Đó giờ tôi hay thấy người ta nói Việt Nam là “xứ lừa”, tôi không biết ý họ nói dân là con lừa hay toàn dân bị lừa, nhưng tôi không thích cách gọi đó. Nhưng công nhận, không phải khi không người ta nói vậy!

Người Hà Nội bây giờ (Facebook) 

  1. Đa cấp

Lúc các các công ty lừa đảo dưới dạng công ty đa cấp mới về Việt Nam, cách lừa đảo của họ là gặp ai cũng lôi kéo người ta vào công ty một cách trực tiếp không lòng vòng. Vì mới mẻ mà mỗi ngày họ đều có những “con mồi” mới. Trong các công ty đa cấp này, mỗi ngày luôn trình diễn kiểu làm việc nhóm hăng say, đoàn kết, mọi người vui chơi, ca hát, vỗ tay, thương yêu nhau chứ không cắm đầu cắm cổ chạy doanh số như các công ty khác. Mỗi ngày, các chương trình tôn vinh những nhân viên mới vào công ty đều được diễn ra như thật, để các “con mồi” mới “thưởng lãm”. Ai ai cũng phải xách bao bố để đựng tiền vì ai cũng lãnh lương mấy trăm triệu đồng/tháng, toàn tiền mặt. Họ đánh vào lòng tham, sự khát khao thay đổi cuộc sống và sự ngây thơ của “con mồi” – chỉ cần tìm cách đưa thêm người vào công ty, “dụ” người ta mua một vài món đồ vài triệu thôi, là một năm từ đôi bàn tay trắng bạn sẽ mua được nhà, làm hai năm xây biệt phủ. Khi “con mồi” có vẻ lung lay rồi thì cho cho những “đàn anh, đàn chị” đã gia nhập công ty trước đó chia sẻ kinh nghiệm, khoe “thành tích”… Còn nếu “con mồi” quá cứng đầu, họ sẽ “bao vây” con mồi thuyết giáo, thôi miên, làm mọi cách để “con mồi” nôn tiền ra. Ai không có tiền sẵn thì họ khuyên/hối thúc bán tư trang, tài sản, đi mượn…

Nói thiệt là ban đầu tôi cũng liêu xiêu khi nghe họ nói về quy mô công ty. Nhưng đến lúc phải bỏ số tiền lớn (với tôi lúc đó) mua hàng, thì tôi đã thấy sai sai, không có tiền mới xin việc, chứ ai lại bỏ tiền ra để được đi làm (trừ khi mua danh bán chức). Giọt nước nghi ngờ tràn ly là khi họ tìm mọi cách để ép tôi mua đồ, còn dụ tôi bán xe. Cũng rất vất vả để tôi ra khỏi được cái “động bàn tơ” đó. Về nhà, tôi đã bị ám ảnh cả tháng vì cú sốc đầu đời.

Vài năm sau, tôi lại gặp một người khác, với cách “dụ” của họ có “đầu tư” hơn. Khi đó tôi có hẹn với người bạn ở một quán cà phê, không biết do nhìn tôi có vẻ ngây thơ hay có vẻ hợp với nghề lừa đảo, tôi nhận thấy người đó “nhắm” tôi ngay khi tôi bước vào quán. Sau vài phút họ cố ý nhìn tôi từ xa thì họ tiến tới bàn của tôi, nói chuyện khá lịch sự, tỏ ý muốn trả tiền ly nước tôi vừa gọi. Sau đó, coi bộ thấy tôi dễ tánh, họ tự động ngồi xuống trước mặt tôi, nói Ðông nói Tây nói Nam nói Bắc dầu tôi quan tâm hay không. Cuối cùng họ móc ra một cái danh thiếp – vị trí trưởng phòng/giám đốc… – mời tôi vào công ty họ để tham khảo mô hình làm ăn của họ. Tên công ty thì mới, nhưng “ruột” vẫn là cái công ty cũ đã dụ tôi bán xe năm nào, họ đã đổi tên sau hàng ngàn bài tố cáo lừa đảo, hành hung người tố họ lừa đảo. Họ chỉ rời đi khi người bạn của tôi tới, và hai đứa tôi chuyển qua ngồi bàn khác.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Còn một dạng “dụ dỗ” bằng trò tình cảm, mà bạn tôi gặp rồi. Nó được một chàng trai quen qua mạng tán tỉnh, cũng hẹn gặp ở ngoài vài lần, lần cuối cùng họ gặp nhau là khi chàng chở nàng tới thẳng trụ sở một công ty đa cấp, đưa nàng vào dự buổi lễ phát lương theo xấp… của công ty. Bạn tôi phải kêu người thân tới “cứu” ra khỏi nơi đó.

