Nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật (còn có bút hiệu là Động Đình Hồ) sinh ngày 22 tháng 6 năm 1942 tại La Khê, Hà Đông, sống tại Hà Nội từ khi lên 4 tuổi.
Cùng gia đình di cư vào Nam năm 1955. Từ năm 1967 đến năm 1975 ông phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Sau 1975 Nguyễn Hữu Nhật đi tù cải tạo 2 lần: lần thứ nhất từ năm 1975 đến năm 1982, lần thứ hai từ năm 1984 đến 1988. Năm 1989 ông được định cư tị nạn tại Na Uy, sống cùng gia đình tại Oslo. Tại đây ông điều hành tủ sách văn nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư và nhà xuất bản Anh Em.
Đã xuất bản 12 tác phẩm thơ và truyện. Qua đời ngày 11 tháng 12 năm 2014 tại Oslo.
Nguyễn Hữu Nhật làm nhiều thơ lục bát. Phải nói là lục bát của Nguyễn Hữu Nhật rất hay. Hay ở ngôn từ và ý tưởng sâu sắc, điểm đôi nét duyên dáng. Người viết và bạn bè sau 1975 rất mê bài Hoa Cúc Vàng và Áo Dài của Nguyễn Hữu Nhật. SAO KHUÊ
nhớ nguồn
Em không chỉ làm vợ anh
Mà là tất cả đời anh vui buồn
Con sông ra biển nhớ nguồn
Nằm nghe sóng vỗ bờ còn biết đau.
hoa cúc vàng
Chỗ anh đứng chờ em ra
Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em anh tưởng áo vàng lụa bay
Nghĩ hoài sống mũi cay cay
Mấy năm chẳng được một ngày gần nhau
Hạnh phúc thường hay qua mau
Vắng nhau thì thấy ở đâu cũng buồn
Tự dưng thương ghế thương bàn
Nơi em đã để cho làn hương rơi
Anh muốn kêu lên em ơi
Nhớ gì nhớ đến chết người như không
Tay vò hoa cúc nát lòng
Vàng phai hay ý chờ mong nhạt dần.
áo dài
Ngày nào mới mặc áo dài
Em tay run quá chẳng cài nổi khuy
Chuyện giờ kể có khác đi
Tay run anh cởi hết khuy em cài
Ngày nào mới thở hương người
Em say ngây ngất rụng mười ngón tay
Chuyện giờ kể có khác đi
Tay em buông thõng mỗi khi nhớ người
Ngày nào anh cũng làm thơ
Dù em là chiếc gương mờ đã lâu
Trước khi đi ngủ, chải đầu
Để trong giấc ngủ gặp nhau đàng hoàng
Ngày nào mắt ngọc xanh tình
Đêm mưa anh nhớ dịu dàng mắt em
Chuyện giờ kể có khác đi
Mi xanh mắt ngọc bút chì tô quanh
Ngày nào mới mặc áo dài
Soi gương trông bóng tự cài lấy khuy
Chuyện giờ kể có khác đi
Không đem bán áo lấy gì nuôi nhau
cô đơn
Tôi nằm nhà thương một mình
Chẳng ai thăm viếng nghĩ tình đã xa
Cuối cùng mới nghĩ được ra
Mua cho mình một bó hoa đỡ sầu
Giường bên một lão Bắc Âu
Cô đơn nằm khóc, hồi lâu lại cười
Ngập ngừng nước mắt khó rơi
Hình như tiếc lắm cái thời thanh xuân.
(Oslo, cuối Đông 2014)
tháng mười ở đâu
Nếu thật chờ nhau mà hóa đá
thì xin thử đợi một lần xem
Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
ngàn năm không thấy dấu chân em…
Em mặc áo dài hoa đỏ chín
tưởng gió vườn rung khóm mẫu đơn
Mỗi bông nở hướng về một phía
riêng phía tôi ngồi vẫn trống trơn.
Sợ nhất lúc buông nhau mùa gió
bao nhiêu chăn phủ chẳng ấm đời
Giường gỗ mộc run lên tiếng lạnh
nhớ hơi người đến chết mất thôi.
Lũ bàn ghế đứng im một góc
nghe buồn tênh thớ gỗ mọt kêu
Sắp đứt mong manh từng sợi nhỏ
những tơ trời nhện dở dang treo.
Cho thơ bắt kịp làn hương với
nghìn nụ cười em nhớ nở hoa
Tôi biết, chủ nhà chưa đi vắng,
hiên yếm vàng phơi, lúc ngó xa.
Trông mắt em cười tôi cảm thấy
lòng dửng dưng trước các vì sao
Phải chi em đến thường như gió
đẩy cửa mang theo ánh trăng vào.
Nếu thật chờ nhau mà hóa đá
thì xin thử đợi một lần xem
Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
ngàn năm không thấy dấu chân em…