Trần Hữu Dũng sinh năm 1956, quê tại Tiền Giang, hiện sống ở Sài Gòn. Độc giả đã có lần gặp Dũng trên những trang thơ. Anh có một thời trẻ sinh hoạt trong không khí văn học Miền Nam với những tờ báo Văn, Thời Tập… Miền Nam sụp đổ cũng là khi tài năng của Trần Hữu Dũng trải qua những cuộc lột xác đau đớn. Anh nhìn thấy sự tàn rụng của Mùa Xuân cũng như nếm trải vị đắng của đổ vỡ trong đó những giá trị nhân văn bị bóp chết, nỗi bi hận của con người vang dội không ngơi. Sau đây xin mời đọc một vài bài thơ của Dũng viết cho những sáng những chiều của quê hương thức ngủ.

SAO KHUÊ

Bài thơ về giấc ngủ

 

Với tay vặn đồng hồ báo thức 5 giờ sáng

Lùa cơn buồn ngủ vào ngõ đêm sâu

Em chải tóc, soi gương – thói quen cố hữu

Cố hình dung

Giờ này anh lang thang xó xỉnh nào

Âu yếm hôn chiếc gối nồng

Thảng thốt sung sướng

Thắp lên những đám cháy tưởng tượng

Sưởi ấm căn phòng.

 

Heo may & hoa sữa

 

Hà Nội

Ðộc tấu mùi hoa sữa

Trắng ngà ngà li ti từng chùm

Rơi rơi vào giấc mộng bồn chồn

Rơi nhè nhẹ loanh quanh Hồ Gươm

Dọc đường Nguyễn Du, Quan Thánh

Giết người cái mùi hương lạ lùng

Khắc khoải những ngày hanh

Ẩm ức những đêm gió       

Em gái Bắc nằm co thắc thỏm

Ngẫu hứng xô cô đơn nghiêng lệch

Quái quỷ cuộc tình, bùa mê thời mới lớn

Ở thành phố có con đường trồng toàn cây hoa sữa

Anh trai Nam lặng lẽ phớt tỉnh đi qua

Ðâu rồi tiếng kêu phủ dụ, ngột ngạt, đeo đẳng      

Lẽ nào cây không ra hoa

Có ai nhắc về hoa sữa Sài Gòn?

Mùa qua mùa

Sụt sùi ngày nắng, ngày mưa dầm dề

Thảng thốt nhớ

Cồn cào cái mùi hương gợi tình chết người!

Mái tóc em còn thơm, hoa sữa còn dâng hương?

Lâu lâu trong những giấc mộng hành hương

Lê bước qua con đường ký ức mơ hồ xa ngái

Em yêu kiều đắm đuối sắc heo may đầu đông

Chợt dậy lên mùi hương trắng điên cuồng

Se se nỗi nhớ

Em. Hà Nội. Mặt gương hồ trong vắt

Soi

Hun hút kiếp nhân sinh…..

 

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

Khúc bi ca

thời hậu chiến

 

Trút hận thù lên đầu bạn hữu,

Nã đạn vào ngôi nhà sáng đèn,

Ðốt cháy khu vườn sum suê cây trái,

Nơi chúng ta nô đùa, bắt bướm…

Gọi tên nhau đầy căm hận:

– Kẻ phản bội… Tên chỉ điểm…

Khúc bi ca thời hậu chiến vang lên rền rĩ

Ðoạn phim câm chiếu mãi lên chiếc phông nền đời sống

 

Những hố thẳm cách ngăn

Nuốt chửng mọi người

Chẳng phải là loài thú bị săn đuổi

Chất độc ngấm dần

Vào cơ thể chết lần mòn

 

Trang sách cuối cùng lịch sử khép lại

Bầy chữ đen lổn nhổn

Lũ lượt kéo nhau đi diễn hành

Hành hương tìm sự thật.

 

Khúc tang ca

 

1.

Ước cạn chén rượu nồng

Gió xoay vòng quanh tôi

 

2.

Ðêm Thủ Thiêm lạnh buốt

Dế rỉ rả tang ca

Dân đen ôm mặt khóc

 

3.

Mặt trời đổ sụp

Xuống sông Sài Gòn

Rựng bầm ánh đỏ

Thành phố biến mất

Không ai hay biết…

 

Nghe nhạc boléro trên chuyến xe đò

 

Ðiệu nhạc boléro vàng vọt, dấm dứ, buồn tênh

“Trông thói đời, cười ra nước mắt…” [*]

Lâu rồi nghe ở bến phà chiều lay lắt

Gã ăn xin gảy guitar thùng bám theo xe đò, cất tiếng hát

Tâm trạng đổi mầu theo thế cuộc vần xoay

Trộn vào tiếng rao hàng, câu chửi thề, lời cầu khẩn

Bản phối âm mê hoặc, đớn đau

Ðiệu nhạc ấy chết đi / sống lại trong hồn đầy nghi ngại

Bám chặt thớ đất miền Tây giống hệt câu phù chú / lời nguyền. 

[*] Một câu trong bài hát “Thói đời” của Trúc Phương.

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

 

Vỉa hè Sài Gòn

 

Mải mê lớn lên ở những vỉa hè Sài Gòn

Học chửi thề, lượn lờ phóng xe tán gái

Lăng nhăng tụ tập nhậu nhẹt, rập rình băng nhóm thanh toán nhau

Dù gì tuổi thanh xuân bọn tôi rơi đẹp hệt cánh hoa dầu xoay xoay trong gió cuốn

 

Rồi thập thò đêm ma quái vỉa hè

Ðám gái ăn sương thất thểu đi khách

Lâu lâu các bà má dưới quê lên, dựng lều qua đêm chờ đội đơn kêu oan ruộng đất

Ðây là màn trình diễn vằn vện thời hậu hiện đại điên cuồng

 

Vỉa hè Sài Gòn mở ra vô số mê cung có thật

Vũng xoáy nghiệt ngã cuộc hẹn hò, chia ly, cái chết trắng…

Nắng loã lồ. Mưa xối xả trầm uất

Dũ gĩ dù gì bọn tôi vẫn tin

Có một ngày những vỉa hè Sài Gòn

Cất giọng khàn khàn hát bài chứng nhân lịch sử mê đắm