Đoàn Xuân Thu là cây viết phiếm xuất sắc, có nhiều bài đăng trên Trẻ được người đọc yêu thích.

Ông sanh năm 1951, tại Mỹ Tho. Thuở nhỏ học Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn) và Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho). Ngoài ra, được biết ông có học Đại học Văn Khoa và Sư Phạm Cần Thơ, rồi dạy học, đi lính và làm thơ như bao chàng trai ngày ấy nhiều mộng mơ một thời lãng mạn. Lúc còn ở Việt Nam, ông cho biết có viết chút đỉnh, nhưng công việc chính là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm.

Đoàn Xuân Thu hiện ở Úc. Ông cho biết, đã về hưu vài năm nay nên có thời giờ viết nhiều hơn, như một dạng tâm tình.

Ở Melbourne được biết đến nhiều qua các bài viết trên báo chí Việt Ngữ tại Úc và trên các trang mạng xã hội, hoặc được trích đọc trên các đài phát thanh tư nhân ở Hoa Kỳ hiện nay.

Với tên thật cũng là bút hiệu, nhà văn Đoàn Xuân Thu ở Melbourne thỉnh thoảng cũng là thi sĩ có một số bài thơ gây nhiều xúc động, khi nói về mẹ già, quê hương đất nước.

Viết về thơ Đoàn Xuân Thu, nhà văn Lương Thư Trung có nhận định: Thơ Đoàn Xuân Thu không mới; chữ dùng không cố trau chuốt cầu kỳ, vận thơ không chạy theo trào lưu làm mới thơ như nhiều tác giả, nếu không muốn nói tác giả là một người làm thơ còn nặng phần cổ điển, nhưng nhờ tác giả đã tích lũy nhiều chất liệu qua dòng sông đời mấy mươi năm nhiều sóng gió nên thơ ông gần gũi với những thế hệ già và lưu lạc.

Chính vì vậy, thơ Đoàn Xuân Thu trầm lắng và buồn, tứ thơ không lạ mà làm người đọc dễ rung động, hồn thơ mang mang nỗi nhớ về một thời xa lắm, trải dài hơn 50  năm!!!

Xem thêm:   Chân Phương

Sau đây Trang Thơ xin trích đăng một vài bài tiêu biểu của thơ Đoàn Xuân Thu. SAO KHUÊ

lau lệ mình ên!

 

“Em còn có Mẹ già bên ấy!”

tiếng thơ buồn như tiếng thở than!

anh đọc thấy: “…hai hàng lụy nhỏ…

…có Mẹ già biết bỏ cho ai?!” *

 

Anh cũng có Mẹ già bên ấy,

Mẹ anh đã nằm dưới mộ sâu.

Cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ;

Mẹ chắc nhớ anh, nhớ để rầu.

 

Hai lăm tháng Chạp về tảo mộ;

hẹn lần, hẹn lữa, hẹn năm sau.

Năm nào cũng vậy, tiền không có;

không tiền, không có vé máy bay!

 

Ngày khánh tận mà anh khánh kiệt;

chỉ biết tàng xe đến phi trường.

“Ai về xứ Việt, quê hương đó

cho ké, giùm tôi, nỗi đoạn trường!”

 

Nỗi đoạn trường, áng chừng em khóc;

vẫn còn ai đó vỗ về em,

ai đó làm em không khóc nữa,

nỗi buồn nhớ Mẹ, chắc rồi quên.

 

Anh nhớ Mẹ, rồi anh cũng khóc;

Melbourne buồn, anh lau lệ mình ên! 

*ca dao

 

té sông

mùa nước nổi!

 

Con đã từng té sông mùa nước nổi;

má la làng, “cô bác! cứu con tôi!”

môi tím ngắt, bà con đem xốc nước,

trễ chút thôi, là con đã đi rồi.

.

Người ta nói có ba hồn, bảy vía,

con té sông… hồn vía mất hai phần,

con chậm, dở… biết bao lần ngơ ngẩn,

Má thương con mình: “tội nghiệp!… té sông!”

 

Xem thêm:   Thi Vũ

Con bên Má mỗi năm mùa nước nổi,

mênh mông đất trời, mênh mông biển thơ,

suy nghĩ thơ, suốt ngày con không nói,

Má thương con mình: “tội nghiệp!… té sông!”

.

Sông không chết, con tìm đường ra biển,

xa Má rồi! mùa nước nổi long đong,

đêm quê người nhớ quê nhà tha thiết,

nhớ vô cùng, thương câu nói “…té sông!”

vết khắc thời thơ dại!

 

Trường cũ anh về xưa lối thơ

hành lang chập choạng, mắt anh mờ

run run kính lão, dò vô lớp

trường xưa tạn mặt! người xưa mơ!

 

Anh giờ về lại lơ ngơ quá

ai chỉ giùm anh chỗ hẹn thề?

cuối lớp: “đây rồi bàn năm cũ!

còn khắc tên mình: hai chữ T”.

 

Cái thời mười bảy yêu say đắm

anh khắc tên mình quấn quýt nhau

ai ngờ đất nước trời binh biến

thương hải tang điền, em biển dâu.

 

Bạn bè chung lớp giờ tản lạc

đứa chết bỏ thây tại chiến trường

đứa chiếc xe lăn về cố quận

đứa thì thua trận, sống tha phương.

 

Em trước, anh sau, trồi ra biển

chữ tình, sóng dữ, vạt làm đôi

một nửa em mang về xứ Mỹ

xứ Úc anh về, ta rẽ đôi.

 

Trường đi không được nên ở lại

sầu: thương lớp cũ, khóc bàn xưa

tàn, lạc tình ta, theo vận nước

thầy, cô, trường cũ, buồn như mưa.

 

Chiều nay, một nửa anh, về lại

một nửa em, còn mãi chân mây

tên mình, vết khắc, thời thơ dại

trái tim rướm máu hãy còn đây.

 

Xem thêm:   Lâm Chương

Run run chạm lại thời hoa mộng

vết khắc tình sâu dẫu bụi mờ

(gợi nhớ thầy rầy: “không lo học!”

ai ngờ cấm túc hóa thành thơ).

 

Xế nửa dốc đời trời sắp tối

anh sợ không về kịp nữa đâu

“một nửa mang về!” em yêu dấu!

ráp lại tình ta sau biển dâu.

Đoàn Xuân Thu

Melbourne