Chu Ngạn Thư, sinh năm 1951 tại Bình Dương, tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn năm 1971 về dạy tại quê nhà. Mất ngày 24.8.2020. Chu Ngạn Thư khởi viết trước 1969.

Đã xuất bản: Thơ Chu Ngạn Thư, Con Đuông, Sài Gòn, 1974 và Thơ lục bát, tác giả tự xuất bản, 2011.

Nhà văn Lê Thị Huệ nhận định trên Gio-o.com: “Chu Ngạn Thư thuở ấy là một nhà thơ trẻ đã nổi tiếng trên tạp chí Văn và các tạp chí khác ở nền Văn Học Miền Nam 1954 -1975. Tôi đã chú ý đến ông chính là từ các bài thơ đăng trên tạp chí Văn.”

Cũng theo Lê Thị Huệ của trang Gio-o, Chu Ngạn Thư còn có Con Đường Thi Sỹ, sáng tác năm 1976, nội dung phản kháng, chống chế độ quyết liệt. Sau đây, để tưởng nhớ người thi sĩ của một thời chúng tôi xin trích giới thiệu một ít bài của Chu Ngạn Thư trước 1975, qua đó ta nhận thấy thi ngữ lóng lánh đẹp và tình cảm đằm thắm. SAO KHUÊ

qua sông

 

sông mưa gió lạnh vật vờ
có tôi khăn áo ngồi chờ
đến phiên
trên vai mỏi nỗi muộn phiền
qua sông, nào thấy cõi miền yên vui
ngày soi bóng lụn, thân tôi
bên kia hiện rõ dáng ngồi bên
đây

  

người xa

gửi Mạc

 

người đành chốn đó mê vui

bỏ tôi trông đợi như ngôi miếu tàn

trăng non xế bóng vội vàng

ngóng tin, tôi lụn như tàn nhang khuya

người xa, tôi xót tay chia

những bông quỳnh sớm nỡ lìa sương đêm

  

tiễn bước chân người

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

 

người sớm bước, ra đi

lúc tình chưa mở hội

thả bóng tối đầm đìa

vây hồn tôi, bối rối

 

chốn để gọi: trăm năm

có nằm trong dung, rủi?

mà người đã âm thầm

chọn: ra đi, chẳng nuối

 

ngọn-nến-người sớm chao

lụn khi chưa cuối kiếp

tình tôi sớm hư hao

trối trăng gì, chẳng kịp

 

tôi phải sống cách nào?

cùng vết thâm trong máu

tôi phải sống cách nào?

cùng cơn giông trong não…

 

thành phố vĩnh biệt

 (trích đoạn)

 

Sài Gòn, thôi chào lần cuối

lời vĩnh biệt gửi về một linh hồn trẻ, chết non

gửi về một thế hệ anh

chưa nở rộ đã tàn vội vã

chưa bước tới đã kéo lại bởi gông xiềng

 

Sài Gòn, gửi tới phố lời vĩnh quyết

chắc phải thảm hơn tất cả nụ cười buồn

(những nụ cười gượng gạo héo hắt.

Cười để thấy hơi thở mình còn trái tim mình

vẫn đập và khối óc vẫn chưa bị ô nhiễm bởi giáo điều)

chắc chắn lời anh gửi tới em, phố ạ

có thê thảm cũng không thua

những đời sống vất vưởng ở đây

bị chối từ

bị thù hằn

bị khinh miệt

nhưng vẫn nghĩ mình vô tội với tổ quốc quê hương

còn lời nào thê thảm hơn

cho những cuốn sách bị ném tung trên hè phố

cả thế hệ anh bị dập xoá dưới bước chân tiếp thu

 

Sài Gòn, Sài Gòn

cho anh gửi tới em lời chào

những hàng cây xanh Trần Quí Cáp, Nguyễn Du

những đọt me cao Tú Xương, Cường Ð

những chiếc lá me vàng

xinh xinh rơi trên tách cà phê hè phố

có bạn bè ngồi nói chuyện văn chương,

cho anh gửi lời chào luôn thể

ngôi nhà nguyện âm thầm

nằm đối diện khu Phao Lồ Chủng Viện

có ánh nến buồn như đôi mắt EM

thắp trong buổi sáng chúa nhật

con đường thơm mùi lá mới

 

chào những vỉa hè lát đá xanh Ðồn Ðất, Tự Do

anh lê mòn gót giày để đến quán cà phê quen

 

chào Hân chào Thu Hương Pagode

chào Pôle Nord, Brodard, Givral

chào những tách cà phê bạn bè mời gọi

chào những ly bia đầy tình nghĩa anh em

chào chiếc ghế chiếc bàn quen thuộc

những vần khói thuốc xanh quây quần

 

chào những gì sắp mất

chào những gì không còn

bạn bè đã thất tán

hẹn hò đã lãng quên…

giẫy cỏ

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

 

xế trưa

giẫy cỏ sau vườn

mới hay

cỏ mọc

đã vươn bằng người

 

cỏ vây quanh

lão đười ươi

mà ta đã cõng

một thời thanh niên

 

cỏ dầy

đến nỗi kinh thiên!

dẫu thiên kinh

tụng

ưu phiền khó tan

 

xế trưa

giẫy cỏ một hàng

xanh um đôi đám

than rằng:

– “cỏ chi?!”