Phùng Cung sinh tại Vĩnh Yên và mất năm 1997 tại Hà Nội. Ông là nhà thơ nhà văn nổi tiếng từ thời Nhân Văn Giai Phẩm nhưng sáng tác của ông chưa bao giờ được xuất bản ở Miền  Bắc thời bấy giờ 

Cũng vì tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Phùng Cung bị kỷ luật, chỉnh huấn ở Thái Hà ấp. Trong suốt thời gian từ tháng 2/58 (bắt đầu lớp Thái Hà) đến tháng 5/61, khi ông bị bắt, trong hơn ba năm, Phùng Cung vẫn sáng tác đều và không hề nhụt tay trong việc lên án những bất cập của chế độ.

Tháng 5/1961 công an đến nhà bắt Phùng Cung. Ông bị tịch thu tất cả bản thảo và bị giam vào Hỏa Lò Hà Nội, rồi bị chuyển đi các trại Bất Bạt (Sơn Tây), Yên Bình (Yên Bái) và Phong Quang (Lào Cai), bị tù 12 năm, với 11 năm biệt giam, không có án. Suốt trong thời gian bị biệt giam, Phùng Cung bị lao nặng. Tháng 11/1972 được tha về, ông làm nghề thợ đinh trong những ngày tháng còn lại. Ông vẫn âm thầm sáng tác, vẫn bị công an đến thăm dò và kiểm soát. Ông phải chép bản thảo làm nhiều bản gửi nhiều nơi. Phùng Cung mất năm 1997 tại Hà Nội

Thơ Phùng Cung như trong những bài sau đây, trích từ Xem Đêm và Trăng Ngục, là những tiếng nấc nghẹn ngào, nhưng ngôn ngữ và hình ảnh thuần ca dao, theo nhà văn Nam Dao, đã nâng cái đẹp chân quê lên mức trang trọng với nắng hoa ngâu, mặt ao đốm ngọc, hoàng hôn đỏ gạch… Điều này gợi mỹ cảm và gây xúc động trong lòng người đọc. SAO KHUÊ

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

xem đêm

 

Trở giấc xem đêm

Cuối trời trăng – mỏi

Trái gấc chín – ngập ngừng

Tóc rụng trạt lối đi

 

Trở giấc xem đêm

Thiên hà ngọc vụn

Gió thổi một mình

Mặt đất tròng trành

Ma hoa nhảy múa

 

đất nước

 

Ðất nước ơi

Tôi mến người

Như khi nhìn em bé ngủ

Tôi thương người

Như thương mẹ ốm

Vì đâu

Người khoác manh áo đỏ

Thừa sai – cũn cỡn

Tủi nhục tháng ngày

Long đong chiều sớm

Ôi! có bao giờ

Người đau đớn như thế này không.

 

tìm em

 

Tìm về gặp em

Em đã đi

Vách, giường thơm lạnh

Mùi khăn áo cũ

Ðêm nghiêng gió – chập chờn

        mưa gõ lá

 

nắng hoa ngâu

 

Bước em xéo bóng
Ði về hai buổi
Càm cắp queo hông
Nắm rau nón củi
Se sém nỗi ong vàng
Ðiếng nắng – hoa – ngâu.

 

gặp em

 

Lâu lắm gặp em

Em chỉ khóc quay đi

Bước – héo

Áo – gầy

Gió – va – nón – cũ

Tôi hiểu em

Tôi chẳng nói được gì.

 

Trăng ngục

 

Trăng qua song sắt

Trăng thăm ngục

Bỗng ta chợt tỉnh

Sững sờ

Trên vai áo tù

Trăng vá lụa

Ngày xưa ơi!

Xa mãi đến bao giờ.

 

vắng

 

Dưa héo sào phơi

Em đi đâu

Chĩnh nước gốc cau

Ôm khoanh trời cũ

Lá bưởi đầu hồi

Loáng thoáng phân chim.

 

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

nghiêng lụy

 

Tình cờ gặp em

Em đã là sư bác

Nhìn trước nhìn sau

Em khẽ khóc

Mái tam quan

Thánh thót tiếng chim rơi

Sợ đường tu dang dở

Em vội lau nước mắt

Vạt áo nâu

            giọt! giọt!

Ðẵm màu cát-bá ngày xưa

Chót nhớ mãi

Một chiều nghiêng lụy

Nước mắt em sư

Lã chã trăng non

 

cô lái đò

 

Sông đẹp dòng

Ðò vui rời bến

Cô lái vươn mình

Trôi dáng nhạn

Gió ngỡ buồm quen…

Vạt áo nâu non

                khép vội tà