Trịnh Y Thư là tác giả nổi tiếng hiện nay ở hải ngoại. Từng giữ chức chủ biên tạp chí Văn Học tại California. Ông viết văn, làm thơ, dịch sách. Hiện chủ trương Văn Học Press, xuất bản nhiều tác phẩm giá trị. Công phu trứ tác đáng ghi nhận của Trịnh Y Thư là những bài tiểu luận và dịch phẩm văn học. Đặc biệt về thơ, như trong Phế Tích Của Ảo Ảnh, Trịnh Y Thư đưa chúng ta vào bối cảnh của các huyền thoại, khi ý thức của con người đối diện với tai ương, chiến tranh, đời sống lưu vong…Mặt khác, thơ của Trịnh Y Thư là những cảm xúc siêu hình, hiện thực trong thơ mang nét siêu thực…  Một nhà phê bình viết, trong những trường hợp tiêu biểu nhất, mỗi bài thơ của Trịnh Y Thư như một cánh cửa sổ, mở vào thế giới khác. Sau đây, Trang Thơ xin giới thiệu một vài bài thơ đặc sắc nhà thơ họ Trịnh.

SAO KHUÊ

ba gốc sồi của tôi

 

Mỗi khi cần thư giãn tôi hay lên

thăm ba gốc sồi nằm vặn vẹo tỏa

bóng mát lửng triền đồi sau thành phố.

Gió tháng ba mơn man, cỏ non và

hoa dại vàng hớn hở lơn tơn.

Cây sồi sừng sững uy nghiêm trong

nắng xuân. Trông nó như nhà hiền

triết nhìn cuộc sống chảy trôi mấy

trăm năm dưới mắt mình. Lớp vỏ

sần sùi ghi dấu bao biến động vận

mệnh con người. Và cả vũ trụ này.

Nhưng nó yên ả quá – những cành khô

cong queo thu đông trầm mặc.

Nó cho tôi cảm giác dẫu nghìn năm

nữa thì cũng ngần đấy chuyện mà thôi.

Tôi học được bao điều từ cây sồi –

nó là người bạn thân thiết, người

thầy đạo hạnh không bao giờ biết

giả trá hư ngụy, khác hẳn những

con người tôi biết.

Tôi thương quý ba cây sồi vô cùng

vì thế tôi đã buồn bã tiếc nhớ

khôn nguôi khi một hôm người ta

đem xe ủi đất lên dọn sạch ngọn

đồi. Thế chỗ ba cây sồi giờ đây

là dãy nhà ngói đỏ có những con

người mặt trắng sống bên trong.

 

Xem thêm:   Đỗ Nghê

tháng ba, hãy trôi đi

Viết đêm Cao Xuân Huy trút hơi thở cuối.

 

Tháng ba đỉnh trời toác máu

lũ kên kên chao chiêng

mùi tử khí trào dâng

tháng ba xác trẻ và người già.

nằm bên nhau thanh thản nghe gió vi vu

bờ lau Cửa Việt sóng bủa lớn

nuốt chửng –

 

Thành phố lạ, biển đen không đâu là nhà

tên tuổi lãng quên như râu tóc

bản nháp cuộc đời viết mãi chưa xong.

 

Ðêm trổ mưa, đi về như cơn mộng

rượu đỏ máu bầm cũng thế thôi

ngan ngát hoàng lan chờ bên khung cửa.

 

Chua xót viên đạn cũ còn sưng vết thương

tháng ba trở về bờ cát đỏ

tháng ba trôi đi như ngàn sương.

 

Lạ thổ ngơi lạ cả tình

bên kia núi còn nghe đồng vọng

u uất đêm trăng –

 

Chờ ngày hóa thân

cõi lạ vừa nằm xuống đã thấy biển xưa

cát trắng mái nhà nâu hàng dừa.

 

Hãy trôi đi tháng ba.

 

cơn gió mùa hè

— Viết hôm tiễn đưa linh cữu Quỳnh Giao vào lò thiêu

 

Cơn gió mùa hè thổi qua thành phố

vắng bóng những đôi tình nhân

đàn én không về đậu trên mỏm đá

gác chuông trầm tư như nhớ một bóng hình.

 

Nắng như lửa đốt trong lò thiêu

hồn bay đâu ngơ ngác ngoài bờ bụi

thao thức một chốn về — thoảng thanh âm

như tiếng dương cầm

buông lơi những cung bậc lạ lùng mê mỏi.

 

Xem thêm:   Chinh Yên

Cơn gió mùa hè xoay xoay bóng ảo

cát bụi dưới chân kết thành vòng tròn định mệnh

dài thiên mộng — chỉ tiếng nấc là xong

kịp không một lời từ tạ.

 

Khi đến bên bờ vực

trên nỗi đau phận người

niềm xót thương vì chẳng bao giờ trọn vẹn

trong lòng giấu kín một âm vang.

 

Một mai người trở lại

khuôn mặt thành phố dửng dưng

không ai nhớ cơn gió mùa hè cùng

lửa lò thiêu rất nóng.