Gần đây, cách “tuyển nhân viên” mới của các công ty đa cấp là đăng bài tuyển dụng lên mạng, ai muốn tìm việc thì tự vác “xác” tới công ty của họ. Hoặc những người tạo vẻ ngoài hào nhoáng trên mạng xã hội, làm mọi cách để thu hút những người hâm mộ, sau đó bán các giáo trình dạy làm giàu. Và, trong các giáo trình có mục gợi ý vào công ty đa cấp a, b, c…

Tôi không hiểu tại sao, tới tận bây chừ, khi các cách thức của các công ty đa cấp này được đăng khắp ngõ ngách internet mà người ta vẫn bị lừa. Dầu nhiều người tố cáo, nhưng không hiểu sao các công ty này vẫn sống khỏe trên nước mắt của những người trót tin họ, mà không bị các cơ quan hành pháp nào “dẹp loạn”.

Giờ giá xăng được “quan tâm” hơn giá kit-test (Facebook)

  1. Cúm Tàu

Những ngày gần đây, dân Hà Nội và những tỉnh miền Bắc đang chìm vào cúm Vũ Hán, người người nhiễm, nhà nhà nhiễm… Những tưởng ở khắp các trang mạng xã hội VN, người miền Bắc sẽ chửi nhau vô ý thức (dám để bản thân và gia đình nhiễm bệnh) như khi họ chửi người Sài Gòn, nhưng không. Họ lúc này nghĩ khác:

“Nghĩ lại thấy tội cho mấy người bị COVID-19 đời đầu, bị cả nước chửi không ngóc lên được, đi “tay vịn” (bia ôm) ở đâu cũng bị khui ra, rồi vợ chồng lục đục, gia đình tan nát! Mỗi bệnh nhân được xe đón – xe đưa, truyền thông săn đón, cộng đồng dõi theo. Thậm chí, thế giới cũng đưa tin… Nhưng nay, đến cái dây giăng trước cửa cũng chả có…”

“Người xưa có câu khi bạn mặc quần giữa đám cởi truồng thì bạn mới là người điên. Giờ thì F1 (người tiếp xúc với người nhiễm cúm Vũ Hán) giữa đám F0 (người nhiễm cúm Vũ Hán) mới là người cần cách ly. Còn người chưa từng nhiễm bệnh này, quả là kẻ đáng bị kỳ thị.”

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

“Có thể nói F0 hiện nay đã lên đến đỉnh cao của danh vọng. Ngày xưa bị xã hội hắt hủi, chửi bới, trốn chui trốn lủi, xua như hủi… Giờ người người nhà nhà dương tính, làm F0 sướng như vua. Nhà tôi có 5 người thì 4 người làm F0, tụ tập xem tivi nấu cơm rửa bát hát karaoke. Hàng xóm hay tin cả nhà F0 sang chém gió thăm hỏi, làm nồi lẩu nhậu. Sáng ăn cháo gà, chiều uống vitamin, tối ăn canh hầm tẩm bổ… Còn lại thằng em tôi làm F1 bị nhốt trong phòng, bát đũa để riêng không ai thèm ăn cùng, quần áo phải giặt tay không dám bỏ chung máy giặt, đến bữa đưa phích nước với gói mì tôm nhai qua ngày.
Vừa làm F0, tôi được mọi người hỏi han sức khoẻ, được add vào Nhóm Zalo F0 chém gió. Còn nhớ ngày làm F1 bị cô lập, nghỉ ở nhà vẫn bị ép doanh số, bị mấy thằng F0 sai vặt nhờ vả này kia, không làm đủ bị ăn chửi rồi trừ lương. Giờ làm F0 chẳng cần làm gì, lương vẫn full mà lại còn được gửi quà bánh. Thời thế đổi thay, nếu một thứ dị biệt có quá nhiều người sở hữu thì nó sẽ thành chuẩn mực xã hội. Ở chỗ tôi, hiện tại không làm F0 mới là dị hợm.”

Tôi không biết người “ở ngoải” họ đang đùa cho vui để mau hết ngày, hay đang cà khịa người Miền Nam. Sài Gòn và các tỉnh miền Nam mấy tháng trước, chỉ cần từng đá lông nheo, chạm tay, ở chung nhà với người có thể nhiễm cúm Tàu… người dân khổ sở biết chừng nào. Vì bị ngăn sông cấm chợ, căng dây vùng xanh ,vùng đỏ… bị hành hạ bởi các thể loại giấy đi đường, đi chợ…. bị bắt buộc chọt mũi test cúm Vũ Hán dầu không được đi đâu ra khỏi nhà, bị đi cách ly bất kể nhiễm bệnh hay không,

Người Hà Nội khi người Sài Gòn nhiễm bệnh (Facebook)

