Trên trang này, chúng ta đã một lần gặp Huy Phương. Ông khởi viết năm 15 tuổi (1952), đăng thơ và tùy bút trên tuần báo Đời Mới. Và đã có hai tác phẩm: Mắt Đêm Dài (thơ) năm 1960 và Mây Trắng Đồn Xa (truyện) năm 1966. Đến Mỹ, ông tích cực hoạt động trong ngành báo chí, truyền thanh và truyền hình. Sở trường về Phiếm và Tạp Ghi. Đã xuất bản trên 10 tác phẩm.

Gần đây Huy Phương cho in “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già” -một thi phẩm. Ở đây vẫn còn chút hơi thơ lãng mạn của thời Đời Mới và Mắt Đêm Dài. Ngoài ra phần lớn tập thơ in đậm dấu vết thời thế từ 1954 ra đến hải ngoại bây giờ. Nào chiến tranh, lui binh, tù cải tạo, vượt biên, cuộc sống nơi chốn định cư tại Hoa Kỳ. Trước hết ông trách mình không trọn tình trọn nghĩa với cha mẹ, anh em, bè bạn, không tròn nhiệm vụ trai thời chiến, bỏ nước ra đi. Sau nữa, ông trách ai bỏ quên đồng đội mưu cầu giàu sang và tự do cho riêng mình. Huy Phương thành thật nghĩ rằng mình không xứng đáng với màu cờ tổ quốc. Ở Huy Phương yêu ghét phân minh, được diễn tả trên những trang thơ. Ngoài ra thơ Huy Phương đây đó còn vương nỗi hoài cảm và tiếc nhớ bâng khuâng. Nhờ vậy được ưa thích hơn. Những người đồng hội đồng thuyền với Huy Phương khi đọc Chúc Thư… sẽ thấy thấm thía nỗi đời và tìm thấy ở đây  giọng sử thi bi tráng của một thời. SAO KHUÊ

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

trang sách đời

 

Tuổi già chợt đến như trang cuối

Thấm thoắt còn đâu những chữ đầu

Ngày tháng tàn theo trang sách mỏng

Dầy chăng còn có những niềm đau.

 

Ví như mở lại trang sách cũ

Ðổi thay gì được một đôi câu

Cha mẹ sinh mình không nghĩ tựa

Ðời ta khi hết bạt về đâu ?

12 / 98

 

nhớ Huế

 

Mùa này nước Hương Giang có mặn

Muối đại dương có thấm vào sông?

Từ ngày anh đoạn tình bỏ Huế

Nguồn xa đã lạc mấy trăm dòng.

 

Mùa này Huế còn mưa tầm tã

Thương quê xưa vẫn nỗi đói nghèo

Anh ở nơi này vùng nắng ấm

Vẫn nhớ hoài đời mẹ gieo neo.

 

Mùa này quê có còn bão lụt

Chén cơm em còn độn sắn khoai?

Trên tiệc rượu người con xa xứ

Men nồng nào lẫn nước mắt cay.

 

Mùa này Huế có còn phượng đỏ

Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa

Nơi này cả một trời hoa tím

Nhớ em xưa tiếng guốc học trò

 

Mùa này Huế có còn áo trắng

Em hiện thân làm bướm tan trường

Thương ngày tháng một thời niên thiếu

Huế bây giờ – Huế đã mù sương.

 

Huế của tôi giờ đâu còn nữa

Cảnh vô hồn khuất nẻo người xưa

Hồn cô tịch hoàng thành hoang phế

Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ.

 

chúc thư 

(trích đoạn)

 

Tôi người lính già ở xa tổ quốc

Xa chiến trường lưu lạc tới đây

Nơi quê người sương pha tuyết đổ

Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.

 

Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội

Vẫn hiên ngang cho đến phút sau cùng

Ðã tự hiến thân mình cho tổ quốc

Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.

 

Không phải chỉ chịu ơn người đã chết

Tôi như còn mang món nợ nước non.

Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở

Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.

 

Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp

Có vui chi nhìn người lính chết già

Hổ thẹn đã không tròn ơn nước

Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.

 

Hãy quên tôi, người lính già  lưu lạc

Ðừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi

Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ

Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi…

bài tháng tư

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

 

Lũ chúng ta, ván cờ dở cuộc

Tướng bỏ thành, phá tượng, buông xe

Ta thân tốt chân trời góc bể

Nỗi qua sông chẳng hẹn ngày về.

 

Thuở đứt gánh tóc còn xanh mướt

Giờ nhìn nhau, bạc trắng phơ phơ

Hai mươi năm đốt đời trai trẻ

Buổi sa cơ, lỡ một thế cờ.

 

Mỗi nghìn đêm còn đau giấc mộng

Mỗi sáng nhìn đất nước khuất xa

Thân tráng sĩ – sức tàn lực kiệt

Mộng thời trai như bóng mây qua.

 

Những hố bom ngày xưa đã lấp

Biển muôn trùng xanh những nương dâu

Chiến trường xưa đã mờ dấu tích

Sao lòng ta nặng vết hằn đau

 

Người lính già tuổi chiều bóng xế

Chẳng còn xưa, chẳng có mai sau

Những tháng ngày sầu niềm đất khách

Vết thương lành, vết sẹo còn đau.

 

Ôi tháng tư, đốt lò hương cũ

Khóc người xưa, nhỏ lệ cho ta

Người đã khuất – còn nguyên khí phách

Ta sống còn – tháng đoạn, ngày qua.

4/04