Khế Iêm nổi tiếng như người khởi xướng và nuôi dưỡng, và là cây viết lý luận chính yếu của phong trào thơ Tân hình thức Việt. Về sáng tác, anh cũng là một tác giả quan trọng.

Thơ Khế Iêm chứa nhiều những bóng hình thời thơ ấu, thời mới lớn, ký ức chiến tranh, chiêm nghiệm lẽ đời và tuổi già. Những yếu tố chính trị trong thơ anh chỉ thấp thoáng hiện diện. Những đề tài được ưa thích của Khế Iêm cũng là của phần lớn các nhà thơ đương đại – như quan hệ giữa người và người, thân phận, quê hương.  Do đó thơ anh nhiều bài đã gây xúc động cho người đọc dù cấu trúc hơi khác lạ. SAO KHUÊ

tự ca

 

Mở mắt

Nhấp nháy nghi, hồn nhiên

Rơi trên thềm, ruộng đồng chảy mật

Chưa bao giờ nước và đất thành bùn

Chưa bao giờ điêu linh là mộng

 

Ta khởi từ đời thật có

Chạy đi rồi về gió tất tưởi

Chiều xa chôn hờ thây ngoài non

Ðợi nhau từng giờ bướm thổn thức

 

Dừng lại con quay quẻ may rủi

Dắt tay bước qua cầu nước mắt

Thở dài

Cười

Tiếng hùng hổ

Nhè nhẹ rừng lời buông bông lơn

Nhát cuốc

Cỏ, hẳn nhiên chết

Cho nhanh ngày mầm héo xơ xác

Vay trả ngàn kiếp muôn biến đổi

Ta ca thiêm thiếp quê mùa thơm.

 

 

dấu quê

 

phà vào lũ mục

tử bằng đất nung

với tay nhón cái phôi

 

Xem thêm:   Thơ từ những nơi xa

pha với khói

tí tách

con mắt góc xếch

mé trong thế giới hai mặt một lời

(ai ở ngoài lời)

vẽ lại hình dạng đã thành quen

thói

 

phẩy con đường làm đôi

không biết lối nào có dấu quê

 

xuân tù 

Gửi TPK

 

Lửa mắt, hôn tóc sao

Chảy và khóc

Lời kinh mưa

 

Như trái tim kịch, lòng co quắp

Như bất ưng chiều run phiêu linh

Như chim bay qua rừng hát huyên náo

 

Ta, sâm thương nguồn gió đau đớn

Bên quán xưa men rượu còn chờ

Thây man di có tiếng hờn oán

Sông cuối sông về, hoa tinh mơ

 

Ngăn ngắt quanh ngực núi càn rỡ

Khuya liếp tranh hồn quê siêu sinh

Ta cắn răng cùng đá gầm rú

Trong nước trôi ngoài trăng lân tinh

 

Soi, bỗng nhiên dòng nỗi lam lũ

Ðang cuốn đi từng cơn phiếm du

Thiêm thiếp hơi gặm miếng tình cũ

Bao phế hưng ta mùa xuân tù.

tân hình thức và

câu chuyện kể

 

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề

đường và kể lại câu chuyện đã được

kể lại, từ nhiều đời mà đời nào

cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

 

giống lời nào, về người đàn bà và

đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được

gọi là chỗ chết, nơi góc phố được

gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

 

bằng than đen; gãy góc, xấu xí như

cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ

nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như

thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

 

nhưng người đàn bà và đàn con nheo

nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được

kể lại, như người khác đã từng kể

lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

 

chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự

kể lại, và không ai, ngay cả người

đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước

ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.

 

Xem thêm:   Phan Xuân Sinh

tết ở new york

 

Năm cũ không bước qua

năm mới vì năm mới

vốn thông thương với năm

cũ trong lúc lũ tết

và lũ tuyết ập xuống

mái nhà ôm lấy nhau

không chịu tan ra chẳng

khác nào năm cũ nằm

ôm lấy năm mới nhì

nhằng không thể bước qua

nhau mãi cho đến lúc

giật mình thức giấc bởi

tiếng động của cái lạnh

làm se da thay cho

tiếng pháo nhắc tới tết.