Từ đó mà con số ca nhiễm tăng cao, khi không nhiễm cũng nhiễm vì bị lây chéo ở các khu “cách ly tập trung”. Những người có việc bắt buộc phải về Việt Nam hoặc đi ra nước ngoài phải mất tiền gấp nhiều lần để “săn” vé bay “giải cứu”. Tới Việt Nam thì phải chọn giữa việc bỏ thêm nhiều tiền để cách ly trong khách sạn hoặc ít tiền để bị cách ly trong tình cảnh tệ. Có người đi không sao, về nằm trong cái hũ. Có những khu cách ly có bạo động vì người dân không được cung cấp thức ăn…

Trong lúc đó, trên khắp các trang mạng xã hội, đa số là người bên kia vĩ tuyến – những kẻ đang không nằm trong «tâm bão» – hả hê gõ phím miệt thị, chửi rủa, lên án bất cứ ai nhiễm bệnh, ai xếp hàng mua đồ ăn dự trữ, ai than khu cách ly không vệ sinh, ai than không đủ đồ ăn, ai chê bộ đội đi chợ không đúng «menu» đã đặt… Họ mặc kệ bao người chết oan vì bị bắt đi cách ly, bị buộc ra chỗ đông người để test coi có nhiễm cúm Tàu hay không… Lúc đó, toàn Sài Gòn, hiếm lắm mới có nhà không có F0 hay F1, nhưng nếu nói những lời mà người Hà Nội nói ở trên, thế nào cũng bị ném đá tới không còn hơi thở.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Không biết nên thấy vui hay thấy buồn, vì người miền Nam dễ tánh, không thù dai (trừ tôi), nên giờ, khi miền Bắc “bệnh”, không ai dồn dập gõ phím trù ẻo, rủa sả, mỉa mai… Trên các trang mạng xã hội, hầu như không có ai đáp trả những bài viết tỏ vẻ “ganh tỵ” với các F0 “đời đầu” được “chăm sóc” tới tận… hũ cốt như trên. Riêng bản thân tôi, chắc do chưa đạt đạo, nên đọc các bài đó, tôi cứ thấy khó chịu vì sự không công bằng một cách rõ ràng, công khai đang diễn ra trước mắt mình. Cảm giác như khi tôi đọc các bài báo về việc nhân viên của các công ty đa cấp lừa đảo người dân mất tiền, ép buộc người dân phải «nôn» tiền ra mới được rời khỏi công ty, họ đi báo công an, không ai chịu giải quyết, các công ty đó vẫn sừng sững theo thời gian. Nhiều người đăng bài lên mạng tố cáo còn bị mắng là ngu, thời nào rồi mà còn để «bọn đa cấp» lừa… Giống như các cô gái bị sàm sỡ, bị thiên hạ trách ăn mặc hở hang. Người ta bị giật dây chuyền, bị thiên hạ trách khoe của. Người ta nhiễm cúm Tàu, bị trách không ý thức, thậm chí còn bị moi móc cuộc đời riêng.

Tuy ở Sài Gòn giờ ra đường cũng không mấy ai nhắc đến cúm Vũ Hán gì nữa. Ai nhiễm thì tự điều trị, thấy khỏe rồi thì đi làm lại. Ðám ma do đột quỵ, tự tử, giết nhau… nhiều hơn do nhiễm cúm Tàu. Người người nhà nhà phải chạy đua với cơm áo gạo tiền, tìm cách phục hồi kinh tế để đóng thuế, đổ đầy bình xăng giá “kỷ lục”, chuẩn bị tinh thần cho muôn thứ tăng giá sắp tới…

Nhưng trong lòng Sài Gòn, sẽ không thể thống kê được bao gia đình đang kìm nén nỗi uất hận, rơi nước mắt đắng cay khi đọc tin về kit-test Việt Á. Khi nghe tin các cán bộ của Bộ y tế VN ở khắp các tỉnh bị bắt vì nâng khống giá thiết bị điều trị, giá thuốc, nhập thuốc dỏm… Khi nghe người trong Cục Ngoại Giao bị bắt vì các «chuyến bay giải cứu». Khi nghe tin Nguyễn Quốc Khiêm – không phải sinh viên Y, nhưng được cổng thông tin của Bộ y tế khen ngợi hết lời, được trở thành “thạc sĩ – bác sĩ điều trị”, ra các y lệnh, được giao quyền quản lý cả khu cách ly và điều trị hàng ngàn bệnh nhân. Tôi tin sẽ còn nhiều tin như vậy hoặc tệ hơn thế nữa… vì:

“Chúng ta biết họ đang nói dối. Họ cũng biết họ đang nói dối. Họ càng biết chúng ta biết họ nói dối. Nhưng họ vẫn cứ tiếp tục nói dối.”

Bài viết ca ngợi bác sĩ dỏm trên cổng thông tin Bộ y tế VN đã bị xóa nhưng vẫn có thể tìm trên internet (cache Google)

DU