston, cà phê Gutteridge chiếm thứ 2. Tiệm này nằm phía Bắc đường State, quãng giữa Exchange và Washington, năm 1691.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Thời gian sau cùng của thế kỷ 17, khá nhiều nhà trọ và quán rượu mọc lên. Trong đó, đáng chú ý là tiệm cà phê King’s Head, nằm ngay góc đường Fleet và đường North; tiệm Indian Queen, trên lối tới đường Washington và Hawley; tiệm cà phê The Sun trong khu Faneuil Hall và trong đó, tiệm Green Dragon là quán cà phê nổi tiếng nhất.

Tiệm cà phê Green Dragon, vào cuối thế kỷ 17 là tiệm rượu cà phê nổi nhất Boston. Tiệm nằm trên đường Union, ngay trung tâm thương mại của thành phố suốt 135 năm, từ 1697 tới 1832, chứng kiến biết bao điều xảy ra cho địa phương và đất nước trong một thời gian dài. Tiệm Green Dragon là “Tổng hành dinh của cách mạng” nơi Warren, John Adams, James Otis và Paul Revere gặp gỡ để bàn luận, tạo dựng tự do cho thuộc địa Mỹ. Cũng tại đây, các đảng viên của “Grand lodge of Masons” họp mặt với sự lãnh đạo của Warren, người thủ lãnh của đảng “Masonic Lodge” đầu tiên tại Boston.

Tiệm cà phê xưa tại Mỹ. Nguồn. Time Out

Sau đầu thế kỷ 18, cái tên “Tiệm cà phê” đã được gắn cho một số nhà trọ ở Boston. Một trong số này là “Crown” của Jonathan Belcher, được khai trương tại bến tàu năm 1711, sau đó ông trở thành Thống đốc của Massachusetts. Tiệm cà phê Crown tồn tại tới năm 1780, và bị hỏa hoạn quét sạch.

Xem thêm:   Hang gấu

Một tiệm cà phê khác, ban đầu tại Boston nằm trên đường State là “Royal exchange”. Không biết tiệm này đã nằm ở đó bao lâu cho đến khi được ghi trong hồ sơ của văn phòng thuộc địa năm 1711, chủ nhân là Benjamin Johns. Exchange được xây bằng đá xanh, đá cẩm thạch và gạch, ngôi dinh thự cao 7 tầng lầu và trị giá $500,000 và kiến trúc giống y như tiệm cà phê Lloyd tại Luân Ðôn, đây cũng là Trung tâm tình báo hàng hải ở Boston.

Hồi đó, các phòng khách của Exchange đầy nhóc với thủy thủ, sĩ quan hải quân, nhân viên hãng bảo hiểm tàu bè. Họ đến đây để làm thủ tục tàu vô cảng, tàu đi, hồ sơ hàng hóa và đủ thứ giấy tờ về hàng hải khác. Tầng trệt của Exchange dùng để giao dịch trao đổi thương mại. Tầng 2 là phòng ăn lớn, nơi diễn ra những buổi tiệc sang trọng như tiệc chiêu đãi Tổng thống Monroe vào tháng 7-1817, cựu Tổng thống John Adams,… Các tầng khác dành cho phòng ngủ, sinh hoạt, khoảng 200 phòng. Tiệm cà phê Exchange đã bị hỏa hoạn tiêu hủy năm 1818, và cũng tại nơi đó, một tòa nhà khác đã được xây lên, có cùng tên và không khác tòa nhà Exchange cũ gì mấy…

Tiệm cà phê bây giờ tại Mỹ. Nguồn. Time Out

oOo

5 giờ chiều, tôi xuống bếp, mở ấm nước sôi, lấy cái phin kiểu VN, bỏ 3 muỗng cà phê rang của Columbia (bán đầy các chợ Mỹ, tự mua bỏ vô máy xay, không pha, không giã, nguyên chất 100%), đặt trên cái ly thủy tinh, người ta nói rằng uống cà phê với tách trà hoặc ly đất thì ngon hơn, nhưng tôi rất thích nhìn những giọt cà phê đậm đen rớm ra từ từ, 1… 2… 3… rơi xuống đáy ly, vỡ tung, có giọt dính vô thành ly chảy nhẹ xuống một vệt nâu đen.

Bíp bíp! Nước sôi, đổ vô phin 3 muỗng nhỏ nước thật sôi, đợi chừng 3 phút cho cà phê thấm, bấm nước sôi trở lại, đổ nước sôi 2/3 phin. Ly thủy tinh mờ hơi nước như năm xưa ngồi cà phê vợt bên hông ki-ốt bến xe Ðà Lạt, vài giọt đen rỉ ra từ đáy phin, rớt.

Mùi cà phê nồng nàn, tôi ngồi im nhìn những giọt đen cà phê vỡ dưới ly.

Tách cà phê bây giờ. nguồn: independent.co.uk

HĐV

(Sử dụng tài liệu của William H. Ukers http://www.cluesheet.com)