Lâm Hảo Dũng quê ở Sóc Trăng. Thuở nhỏ ông theo học tại trường trung học Hoàng Diệu, Ba Xuyên, lớn lên làm công chức. Năm 1968 ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hoà, đồn trú ở Tây Nguyên, thuộc đơn vị pháo binh tại vùng biên giới giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Thời gian này ông làm nhiều thơ đăng trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn: Văn, Khởi hành, Nghệ thuật.
Sau năm 1975 ông bị chính quyền bắt tập trung cải tạo. Năm 1980 ông sang định cư tại Canada. Khi đã sống ở hải ngoại, Lâm Hảo Dũng có nhiều bài thơ nhớ quê hương đồng bằng sông Cửu Long, đôi khi sử dụng phương ngữ Nam Bộ, và những bài thơ viết về cuộc sống tha hương. Tác phẩm nổi tiếng của ông: – Ngày đi thương sợi khói bên nhà (NXB Nhân Văn, Hoa Kỳ). Trang Thơ hôm nay xin giới thiệu một vài bài thơ thời chinh chiến và thơ viết về quê xưa của Lâm Hảo Dũng.
SAO KHUÊ
nhà tôi
“Ơi những ngày xưa dưới mái nhà
Mẹ ngồi lựa thóc ngắm mây xa
Những lo mưa sớm bên đồng nội
Làm mất màu tươi mấy gốc cà
Xanh ngắt một màu bên liếp rẫy
Giàn dưa leo sớm bỏ vòi cong
Còn ghen đậu đũa vừa đơm trái
Hay lũ rau thơm đám cúc tần
Có mấy hàng cau nhỏ thế thôi
Mẹ thường nhắc nhở những khi vui
Một mai đám cưới không lo thiếu
Trầu tốt cau ngon thuốc đượm mùi
Đây đống rơm khô dưới gốc gòn
(Là nơi tôi rải mộng lang thang)
Chờ em từ thuở con trăng tối
Cho đến trăng đầy em mới sang
Thèm quá nồi canh chua cá lóc
Chút bông so đũa cọng rau om
Ai lên phố thị mà không nhớ?
Mùi vị dưa nồng điên điển thơm
Mười mấy năm rồi đi biệt xứ
Nhà tôi còn đó mẹ tôi không?
Nghe thương những cánh chim tu hú
Mãi gọi bên sông điệp khúc buồn.”
tôi vẫn biết em buồn bên mái lá
(trích đoạn)
Em có mắt của một đời xa xứ
Thương hàng cau ngan ngát mấy chân vườn
Thương chết được nhưng bao giờ thấy lại
Bóng hình tôi về ngủ giữa hồn em
Tiếng chim hót sao nghe buồn quá đỗi
Bởi ngày qua nắng tắt sợi thu vàng
Em hãy cắn giùm tôi vài quả ổi
Chùm mận tươi khi gió chuyển mùa sang
Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá
Hỏi giòng sông đưa nước đến bao giờ?
Sông xa nguồn chắc sông sầu muốn khóc
Nhớ đầu doi cuối vịnh mái chèo khua
Đâu chỗ vá trên áo người cô phụ
Một thời xưa duyên dáng cuốn qua rồi
Nghe đứt ruột tưởng chừng trong đáy cốc
Hồn Trương Chi lãng đãng ấy là tôi
Và tất cả bờ ao kinh rạch ấy
Thoảng hương trầm hay hoa tím bằng lăng
Cũng não nùng vì muôn đời không thấy
Lũ ong xưa đàn bướm giỡn tung tăng…
bên đồi chư pao
Súng dội trời trai thôi cũng nản
Chiến chinh không thấy một ngày mai
Những bông hoa dại buồn trong gió
Như khóc than thời chôn xác trai
Chư Pao ngỡ chết trong lòng địch
Vẫn có ngày vui dù mong manh
Những chiến binh ngồi nghe đạn réo
Pháo gầm bom nổ rát trời xanh
Chư Pao một dãy mồ chôn xác
Những chiến binh dầu đêm cuối thu
Ai muốn qua vùng Tân Phú ngắm
Những hầm than máu chảy về đâu?
Chư Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi chiếc khăn tăng một tấc đường
Những mồ hôi đổ tan thành đá
Tan nát lòng ta khách viễn phương
khi về banhet
Sáng nay về tới rừng Banhet
Còn nhớ đồi cao dốc tử thần
Ta đã một thời đi chiến đấu
Một thời lữ khách rất cô đơn
Suối có ngàn năm ai nhớ suối
Ta đi ai nhắc đến tên ta
Ví như xương chất cao thành núi
Cũng chỉ mong quay lại mái nhà
Ta pháo gầm vang một góc rừng
Đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông
Những ai trong phút kinh hoàng ấy
Tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng
Anh ở miền Nam lạc đến đây
Còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay
Chiến tranh như thể trò tiêu khiển
Của lũ con buôn xác chết này
Ta ngắm trời xa Lào quốc đó
Thương hồn trai buổi máu xương phơi
Có trăng chắc thấy bao hình bóng
Về hát nghêu ngao một góc trời
Ta ngắm trời xa Chùa Tháp đó
Chiến tranh mộng tưởng sẽ về đâu
Mỗi năm rừng mất bao nhiêu lá
Là xác thây người rụng bấy nhiêu.
từ khi bỏ nước
Buồn tôi không nhện giăng tơ
Chúng bay trong tuyết chúng đùa gió đông
Chúng ôm xác lũ ngô đồng
Nằm phơi cái lạnh nên trông lửa hè
Quê người đâu những đêm khuya
Tiếng mưa cắt ruột hồn về cố hương
Thấy buồn tôi ở đại dương
Thấy hoa tàn giữa thiên đường hắt hiu
Thấy trong trại cấm trời chiều
Những con mắt đói tình yêu giống người
Thấy ư, tôi đã mù rồi?
Từ khi học tiếng nước người nhi nhô.