Một lần nữa ta trở lại với thơ Lâm Vị Thủy.

Lâm Vị Thủy, thời gian trước 1975, từng là giáo sư Việt Văn tại một số trường tư thục tại Sài Gòn.

Ông viết văn, làm thơ từ thời trẻ, thường xuất hiện trên tạp chí Phổ Thông.

Sau năm 1975 có thời gian ở tù trong khám Chí Hòa. Ra tù trải qua những tháng năm cùng cực và cô đơn.

Thi phẩm xuất bản: Sao em không về làm chim thành phố, do Huyền Trân xuất bản vào năm 1963.

Hôm nay, trời vào thu, xin trở lại với thơ của nhà thơ Lâm Vị Thủy. Thơ Lâm Vị Thủy trong tập ‘Sao em không về làm chim thành phố’ được nhiều người yêu thích. Những bài thơ tình với ngôn ngữ trong sáng của thơ hiện đại. Ý và tình sâu lắng, với những hình ảnh đẹp của kỷ niệm và hiện thực chung quanh. Đọc thơ Lâm Vị Thủy ta như được trở lại với thành phố Sài Gòn ngày xưa với những mối tình như hoa phượng ở các sân trường. Sau đây là một vài bài tiêu biểu. 

SAO KHUÊ

ngày tháng năm

 

Tôi sẽ về Gia Định chiều nay

Chiếc buýt cuối cùng qua sông cầu mới

Những ngọn đèn vàng ngậm cười ven bãi.

 

Tôi sẽ ngồi quán cà phê đầu đường đất đỏ

Kêu một ly đen nhỏ

Đợi chuyến xe bò chở rác về khuya.

 

Bây giờ tháng bảy trời đương mưa

Em lấy chồng tháng ba năm ngoái

Tôi thiếu em những ngày xưa ngu dại

Em nợ tôi dăm ba lời tạ từ.

 

Xem thêm:   Nguyễn Thị Khánh Minh

Bởi vì không quê hương nên nghĩ mình yếu đuối

Tôi trở về mang dấu chàm tử tội

Và những chuyện thần tiên những chuyện thần tiên chưa từng kể

Không có em còn nói cho ai

 

Không có ai Gia Định còn gì để tôi quyến luyến.

 

Như những người lái xe đi qua đời mình nhắm mắt

Tôi trở thành lãng tử trong ca dao

Tóc rối ưu tư nụ cười nửa miệng

 

Thuốc hút vàng tay mà vẫn se môi

Không có em những tuần trăng ở đây vô nghĩa

Chủ nhật nhà thờ không người dự lễ

Tôi đi vào những lối đi xưa

 

Gọi tên em cùng với lúc thành phố lên đèn

Và tiếng còi tàu chợt đến rất xa xôi

Phải chi em đừng có nhiều kỷ niệm

Phải chi tôi đừng thèm biển rộng sông sâu

Thì em muôn đời vẫn là người yêu đơn sơ bé nhỏ

Thì tôi không bao giờ phải khóc hôm nay…

 

nét sầu

 

Sài Gòn từ nay chắc buồn

Tôi dối tôi nhiều em biết không

Tôi biết em thường mang thư vào lớp học

Mà lòng sầu muốn khóc

Những cột đèn đường soi mói bước chân em

 

Mưa cuối mùa lủi thủi

Tôi sẽ không bao giờ còn dám nói

Như thân cây già oằn trĩu trái xanh

 

Nhà tôi bên kia vùng Khánh Hội

Dòng sông đầy kỷ niệm

Những tờ thư còn non sách vở

Còn thơm màu hoa phượng vĩ

 

Xem thêm:   Phạm Văn Bình

Em bỏ đi rồi tôi thương tôi…

 

còn gì cho nhau

 

Trời mưa làm buồn khu phố nhỏ

Tàu sẽ xuôi hay ngược chiều nay

Còi xa bật khóc lên rồi đó

Em sẽ đi, mình xa nhau đây.

 

Những ngón tay gầy thưa kỷ niệm

Anh cho em cho quê hương này

Nửa đời anh đấy anh tìm kiếm

Ôi nghìn thu nào chưa mây bay

 

.Anh nghĩ hồn anh là bọt bể

Vẫn đơn côi và mãi mang sầu

Lần xưa đã lỗi lầm như thế

Em có bao giờ em biết đâu?

 

thứ bảy

 

Người yêu, người yêu, người yêu ơi

Mùa thu, mùa thu, mùa thu rồi

Hồn tôi muốn khóc làm sao dỗ

Em của người ta, tôi của tôi.

thơ của những người không yêu nhau

 

Một mình tôi trên chiếc buýt buổi chiều

Chiếm lấy chỗ ngồi riêng người tàn tật

Xe qua sông khi thành phố đang mưa

Những ngọn đèn xa mang màu mắt đỏ

 

Cát biển mặn mòi tôi thân sỏi nhỏ

Còn sót lưng năm bảy ngón ngang tàng

Tôi muốn ôm và hôn em lần cuối

Lịch sử chúng mình du đãng con hoang

 

Rồi ngày mai tôi tới lớp một mình

Ngồi chỗ em ngồi bỗng dưng thèm khóc

Khung cửa sổ này, lối đi xưa còn đó

Bầu trời xanh và sắc áo em đâu

 

Tôi trở về hai bàn tay mở ngỏ

Không gia đình, không xứ sở, không em

Đem tên tôi đi gõ hỏi từng người

Xin giấc ngủ với vô vàn kỷ niệm.

 

Xem thêm:   Nguyễn Đạt

bài giã từ 

Tặng Trương Cúc

 

Em vuốt mặt tôi bàn tay nào

Tôi chết lâu rồi sao còn đây

Sao em không là con chim nhỏ

Sao trời hôm nay không nhiều mây

 

Sao hẹn tôi rồi em chẳng đến

Bây giờ mùa thu hay mùa xuân

Tôi chờ đợi mãi nên quên nhớ

Hai đứa hình như đã cố nhân

 

Tôi bỏ đời tôi quê hương tôi

Đi hoang từ độ mất em rồi

Nghìn phương không đủ làm nguôi mộng

Không đủ làm phai một nét môi.